Nga trình LHQ dự thảo nghị quyết thay thế về vụ MH17
Chính phủ Nga ngày 20.7 đã trình một dự thảo nghị quyết thay thế lên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm bác bỏ dự thảo nghị quyết của Malaysia đề nghị lập tòa án quốc tế xét xử thủ phạm bắn hạ máy bay MH17 của Malaysia Airlines ở miền đông Ukraine.
Hiện trường vụ rơi máy bay MH17 ở miền đông Ukraine – Ảnh: Reuters
Vào ngày 17.7.2014, chiếc máy bay Boeing 777-400 của Malaysia Airlines (chuyến bay số hiệu MH17) chở 298 người bị rơi tại khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine, khiến tất cả người trên máy bay thiệt mạng, theo AFP.
Chính quyền Malaysia đã đệ trình dự thảo nghị quyết lập tòa án quốc tế theo chương 7 trong Hiến chương LHQ nhằm tìm công lý cho nạn nhân thiệt mạng và gia đình của họ.
Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin tái khẳng định quan điểm của Moscow là phản đối việc lập tòa án quốc tế và tuyên bố Nga đã nộp một bản dự thảo thay thế. Ông Churkin đồng thời bày tỏ sự không hài lòng với kiểu điều tra khép kín như hiện nay, khi các bên không cho chuyên gia Nga tham gia.
“Tôi tin rằng vụ việc này không cần đến hiến chương LHQ. Hội đồng bảo an LHQ không giải quyết những vụ việc như thế này”, ông Churkin cho biết thêm.
AFP dẫn lại bản dự thảo của Nga cho thấy nó không đề cập đến bất kỳ toà án quốc tế nào, chỉ kêu gọi tiến hành “cuộc điều tra quốc tế độc lập, đầy đủ, toàn diện và minh bạch”.
Bản dự thảo nghị quyết của Nga còn đề nghị Cơ quan Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) phải đóng vai trò “phù hợp và năng động hơn” trong công tác điều tra, và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nên bổ nhiệm một đặc phái viên phụ trách về vụ MH17.
Trong bản dự thảo nghị quyết, Nga đề nghị nhóm điều tra quốc tế (Hà Lan, Úc, Bỉ, Malaysia và Ukraine) thông báo chi tiết tiến độ điều tra cho Hội đồng bảo an LHQ, đồng thời bảy tỏ quan ngại cuộc điều tra đến thời điểm này vẫn chưa đảm bảo “tính minh bạch”.
Video đang HOT
Chính phủ 5 quốc gia tham gia công tác điều tra kể trên tái khẳng định quan điểm ủng hộ thiết lập tòa án quốc tế, cho biết cuộc điều tra được tiến hành tuân thủ quy định của ICAO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16.7 khẳng định, việc thiết lập tòa án quốc tế để xét xử những ai đứng sau vụ bắn hạ máy bay MH17 ở miền đông Ukraine là “phản tác dụng”.
Một nhà ngoại giao ở Hội đồng bảo an LHQ tiết lộ với AFP rằng các nước ủng hộ lập tòa án quốc tế sẽ đưa dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu trước Hội đồng bảo an LHQ vào giữa tuần sau, và Nga dự kiến sẽ bỏ phiếu chống.
Nhóm điều tra viên quốc tế do Hà Lan đứng đầu sẽ công bố báo cáo điều tra cuối cùng vào đầu tháng 10.2015.
Chính quyền Ukraine và nhiều nước phương Tây tố cáo phe ly khai được cho là thân Nga đã bắn hạ MH17 bằng tên lửa đất đối không BUK do Nga cung cấp. Tuy nhiên, Ủy ban điều tra Liên bang Nga (RIC) cho rằng khả năng cao nhất là MH17 đã bị hạ bởi tên lửa không đối không và đó không phải loại tên lửa do Nga sản xuất. Người đứng đầu RIC Vladimir Markin cho biết cơ quan này đã mở cuộc điều tra độc lập sau khi thảm kịch xảy ra. Kết luận điều tra sơ bộ cho thấy dường như MH17 bị trúng tên lửa của một máy bay khác và “các chuyên gia cho rằng loại tên lửa này không được sản xuất ở Nga”.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Tổng thống Nga: Lập tòa án quốc tế vụ MH17 là 'phản tác dụng'
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16.7 cho biết việc thiết lập tòa án quốc tế để xét xử những ai đứng sau vụ bắn hạ máy bay của hãng Malaysia Airlines (chuyến bay MH17) ở miền đông Ukraine là "phản tác dụng".
Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định quan điểm của Nga: lập tòa án quốc tế xử hung thủ bắn hạ MH17 là &'phản tác dụng' - Ảnh: Reuters
Ông Putin đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 16.7, theo AFP.
"Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giải thích chi tiết quan điểm của Nga liên quan đến đề xuất hấp tấp và phản tác dụng của nhiều quốc gia về việc thiết lập tòa án quốc tế để khởi tố hình sự những cá nhân liên quan đến vụ MH17", AFP dẫn lại thông cáo từ điện Kremlin.
