Nga, Triều Tiên và trật tự an ninh Đông Á mới
Trong khi Triều Tiên có vị thế chiến lược mới, với sự đảm bảo an ninh từ hai cường quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Nga và Trung Quốc, Moskva cũng đã có một thỏa thuận nhằm đảm bảo cho các nhu cầu trước mắt, đồng thời vẫn bảo vệ được các lợi ích chiến lược của mình ở Viễn Đông.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Theo Rajoli Siddharth Jayaprakash và Abhishek Sharma, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu Giám sát (ORF) có trụ sở tại Ấn Độ, tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gửi một thông điệp đặc biệt cho Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân “Ngày nước Nga”, mô tả mối quan hệ song phương của họ là một “mối quan hệ chiến lược sâu rộng”.
Mô tả trên tượng trưng cho sự thân thiện mới giữa hai nhà lãnh đạo và đánh dấu sự thay đổi mô hình trong địa chính trị Đông Bắc Á. Điều này diễn ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Bình Nhưỡng, đánh dấu chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên của ông tới Triều Tiên sau 24 năm.
Trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hiệp ước này liệt kê các lĩnh vực hợp tác mới trong quan hệ giữa Triều Tiên và Nga. Quan trọng nhất, hiệp ước nhấn mạnh đến các đảm bảo an ninh chung trong trường hợp xảy ra tấn công.
Việc ký kết Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2024 đánh dấu một thời điểm quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Nga và Triều Tiên.
Video đang HOT
Ngoài ra, hiệp ước này nâng tầm quan hệ giữa hai nước vượt ra ngoài các lĩnh vực hợp tác trước đó. Sau cuộc gặp, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gọi đó là sự kiện trọng đại, nói rằng việc ký kết hiệp ước đưa quan hệ của hai nước lên một tầm cao mới. Đối với Moskva, hiệp ước này là biểu hiện cho phát triển của chính sách đối ngoại của Nga và là miêu tả rõ ràng về mối quan hệ quốc phòng của nước này với Bình Nhưỡng.
Cùng với các đảm bảo an ninh như đã đề cập trong Điều 8 của hiệp ước, Nga sẵn sàng hợp tác quân sự-kỹ thuật. Đây là một động thái mới, vì hiệp ước chính thức hóa việc nhập khẩu đạn dược của Nga từ Triều Tiên, điều mà trước đây Moskva đã phủ nhận. Hơn nữa, hiệp ước toàn diện này kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Nga và Triều Tiên trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, khoa học, công nghệ, kết nối, y tế và lao động.
Ngoài lĩnh vực an ninh, hợp tác đưa người lưu động từ Triều Tiên sang Nga cũng là một bước tiến quan trọng, như đã đề cập trong Điều 11 và Điều 13 của hiệp ước. Do nhu cầu lao động cao ở Nga và số lượng việc làm còn trống cho 4,3 triệu lao động vào năm 2023, Nga rất cần lao động từ Triều Tiên. Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, số lượng lao động Triều Tiên tại Nga đã tăng lên. Trước thỏa thuận này, cả Bình Nhưỡng và Moskva đều phủ nhận hai điều: lao động Triều Tiên làm việc tại Nga và Moskva nhập khẩu đạn dược từ Triều Tiên.
Sự thay đổi tình hình an ninh của Đông Bắc Á cũng được phản ánh trong bản chất thay đổi ở vùng Viễn Đông của Nga, với sự kết nối là một yếu tố quan trọng giữa Triều Tiên và khu vực Primorsky của Nga. Điều này sẽ thay thế ảnh hưởng của Nhật Bản và Hàn Quốc ở vùng Viễn Đông của Nga vốn đã suy yếu kể từ khi các lệnh trừng phạt đầu tiên được áp dụng đối với Moskva bằng ảnh hưởng của Triều Tiên và Trung Quốc.
Mặc dù phạm vi và ý nghĩa của hiệp ước này còn quá sớm để khám phá, nhưng có thể nói rằng chuyến thăm và hiệp ước mới phản ánh thay đổi hiện trạng ở Đông Á. Nó cũng thể hiện sự tăng cường hơn nữa trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương, nhằm mục đích thúc đẩy kết nối với các khu vực Viễn Đông của Nga và Triều Tiên.
