Nga thêm tàu Raptor cho Hạm đội Biển Đen vì Ukraine
Theo RIA Novosti ngày 8/5, Bộ Quốc phòng Nga quyết định tăng cường tàu cao tốc thuộc Project 03160 Raptor cho Hạm đội Biển Đen nhằm đối phó với tình hình mới.
Ukraine là nguyên nhân?
Thông tin về trang bị mới được phát ngôn viên của Hạm đội Biển Đen, Đại úy Vyacheslav Trukhachev cho biết.
“Cờ hải quân St. Andrew đã được kéo lên trên hai tàu cao tốc U-415 và U-425 thuộc dự án Raptor. Những tàu này đã chính thức gia nhập đội hình tác chiến của Hạm đội Biển Đen”, Đại úy Trukhachev nói.
Vị phát ngôn này lưu ý thêm rằng, với việc bổ sung các tàu cao tốc mới, số lượng tàu này tại căn cứ hải quân Crimea tăng lên thành 8 chiếc. Quyết định trang bị mới được Nga đưa ra sau khi hàng loạt tàu chiến cỡ nhỏ của Ukraine tăng cường tiếp cận bán đảo Crimea với mục đích không thực sự rõ ràng.
Vì vậy, truyền thông Ukraine cho rằng, việc Hạm đội Biển Đen được nhận thêm tàu cao tốc Raptor không gì khác nhằm đối phó với lực lượng tàu chiến cỡ nhỏ thuộc Project 58155 Gurza-M của Hải quân Ukraine đang có trong trang bị.
Tàu Raptor của Nga.
Cán cân sức mạnh
Nếu tàu Gurza-M là nguyên nhân khiến Nga tăng thêm số lượng tàu tuần tra cao tốc Raptor cho Hạm đội Biển Đen được xác nhận thì 2 dòng tàu này có thể hoàn thành được nhiệm vụ khi tìm cách đối phó nhau?
- Tàu Raptor: Theo giới thiệu từ nhà sản xuất, Raptor được thiết kế để nhận nhiệm vụ tuần tra ven biển, cửa sông nối ra biển; ngăn chặn cướp biển, chống tàu đánh bắt cá bất hợp pháp và bọn buôn lậu; vận chuyển các đơn vị thủy quân lục chiến và các lực lượng đặc nhiệm từ bờ ra tàu lớn hoặc từ tàu đổ bộ đến địa điểm tiến hành chiến dịch.
Tàu Raptor được biên chế tổ lái chỉ có 2 người, có khả năng chuyên chở trên 20 lính đặc nhiệm đổ bộ đánh chiếm mục tiêu, ngăn chặn và tấn công các mục tiêu nhỏ, cứu hộ cứu nạn… trong phạm vi hoạt động tối đa khoảng 100 hải lý (hơn 180 km).
Tàu trang bị 2 động cơ diesel tiên tiến với tổng công suất 2.300 mã lực. Kết hợp với động cơ mạnh mẽ, Raptor còn sử dụng hệ thống động lực phản thủy lực, giúp tàu có thể đạt vận tốc trên 50 hải lý/h (92 km/h) với điều kiện sóng gió tốt, hoặc 52 km/h trong điều kiện sóng cao 2,5 m và 37 km/h khi sóng cao 4,5 m.
Ngoài vận chuyển quân ra, Raptor có nhiệm vụ phải bảo vệ an toàn cho thủy thủ đoàn, và nếu cần thiết nó có thể yểm trợ hỏa lực cho nhóm lính đổ bộ. Do đó, các tàu này cũng được trang bị một số vũ khí khá mạnh và các hệ thống bảo vệ rất tốt.
Thứ nhất là tàu được trang bị lớp kính đặc biệt dày tới 39 mm, cho phép chịu được lửa của đạn gây cháy xuyên giáp của súng máy cỡ 7,62 mm. Với lớp bảo vệ vững chắc này, thủy thủ đoàn và lính thủy đánh bộ không bị thiệt hại và ngay lập tức xả đạn bắn trả đối phương.
Thứ hai là hệ thống cửa kín cho phép tàu có khả năng nổi trên mặt nước, ngay cả trong trường hợp nước ngập vào trong một khoang – tương tự như kết cấu của một chiếc tàu ngầm.
Thứ 3: Trang bị vũ khí của tàu Raptor được các chuyên gia Nga đánh giá là “tuyệt vời” so với các tàu thuyền cùng dòng.
