Nga tìm cách thay đổi cục diện tại Syria?
Nga đang tìm cách thay đổi cục diện tại Syria khi âm thầm bảo vệ ông Assad cũng như để ngỏ khả năng nối lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
Nga âm thầm ủng hộ Tổng thống Assad
Ngày 27/5, Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn thêm 1 năm các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad do “sự đàn áp bạo lực” đối với dân thường.
Theo đó, EU sẽ duy trì lệnh cấm vận dầu mỏ và đóng băng các tài sản của ngân hàng trung ương Syria.
“Hội đồng đã gia hạn các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào chính quyền Syria cho tới ngày 1/6/2017″, tuyên bố của Hội đồng châu Âu (EC) nhấn mạnh.
Dù EU tuyên bố trừng phạt Syria nhưng dường như Nga vẫn đang âm thầm ủng hộ nước này.
Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Assad đã bác tin Nga đang soạn thảo bản hiến pháp mới cho nước này.
Video đang HOT
Nhà lãnh đạo Damasucs khẳng định không có bất kỳ bản dự thảo hiến pháp nào được trình lên chính quyền Syria và các tin truyền thông đưa về vụ việc này là không đúng sự thật.
Bên cạnh đó, ông Assad tuyên bố hiến pháp phải được đưa ra từ Syria và trưng cầu dân ý người dân nước này.
“Mọi thứ khác sẽ vô giá trị”, Tổng thống Syria nhấn mạnh.
Tuyên bố này của Damascus hoàn toàn trùng khớp với phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov hôm 17/5 trước giới truyền thông sau cuộc họp của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG) ở Vienna (Áo).
“Chúng tôi không hỗ trợ ông Assad, chúng tôi hỗ trợ cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Trên thực địa, chúng tôi không thấy bất kỳ lực lượng nào hiệu quả và xứng đáng hơn quân đội Syria”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 4/5, Ngoại trưởng Lavrov cũng tuyên bố đứng về phía cuộc chiến do nhân dân Syria đang làm chủ.
“Chúng tôi ủng hộ chính phủ của ông Assad trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ nhà nước Syria”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nga cũng tỏ ý trông đợi cuộc hòa đàm Syria tại Geneva sẽ được nối lại trong tháng này nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong tiến trình hòa bình tại Syria.
Trên chiến trường, dù tuyên bố rút quân, nhưng điện Kremlin vẫn đang âm thầm hỗ trợ và giúp sức cho quân đội chính phủ trong các cuộc giao đấu với phần tử khủng bố tại các thành phố lớn như Aleppo, Raqqa…
“Syria và Nga đang chuẩn bị phát động một chiến dịch nhằm giải phóng Aleppo. Không quân Nga sẽ giúp quân đội Syria thực hiện một cuộc tấn công dưới mặt đất”, thủ tướng Syria Wael al-Halaki tiết lộ với giới truyền thông.
Ngày 27/5, ông Sergey Rudskoy, cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cho biết, không quân nước này đã tăng cường các cuộc không kích nhằm vào các vị trí sản xuất dầu bất hợp pháp và các tuyến buôn lậu dầu tại Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ từ hôm 20/5.
Rõ ràng, Nga vẫn đang đóng một vai trò quan trọng, không thể thay thế trong cuộc chiến của quân chính phủ Assad trên chiến trường Syria.
Nga để ngỏ khả năng nối lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
Trong một diễn biến có liên quan, hôm 27/5, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, Tổng thống Nga tuyên bố Moskva đã sẵn sàng tính đến việc nối lại quan hệ với Ankara sau nửa năm căng thẳng.
Theo đó, ông Putin khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cần thực hiện những bước đi đầu tiên để hai nước trở lại mối quan hệ bình thường, tuy nhiên hiện nay phía Ankara vẫn chưa có dấu hiệu đó.
Trước đó, trong một tuyên bố hôm 25/3, Chủ tịch hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko cho biết Nga sẵn sàng “rã băng” với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này chấp nhận xin lỗi về vụ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hồi tháng 11/2015.
“Nói một cách giảm nhẹ, quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ hiện không ở giai đoạn tốt đẹp. Như các bạn biết, chúng tôi không có lỗi trong việc làm quan hệ 2 nước xấu đi. Chúng tôi sẵn sàng rã băng quan hệ nếu giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận trách nhiệm bắn rơi máy bay Nga ở không phận Syria. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tín hiệu nào từ Thổ Nhĩ Kỳ”, bà Matvienko khẳng định.
Nga để ngỏ khả năng nối lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
Quan hệ đồng minh giữa Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng sau khi Ankara bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga đang tham gia chiến dịch không kích chống khủng bố ở Syria hôm 24/11/2015.
Sau sự việc này, tổng thống Putin đã tỏ thái độ bất bình, coi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “đâm từ sau lưng do những kẻ đồng lõa với khủng bố thực hiện”. Ngoài ra, ông chủ điện Kremlin cũng như ký nhiều sắc lệnh nhằm gia tăng các lệnh trừng phạt về kinh tế với chính quyền Erdogan.
Việc để ngỏ khả năng nối lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này, giới phân tích cho rằng trật tự tại Syria sẽ có nhiều thay đổi theo hướng bất lợi cho Washington.
Thực tế, thời gian gần đây, Ankara đang dần trở nên cô độc hơn sau khi bị nhiều nước lên án về việc tấn công vào lực lượng người Kurd tại Syria, trong đó có Mỹ.
Theo_Báo Đất Việt