Nga tiết lộ lý do tấn công lưới điện Ukraine
Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine và ngừng tham gia chương trình xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen là để trả đũa vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào hạm đội của Nga ở Crimea.
Khói bốc lên ở ngoại ô Kiev trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào ngày 31/10. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters ngày 1/11, ông Putin nói trong một cuộc họp báo ngày 31/10 rằng các máy bay không người lái của Ukraine đã sử dụng chính hành lang biển mà các tàu chở ngũ cốc đi qua theo thỏa thuận do Liên hợp quốc làm trung gian.
Ông Putin cảnh báo: “Đó không phải là tất cả những gì chúng tôi có thể làm”, đồng thời cho biết có thể có nhiều hành động hơn nữa.
Ukraine không nhận trách nhiệm về vụ tấn công này và phủ nhận sử dụng hành lang an ninh của chương trình ngũ cốc cho các mục đích quân sự.
Liên hợp quốc cho biết không có tàu chở ngũ cốc nào đang sử dụng tuyến đường Biển Đen vào ngày 29/10 khi Nga nói các tàu của mình ở Crimea đã bị tấn công.
Trong khi đó, vào ngày thứ 250 xảy ra xung đột ở Ukraine, tên lửa Nga tiếp tục tấn công nhiều mục tiêu ở Kiev và một số khu vực khác của Ukraine.
Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố trên Facebook ngày 31/10 rằng các lực lượng Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng ở ít nhất 6 khu vực tại Ukraine.
Theo các quan chức Ukraine, cơ sở hạ tầng năng lượng, trong đó có các đập thủy điện, đã bị ảnh hưởng, làm mất nguồn cung cấp điện, nhiệt và nước.
Ông Oleh Synehubov, Thống đốc khu vực đông bắc Kharkiv, cho biết trên Telegram rằng khoảng 140.000 người dân đã bị mất điện sau các vụ tấn công, trong đó có khoảng 50.000 người ở thành phố Kharkiv – thành phố lớn thứ hai ở Ukraine.
Quân đội Ukraine đã bắn hạ nhiều tên lửa Nga, nhưng các cuộc tấn công đã khiến 80% Kiev không có nước sinh hoạt. Có 13 người bị thương trong các vụ tấn công mới nhất.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết 18 mục tiêu, chủ yếu là cơ sở hạ tầng năng lượng, đã bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào 10 khu vực Ukraine ngày 31/10.
Trong ba tuần qua, Nga đã tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine bằng tên lửa tầm xa và máy bay không người lái cảm tử.
Video đang HOT
Trước đó, ngày 29/10, Nga đã tuyên bố ngừng thực hiện vai trò trong chương trình ngũ cốc sau khi cáo buộc Ukraine sử dụng máy bay không người lái trên không và hàng hải nhằm vào các tàu thuyền ở Vịnh Sevastopol. Nga cho rằng một trong những máy bay không người lái có thể đã được phóng từ một tàu dân sự được thuê để xuất thực phẩm từ các cảng của Ukraine.
Ông Putin nói: “Ukraine phải đảm bảo rằng sẽ không có mối đe dọa nào đối với các tàu dân sự hoặc các tàu tiếp tế của Nga”. Theo các điều khoản của thỏa thuận ngũ cốc, Nga có trách nhiệm đảm bảo an ninh.
Theo các quan chức Ukraine và Liên hợp quốc, 12 tàu chở ngũ cốc đã khởi hành từ các cảng của Ukraine vào ngày 31/10 bất chấp động thái của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định nước này sẽ tiếp tục thực hiện chương trình do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian để giảm bớt nạn đói toàn cầu.
Ông Zelensky nói: “Chúng tôi hiểu những gì chúng tôi mang tới cho thế giới. Chúng tôi mang tới ổn định trên thị trường sản xuất thực phẩm”.
Tàu chở ngũ cốc của Ukraine di chuyển tại Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 31/10, Bộ Ngoại giao Mỹ nói giá lương thực tăng do tình hình bấp bênh xung quanh thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen và việc Nga ngừng tham gia thỏa thuận này đã có những tác động tức thì, có hại đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Thông tin rằng Nga rút khỏi thỏa thuận trên đã khiến giá lúa mì toàn cầu tăng vọt hơn 5% vào sáng 31/10.
Tuy vậy, các tàu chở ngũ cốc vẫn rời Ukraine. Các tàu khởi hành ngày 31/10 gồm một tàu do Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc thuê để mang 40.000 tấn ngũ cốc đến châu Phi bị hạn hán.
Ukraine và Nga đều là những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Trong ba tháng, thỏa thuận do Liên hợp quốc hậu thuẫn đã đảm bảo hàng xuất khẩu của Ukraine có thể tiếp cận các thị trường.
