Nga tìm ra vũ khí khắc chế chiến thuật ‘bầy UAV’ của Mỹ
Nga phát triển thành công loại vũ khí có thể khắc chế chiến thuật sử dụng hàng nghìn UAV siêu nhỏ để tấn công của Mỹ.
Một thiết bị không người lái cỡ nhỏ của Mỹ. Ảnh: Military.com
Tổng công ty chế tạo máy (OPK) của Nga mới phát triển thành công loại vũ khí đặc biệt có thể vô hiệu hóa hoàn toàn các máy bay không người lái (UAV) bằng cách can thiệp vào hệ thống vô tuyến điện tử lắp đặt bên trong, biến những UAV này thành những “cục sắt vô dụng”, Sputnik ngày 29/10 đưa tin.
“Để chống lại đàn robot bay siêu nhỏ, các loại vũ khí truyền thống như súng bộ binh, pháo phòng không hay các tổ hợp vô tuyến điện tử đều vô dụng. Cần phải có một loại vũ khí có thể tác động lên những UAV đó ở mức độ hoàn toàn khác”, đại diện của OPK cho biết.
Dù không nêu thông tin chi tiết, OPK cho hay vũ khí mới của họ không phá hủy các UAV về mặt vật lý, nhưng có thể gây nhiễu các hệ thống vô tuyến điện tử trong bảng mạch điều khiển UAV, khiến chúng không thể bay tới mục tiêu đã định.
Video đang HOT
Washington Post hồi tháng 3/2016 cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang nghiên cứu phát triển một loại vũ khí đặc biệt, gồm các UAV siêu nhỏ, có đường kính dưới 3 cm, hoạt động theo đội hình gồm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chiếc kết nối với nhau tạo thành một khối vuông chặt chẽ để tấn công đối phương.
Các chuyên gia nhận định loại vũ khí mới này sẽ được Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng nhằm nhiều mục đích như nghi binh, quấy rối hệ thống radar phòng không, trinh sát, thậm chí là tấn công chiến thuật nhằm vào các mục tiêu mặt đất của đối thủ.
Theo Vnexpress
Vụ khủng bố gây thương vong kỷ lục cho lính Mỹ
Hai vụ đánh bom tự sát trong một ngày tại thủ đô Beirut, Lebanon cách đây 33 năm khiến 305 người thiệt mạng, trong đó có 241 lính Mỹ.
Công tác cứu hộ sau vụ nổ tại căn cứ của Thủy quân lục chiến Mỹ ở Beirut, Lebanon. Ảnh: Humanitiestexas.org.
Cách đây 33 năm, ngày 23/10/1983, Thủy quân lục chiến Mỹ hứng chịu thảm kịch gây thương vong nhiều nhất sau Thế chiến II, trong cuộc đánh bom tự sát nhắm vào lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia (MNF) tại thủ đô Beirut của Lebanon, theo History.
Sáng hôm đó, một xe tải chở bom phát nổ bên ngoài tòa nhà đóng quân của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 8 Thủy quân lục chiến, khiến 220 lính thủy đánh bộ, 18 thủy thủ và 3 lính bộ binh Mỹ cùng hai thường dân Lebanon thiệt mạng. Lượng thuốc nổ được sử dụng trong vụ đánh bom tương đương với 9,5 tấn TNT.
Chưa tới 10 phút sau, một xe bom khác cũng được kích nổ bên ngoài tòa nhà của Trung đoàn lính dù số 1 của Pháp. Lính Pháp đã nổ súng và tiêu diệt kẻ đánh bom tự sát trước khi chiếc xe kịp áp sát tòa nhà, tuy nhiên quả bom vẫn được kích hoạt từ xa, khiến 58 lính Pháp và 5 thường dân thiệt mạng.
Công tác cứu hộ nạn nhân được triển khai chỉ ba phút sau vụ tấn công. Những người sống sót và lực lượng công binh bắt đầu đào bới đống gạch vụn để tìm kiếm binh sĩ mắc kẹt bên trong. Nhiều tàu chiến của Hạm đội 6 Hải quân Mỹ cũng được huy động để cứu chữa người bị thương.
Phần còn lại của tòa nhà nơi lính Pháp đóng quân. Ảnh: Whale.to.
Tới trưa cùng ngày, người sống sót cuối cùng được kéo ra khỏi đống đổ nát là thiếu úy Danny G. Wheeler. Tới ngày 26/10, phần lớn thi thể được tìm thấy và công tác tìm kiếm kết thúc sau đó hai ngày.
Khám nghiệm hiện trường của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho thấy vụ nổ đã nhấc bổng tòa nhà 4 tầng khỏi phần móng bê tông, sau đó các tầng nhà sập xuống và đè lên những người ở bên trong. Kẻ đánh bom được xác định là Ismail Ascari, một công dân Iran.
Quả bom được cho là một dạng bom nhiệt áp (fuel-air explosive) với thành phần gồm khí butane nén và chất Pentaerythritol Tetranitrate (PETN), hỗn hợp có thể tạo ra vụ nổ có khả năng sát thương rất mạnh. Quả bom còn được đặt trên một lớp bê tông và đá hoa cương để tập trung sức công phá về phía tòa nhà.
Chính phủ Iran bị tình nghi là chủ mưu của cuộc tấn công thông qua các mạng lưới tình báo quân sự ở Damascus (Syria) và Beirut. Tuy nhiên, cả Iran và Syria đều phủ nhận mọi mối liên hệ tới vụ tấn công.
Ủy ban điều tra của Bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng thiệt hại trong vụ đánh bom có thể sẽ thấp hơn nếu những người lính gác được mang súng có đạn và hàng rào bảo vệ bên ngoài tòa nhà vững chắc hơn. Sau vụ khủng bố, toàn bộ các cơ quan của Mỹ ở nước ngoài đều được bảo vệ bằng các loại rào chắn được gia cố để chống xe đâm. Vụ khủng bố cũng dẫn tới việc rút toàn bộ lực lượng MNF ra khỏi Lebanon.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Tàu chiến Mỹ lại suýt bị trúng tên lửa ở gần Biển Đỏ Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mason của Hải quân Mỹ hôm qua 12/10 tiếp tục trở thành mục tiêu trong một vụ tấn công bằng tên lửa bất thành từ vùng lãnh thổ do lực lượng nổi dậy Houthi kiểm soát ở Yemen khi đang hoạt động ở gần eo biển Bab al-Mandab nối Biển Đỏ với Vịnh Aden....