Nga Trung tập trận “chiếm đảo” ở Biển Đông: Việt Nam cần cảnh giác!
Cuộc tập trận giữa Nga và Trung Quốc ở Biển Đông (diễn ra tại khu vực ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) bắt đầu thứ Hai 12/9, kéo dài tám ngày mang tên “Joint Sea-2016 (Phối hợp trên Biển 2016). Cuộc tập trận có tàu ngầm, tàu khu trục, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và lính thủy đánh bộ tham dự. Đáng chú ý, quân đội hai nước không chỉ tập phòng thủ, cứu hộ, chống tàu ngầm mà còn bắn đạn thật, đổ bộ “ chiếm đảo” rất nhạy cảm khi tình hình Biển Đông đang căng thẳng.
Theo giới chuyên gia quân sự Nhật Bản, thoạt nhìn thì các chiến hạm mà Nga phái xuống Biển Đông tập trận chung với Trung Quốc thuộc loại đáng gờm. Hai chiếc Đô đốc Tributs và Đô đốc Vinogradov đều là khu trục hạm chống ngầm, đồng thời có thêm khả năng chống hạm với tên lửa chống hạm siêu thanh Moskit P-270. Còn tàu đổ bộ Peresvet có khả năng mang đến 450 tấn thiết bị, tức là có thể chở 10 xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc 12 xe bọc thép, cộng với khoảng từ 230 đến 340 quân. Tàu tuần dương tên lửa Varyag mạnh nhất của Hạm đội Thái Bình Dương mang theo 16 tên lửa chống hạm SS-N-12, có tầm bắn 500 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Các binh sỹ hải quân Trung Quốc xếp thành hàng chào đón các tàu hải quân Nga cập cảng tại Trạm Giang, sáng 12/9. (Ảnh: Chinamil)
Thế nhưng, theo ghi nhận của báo mạng Nhật Bản The Diplomat, nhóm tàu mà Nga phái đi tập trận cùng với Trung Quốc chỉ có một quy mô hạn chế mà thôi. Số lượng ba chiến hạm và hai tàu phục vụ nhỏ, và việc có tàu ngầm hay không không được tiết lộ.
Ngoài ra, các chiến hạm mà Hạm Đội Thái Bình Dương cử xuống Biển Đông tập trận không phải là loại tàu tối tân nhất của Nga. Chỉ có chiếc tàu đổ bộ Peresvet là được hạ thủy vào đầu thập niên 90, còn các khu trục hạm đều là tàu có từ thời Liên Xô cũ.
Tờ The Diplomat cho rằng, Mátxcơva cẩn thận, Nga không thể không tham gia cuộc tập trận trên Biển Đông do Trung Quốc khởi xướng, nhưng, việc Nga tham gia chỉ mang tính chất chiếu lệ khi họ quyết định phái một hạm đội rất bình thường xuống Biển Đông.
Giới chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, trong cuộc tập trận này, Nga cũng khôn khéo đặt ra cái bẫy đề phòng Trung Quốc. Theo tạp chí National Interest của Mỹ, rất có thể mục tiêu thực sự của Nga là do thám những tàu ngầm như 039G sẽ tham gia cuộc tập trận này. Mặc dù không được đánh giá cao về chất lượng nhưng với số lượng đông đảo của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, sự thận trọng của Nga được cho rằng không phải là thừa.
Mục tiêu một cuộc tập trận là phô trương thanh thế và uy lực. Thế nhưng Nga cố gắng hạn chế nhắm mục tiêu đó lần này trên Biển Đông, một mặt vì không muốn đụng chạm Việt Nam, một mặt khác là không muốn cho thế giới thấy là mình hoàn toàn về hùa với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Địa điểm diễn ra tập trận Nga-Trung ở Biển Đông đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xác định mục đích thực sự của cả hai bên.
Trong khi đó, ngược lại với Nga, Trung Quốc đã cử đội tàu và các máy bay chiến đấu tiên tiến nhất tham gia cuộc tập trận.
Vị trí tỉnh Quảng Đông (màu vàng), phía nam Trung Quốc.