Với hiệp ước hiện có hiệu lực, Bình Nhưỡng đã đạt được nhiều mục tiêu của mình: lách chế độ trừng phạt và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Ngoài các đặc quyền trong quan hệ chiến lược, với sự đảm bảo an ninh từ hai cường quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Nga và Trung Quốc, Triều Tiên giờ đây sẽ được khuyến khích hơn trong việc theo đuổi các kế hoạch hiện đại hóa quân đội của mình cũng như có một vị thế chiến lược mới, giúp nước này có nhiều trọng lượng hơn trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.
Trong khi đó, Nga đã có một thỏa thuận nhằm đảm bảo cho các nhu cầu trước mắt, đồng thời vẫn bảo vệ được các lợi ích chiến lược của mình ở Viễn Đông. Nhìn chung, đây là chiến thắng cho cả hai bên.
Việt Nam và Argentina tăng cường quan hệ hợp tác
Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên đã trao đổi và nhất trí duy trì sự phối hợp, ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế trong thời gian tới.
Buổi làm việc giữa Đại sứ Việt Nam, Ngô Minh Nguyệt, và Bộ trưởng Ngoại giao Argentina, Diana Mondino. Ảnh: Bộ Ngoại giao Argentina/Mondino 2
Ngày 19/7, trong buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Argentina Ngô Minh Nguyệt, Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Diana Mondino đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nguyễn Phú Trọng.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, tại buổi làm việc, Đại sứ Ngô Minh Nguyệt chân thành cảm ơn Bộ Ngoại giao Argentina và cá nhân Bộ trưởng Mondino đã luôn dành những tình cảm tốt đẹp cho đất nước và nhân dân Việt Nam, cũng như luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đại sứ Việt Nam tại Argentina.
Hai nước Việt Nam và Argentina có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Lãnh đạo hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Argentina của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam năm 2023, nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, và chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 3/2024 của Bộ trưởng Diana Mondino không lâu sau khi Chính phủ mới của Argentina được thành lập.
Đại sứ Ngô Minh Nguyệt khẳng định nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy việc trao đổi các chuyến thăm ở cấp cao và tất cả các cấp, trên tất cả các kênh với Argentina trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến có chuyến thăm chính thức Argentina trong năm nay, ngoài ra hai nước cũng sẽ trao đổi nhiều chuyến thăm làm việc trên các kênh Đảng, Quốc hội và địa phương trong năm 2024.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, Đại sứ Ngô Minh Nguyệt hoan nghênh các chính sách kinh tế mới của Argentina gần đây và cho rằng việc tăng cường, mở rộng hợp tác kinh tế sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả hai nước.
Đại sứ Ngô Minh Nguyệt cảm ơn Bộ trưởng Mondino đã có nhiều phát biểu tích cực ủng hộ Việt Nam và Indonesia đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mecosur) tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối này mới đây tại thủ đô Asuncion, Paraguay.
Đại sứ Ngô Minh Nguyệt cũng bày tỏ mong muốn hai nước sớm tiến hành đàm phán và ký kết Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần; tổ chức Phiên họp lần thứ 8 Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác song phương và Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao trong năm nay.
Bộ trưởng Mondino đánh giá cao và cho biết sẽ cố gắng thúc đẩy việc đàm phán và ký kết Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần giữa hai nước; chia sẻ Argentina đang nỗ lực đẩy nhanh cải cách trong khối Mecosur theo hướng mở thị trường, đàm phán FTA với các nước trong đó có Việt Nam. Bên cạnh FTA với Mecosur, hai nước có thể tăng cường trao đổi nhằm mở rộng hợp tác kinh tế song phương.
Bà Mondino nhấn mạnh Argentina sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt về sản xuất lúa gạo và canh tác một số loại cây trồng; mong muốn thúc đẩy dự án hợp tác vệ tinh phục vụ canh tác; mở rộng hợp tác quốc phòng và ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, trong đó có lĩnh vực rà phá bom mìn.
Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên đã trao đổi và nhất trí duy trì sự phối hợp, ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế trong thời gian tới.
Việt Nam là đối tác thương mại chiến lược của Argentina, với kim ngạch đạt 3,5 tỷ USD trong năm ngoái, trong đó Việt Nam nhập khẩu gần 2,1 tỷ USD và xuất khẩu 1,4 tỷ USD.
Tổng thống Putin ca ngợi quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt Nga - Ấn Ngày 9/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm của ông Modi tới Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN Phát biểu tại cuộc hội đàm, ông Putin đã ca ngợi quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt Nga - Ấn, khẳng định: "Hai nước chúng ta đã...