Nga tuyên bố trả nợ nước ngoài bằng đồng rúp đúng thời điểm bị dự báo sẽ ‘vỡ nợ’
Nga thông báo sẽ thanh toán các khoản nợ nước ngoài đến hạn bằng đồng rúp, đúng thời điểm Mỹ không gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt, được cho là đẩy Moskva vào tình trạng “vỡ nợ kỹ thuật”.
Theo đài RT, ngày 25/5, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cho biết Moskva có kế hoạch thanh toán nợ nước ngoài bằng đồng rúp. Điều này xảy ra sau khi Washington ngăn chặn Nga trả nợ bằng ngoại tệ cho các trái chủ Mỹ.
Ông Volodin nói thêm rằng Nga có tất cả các nguồn lực tiền tệ cần thiết cho các khoản thanh toán. “Mỹ và các vệ tinh ủng hộ quyết định của Washington nên quen với đồng rúp”, ông Volodin tuyên bố trên kênh Telegram cá nhân vào ngày 25/5. Ông trích dẫn kinh nghiệm của Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp cho các lô hàng khí đốt như một ví dụ cho thấy phương thức thanh toán nợ bằng đồng nội tệ Nga có thể hiệu quả.
Bộ Tài chính Nga cùng ngày cũng xác nhận trong một tuyên bố rằng Moskva sẽ tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ nợ nhà nước của mình, bất chấp việc thắt chặt các hạn chế quốc tế.
“Quyết định của Bộ Tài chính Mỹ từ chối gia hạn giấy phép… trước hết là vi phạm quyền của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các công cụ nợ của Nga và làm suy yếu niềm tin vào cơ sở hạ tầng tài chính của phương Tây”, Bộ trên cho biết. Tuyên bố nói thêm rằng “Bộ Tài chính Nga, với tư cách là một bên đi vay có trách nhiệm, xác nhận sẵn sàng tiếp tục phục vụ và thanh toán tất cả các nghĩa vụ nợ.”
Trước đó ngày 24/5, Bộ Tài chính Mỹ thông báo sẽ không gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt cho phép Nga thanh toán các khoản nợ chính phủ cho các nhà đầu tư Mỹ, trong một động thái mà giới chức Mỹ trước đây từng cho rằng sẽ khiến Moskva rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật. Giấy phép miễn trừ đã hết hạn lúc 04:01 sáng theo giờ GMT (tức 11h theo giờ VN) ngày 25/5.
Trong thông báo ngày 25/5, Bộ Tài chính Nga nói thêm rằng sẽ có “khả năng sau này chuyển đổi chúng (các khoản thanh toán) thành tiền tệ gốc” bằng cách sử dụng một tổ chức tài chính của Nga làm đại lý thanh toán.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã phần lớn cắt đứt nước này khỏi hệ thống tài chính quốc tế, bao gồm cả việc ngăn chặn khả năng của Moskva trong việc tiếp cận các khoản tiền gửi trong các ngân hàng của Mỹ để thanh toán cho chủ nợ nước ngoài.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết trong một tuyên bố rằng tình hình hiện tại là “do một quốc gia không thân thiện tạo ra một cách giả tạo”. Ông nói rằng điều đó “chủ yếu làm tổn hại đến quyền của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các công cụ nợ của Nga”.
Bộ trưởng Siluanov nhấn mạnh tình hình lúc này hoàn toàn không giống với vụ việc năm 1998, khi Nga vỡ nợ các khoản vay tiền rúp trong nước do khủng hoảng tài chính: “Bây giờ chúng tôi có tiền và muốn thanh toán”, ông nói.
Video đang HOT
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuần trước cho biết “nếu Nga không thể tìm ra cách hợp pháp để thực hiện các khoản thanh toán này… thì về mặt kỹ thuật, họ sẽ vỡ nợ”.
