Nga “tố” Libya chứa chấp những kẻ nổi loạn Syria
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vitaly Churkin ngày 7/3 đã cáo buộc chính phủ Libya hỗ trợ một trại huấn luyện cho những kẻ nổi loạn ở Syria, vốn là thủ phạm tấn công các mục tiêu chính quyền Damascus.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ bàn về Libya, ông Churkin cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin cho hay tại Libya có một trại huấn luyện đặc biệt, được chính quyền hậu thuẫn, cho lực lượng cách mạng Syria và những người này được điều tới Syria để tấn công chính quyền hợp pháp. Điều này là không thể chấp nhận trên mọi tiêu chuẩn pháp lý. Hành động này đang hủy hoại sự ổn định tại Trung Đông.”
Ông Churkin nói thêm: “Chúng tôi cho rằng Al-Qaeda hiện diện ở Syria. Và câu hỏi hiện nay là – phải chăng việc xuất khẩu phong trào cách mạng đang biến thành xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố?”
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 7/3 cho biết Mỹ đang xem xét việc cung cấp viện trợ không sát thương cho lực lượng đối lập Syria, ám chỉ về viện trợ trực tiếp đầu tiên của Washington cho lực lượng đang tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Phát biểu trong cuộc điều trần tại Ủy ban Quân lực Thượng viện, ông Panetta cho rằng vào thời điểm hiện tại đơn phương hành động trong vấn đề Syria sẽ không có ý nghĩa. Theo ông chủ Lầu Năm Góc, muốn sử dụng vũ lực thì trước hết “chúng ta phải biết chắc mục tiêu của sứ mệnh đó là gì và để đạt được mục tiêu đó thì cái giá phải trả là như thế nào.”
Video đang HOT
Ông Panetta cho biết ở thời điểm hiện tại Mỹ đang tập trung vào việc sử dụng các biện pháp kinh tế, chính trị và ngoại giao để cô lập chế độ của Tổng thống Assad. Theo ông Panetta cuộc nổi dậy có vũ trang tại Syria quá rời rạc với khoảng gần 100 nhóm đối lập, và khó có thể biết cần công nhận hay tiếp xúc với ai./.
Theo TTXVN
Cảnh sát Anh 'tổng phản công' những kẻ nổi loạn
Lực lượng an ninh Anh đang đột kích lần lượt nhà của những kẻ nổi loạn để bắt giữ, trong khi chính phủ công bố các biện pháp mới để ngăn chặn làn sóng bạo loạn và xem xét việc khôi phục lệnh giới nghiêm.
Thủ tướng Anh David Cameron hôm qua cho biết cảnh sát thừa nhận đã thất bại về chiến thuật khi đối phó với những kẻ nổi loạn vừa qua. Ông khẳng định những vụ bạo loạn tại nhiều thành phố Anh "hoàn toàn là hành động phạm tội" nhưng lại "có quá ít cảnh sát trên đường phố" để trấn áp.
Đám cháy do bạo loạn tại Tottenham, London. Ảnh: PA.
Theo BBC, trong phiên họp khẩn cấp của quốc hội, ông Cameron công bố các biện pháp an ninh mới để bảo vệ các doanh nghiệp và chủ sở hữu nhà trước làn sóng phá hoại. Đó là một cuộc trấn áp trên quy mô lớn những kẻ tham gia bạo loạn và xem xét việc tái sử dụng lệnh giới nghiêm, vốn vắng bóng tại Anh trong nhiều năm.
Những biện pháp khác bao gồm ngăn chặn các liên lạc thông qua những trang mạng xã hội nếu đó là âm mưu bạo loạn và phạm pháp. Toà án cũng có thể tuyên các bản án nghiêm khắc hơn cho hành vi bạo loạn. Kể từ khi bạo loạn nổ ra thứ bảy tuần trước, có hơn 1.500 người bị bắt và 464 trong số này đã bị kết án tù.
Thủ tướng Anh loại trừ khả năng đưa quân đội vào dẹp loạn tại các thành phố, nhưng nhấn mạnh mọi lực lượng đều được tính đến trong các tình huống có bạo loạn. Ông còn xác nhận việc lực lượng tăng cường gồm 16.000 cảnh sát sẽ tiếp tục được triển khai trên các đường phố London trong cuối tuần này.
Các nghị sĩ Anh thảo luận trong suốt 7 tiếng để đi đến thống nhất rằng bạo loạn do những kẻ phạm pháp hình sự gây ra chứ không phải người biểu tình, đồng thời sẽ không có sự nhân nhượng nào đối với hành động của một nhóm người coi thường pháp luật.
Trong khi đó, nhịp sống tại Anh vẫn chưa hết xáo trộn sau những ngày bạo loạn vừa qua. Toà án ở những thành phố như London, Manchester và Solihull đang phải hoạt động hết công suất để xét xử những kẻ nổi loạn, trong đó một số toà án phải tăng cường làm việc cả ban đêm. Hàng trăm cảnh sát từ Scotland được điều động tới vùng trung và bắc nước Anh để hỗ trợ lập lại trật tự.
Bạo loạn bùng nổ từ khu Tottenham của London đêm 6/8, sau đó lan ra nhiều thành phố lớn như Manchester, Salford, Liverpool, Wolverhampton, Nottingham, Leicester và Birmingham, đẩy nước Anh chìm vào vụ bạo loạn tồi tệ nhất nhiều năm qua trên quy mô quốc gia.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến làn sóng bạo loạn tại Anh là từ cái chết của một người lái taxi da màu 29 tuổi có tên Mark Duggan, hôm 4/8 tại Tottenham, London. Cảnh sát xác nhận Duggan không nổ súng trước và bị cảnh sát bắn chết tại chỗ. Các nhân chứng cho biết, nạn nhân bị cảnh sát tạm giữ và dù đã phục tùng yêu cầu của cảnh sát nhưng vẫn bị bắn chết.
Đây chính là nguyên nhân khiến người nhà của người đàn ông có 4 con nhỏ này nổi giận và đi đòi công lý. Thân nhân của Duggan cùng nhiều người địa phương đã kéo đến đồn cảnh sát ở Tottenham đòi có câu trả lời về cái chết. Trước sự im lặng của cảnh sát, đám đông bắt đầu trút cơn giận bằng cách đốt phá xe cảnh sát, châm ngòi cho đợt bạo động tồi tệ trên khắp nước Anh.
Tuy nhiên, theo các nhà xã hội học, nguyên nhân sâu xa cho sự bất ổn ở Anh là các vấn đề xã hội và cộng đồng vốn âm ỉ từ lâu. Một bộ phận giới trẻ các thành phố Anh bị tách khỏi sinh hoạt của cộng đồng chung và có quá nhiều thời gian thừa thãi. Bên cạnh đó là nạn thất nghiệp cao và tình trạng các gia đình không kiểm soát được con cái đã khiến bất ổn phát sinh "từ nhà ra phố".
Các chuyên gia kinh tế thì nhìn nhận nguyên nhân của bạo loạn ở Anh bắt nguồn từ chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ dẫn đến khó khăn trong cuộc sống của một bộ phận người dân. Hầu hết những người tham gia bạo loạn đến từ các khu vực nghèo tại những đô thị lớn, nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao và dịch vụ xã hội bị cắt giảm khiến cuộc sống ngày càng bi đát.
Theo VNExpress