Video đang HOT
Tàu sử dụng modul chiến đấu thông minh Uprava với súng máy hạng nặng Kord 14,5 mm có tầm bắn xa 3.000m, với hệ thống ngắm bắn quang – điện tử được điều khiển từ xa, có thể bắn hạ tàu nhỏ, ngăn chặn hỏa điểm của đối phương và tiêu diệt xe bọc thép nhẹ ven bờ.
Modul Uprava có thể tự điều chỉnh hỏa lực, tính toán khoảng cách an toàn để bắn đạn cảnh báo và được trang bị con quay hồi chuyển ổn định để bắn trong vùng sóng biển lớn, có khả năng tự làm sạch bụi bẩn và đất bùn bắn vào kính ngắm điện. Ngoài ra, tàu Raptor còn được trang bị hai khẩu súng máy Pecheneg 7.62mm bố trí phía sau tàu, có tầm bắn xa 2.000 m.
Tàu Gurza-M.
- Tàu Gurza-M: So với Raptor (dài 17m), kích thước Gurza-M ấn tượng hơn (dài khoảng 23m). Cùng với sự vượt trội về kích thước, tàu Ukraine còn được trang bị hệ thống vũ khí cực ấn tượng.
Về hệ thống vũ khí, tàu cao tốc Gurza-M được trang bị hai tháp pháo tự động BM-5M.01 Katran-M với vũ khí chính là một pháo tự động 30mm cùng hai tên lửa chống tăng dẫn đường.
Nhìn chung Katran-M không khác gì so với tổ hợp vũ khí tự động BM-3 Shtrum đang được trang bị trên các dòng xe bọc thép BTR của Ukraine hiện tại. Nhưng vũ khí là ưu điểm duy nhất tàu cỡ nhỏ Ukraine có được trước tàu tuần tra Raptor của Nga.
Theo Đan Nguyên
Đất Việt
Nga chuẩn bị triển khai ồ ạt lính đánh thuê ở Syria?
Truyền thông Trung Đông đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga chuẩn bị mở rộng sự hiện diện của lực lượng mặt đất ở Syria. Thực hư điều này như thế nào?
Truyền thông ồ ạt đưa tin Nga triển khai quân tới Syria
Những lời đồn đoán mới đang lan truyền trên các phương tiện truyền thông rằng, quân đội Nga đang chuẩn bị triển khai rộng rãi các lực lượng đặc nhiệm mặt đất tới Syria sau khi có yêu cầu chính thức của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Các báo cáo đề cập đến một số nguồn quân sự "giấu tên" cho biết, có tồn tại một kế hoạch về việc triển khai rộng rãi các lực lượng mặt đất của Nga trên lãnh thổ Syria.
Ví dụ như kênh truyền thông chính của Nhà nước Iran là Press TV cho biết, các nguồn tin yêu cầu giấu tên tiết lộ hôm 26/4 rằng, các lực lượng đặc biệt của Nga đã sẵn sàng để được triển khai ở những khu vực mà quân đội Syria đã tham gia vào các trận đánh quan trọng chống lại các nhóm khủng bố.
Họ còn lưu ý rằng, các phương án tác chiến và sự chuẩn bị huy động lực lượng trong kế hoạch này đã được soạn thảo và nó sẽ ngay lập tức được thực hiện khi chính phủ Damascus đưa ra yêu cầu chính thức và được Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp thuận.
Một cơ quan truyền thông khác của Iran là Fars News cũng công bố một nguồn tin khác liên quan đến bản kế hoạch này. Theo đó, các nguồn quân sự Syria cho biết rằng, Điện Kremlin đã thông báo với chính quyền Damascus về sự sẵn sàng triển khai quân đội tới Syria.
Còn tin tức của al-Hadath dẫn lời các nguồn tin khác nói rằng, Nga đã thông báo với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad là, trong trường hợp có yêu cầu hỗ trợ tác chiến của quân đội Syria, Tổng thống Vladimir Putin đã sẵn sàng đưa các lực lượng mặt đất tới Syria.
Các nguồn tin nói rằng, các lực lượng đặc biệt của Nga đã được chuẩn bị đầy đủ nhất để nhanh chóng triển khai tại các khu vực đang trải qua những áp lực lớn từ các ổ nhóm khủng bố và phiến quân đối lập, nhằm tăng cường sức mạnh cho cuộc chiến chống khủng bố ở quốc gia Trung Đông này.
Không chỉ giới truyền thông thân Nga ở Iran và Syria, các báo cáo hiện tại về khả năng triển khai quân đội của Nga tới Syria còn được đăng tải bởi các trang tin tức quân sự của Israel như Ynetnews hay là DEBKAfile hoặc các kênh truyền thông Ả rập khác như Southfront hay al-Masdar News.