Với lý do là cuộc tập trận chung lần thứ 5 giữa hai quốc gia từ 2012 (định kỳ) nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên, nhưng là lần đầu diễn ra ở Biển Đông. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng gia tăng sức ép, yêu cầu Trung Quốc chấp hành phán quyết của trọng tài quốc tế Hague, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vạch ra để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.
Video đang HOT
Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng, Trung Quốc đã chọn thời điểm để khơi mào rắc rối trên Biển Đông, đúng vào thời điểm Mỹ đang bị phân tâm rất nhiều vào trong vấn đề lựa chọn vị tổng thống tiếp theo, quốc gia duy nhất thực sự có thể ngăn cản Bắc Kinh trở thành kẻ gây rối. Đặc biệt, Trung Quốc tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận thế giới bằng những điểm nóng khác, như vấn đề Triều Tiên thử hạt nhân.
Việc tổ chức tập trận đã bị đăt câu hỏi trong Hôi nghị Thượng đỉnh G20 vừa kết thúc tại Hàng Châu, Trung Quốc, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai 5/9 tuyên bố rằng nó”không ảnh hưởng tới lợi ích của bất kỳ ai, và có lợi cho an ninh của cả Nga lẫn Trung Quốc”. Đặc biệt, ông Putin còn tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague trong vụ kiện biển đảo của Philippines. Trước đó, tại Moscow hồi tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thì nói “theo giọng Trung Quốc” rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết mà không có sự can thiệp của bên thứ ba hay nỗ lực quốc tế hóa vấn đề. Nga đã thể hiện rõ lập trường rất có lợi cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, có thể đe dọa làm tổn hại lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, trong đó có Việt Nam.
Nga thủ lợi khi ủng hộ Trung Quốc tranh giành Biển Đông ?
Trung Quốc nhiều năm qua đã trở thành quốc gia nhập khẩu khí tài quân sự lớn nhất từ Nga, bao gồm các động cơ máy bay chiến đấu. Trung Quốc dù là một nước lớn, nhưng thiếu những người bạn tin cậy, ngoại trừ Pakistan. Nga cũng không có nhiều đồng minh, đặc biệt sau căng thẳng với Mỹ và phương Tây về vấn đề Syria và bán đảo Crimea.
Ông Andrew O’Neil, chuyên gia hàng đầu của Úc về các vấn đề chiến lược châu Á tại trường Đại học Griffith nhận định, xét trên phương diện chiến lược, tập trận Nga-Trung không giống như tập trận giữa các đồng minh, liên quan đến sự tin tưởng và chia sẻ kinh nghiệm mà chỉ nên được xem như một biểu tượng chính trị.
Tàu hải quân Trung Quốc đi qua eo biển Tsushima trên biển Nhật Bản trong một cuộc tập trận chung với Nga. Ảnh: Presstv
Nếu địa điểm diễn ra ở sâu xuống phía nam Biển Đông, gần hơn với quần đảo Hoàng Sa hoặc Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo đối với cộng đồng quốc tế, rằng Nga ngầm đứng về phía Trung Quốc, trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, Moscow hoàn toàn hiểu rõ thiệt hại về uy tín và lợi ích chiến lược đối nếu lựa chọn như vậy.
Vì vậy Nga và Trung Quốc tính toán về cuộc tập trận tại Biển Đông diễn ra ở vùng biển không tranh chấp. Trung Quốc vẫn có thể tập trận cùng Nga ở Biển Đông trong khi Nga vẫn có thể cố giữ lập trường trung lập về vấn đề Biển Đông.
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, Trung Quốc vừa là láng giềng sát vách có nhiều ân oán thăng trầm, vừa là nước đang chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa và 7 thực thể ở Trường Sa của Việt Nam. Còn Nga là nhà cung cấp vũ khí trang bị lớn nhất của Việt Nam, đối tác chủ yếu của Việt Nam trong hoạt động khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam. Bởi vậy những động thái hợp tác giữa hai nước này về vấn đề Biển Đông càng trở nên quan trọng trong tìm hiểu và nắm rõ ý đồ, tránh những thiệt hại.
