Nga trả đũa kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào?
Nhiều mặt trong quan hệ giao thương Nga – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đe dọa sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga. Cả hai nước đều có thể chịu thiệt hại nếu Moscow kiên quyết trả đũa kinh tế Ankara.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan – Ảnh: Reuters
Theo CNBC, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – gia tăng trong tuần này sau khi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm 24.11. Ankara cho hay Su-24 đã bay trong không phận của họ, trong khi Moscow phủ nhận cáo buộc trên.
Kể từ khi “khẩu chiến” giữa hai bên nổ ra, Nga đã đe dọa trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ ở mức độ kinh tế.
Hôm 25.11, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết hành động của nước bạn có thể khiến các dự án song phương bị bỏ dở và nhiều công ty Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất thị phần tại Nga. Một ngày sau đó, ông Medvedev thể hiện lập trường cứng rắn khi ra lệnh cho chính phủ xây dựng các biện pháp kinh tế, trong đó có việc đóng băng một số dự án đầu tư hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ. Lệnh hạn chế nhập khẩu lương thực cũng có thể là một phần trong các biện pháp đó, theo Reuters.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi động thái trên là “theo cảm xúc” và “không phù hợp cho các chính trị gia”. Tổng thống Erdogan cho biết ông buồn vì những lời tuyên bố đó từ phía nước bạn.
Theo giới chuyên gia, trả đũa kinh tế có thể là “chuyện lớn” với cả hai nước. Thổ Nhĩ Kỳ là bạn hàng quan trọng nhất của Nga, sau Đức và nếu Nga kiên quyết cắt đứt quan hệ kinh tế, nền kinh tế đôi bên đều sẽ “thấm đòn”, đặc biệt là trong 3 lĩnh vực: năng lượng, du lịch và thương mại.
Năng lượng
Dù Thủ tướng Medvedev không nói cụ thể về dự án sẽ bị hủy bỏ, nhưng nhiều dự án cơ sở hạ tầng và giao dịch thương mại song phương, như xây dựng đường ống dẫn khí đốt chạy qua hai nước hay thiết lập nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, có thể bị ảnh hưởng. Đây là ý kiến của Giáo sư Gurkan Kumbaroglu thuộc Đại học Bogazici ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Là một trong những khách hàng lớn của Nga, 55% dầu khí tự nhiên và 30% dầu thô ở Thổ Nhĩ Kỳ được nhập khẩu từ nước bạn. Vì thế, bất cứ thay đổi nào trong các dự án cơ sở hạ tầng đều có thể để lại ảnh hưởng lớn.
“Sau sự biến Su-24 của Nga, giờ đây tất cả các dự án trên đều không còn chắc chắn nữa. Trong dài hạn, các dự án vốn dĩ sẽ có lợi cho cả đôi bên đều có khả năng bị ảnh hưởng”, Giáo sư Kumbaroglu nói.
Video đang HOT
Nga là một trong những nhà cung cấp dầu khí lớn nhất của châu Âu, và dù cho các tranh cãi ngoại giao có xảy ra giữa họ và các nước láng giềng, người ta vẫn sẽ luôn thấy nước Nga dùng nguồn cung năng lượng để làm đòn bẩy. Moscow đã từng làm như vậy với châu Âu và mới đây là Ukraine khi đe dọa cắt nguồn cung khí đốt đến khu vực này.
Du lịch
Sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi, hãng du lịch quốc doanh Nga Rostourism ngay lập tức ngưng bán gói tour đến Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thống kê mới nhất của Cơ quan Du lịch Liên bang Nga, 3,6 triệu người Nga đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong 9 tháng đầu năm 2013. Đây là một trong những điểm đến ưa thích của du khách Nga.
Tiến xa hơn cả việc tạm ngừng bán dịch vụ lữ hành đến Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao Nga còn khuyến cáo người dân không đi Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia nằm trên rìa châu Âu, châu Á vốn phần lớn phụ thuộc vào ngành du lịch. Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) cho biết ngành du lịch trực tiếp và gián tiếp đóng góp 96 tỉ USD vào GDP, tạo ra 2,1 triệu việc làm ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thương mại
Hôm 26.11, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev cho hay sẽ “tăng cường kiểm soát nguồn cung sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ”, theo AFP. Ông cũng nói rằng giới chức tìm thấy nhiều sản phẩm xuất xứ từ nước bạn không đủ đáp ứng tiêu chuẩn Nga. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết chưa có kế hoạch gì cho một lệnh cấm vận nhập khẩu lương thực từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2014, số liệu thống kê thương mại nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra xuất khẩu sang Nga trị giá 5,9 tỉ USD trong khi nhập khẩu từ Nga lên đến 25,2 tỉ USD.
Hồi tháng 9, trong cuộc gặp thân mật với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Erdogan nói rằng mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là nâng kim ngạch thương mại song phương với Nga lên 100 tỉ USD vào năm 2023. Tại cuộc họp, ông Putin chia sẻ nước Nga “rất hài lòng với sự phát triển, đa dạng hóa trong quan hệ kinh tế và thương mại song phương” với nước bạn.
Tina Fordham, chuyên gia tại Citi, không cho rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ tệ hơn tuy lệnh trừng phạt thương mại là có khả năng xảy ra.
John Bates, chuyên gia quản lý danh mục đầu tư tại hãng Pinebridge, nhận định thương mại giữa hai nước rất sâu sắc, với nhiều liên kết kinh doanh chẳng hạn như ngân hàng Sberbank do Nga sở hữu và ngân hàng DenizBank của Thổ Nhĩ Kỳ. “Các yếu tố kinh tế chính sẽ không bị thay đổi quá nhiều vì quan hệ ngoai giao và chính trị đôi bên không cho phép họ làm điều gì ngu ngốc”, ông Bates nói.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Su-24 rơi xuống, IS hưởng lợi!