Trong bài báo ngày 24/4, Ynetnews dẫn nguồn tin trong quân đội Syria nói rằng, Nga đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng triển khai các lực lượng mặt đất vào Syria nếu một yêu cầu chính thức được gửi tới từ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Truyền thông Trung Đông đưa tin, lực lượng mặt đất Nga sẽ mở rộng hiện diện quân sự ở Syria
Tờ báo này dẫn tuyên bố của một sĩ quan chỉ huy lực lượng Al-Quds Al-Arabi nói trong một cuộc phỏng vấn là Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã sẵn sàng triển khai các lực lượng đặc biệt đến hỗ trợ quân đội Syria tại những khu vực chiến trường ác liệt nhất.
Nguồn tin nói thêm rằng, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cũng đã chuẩn bị để mở rộng sự tham gia của mình trong cuộc chiến ở Syria, bao gồm cả việc điều động lực lượng mặt đất tham chiến trực tiếp.
Thực hư việc Nga triển khai quân tới Syria
Trước đó, trong một buổi phỏng vấn với Sputnik, Tổng thống Syria al-Assad cho biết, không loại trừ rằng, trong trường hợp ở Syria có sự gia tăng đáng kể số lượng các phần tử khủng bố từ khắp nơi trên thế giới, Syria có thể sẽ cần đến sự hỗ trợ của lực lượng mặt đất Nga.
Sau vụ Mỹ tấn công một căn cứ không quân của Syria hồi đầu tháng 4, hai đồng minh chủ chốt của chính quyền Damascus là Iran và Nga đã có phản ứng mạnh mẽ, tố cáo Washington muốn hỗ trợ các nhóm vũ trang nổi dậy, và cam kết sẽ sát cánh bên Tổng thống Bashar al-Assad.
Lãnh đạo quân đội hai nước Nga-Iran cam kết, sẽ gia tăng các cuộc đấu tranh nhằm vào các nhóm khủng bố và phiến quân đối lập ở Syria, tiếp tục hợp tác quân sự với SAA cho đến khi đánh bại hoàn toàn.
Những người theo trường phái nghi ngờ về việc Nga can thiệp sâu vào cuộc nội chiến Syria cho rằng, bản báo cáo có thể là có thật, bởi bất kỳ người chỉ huy nào cũng phải xây dựng nhiều phương án thay thế và nhiều kế hoạch cho các hoạt động và nhiệm vụ khác nhau.
Tuy nhiên, có những kế hoạch sẽ chỉ tồn tại trên giấy mà không bao giờ được triển khai thực tế, giống như việc Nga triển khai lực lượng mặt đất đến Syria cũng là một kế hoạch dự phòng khi bắt đầu can thiệp vào nước này, nhưng có lẽ kế hoạch này sẽ không bao giờ được thực hiện.
Những người này cho rằng những thông tin này có hai vấn đề đáng nghi vấn: Thứ nhất là các lực lượng đặc nhiệm Nga trên thực tế đã được triển khai ở Syria; Thứ hai là không có báo cáo nào từ các cơ quan truyền thông chính thức của Nga và Syria liên quan đến khả năng Moscow triển khai lực lượng mặt đất tại Syria, mà chỉ xuất hiện từ giới truyền thông Trung Đông.
Vào các tháng cuối năm 2015, liên tiếp xuất hiện thông tin về sự tham chiến của các lực lượng mặt đất Nga ở Syria, đặc biệt là lực lượng trinh sát mặt đất và đặc nhiệm quân đội Spetsnaz (chịu trách nhiệm tiến hành các hoạt động quân sự ở bên ngoài lãnh thổ nước Nga).
Ông Michael Kofman, một chuyên gia về các hoạt động quân sự của Nga tại Đại học Chiến tranh Hải quân của Mỹ (CAN) tiết lộ, không chỉ Spetsnaz, Moscow đã triển khai nhiều đơn vị đặc biệt của các quân binh chủng tại Syria, bao gồm Zaslon, KSO và các biệt đội trinh sát khác.
Ngay cả các quan chức chính phủ và giới tướng lĩnh Nga cũng đã thừa nhận sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm Nga ở Syria. Như vậy, trên thực tế nội dung bản kế hoạch này đã được thực hiện rồi, vậy tại sao còn tiếp tục có thông tin về việc Nga triển khai lực lượng đặc nhiệm đến Syria?
Một số nhà phân tích nhận định, nội dung của bản kế hoạch này có một số vấn đề cần đính chính lại rằng, lực lượng sắp tới được triển khai ở Syria không phải là đặc nhiệm hay lục quân Nga mà chính là các đơn vị lính đánh thuê (PMC) của công ty quân sự tư nhân Vagner.
