Nga: Thỏa thuận Minsk là giải pháp duy nhất cho Ukraine
Sự lựa chọn duy nhất để đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine là tuân thủ thỏa thuận Minsk.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phát biểu ngày 4/4 trong cuộc họp báo tại Bratislava (Slovakia), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ quan điểm rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine không thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự. Theo ông, việc chỉ thảo luận lệnh ngừng bắn tại miền Đông Nam Ukraine là không đủ do thỏa thuận được ký tại Minsk (Belarus) hồi tháng hai vừa qua ở phạm vi rộng hơn nhiều.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh yếu tố chủ chốt là tuân thủ các giai đoạn cụ thể trong thỏa thuận này và bên cạnh đó, còn có các cuộc đàm phán đang diễn ra về các vấn đề khác có thể được thực hiện cùng với những điều khoản được quy định trong các thỏa thuận Minsk.
Cũng tại cuộc họp báo trên, quan chức lãnh đạo ngành ngoại giao Nga còn cho biết Moskva sẽ mời đại diện các nước ngoài và truyền thông tới Crimea (Crưm) để tận mắt chứng kiến tình hình tại khu vực này. Ngoài ra, ông Lavrov cho rằng việc bình thường hóa các quan hệ song phương giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) sẽ cho phép hai bên hợp tác trong các vấn đề chính trị quốc tế, trong đó có các điểm nóng tại Trung Đông.
Trước đó, ngày 12/2 vừa qua, sau 16 giờ đàm phán tại Minsk, lãnh đạo 4 nước trong “ Bộ tứ Normandy” (gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức) đã đi đến được thỏa thuận ngừng bắn và rút các vũ khí hạng nặng khỏi khu vực xung đột Donbass (Ukraine).
Các bên tại Minsk đã đưa ra giải pháp chính trị tổng thể dài hạn cho Ukraine, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là cải cách hiến pháp, tính tới quyền của người dân Donbass. Tiếp theo là vấn đề biên giới có sự thống nhất với lực lượng dân quân Donbass, vấn đề nhân đạo, thực thi luật quy chế đặc biệt cho Donetsk và Lugansk. Tổng thống 3 nước Nga, Ukraine, Pháp và Thủ tướng Đức cũng đã ký Bản Tuyên bố chung dài 4 trang về giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine.
Theo TTXVN/baotintuc.vn
Nga không cho phép bất kì ai thay đổi lại thoả thuận Minsk
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Rossiya 1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow sẽ không cho phép bất kì ai thay đổi lại thoả thuận Minsk đã được thống nhất vào hôm 12-2 giữa các lãnh đạo của Nga, Pháp, Đức và Ukraine.
"Không gì có thể thay đổi được. Thoả thuận Minsk là kết quả của cuộc toạ đàm 17 giờ đồng hồ. Văn bản này đã được kí bởi đại diện của Kiev, Lugansk và Donetsk với sự tham gia của cả Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu. Ngay sau đó nó cũng đã được chấp nhận bởi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", ông Lavrov nói vào hôm 21-3.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Ngoại trưởng Nga nói thêm rằng thoả thuận Minsk có thể khiến các bên có nhiều cách hiểu khác nhau ở một vài điểm, tuy nhiên không phải những gì được thể hiện trong quyết định của quốc hội Ukraine.
Vào hôm 17-3, quốc hội Ukraine đã quyết định hoãn việc trao quy chế đặc biệt cho vùng Donbass cho đến khi người dân ở khu vực này tổ chức bầu cử địa phương theo luật pháp Ukraine. Theo ông Lavrov, đạo luật mới này hoàn toàn vi phạm thoả thuận Minsk với điều khoản trao nhiều quyền tự chủ hơn cho 2 nước Cộng hoà Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk.
Vào hôm 20-3, lãnh đạo của LPR, Igor Plotnitsky đã nhấn mạnh rằng bầu cử tại Donbass sẽ chỉ tổ chức sau khi Kiev hợp tác và chấp thuận với 2 nước cộng hoà tại miền đông Ukraine. Theo ông Plotnitsky, mọi nỗ lực hoà giải ở Ukraine sẽ trở thành vô dụng nếu tiến trình này không được bắt đầu từ một nền tảng đúng đắn.
Chính quyền tại Donetsk và Lugansk đã tuyên bố độc lập khỏi Kiev từ tháng 4 năm ngoái khi người dân địa phương từ chối công nhận chính quyền sau đảo chính. Phản ứng với hành động này, Kiev đã phát động chiến dịch quân sự nhằm trấn áp phe li khai tại đây. Việc trao quy chế đặc biệt cho khu vực này đã được chấp thuận bởi Kiev vào mùa thu năm 2014, tuy nhiên lại bị rút lại ngay sau đó.
Theo_An ninh thủ đô
Sử gia Mỹ vạch trần mưu đồ chống Nga của Washington Sử gia người Mỹ Steven Cohen, một chuyên gia về Liên Xô và Nga, Giáo sư trường Đại học Princeton dẫn chứng loạt động thái thuộc chiến dịch của Mỹ chống Nga. Cụ thể, ngày 3/4, sử gia Steven Cohen cho rằng, những phát ngôn như của Tư lệnh Wesley Clar nằm trong chiến dịch chống Nga có ý thức của chính quyền...