Chính phủ Nga đã cố gắng thanh toán bằng nội tệ, nhưng nhiều trái phiếu không cho phép hoàn trả bằng đồng rúp. Thời hạn trả nợ tiếp theo vào ngày 27/5 là với 100 triệu euro tiền lãi của hai loại trái phiếu: một trái phiếu yêu cầu thanh toán bằng USD, euro, bảng Anh hoặc franc Thụy Sĩ; loại còn lại có thể trả bằng rúp. Theo tin từ Reuters và tờ Wall Street Journal cuối tuần trước, Bộ Tài chính Nga đã chuyển tiền ra nước ngoài sớm để thực hiện các khoản thanh toán và tránh vỡ nợ.
Ngoài ra, gần 400 triệu USD tiền lãi sẽ đến hạn vào cuối tháng 6 tới.
Sau thời gian gia hạn từ 15 đến 30 ngày sau thời điểm lỡ thanh toán, Nga có thể sẽ bị tuyên bố là vỡ nợ, làm xấu đi tình hình tài chính của mình và cho phép các chủ nợ thực hiện hành động pháp lý để thu hồi tiền.
Lần gần đây nhất Nga vỡ nợ nước ngoài là vào năm 1918, khi lãnh tụ cuộc Cách mạng Tháng Mười Vladimir Lenin từ chối công nhận các nghĩa vụ tài chính của chế độ Sa hoàng đã bị lật đổ.
Thoát vỡ nợ ngày 29/4, Nga có thể trả được khoản nợ lớn cuối tháng 5 không?
Nga có thể đã tránh được cú vỡ nợ lịch sử sau khi tuyên bố đã thực hiện một số khoản thanh toán quá hạn bằng USD cho trái phiếu nước ngoài.
Giờ đây thị trường chuyển chú ý sang các khoản thanh toán sắp tới hạn của Nga và dự báo liệu Nga có ngăn chặn được vụ vỡ nợ vào cuối tháng 5 hay không.
Đồng tiền giấy và tiền xu ruble tại Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng tin Reuters, 40 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Nga và nguy cơ vỡ nợ đã trở thành tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu kể từ khi nước này hứng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh sau chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2.
Chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến Nga bị trừng phạt nặng nề, khiến khả năng trả nợ của Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguy cơ vỡ nợ đã tăng lên đáng kể vào đầu tháng 4 khi Mỹ ngăn Chính phủ Nga sử dụng nguồn dự trữ bị đóng băng để trả khoảng 650 triệu USD cho các trái chủ của mình.
Tránh vỡ nợ lịch sử
Vào ngày 29/4, Bộ Tài chính Nga cho biết họ đã thanh toán 564,8 triệu USD tiền phiếu trả lãi và nghĩa vụ mua lại bằng USD cho một trái phiếu đáo hạn vào năm 2022, và một khoản thanh toán phiếu trả lãi 84,4 triệu USD cho một khoản thanh toán khác đến hạn vào năm 2042.
Thông báo này đã gây bất ngờ cho các thị trường vốn đang chuẩn bị cho sự cố Nga vỡ nợ vào cuối thời gian ân hạn vào ngày 29/4. Như vậy, Nga đã tránh được vụ vỡ nợ bên ngoài lớn nhất trong hơn một thế kỷ qua.
Cụ thể , Bộ tài chính Nga thông báo họ đã trả gần 564,8 triệu USD mà họ nợ các trái chủ. Hai chủ nợ nói với Reuters rằng họ vẫn chưa thấy tiền trong tài khoản của mình, nhưng một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ xác nhận rằng các khoản thanh toán đã được thực hiện và nguồn tiền dường như nằm ngoài giới hạn của các lệnh trừng phạt hiện hành.
Ủy ban Phán quyết Phái sinh Tín dụng, đại diện cho các ngân hàng lớn trên toàn cầu và các nhà quản lý tài sản, đã họp vào 29/4 và thừa nhận các báo cáo về các khoản thanh toán của Nga. Tuy nhiên, ủy ban này vẫn đưa ra kế hoạch cho một cuộc đấu giá hoán đổi nợ tín dụng vào tuần tới để chuẩn bị cho khả năng Nga không thể thanh toán nợ.
