Nga “tố” nghị sĩ Ukraine kích động khủng bố khi kêu gọi đánh sập cầu Crimea
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích việc nghị sĩ Ukraine lên tiếng kêu gọi đánh sập cây cầu vừa khánh thành nối đất liền Nga với bán đảo Crimea.
Tàu chở hàng Nga chặn lối ra vào dưới cầu tại eo biển Kerch trong khi máy bay hoạt động trên không trong vụ đụng độ với các tàu Ukraine hôm 25/11. (Ảnh: TASS)
Theo TASS, nghị sĩ Igor Mosiychuk của Ukraine đã tuyên bố cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối đất liền Nga với bán đảo Crimea phải bị “phá hủy”. Nghị sĩ Mosiychuk cho rằng bất kỳ ai cũng có thể đánh sập cầu Crimea, từ “các nhóm nổi dậy Ukraine, phe nổi dậy ở Caucasus, người ngoài hành tinh hay thậm chí Chúa trời”.
Đáp lại thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết đó là “một trong nhiều tuyên bố do chính quyền Kiev hoặc nhóm chính trị hiện đại tại Ukraine đưa ra, trong đó có lời kêu gọi trực tiếp cho các hành vi khủng bố”.
“Nếu họ nhận thấy không có vấn đề gì với các tuyên bố công khai kiểu như vậy, thật khó để tưởng tượng những kế hoạch bí mật của họ còn như thế nào, hay kiểu “tương lai hòa bình” mà chính quyền Ukraine đang chuẩn bị cho đất nước của họ sẽ ra sao”, bà Zakharova bình luận.
“Các chính sách của chính quyền (Ukraine) đều dựa trên sự khiêu khích, tương tự vụ việc tại eo biển Kerch, cái chết được dàn dựng của nhà báo Nga Arkady Babchenko, cùng những lời hăm dọa và đe dọa chưa có hồi kết”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm.
Trước đó, Nga cũng đã lên tiếng chỉ trích việc nhà báo Mỹ Tom Rogan “khuyên” Ukraine đánh sập cây cầu mới được khánh thành hôm 15/5 nối đất liền Nga với Crimea. Theo nhà báo này, “Ukraine nên phá hủy các bộ phận của cây cầu” vì công trình này là “một sự sỉ nhục rõ ràng tới uy tín của Ukraine với tư cách là một quốc gia”.
Video đang HOT
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự lễ khánh thành cây cầu dài 19 km bắc qua eo biển Kerch. Đây là công trình lịch sử, được hoàn thành sớm hơn nửa năm so với dự kiến và được xem là biểu tượng cho quyết tâm thống nhất lãnh thổ của Tổng thống Putin sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ từ năm 2014.
Đề nghị thả thủy thủ Ukraine
Liên quan tới vụ đụng độ tại eo biển Kerch hồi tháng trước giữa lực lượng an ninh Nga và các tàu hải quân Ukraine, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert ngày 10/12 cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hối thúc Nga thả 24 thủy thủ Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin.
Theo ông Seibert, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Đức đã “tập trung vào tình hình tại eo biển Kerch”. Theo đó, Thủ tướng Merkel đã nói với Tổng thống Putin rằng cần phải có các biện pháp để bảo đảm việc “đi lại bình thường” qua eo biển Kerch sau khi có thông tin Nga phong tỏa một phần khu vực này khiến các tàu không thể ra vào biển Azov – nơi có các cảng biển của Ukraine.
Nghị viện châu Âu hôm qua cũng kêu gọi Nga thả 24 thủy thủ bị Moscow bắt giữ trong vụ đụng độ tại eo biển Kerch gần đây.
“Chúng tôi kêu gọi thả các thủy thủ Ukraine, và nếu điều này không được thực hiện, nên có các lệnh trừng phạt. Chúng tôi cũng kêu gọi ông Putin, hãy thả các thủy thủ để họ có thể trở về nhà với gia đình”, Michael Gahler, báo cáo viên của Nghị viện châu Âu về Ukraine, tuyên bố.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Bất chấp Ukraine thỉnh cầu, Mỹ không định trừng phạt quân sự Nga
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết nước này vẫn chưa thảo luận về các biện pháp đáp trả quân sự với Nga sau vụ đụng độ căng thẳng trên eo biển Kerch dù phía Ukraine liên tục hối thúc Washington.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford. (Ảnh: Reuters)
Tại một sự kiện của báo Washington Post hôm qua 6/12, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford, đã trả lời câu hỏi về việc liệu Mỹ có cung cấp cho Ukraine các khí tài hải quân như Kiev đề xuất sau vụ đụng độ căng thẳng giữa Nga và Ukraine tại eo biển Kerch, nơi nối biển Đen và biển Azov, hồi tháng trước hay không.
