Nga tăng quân xuống phía nam đối phó NATO
Truyền thông Nga đưa tin nước này sẽ bổ sung các lực lượng cùng vũ khí hiện đại xuống phía tây nam để đáp trả kế hoạch tăng cường sự hiện diện trong khu vực Biển Đen của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Tàu tuần dương Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga. Ảnh: Sputnik.
Quân đội đang có kế hoạch kiểm tra lực lượng mới, cơ sở hạ tầng cùng vũ khí điều động tới những khu vực giáp Biển Đen trong cuộc tập trận Kavkaz 2016, nhật báo Novaya Gazeta dẫn các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Cuộc tập trận sẽ sử dụng nhiều lực lượng khác nhau ở vùng núi Kavkaz và trên Biển Đen.
Theo tờ báo, kế hoạch nhằm củng cố biên giới tây nam này có liên hệ với kế hoạch tăng cường sự hiện diện trong khu vực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). NATO còn đang nỗ lực cải thiện năng lực chiến đấu cho quân đội Ukraine.
Đại úy hải quân Oleg Shvedkov, chuyên gia quân sự cho tờ báo, nói các lực lượng NATO cùng đồng minh trong khu vực cộng lại mạnh hơn Hạm đội Biển Đen của Nga nhưng nếu Moscow điều thêm hệ thống tên lửa và phi cơ tới đây, mối đe dọa trên sẽ không còn tồn tại.
Đại úy Vyacheslav Trukhachev, người phát ngôn Hạm đội Biển Đen, cho biết có thêm 15 tàu chiến Nga đến Biển Đen trong năm 2015. Trong số này có hai tàu sân bay và hai tàu ngầm được trang bị tên lửa hành trình Kalibr với tầm bắn hiệu quả lên đến 3.000 km.
Theo bộ phận truyền thông Quân khu miền Nam Nga, trong các đơn vị được điều động đến Bắc Kavkaz và vùng Rostov có máy bay chiến đấu đủ khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đen. Quân khu còn có hai lữ đoàn tên lửa đạn đạo Iskander-M, tầm bắn hiệu quả 500 km, có thể xuyên qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại.
Ukraine trong tháng 8/2015 tổ chức tập trận quân sự chung với các lực lượng NATO trên Biển Đen với 2.500 binh sĩ, khoảng 150 phương tiện quân sự tham gia. Bộ Ngoại giao Nga khi đó chỉ trích cuộc tập trận, cho rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Ukraine vi phạm thỏa thuận Minsk, thỏa thuận nhằm giúp chấm dứt tình trạng xung đột ở miền đông nước này.
Video đang HOT
Khu vực Biển Đen. Đồ họa: National Geographic.
Như Tâm
Theo VNE
Hai lý do Trung Quốc quyết đóng thêm tàu sân bay
Trung Quốc đang nỗ lực hiện thực hóa tham vọng sở hữu lực lượng tàu sân bay mạnh, chuyên dùng để tấn công và đáp ứng kỳ vọng của tư tưởng dân tộc.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: National Interest
Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới phát triển tới hai loại tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay là DF-21D và DF-26 nhằm phục vụ chiến lược "chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực" thiên về phòng thủ của quốc gia. Gần đây, Trung Quốc đã khiến nhiều người lo ngại khi thể hiện tham vọng sở hữu thêm tàu sân bay, loại vũ khí hiện đại phục vụ mục đích tấn công và phát huy sức mạnh xa bờ.
Trong hơn một thập kỷ qua, nhiều thông tin cho thấy tham vọng sở hữu một lực lượng tàu sân bay hùng hậu của Trung Quốc, khi nước này có thể đang đóng thêm tàu sân bay nội địa ngoài chiếc Liêu Ninh được cải hoán từ tàu cũ mua của Ukraine.
Hồi tháng 9, trang USNI News của Mỹ dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Trung Quốc đang gấp rút đóng một chiếc tàu sân bay có hình dáng khá giống với tàu Liêu Ninh tại cảng Đại Liên. Trung Quốc chưa công khai bất cứ thông tin gì về dự án đóng tàu này.
Chuyên gia phân tích chính sách quốc phòng Harry Kazianis của National Interest, cho rằng Trung Quốc có những động cơ rất rõ ràng để quyết tâm phát triển chương trình tàu sân bay.
Lý do đầu tiên là vì chủ nghĩa dân tộc, bởi chương trình phát triển tàu sân bay nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận Trung Quốc.
Công chúng Trung Quốc đã bày tỏ niềm tự hào to lớn về tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh của nước này. Cơn sốt tàu sân bay rộ lên khắp Trung Quốc khi người dân thi nhau bắt chước tư thế của hai thủy thủ dẫn hướng cho tiêm kích J-15 lần đầu tiên hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh hồi tháng 11/2012.
Hầu hết người dân Trung Quốc đều đồng tình với nhận định của thiếu tướng Zhang Shiping, nghiên cứu viên tại Học viện Khoa học Quân sự, rằng "để Trung Quốc trở thành một cường quốc trên thế giới mà không có nổi một tàu sân bay là điều hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi. Việc sở hữu một tàu sân bay là một tất yếu lịch sử đối với Trung Quốc".
