Nga trừng phạt Libya: Đòn bất ngờ hay vỏ bọc?
Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bất ngờ ký một sắc lệnh ủng hộ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc cho phép các nước can thiệp quân sự vào Libya. Chưa hết, Nga còn thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với đất nước Bắc Phi. Động thái có phần bất ngờ này khiến nhiều người đặt câu hỏi về lý do đằng sau sự thay đổi nhanh chóng của Moscow.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev
Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, sắc lệnh của Nga về việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Libya nhằm gây sức ép nhiều hơn nữa lên Tổng thống Muammar Gaddafi sẽ không có mấy ảnh hưởng đến cuộc khủng hoảng ở đất nước Bắc Phi.
Nga đang thoả hiệp với phương Tây?
Video đang HOT
Sở dĩ nhiều người bất ngờ trước việc Nga trừng phạt Libya là vì đó là sự thay đổi hoàn toàn và quá nhanh chóng của giới lãnh đạo ở Moscow. Ngay từ đầu khi cuộc nổi dậy ở Libya nổ ra từ hồi giữa tháng 2, Nga đã bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Libya. Nghị quyết này cho phép áp đặt lệnh cấm bay ở Libya và bật đèn xanh cho các nước phương Tây can thiệp quân sự vào đất nước Bắc Phi nhằm bảo vệ dân thường. Nga không ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc vì nước này có mối quan hệ khá thân thiết với Libya. Nga có lợi ích thương mại to lớn ở Libya, gồm các hợp đồng vũ khí, các dự án khai thác dầu mỏ và xây dựng đường sắt béo bở.
Trong khi các nước phương Tây tiến hành đánh Libya thì Moscow kêu gọi chính phủ của ông Gaddafi và phe đối lập ngồi lại đàm phán với nhau để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho tình hình căng thẳng ở đất nước Bắc Phi. Moscow cũng thường xuyên lên tiếng phản đối các hành động của NATO ở Libya.
Tuy nhiên, khi cán cân quyền lực bắt đầu nghiêng dần về phía phe nổi dậy thì Moscow bắt đầu dần thay đổi lập trường. Từ việc công khai kêu gọi Tổng thống Gaddafi từ chức hồi tháng 6, Moscow tiến dần đến công nhận tính hợp pháp của phe nổi dậy Libya và phủ nhận chính quyền của ông Gaddafi. Mới đây nhất, hôm 12/8 vừa rồi, Tổng thống Nga đã quyết định thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Libya.
Người đứng đầu Viện Trung Đông của Nga – ông Yevgeny Satanovsky tin rằng, “chắc chắn đã có những sự trao đổi quan trọng giữa Moscow và phương Tây” đằng sau sự thay đổi lập trường bất ngờ của điện Kremlin.
Theo ông Satanovsky, các nước phương Tây chắc chắn đã phải đưa ra những nhượng bộ lớn trong lĩnh vực nào đó để đổi lại sự ủng hộ của Nga cho vấn đề Libya.
Tháng trước, Moscow đã ký một thoả thuận mua tàu chiến được chờ đợi từ rất lâu với Pháp đồng thời nhận được câu trả lời đầy hứa hẹn từ Mỹ về việc gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hơn nữa, phe nổi dậy Libya cũng đã cam kết sẽ thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các hợp đồng mà chính quyền của ông Gaddafi đã ký với Nga trước đây.
Ảnh hưởng hạn chế
Theo sắc lệnh mới mà Tổng thống Medvedev vừa ký hôm 12/8, Nga sẽ cấm tất cả các chuyến bay không vì mục đích nhân đạo tới Libya trên không phận Nga cũng như cấm tất cả các giao dịch tài chính liênq uan đến tài sản của ông Gaddafi và gia đình ông này.
Đánh giá về sắc lệnh trừng phạt trên, báo chí địa phương và các nhà phân tích đều cho rằng, những biện pháp trừng phạt mà Nga áp dụng với Libya không hơn gì một động thái thể hiện “thành ý” của Moscow dành cho phương Tây.
Ông Sergei Demidenko, một chuyên gia cấp cao thuộc Viện Phân tích và Đánh giá Chiến lược của Nga, nhấn mạnh, việc Nga thắt chặt lệnh trừng phạt với Libya sẽ chẳng có tác dụng gì mấy. Động thái đó không thể giúp giải quyết bất kỳ vấn đề thực sự nào ở Libya và Moscow cũng sẽ thất bại trong việc gây áp lực buộc Nhà lãnh đạo Gaddafi phải ra đi.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, sắc lệnh trừng phạt của Tổng thống Nga sẽ làm xấu đi mối quan hệ giữa Moscow và Tripoli. Mặc dù vậy, ông Gaddafi cũng sẽ không cắt đứt mối quan hệ với Nga vì còn cần nước này để liên lạc, tiếp xúc với phương Tây.
Cựu Đaị sứ Nga tại Libya – ông Veniamin Popov nhận định, mối quan hệ kinh tế song phương giữa Nga với Libya sẽ phải chịu ảnh huởng nhiều nhất từ các biện pháp trừng phạt.
Hầu hết giới phân tích đều tin, cả các biện pháp trừng phạt lẫn các cuộc không kích sẽ không giúp giải quyết tình trạng bế tắc ở Libya bởi cho đến nay, tất cả các bên có liên quan đều nhất quyết không chịu lùi bước.
Về tương lai của đất nước Bắc Phi, khả năng Libya bị chia cắt làm hai sẽ cao hơn là khả năng ông Gaddafi ra đi.