Trong khi đó, Điều phối viên Liên hợp quốc về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, ông Amir Abdulla, nhấn mạnh các tàu chở hàng dân sự không thể trở thành mục tiêu quân sự hoặc bị bắt làm con tin, và lương thực phải được vận chuyển theo thỏa thuận này.
Liên tiếp bị tấn công, Crimea lộ những điểm yếu gì
Kiev đã sử dụng máy bay không người lái và các nhóm phá hoại để tấn công các mục tiêu trên bán đảo chiến lược ở Biển Đen, làm suy yếu ưu thế của Nga ở miền nam Ukraine.
Hình ảnh được cho là xác máy bay Su-24 tại căn cứ Suki, Crimea, sau vụ cháy nổ ngày 9/8. Ảnh: Forbes
Theo tờ Wall Street Journal, trong nhiều thế hệ, Crimea đã neo giữ sức mạnh quân sự của Liên Xô ở Biển Đen. Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, Tổng thống Putin tuyên bố bán đảo này sẽ mãi mãi là của Nga.
Nhưng hàng loạt vụ nổ và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong những ngày gần đây đã cho thấy mức độ dễ tổn thương của Crimea cũng như việc nơi này đã trở thành một phần trong các mục tiêu của Ukraine ra sao.
Các nhà phân tích và quan chức quân sự cho rằng những cuộc tấn công vào sâu bên trong Crimea, bao gồm cả tổng hành dinh Hạm đội Biển Đen ở thành phố cảng Sevastopol đã làm gián đoạn kế hoạch tiến sâu hơn xuống miền nam Ukraine của Moskva, có thể buộc Nga phải xem xét lại về chiến lược của mình.
Kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 2, Crimea và Hạm đội Biển Đen đã đóng vai trò một đầu mối quan trọng cung cấp lực lượng, thiết bị và hỏa lực cho binh sĩ Nga ở miền nam Ukraine, nơi nhiều thành phố thị trấn đã nhanh chóng thất thủ. Từ đây, Nga đã phóng tên lửa hành trình vào các cơ sở của Ukraine.
Crimea cũng được coi là thành tố quan trọng trong kế hoạch của Nga nhằm tiến xa hơn về phía tây đến thành phố cảng chiến lược Odessa và tạo ra một hành lang trên đất liền nối tới Moldova.
Kho đạn của quân đội Nga cháy nổ ở quận Dzhankoy, Crimea. Dzhankoy là nơi kết nối các tuyến đường sắt, đường bộ tới Nga cũng như Simferopol (Crimea) và Kherson (Ukraine). Ảnh: Warzone
Những vụ tấn công 'thay đổi cuộc chơi'
Tuy nhiên, vừa qua một máy bay không người lái của Ukraine đã tiếp cận được trụ sở kiên cố của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol. Điều này cho thấy điểm yếu của Nga trên vùng lãnh thổ quan trọng chiến lược này.
Theo một quan chức phương Tây, các vụ nổ trước đó tại căn cứ không quân Saki (vào ngày 9/8) đã khiến hơn một nửa số máy bay chiến đấu của Hạm đội Biển Đen không thể hoạt động. Không rõ nguyên nhân thực sự gây ra vụ nổ đó.
Ông John Spencer, Chủ tịch phụ trách nghiên cứu chiến tranh đô thị tại Diễn đàn Chính sách Madison, cho biết: "Nếu Saki và Sevastopol bị đánh trúng, đó sẽ là một sự thay đổi cuộc chơi. Những cuộc tấn công như vậy đang nhắm vào các mục tiêu hậu cần, chỉ huy, kiểm soát và cuối cùng là năng lực của chính Hạm đội Biển Đen."
Ông Spencer cũng cho biết sau những vụ nổ gần đây, Hạm đội Biển Đen của Nga đang phải chật vật để hoạt động với chức năng một pháo đài phòng thủ ven biển, cộng với tổ chức một số cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Ukraine. Ông cho rằng các đòn tấn công cũng đã khiến Nga chưa thể mở cuộc tấn công đổ bộ vào Odessa.
Bộ Quốc phòng Anh cho hay, các vụ nổ, cùng với việc soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga bị đắm trước đó, đã đặt hạm đội này vào thế phòng thủ, duy trì tầm nhìn bên trong các đường bờ biển Crimea.