Lính đánh thuê Nga sẽ tới Syria?
Tên của công ty Vagner lấy theo tên nhà lãnh đạo của nó là Vagner, tức bí danh của ông Dmitriy Utkin - một thành viên đã nghỉ hưu của Lực lượng đặc nhiệm Nga, người trước đây là chỉ huy Đội Đặc nhiệm 700 của Lữ đoàn Lực lượng Đặc nhiệm số 2, thuộc lực lượng tình báo quốc phòng Nga).
Theo giới truyền thông, những tay súng đầu tiên của Wagner đã tham gia vào cuộc chiến tranh Donbass vào năm 2014-2015 ở phía các tay súng li khai. Và bắt đầu từ cuối mùa thu năm 2015, những người lính đánh thuê của Wagner đã được đưa sang chiến trường đến Syria.
Vì sự tồn tại hay tham gia của Vagner trong hoạt động của Syria chưa được chính thức được công nhận, nên không có báo cáo đáng tin cậy về số lượng các tay súng của công ty này được đưa sang Syria và các chức năng, nhiệm vụ mà họ đảm nhận.
Một số ước tính cho biết, có khoảng 400 lính đánh thuê của Vagner đang chiến đấu ở các mặt trận ở Syria, điều mà Quân đội Nga không được phép tham gia. Do đó, các tay súng của công ty này cũng phải chịu một con số thương vong không nhỏ, nhưng không hề được công khai.
Các tay súng đánh thuê của công ty Wagner được cho là đã hiện diện ở Syria
Được biết, từ trước đến nay nhà chức trách Nga đã phủ nhận việc sử dụng lính đánh thuê ở Ukraine và Syria, bởi theo luật của Nga, việc điều động các nhân viên của một nhà thầu quân sự tư nhân sang tham chiến ở một nước khác là điều bất hợp pháp.
Nguyên nhân là do Moscow vẫn chưa có một chính sách rõ ràng liên quan đến sự tồn tại của các công ty quân sự tư nhân, mặc dù một dự luật đã được trình lên Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), nhưng nó vẫn chưa được thông qua, sau những những cuộc thảo luận này lửa về khuôn khổ pháp lý của PMC.
Các mối quan hệ chính thức giữa Bộ Quốc phòng và các PMC không bao giờ được công khai, vì việc duy trì một mức độ bí mật nhất định xung quanh một công cụ của hành động bán quân sự bí mật sẽ khiến Quân đội thực hiện được những nhiệm vụ mà họ không thể ra mặt đảm nhận.
Đó có thể chính là rào cản khiến dự luật về các công ty quân sự tư nhân Nga chưa được thông qua. Tuy nhiên, nếu ngoảnh sang bên cạnh, Mỹ và các nước châu Âu đều đã áp dụng khá thành công các mô hình lính đánh thuê tư nhân và Nga cũng khó có thể đi bên lề xu hướng này.
Xét về những đóng góp của Vagner trong cuộc chiến ở Syria, có vẻ như giới chức lãnh đạo Moscow đã quyết định mở rộng quy mô hiện diện và phạm vi hoạt động của lực lượng lính đánh thuê ở Syria, nhằm tìm kiếm một mô hình công ty quân sự tư nhân riêng của mình.
Do đó, giới chuyên gia nhận định rằng, Nga sẽ nhanh chóng tăng cường hiện diện quân sự phi chính thức thông qua hoạt động của các tay súng tinh nhuệ Vagner, với những nhóm lớn cựu chiến binh được đào tạo đặc biệt và rèn giũa ở các lò lửa Afghanistan và Chechnya.
Vagner sẽ đại diện cho thử nghiệm tham vọng nhất của Nga về mô hình công ty quân sự tư nhân, chiến trường Syria sẽ hoàn thiện sự phát triển của khái niệm PMC được xây dựng dần dần từ các hoạt động quân sự khác nhau ở Trung Á, Caucasus, Crimea và Donbass.
Theo Thiên Nam
Đất Việt
Mỹ lại nhảy dù xuống Deir Ezzor, SAA thêm nguy cơ mới Theo giới truyền thông, đặc nhiệm Mỹ vừa nhảy dù xuống khu vực phụ cận thành phố Deir Ezzor để đánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Liên quân Mỹ lại nhảy dù xuống Deir Ezzor Kênh truyền hình Sky News Arabia dẫn nguồn tin riêng cho biết, Không quân liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo đã đổ...