Chiến sỹ Hải quân Việt Nam canh gác tại đảo Tốc Tan A. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN
Dù Nga chiếm một vị trí quan trọng trong tình cảm của không ít người Việt Nam, cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhưng việc nào phải ra việc đó. Chỉ có ứng xử công khai, minh bạch, tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc của luật pháp quốc tế mới giúp hai nước duy trì tình hữu nghị được lâu dài. Nga có lợi ích và tính toán của Nga, chúng ta cũng vậy, cần có những đối thoại hết sức thẳng thắn, khách quan, cầu thị, chân thành trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Nên nhớ rằng, tháng 3 năm 1988 khi Trung Quốc xâm lược Gạc Ma và thảm sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ xây dựng tay không tấc sắt, hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh án binh bất động. Những bài học lịch sử này luôn có tính thời sự nóng hổi mà mỗi người Việt Nam cần nhớ nằm lòng, không được phép lãng quên.
Chiến sĩ hải quân trên hai tàu ngầm kilo 182 – Hà Nội và 183 – TP.HCM
Tỉnh táo, cảnh giác, hành động ứng xử theo pháp luật quốc tế, nhận thức đúng đắn về các quan hệ với các nước và gắn chặt với các hoạt động đối nội, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc mới có thể giúp chúng ta lớn mạnh, không bị biến thành nạn nhân cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn. Có như vậy chúng ta mới thực sự giữ được độc lập, bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng, phức tạp như hiện nay.
Bạn đọc Nguyễn Anh
Theo NTD
Cuộc tập trận bắn đạn thật trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông
Hải quân Trung Quốc huy động chiến hạm, tàu ngầm, chiến đấu cơ tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông trong bối cảnh Toà trọng tài sẽ ra phán quyết đối với "đường lưỡi bò" vào 12/7 tới.
Hôm 8/7, hải quân Trung Quốc ngang nhiên tập trận bắn đạn thật gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các chiến hạm, tàu ngầm chia làm hai đội màu xanh, đỏ diễn tập hỗ trợ phòng thủ, tấn công. Toàn bộ các lãnh đạo hải quân Trung Quốc đều có mặt chứng kiến cuộc tập trận.
Đô đốc Ngô Thắng Lợi, chỉ huy cao nhất của hải quân Trung Quốc cũng tới giám sát tập trận. Trung Quốc huy động hạm đội Nam Hải và các chiến hạm chủ lực của hạm đội Bắc Hải, Đông Hải tham gia tập trận diễn ra từ 5/7 đến 11/7.
Tại cuộc họp báo hôm 4/7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố đây là "cuộc tập trận thông thường theo kế hoạch của hải quân" và tố truyền thông các nước "nhìn nhận tiêu cực" về động thái này. Trong ảnh là khinh hạm số hiệu 504 của Trung Quốc diễn tập bắn tên lửa.
Binh sĩ hải quân Trung Quốc trong cuộc tập trận trái phép.
Giới quan sát coi đây là hành động hăm dọa của Trung Quốc trước thềm phán quyết dự kiến của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện nước này về yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Binh sĩ Trung Quốc trong khu trục hạm tên lửa Hợp Phì (He Fei), số hiệu 174, đang tìm mục tiêu "quân xanh". Tàu này có chiều dài 155m, rộng 17m, cao 6m. Tàu được trang bị pháo đa năng 130 mm H/PJ-38, tên lửa chống hạm YJ-62 và Y-18, pháo phòng thủ và có trực thăng đi theo.
Binh sĩ Trung Quốc trong tàu ngầm lớp Tống (Song) tham gia tập trận. Đây là tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel.
Trung Quốc huy động cả tên lửa đất đối hạm, tên lửa phòng không S-300 MPU 2 tham gia tập trận. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay lập tức.
Văn Việt
Theo Xinhua
Thủy quân lục chiến Nga - Trung tập trận đổ bộ, leo tường Các binh sĩ Nga, Trung Quốc hôm qua tham gia hoạt động bắn súng, leo tường, vượt biển, đổ bộ ở tỉnh Quảng Đông, trong cuộc tập trận thường niên. Alexander Fedotenkov, phó tư lệnh hải quân Nga (trái) và Wang Hai, chỉ huy cuộc tập trận về phía Trung Quốc, phó tư lệnh hải quân Trung Quốc, hôm qua tuyên bố bắt...