Lực lượng an ninh Nga phản ứng trước vụ nổ vào tuần trước tại kho đạn dược của Nga gần làng Mayskoye, Crimea. Ảnh: Zuma Press
Crimea mất an toàn trước tấn công du kích
Kể từ khi chiến dịch quân sự của Moskva bắt đầu, Crimea đã là một hậu cứ an toàn và đáng tin cậy trong nỗ lực của Nga nhằm giành kiểm soát các vùng lãnh thổ dọc theo bờ biển phía nam của Ukraine. Ông Spencer nói rằng các cuộc tấn công gần đây đã làm suy yếu "bong bóng an ninh" của các radar và sức mạnh không quân mà Hạm đội Biển Đen đã xây dựng. Nga có thể đang suy tính các phương án để tạm thời di chuyển các tàu còn lại của hạm đội đi nơi khác. Nếu vậy, lực lượng Nga ở Ukraine có thể đối mặt với những vấn đề hậu cần mới.
Ukraine được nhận định còn lâu mới có thể tiến hành một cuộc tấn công trực diện vào Crimea, nhưng Kiev đã công khai tuyên bố họ muốn giành lại bán đảo này. Hôm 20/8, Tổng thống Zelensky tuyên bố tình trạng hiện tại ở Crimea "chỉ là tạm thời và Ukraine đang quay trở lại".
Các cuộc tấn công kiểu du kích sẽ có tác dụng như thế nào để Ukraine đi tới một cuộc phản công quy mô lớn hơn với lực lượng Nga ở miền nam Ukraine thì vẫn chưa rõ. Mục tiêu trước mắt của Kiev là đẩy Nga ra khỏi Kherson, vùng lãnh thổ quan trọng đầu tiên mà Moskva kiểm soát từ đầu cuộc xung đột. Lực lượng Ukraine đã tập trung đánh vào các đường tiếp tế và cầu bắc qua sông để cô lập quân Nga tại đó với hy vọng buộc họ rút lui.
Bà Velina Tchakarova, Giám đốc Viện Chính sách An ninh và châu Âu của Áo, cho biết các vụ nổ ở Crimea có thể không báo trước một cuộc phản công quân sự trên diện rộng, nhưng có thể là một phần của chiến thuật làm tiêu hao sinh lực của Nga với các loại vũ khí mà Ukraine có trong tay.
"Trong trường hợp Ukraine không có khả năng tiến hành một cuộc phản công lớn, họ đang làm suy giảm khả năng và cảm giác an toàn của Nga đến mức cao nhất có thể. Đó là một tình huống tiêu hao", bà Velina nói.
Chữ Z một biểu tượng ủng hộ Nga - ở Crimea. Ảnh: WSJ
Tác động tâm lý
Các nhà phân tích phương Tây cho rằng các cuộc tấn công đang có tác động tâm lý đáng kể đối với giới lãnh đạo Nga. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một trong những căn cứ được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của quân đội Nga khiến nó trở nên quan trọng cả về mặt biểu tượng cũng như hoạt động thực chất. Các quan chức Ukraine không bình luận ngay lập tức về vụ việc ở Biển Đen, nhưng họ ám chỉ có liên quan đến một loạt các vụ nổ trước đó.
Nga cho biết Ukraine đã triển khai máy bay không người lái đến nhiều căn cứ khác nhau trên bán đảo trong những tuần gần đây, kích hoạt hệ thống phòng không ở nhiều nơi.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng các cuộc không kích cho thấy Ukraine đang hiểu rõ hơn về cách hoạt động của hệ thống phòng không Nga và cách họ sử dụng hiệu quả thông tin tình báo cũng như vũ khí do các nước phương Tây cung cấp.
Bà Tchakarova nói: "Cuối cùng thì chúng [các vụ tấn công] cũng cho thấy chuyển việc giao vũ khí có ý nghĩa và tạo ra sự khác biệt trên chiến trường. Ngay bây giờ điều đó tạo nên sự khác biệt."
Khả năng tiến hành các cuộc tấn công sâu hơn này có nghĩa là Ukraine đang bước vào một ranh giới mong manh giữa việc làm suy yếu cảm giác an toàn của Nga trên bán đảo mà lại không gây ra tổn thất đến mức có thể được sử dụng để làm lý do cho một đợt huy động quân sự rộng lớn hơn trên khắp nước Nga.
Các nhà phân tích cảm thấy cho đến nay ranh giới đó vẫn chưa được vượt qua, nhưng các cuộc tấn công đã phá vỡ luồng thông tin mà công dân Nga tiếp nhận về cuộc xung đột. Bằng chứng là sau các vụ nổ hồi đầu tháng nhằm vào một kho vũ khí, khách du lịch hè đã nhanh chóng rời Crimea, khiến dòng xe lưu thông qua cầu Kerch để vào đất liền nước Nga trở nên ùn tắc.
Lý do nhiều nước châu Phi tăng cường mua vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ Doanh số bán máy bay không người lái và các loại vũ khí khác cho các quốc gia châu Phi đang bùng nổ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ký các thỏa thuận hợp tác quân sự với hàng chục chính phủ trên lục địa này. Dưới đây là một số lý do tại sao rất nhiều quốc gia châu Phi đang quay sang...