Lịch sử gần đây là chứng minh nhận định này, theo một báo cáo mới được công bố của Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ (USNWC). Theo đó, sở hữu nhiều tàu sân bay là biểu tượng cho sự thống trị áp đảo của hải quân Mỹ trong khi việc thiếu tàu sân bay tiếp tục cho thấy sự yếu kém của hải quân Trung Quốc.
Một trong những thời khắc "khó chịu" nhất đối với Trung Quốc là vào năm 1996, khi Mỹ điều động hai cụm tàu sân bay chiến đấu nhằm đáp trả hành động đe dọa dùng vũ lực của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. Theo chuyên gia Andrew Scobel của USNWC, Trung Quốc coi sự thống trị của tàu sân bay Mỹ là biểu hiện của ngoại giao pháo hạm, thể hiện rằng dù sức mạnh quân sự tăng tới đâu, Bắc Kinh vẫn ở "chiếu dưới" trên các vùng biển sâu nếu không có tàu sân bay chống lại sự áp đảo của hải quân Mỹ.
Hình ảnh được cho là chiếc tàu sân bay thứ hai mà Trung Quốc đang đóng ở Đại Liên. Ảnh: Weibo
Thứ hai, việc sở hữu thêm tàu sân bay phù hợp với chiến lược và tham vọng vươn ra "biển xanh" của hải quân Trung Quốc, theo giới phân tích. Có một thực tế là các tàu chiến hiện nay của Trung Quốc đều có số hiệu gồm ba chữ số, riêng tàu sân bay Liêu Ninh chỉ có hai chữ số (16), chứng tỏ con tàu này chỉ phục vụ mục đích huấn luyện và nghiên cứu là chính, không được sử dụng để tham chiến thực sự. Muốn thực sự trở thành một lực lượng "hải quân biển xanh" ngang tầm với Mỹ, Trung Quốc phải sở hữu thêm tàu sân bay, chuyên gia Scobel nhận định.
Theo cách lý giải này, Trung Quốc đang theo đuổi tầm nhìn chiến lược lớn được cho là do đô đốc Liu Huaqing, người đã qua đời năm 2011, đưa ra vào đầu những năm 1980. Theo đó, hải quân Trung Quốc (PLAN) sẽ từng bước vươn ra biển Thái Bình Dương bằng việc mở rộng hoạt động theo từng giai đoạn.
Giai đoạn đầu đến năm 2000, PLAN sẽ mở rộng phạm vi hoạt động trong các "vùng biển gần" (Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Hoàng Hải) nằm trong Chuỗi đảo thứ nhất kéo dài từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, tới Đài Loan, đảo Borneo và Natuna Besar.
Giai đoạn hai là đến năm 2020, PLAN sẽ vươn tầm hoạt động ra xa đến Chuỗi đảo thứ hai gồm quần đảo Bonnin, quần đảo Marianas và quần đảo Caroline.
Giai đoạn ba là cho tới năm 2050, Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc hải quân toàn cầu, và hải quân nước này sẽ hoạt động song song cùng hải quân Mỹ trên các vùng biển quốc tế.
Trung Quốc luôn muốn đột phá "chuỗi đảo thứ nhất" (đường đỏ), để tăng cường hoạt động quân sự ra đại dương. Đồ họa: Pentagon
Thực tế, các hoạt động của PLAN và nỗ lực triển khai sức mạnh của Trung Quốc từ trước đến nay đều diễn ra theo khung thời gian này. Lộ trình phát triển sức mạnh hải quân Trung Quốc đã được đẩy nhanh đáng kể nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và hoạt động giao thương đường biển nhộn nhịp trong những năm 1980 và 1990.
Chuyên gia Scobel cho rằng chiến lược biển của Trung Quốc được đẩy mạnh trong thế kỷ 21 khi Trung Quốc cho rằng lợi ích của mình ngày càng bị Mỹ đe dọa. Sau khi Mỹ đề xướng chiến lược "xoay trục châu Á", Bắc Kinh đã coi các hoạt động của Washington ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nhằm mục đích kiềm chế và bao vây họ.
Theo giới phân tích, chính tham vọng chiến lược này dưới sự thúc đẩy của tinh thần dân tộc và hoạt động hành lang của các tướng lĩnh quân sự đã khiến Trung Quốc dồn sức phát triển tàu sân bay, loại vũ khí đến nay vẫn còn lạ lẫm với họ.
"Tính cấp thiết chiến lược và nhu cầu vận hành tàu sân bay trong thế kỷ 21 phù hợp với sự trỗi dậy của PLAN và tư duy hoạch định kế hoạch vươn ra biển xa của lãnh đạo nước này", chuyên gia Kazianis nhận xét.
Duy Sơn
Theo VNE
Pháp tăng cường lực lượng quân sự đến Trung Đông chống IS Quân đội Pháp triển khai khí tài quân sự chống IS tại Trung Đông từ năm 2014. Sau vụ khủng bố Paris đêm 13.11.2015, Pháp đã tăng cường lực lượng quân sự đến khu vực này. Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp - Ảnh: Bộ Quốc phòng Pháp Sau vụ khủng bố Paris 2 ngày, Pháp đã đáp trả IS bằng...