Chiến đấu cơ Su-24 của Nga rơi xuống, chiến trường Syria càng hỗn loạn, cơn ác mộng chiến tranh tràn khỏi biên giới Syria càng cao. Chỉ có một bên hưởng lợi tất cả: IS.
Mỹ tích cực trang bị đạn dược cho lực lượng nổi dậy người Kurd ở Syria để "nhờ" đánh IS - Ảnh: Reuters
Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ hằn học nhau
Chiến trường Syria đang bị xâu xé bởi quá nhiều thế lực từ bên ngoài, cả trên không và dưới đất: Nga, Mỹ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ kèm một loạt đồng minh của Mỹ. Bầu trời Syria đã chứng kiến máy bay của 11 nước qua lại cả thảy! Trong khi đó, nội bộ Syria là cuộc tranh giành quyền lực của hàng loạt nhóm nổi dậy khác nhau, được các chính quyền khác nhau hậu thuẫn - nói chính xác hơn là bị các chính quyền khác nhau mượn tay, mượn cả máu, cho lợi ích khác nhau của họ.
Đơn cử, ngay trong liên minh chống IS ở Syria, "anh cả" Mỹ tích cực chi tiền và trang bị cho các nhóm nổi dậy người Kurd - đồng minh quan trọng nhất của Washington trên mặt đất Syria để chống IS. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ thì cưng chiều lực lượng nổi dậy người Turkmen (người gốc Thổ) mong tạo một vùng đệm an toàn trên đất Syria, khu vực giáp nước này. Mỹ bực dọc với ưu tiên của Thổ, Ankara nổi đóa với hành động của Washington.
Còn nhớ chỉ mới hồi tháng trước, chính quyền Ankara đã triệu tập đại sứ Mỹ để trút nỗi bực dọc sau vụ máy bay Mỹ thả 50 tấn đạn dược xuống cho một liên minh Ả Rập - người Kurd để "nhờ" phá một căn cứ của IS ở miền bắc Syria. Cũng trong tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ triệu đại sứ Nga đến than phiền về chuyện hậu thuẫn cho người Kurd, theo tờ The New York Times. Nga và Mỹ - 2 đối thủ sừng sỏ nhất thế giới này dường như đang tranh giành sự ủng hộ của người Kurd - kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara sợ rằng người Kurd ở Syria bắt tay với người Kurd trên đất Thổ âm mưu phá chính quyền.
Các chiến binh người Turkmen ở biên giới Syria, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: AFP
Phương Tây 'chung tay' xoa dịu Putin
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 25.11 đã gọi điện thoại cho người đồng cấp Nga Sergey Lavrov kêu gọi "đừng để cho chuyện này (chiến đấu cơ Su-24 bị bắn) leo thang."
Tại Đức, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Angela Merkel rằng "chúng ta phải làm tất cả để hạ nhiệt và nối lại đối thoại" khi đề cập đến vụ Su-24.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trong khi đó, chỉ trích hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "sự khiêu khích có kế hoạch từ trước". Và Nga nhanh chóng tăng cường triển khai các loại khí tài, hỏa lực mạnh mẽ nhất, tối tân nhất đến căn cứ ở Syria, tăng cường dội bom ở nơi máy bay Nga bị bắn rơi.
Nhà phân tích quân sự ở Mỹ Omar Lamrani nhận xét: "Khả năng tính toán sai lầm là rất lớn và trong bối cảnh như thế này, tính sai có thể bùng phát thành leo thang, dẫn đến viễn cảnh tồi tệ nhất". Theo nhận xét của ông thì Mỹ đang tìm mọi cách để ngăn việc biến cuộc chiến ở Syria thành cuộc chiến Mỹ-Nga nhưng Mỹ buộc phải tính tới viễn cảnh chiến tranh khu vực.
Nhưng tất cả những chuyện này thì liên quan gì tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)?
IS hốt trọn
Mỹ không muốn cuộc chiến Syria trở thành cuộc chiến Nga - Mỹ - Ảnh: AFP
Cục diện căng thẳng trong quan hệ Nga - Thổ sau vụ máy bay Nga bị bắn rơi đập tan hy vọng mong manh là sau vụ khủng bố Paris, nước Pháp có thể kéo các bên xích lại với nhau một tí để đoàn kết chống IS. Ngược lại, giữa "mối tơ vò" ở Syria, trong bối cảnh tất cả các bên đều tăng cường phòng thủ như hiện nay, người ta ngày càng lo sợ nguy cơ chiến tranh lan rộng, tràn khỏi biên giới Syria.
Tổng thống Putin, sau vụ rơi Su-24, đã tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ là đồng lõa với khủng bố. Trên thực tế, nhà phân tích Lamrani nói rằng không ít "diễn viên" trên mặt đất Syria vừa đánh lại IS, vừa thỏa hiệp với tổ chức này để đạt những mục tiêu của riêng mình, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và nhiều nhóm phiến quân.
Cuối cùng, giữa một chiến trường hỗn loạn, lắm bè phái, lắm mục tiêu, lắm lợi ích riêng như thế, chỉ có một bên duy nhất được hưởng lợi tất cả, dẫu đó là bên mà tất cả những thế lực còn lại trên chiến trường đó đều hô to là họ chống lại: IS.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Chính Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắn máy bay Nga Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố ông đã ra lệnh bắn rơi máy bay Su-24 của Nga. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng công bố đoạn ghi âm để chứng minh nước này đã cảnh báo máy bay Nga trước khi bắn. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố ông đã ra lệnh bắn rơi máy bay Su-24...