Phản ứng của thị trường
Theo các nhà giao dịch, giá trái phiếu Nga đã tăng cao hơn, trong một số trường hợp tăng 15 xu, gần gấp đôi giá. Trái phiếu của các công ty lớn vẫn chưa bị trừng phạt như Gazprom, Lukoil và công ty viễn thông VimpelCom cũng được tăng 2-5 xu.
Theo S&P Global Market Intelligence, bảo hiểm chống vỡ nợ của Nga đã giảm, khi các khoản hoán đổi nợ tín dụng trong 5 năm liên quan đến khoản nợ có chủ quyền của Nga đã giảm từ 76,4% xuống còn 64,333%.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Sau khi Nga đã thanh toán được các khoản nợ vào ngày 29/4, sự chú ý sẽ chuyển sang hai sự kiện vào cuối tháng 5.
Bảng điện tử thông báo tỷ giá đồng ruble với đồng đôla Mỹ và đồng euro tại thủ đô Moskva, Nga ngày 22/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Thứ nhất, các giao dịch giữa cá nhân Mỹ và bộ tài chính, ngân hàng trung ương hoặc quỹ tài sản quốc gia của Nga chỉ được phép diễn ra theo giấy phép tạm thời do Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Mỹ (OFAC) cấp. Giấy phép này sẽ hết hạn vào ngày 25/5. Bộ Tài chính Mỹ chưa bình luận về liệu thời hạn đó có được gia hạn hay không.
Thứ hai, Nga phải đối mặt với các khoản thanh toán phiếu trả lãi đến hạn vào ngày 27/5 đối với trái phiếu bằng USD phát hành năm 2016 và trái phiếu bằng đồng euro phát hành vào năm 2021.
Nga có thể thanh toán trái phiếu euro bằng đồng ruble trong trường hợp cuối cùng, nhưng trái phiếu USD không có điều khoản đó.
Các trái phiếu liên quan đến khoản thanh toán ngày 4/4 không có lựa chọn thanh toán bằng đồng ruble. Đây là điều quan trọng trong việc xác định rằng đã xảy ra khả năng không thanh toán được khi Nga cố gắng thanh toán bằng đồng ruble.
Nga nợ bao nhiêu tiền và Nga có tiền không?
Sau khi xong nghĩa vụ với các khoản thanh toán tuần trước, nghĩa vụ thanh toán trái phiếu quốc tế của Nga đến cuối năm là khoảng 2 tỷ USD.
Trước cuộc khủng hoảng Ukraine, khoảng 20 tỷ USD, tức một nửa số ngoại tệ chưa phát hành, được các quỹ đầu tư và các nhà quản lý tiền tệ bên ngoài Nga nắm giữ.
Mối đe dọa vỡ nợ của Nga không bình thường ở chỗ Nga có tiền để trả các nghĩa vụ nợ, nhưng thực tế là một số nguồn tiền bị đóng băng hoặc bị trừng phạt khiến Nga không muốn thanh toán từ các nguồn tiền khác, chứ không phải là không có khả năng thanh toán.
Chỉ một nửa trong số hơn 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng do các lệnh trừng phạt.
Ngay cả khi châu Âu đã cam kết đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình, thì năm nay, trung bình Nga đã thu được gần 1 tỷ USD doanh thu mỗi ngày từ việc bán dầu, than và khí đốt.
Công ty đầu tiên ở Nga vỡ nợ dưới sức ép trừng phạt của phương Tây Một ủy ban tài chính toàn cầu đã ra phán quyết rằng Công ty Đường sắt Nga đã vỡ nợ sau khi công ty này không thể thanh toán lãi cho khoản trái phiếu trị giá 268 triệu USD. Nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ngăn cản Nga tiếp cận hệ thống tài chính thế giới. Ảnh...