Hôm nay 17.7 đánh dấu một năm trôi qua kể từ khi chiếc máy bay Boeing 777-400 của Malaysia Airlines (chuyến bay số hiệu MH17) chở 298 người bị rơi tại khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine vào ngày 17.7.2014 khiến tất cả người trên máy bay thiệt mạng.
Trong tuần này, chính phủ Malaysia, Úc, Bỉ, Hà Lan và Ukraine kêu gọi các thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ đề xuất lập toà án quốc tế để tìm công lý cho các nạn nhân trong vụ MH17. Chính phủ Malaysia đã trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, đề nghị lập tòa án quốc tế xét xử hung thủ bắn hạ MH17.
Phái đoàn ngoại giao 5 quốc gia trên đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Gennady Gatilov tại thủ đô Moscow (Nga) vào ngày 13.7, kêu gọi Nga ủng hộ đề xuất của Malaysia và bỏ phiếu ủng hộ dự thảo trên, theo trang tin Sputnik (Nga) ngày 14.7.
Tuy nhiên, chính phủ Nga phản đối đề xuất này. Ông Gatilov cũng đã gọi đề xuất của Malaysia là "không đúng thời điểm và phản tác dụng", cho rằng cuộc điều tra vụ bắn hạ MH17 cần phải được hoàn tất trước khi có những biện pháp tiếp theo.
Các điều tra viên của Hà Lan, quốc gia đứng đầu cuộc điều tra quốc tế vụ MH17, dự kiến sẽ công bố bản báo cáo điều tra cuối cùng vào đầu tháng 10.2015.
Chính quyền Ukraine và nhiều nước phương Tây cáo buộc phe ly khai thân Nga đã bắn hạ MH17 ở miền đông Ukraine, cho rằng phe ly khai dùng tên lửa đất đối không BUK do Nga cung cấp. Tuy nhiên, chính phủ Nga và phe ly khai bác bỏ cáo buộc này và cho rằng chính quân đội Ukraine đã bắn hạ MH17.
Một tay súng phe ly khai canh gác hiện trường MH17 ở miền đông Ukraine năm 2014 - Ảnh: Reuters
Rò rỉ thông tin điều tra MH17 với mưu đồ chính trị
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Mark Rutte, Tổng thống Putin khẳng định tất cả cuộc tra liên quan đến thảm họa MH17 phải được hoàn tất trước khi có bất kỳ quyết định nào về việc xét xử hung thủ.
Các điều tra viên Hà Lan đã công bố báo cáo điều tra sơ bộ hồi năm 2014, phát hiện MH17 bị bắn hạ bởi "những vật thể có năng lượng cao", trong khi bản dự thảo báo cáo điều tra chính thức cuối cùng đã được bí mật gửi cho chính phủ các nước hồi tháng 6.2015.
Tổng thống Putin gọi những bản tin từ báo đài phương Tây đưa thông tin rò rỉ từ cuộc điều tra "rõ ràng là chính trị hóa". Chẳng hạn, đài CNN (Mỹ) trước đó từng dẫn lại những nguồn tin giấu tên cho rằng dự thảo báo cáo điều tra phát hiện phe ly khai đã bắn hạ MH17.
Ông Oleg Storchevoy, người đứng đầu cơ quan quản lý hàng không Rosaviatsia của Nga, ngày 16.7 nói ông đã nhận được bản dự thảo báo cáo điều tra chính thức của các điều tra viên Hà Lan. Ông Storchevoy cho biết sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan đến dự thảo báo cáo điều tra cho đến khi bản báo cáo điều tra chính thức được công bố.
Tuy vậy ông Storchevoy lập lại hai giả thuyết chính của Nga liên quan đến vụ MH17: một là MH17 bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa đất đối không BUK-M1 (chỉ có trong quân đội Ukraine, Nga đã ngừng sản xuất phiên bản này từ năm 1999) và hai là một máy bay quân sự của Ukraine đã phóng tên lửa không đối không bắn hạ MH17.
Bên cạnh đó, Ủy ban Điều tra Nga và ông Storchevoy đều đề cập đến một báo cáo của "các chuyên gia hàng không ẩn danh" đăng tải trên mạng xã hội, kết luận tên lửa không đối không bắn rơi MH17 có thể là loại tên lửa Python do Israel sản xuất.
Báo cáo "tuyệt mật" dài 16 trang này được đăng tải trên trang blog Livejournal của Nga không hề đề cập đến tên tác giả, nhưng có ghi là từ "Bộ Quốc phòng Nga".
Nhân một năm vụ bắn hạ MH17, truyền thông nhà nước Nga cũng lên tiếng chỉ trích việc phương Tây cáo buộc Nga dính líu đến vụ MH17 trước khi cuộc điều tra hoàn tất.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Nga tin MH17 bị bắn hạ bằng tên lửa không đối không Ủy ban Điều tra Nga cho rằng chuyến bay số hiệu MH17 của Malaysia Airlines khả năng cao bị bắn hạ bằng tên lửa không đối không khi bay qua miền đông Ukraine một năm trước. Một tay súng phe ly khai đứng gác tại nơi MH17 rơi xuống ở Grabovo, vùng Donetsk, miền đông Ukraine, tháng 7/2014. Ảnh: Reuters, Ủy ban Điều...