"Hiện vẫn chưa có cuộc thảo luận nào (của Mỹ) về một phương án quân sự để đáp trả vụ việc ở biển Azov. Rõ ràng, công việc của tôi là đảm bảo rằng tổng thống luôn có sẵn các phương án trong trường hợp ông ấy quyết định sử dụng vũ lực quân sự. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bất kỳ phản ứng quân sự nào cũng như chưa có cuộc thảo luận nào về việc đáp trả quân sự với vụ việc ở biển Azov một cách công khai", Tướng Dunford cho biết.
Trước đó, Lầu Năm Góc sáng hôm qua thông báo quân đội Mỹ và một số đồng minh đã tham gia sứ mệnh bay đặc biệt trên vùng trời của Ukraine. Mỹ cho biết đây là hoạt động trong khuôn khổ Hiệp ước Vùng trời Mở và không phải là thông điệp gửi tới Nga.
Hồi tháng trước, Nga đã nổ súng và bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine và 24 thủy thủ với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga khi các tàu này đi qua eo biển Kerch. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã kêu gọi các đồng minh châu Âu và NATO siết chặt trừng phạt Nga. Tuy nhiên, lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Ukraine dường như không được đón nhận trong khi Nga cho đến nay vẫn chưa phải đối mặt với lệnh trừng phạt nào.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 4/12, Tổng thống Poroshenko tiếp tục nhắc lại lời thỉnh cầu của mình, kêu gọi phương Tây có hành động với Nga. Đề xuất của nhà lãnh đạo Ukraine bao gồm sự ủng hộ của NATO dành cho Kiev cũng như các lệnh trừng phạt của NATO đối với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tàu chở hàng Nga chặn dưới cây cầu tại eo biển Kerch trong vụ đụng độ với tàu Ukraine hôm 25/11. (Ảnh: RT)
Phát biểu tại sự kiện hôm qua, Tướng Dunford nói rằng vụ đụng độ ở eo biển Kerch là một phần trong lối hành xử của Nga nhằm "thử" phản ứng của cộng đồng quốc tế.
"Trong trường hợp này, rõ ràng đã xảy ra sự xâm phạm về chủ quyền, do vậy không thể có phản ứng quân sự ở đây được. Tuy nhiên, tôi nghĩ cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ phản ứng (Nga) về mặt ngoại giao, kinh tế hoặc trong không gian an ninh, nếu không Nga sẽ vẫn tiếp tục làm những việc mà họ vẫn làm trong những năm gần đây", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói thêm.
Theo Tướng Dunford, ông vẫn chưa lên tiếng "cụ thể" về vụ việc này với người đồng cấp Nga. Đây cũng là người ông Dunford thường xuyên liên lạc để ngăn chặn nguy cơ quân đội Mỹ và Nga xảy ra xung đột trực diện.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin hôm qua cho biết các nhân viên lãnh sự quán Ukraine đã gặp 3 thủy thủ "bị thương" bị Nga bắt giữ trong vụ đụng độ tại eo biển Kerch. Phía Nga khẳng định 3 thủy thủ này vẫn đang được chăm sóc y tế bên trong một nhà tù tại Moscow và sức khỏe của họ không gặp nguy hiểm.
Ngoại trưởng Klimkin cũng xác nhận, các cuộc gặp tiếp theo với 21 thủy thủ còn lại của Ukraine bị Nga bắt giữ dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này nhằm kiểm tra tình trạng sức khỏe của họ.
Thành Đạt
Theo Dantri/Hill, Sputnik
Nga bị nghi đưa tàu ngầm "Hố đen" đến eo biển Kerch giữa lúc căng thẳng với Ukraine Mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh cho thấy tàu ngầm Nga dường như đã rời cảng Sevastopol ở Biển Đen, hướng về eo biển Kerch không lâu sau khi Moscow bắt giữ tàu hải quân và các thủy thủ Ukraine. Tàu ngầm Nga được cho là rời cảng Sevastopol hôm 30/11. (Ảnh: Twitter) Hãng tin Daily Star ngày 6/12 dẫn các...