Nga tăng quân tại Crimea đối phó “mối đe doạ” NATO
Nga có kế hoạch tăng cường cụm quân sự ở Crimea, Đại sứ Alexander Grushko, đại diện thường trực của Nga tại NATO cho biết hôm 15/5.
Phát biểu trong chương trình cầu truyền hình Moskva-Brussels do hãng truyền thông đa phương tiện Rossiya Segodnya thực hiện, ông Grushko cho biết: “Xét về chất lượng sẽ không có gì thay đổi, nhưng tất nhiên chúng tôi sẽ tăng cường cụm quân sự của mình ở Crimea xuất phát từ việc gần đây các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gia tăng hoạt động, bố trí binh lực sát biên giới với chúng tôi. Ngoài ra, thực tế sau nhiều năm hoạt động cho thấy cần thiết phải hiện đại hóa hạm đội ở đây, điều mà chúng tôi đã không thể thực hiện vì phía Ukraine cản trở bằng mọi cách”.
Binh sĩ Nga ở Crimea.
Động thái này được xem là phản ứng của Moscow đối với tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg một ngày trước về kế hoạch tăng cường hoạt động quân sự ở Đông Âu thông qua sự gia tăng các cuộc tuần tra không phận, hải phận và các cuộc tập trận chung với đồng minh trong khu vực, tăng cường hiện diện quân sự luân phiên tại Latvia, Lithuania, Estonia, Ba Lan, Bulgaria và Romania.
Moscow cho rằng các hoạt động trên của NATO ở sát biên giới là một mối đe dọa đối với an ninh của nước Nga. Ông Grushko lưu ý rằng chính NATO đang làm tổn hại mình bằng cách từ bỏ các con đường hợp tác với Nga.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, ngày 14/5, Chính phủ Ukraine cũng đã phê chuẩn kế hoạch xây dựng các công trình rào chắn tại biên giới với Nga, cũng như tại các khu vực lân cận vùng chiến sự ở vùng Donbass và bán đảo Crimea.
Theo quyết định, dự án sẽ được thực hiện trong 3 năm từ năm 2015 đến hết năm 2018 với tổng chi phí 4 tỷ hryvnia (gần 200 triệu USD).
Trong khuôn khổ dự án có tên Bức tường, dọc biên giới với Nga bên phía Ukraine sẽ đào hào chống tăng, xây dựng các công sự chống mìn, dựng các đài quan sát cao tới 17m, bố trí các thiết bị báo hiệu, các trạm trực chiến, xây dựng các đường kiểm soát, trải đường song song với biên giới và đường ranh giới.
Hồi mùa Thu năm 2014, Thủ tướng Ukraine Arseny Yasenyuk tuyên bố bắt đầu xây dựng “biên giới thực sự” với Nga dài 2.295km. Biên giới trên bộ sẽ là một đường hào rộng 4m, sâu 2m, được gắn các hệ thống quan sát điện quang, các trạm gác và các công trình khác.
Kể từ sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, quân đội Nga đã triển khai gần 100 đơn vị, tổ chức tại bán đảo này, RT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu cho biết.
An Nhiên (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Moscow: Không có lí do để Mỹ giữ vũ khí hạt nhân ở châu Âu
Vào hôm 15-5, Đại sứ Nga ở NATO, Alexander Grushko đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ vẫn giữ các loại vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
"Nếu chúng ta đang nói về sự tồn tại của các vấn đề, chúng ta sẽ hiểu rằng ở thời điểm hiện tại không có lí do gì để giữ các loại vũ khí hạt nhân ở châu Âu. Chúng tôi tin rằng Mỹ nên rút hết tất cả các loại vũ khí nguyên tử về nước mình, để đảm bảo an ninh cho châu Âu", ông Grushko cho biết và nhấn mạnh rằng Moscow đã di rời hết tất cả các loại vũ khí hạt nhân của mình về lãnh thổ Nga.
Đại sứ Nga ở NATO, Alexander Grushko
Vào tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, Mỹ đã vi phạm Hiệp ước chống phổ biến vũ khí bằng việc đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở 5 nước châu Âu.
Số lượng cụ thể của các loại vũ khí được triển khai đến Bỉ, Ý, Thổ Nhĩ Kì, Đức và Hà Lan chưa rõ, tuy nhiên, Trung tâm nghiên cứu kiểm soát và chống phổ biến vũ khí ước lượng nó vào khoảng 500 đầu đạn.
Đại sứ Nga tại NATO cũng cho biết, Moscow hi vọng NATO sẽ bỏ đi chính sách "mở rộng một cách không có chủ đích" và cân nhắc kĩ về việc trao quy chế thành viên cho Gruzia và Ukraine.
Ông Grusko cũng đã nhận định về tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kì Mevlut Cavusoglu trong cuộc họp thượng đỉnh các bộ trưởng ngoại giao của NATO ở Antalya, trong đó, ông Cavusoglu đã nhấn mạnh tới hi vọng rằng cuộc họp tới của NATO sẽ tập trung vào các vấn đề kết nạp thêm Gruzia, Macedonia, Montenegro và Bosnia.
Nhà ngoại giao Nga tiếp tục cảnh báo rằng việc NATO mở rộng về Đông Âu có thể mang lại những hệ quả khôn lường cho an ninh châu Âu, điều vốn cũng đã được thấu hiểu bởi một vài thành viên của khối đồng minh.
Gruzia và Ukraine đều đã tuyên bố mong muốn được kết nạp vào NATO, tuy nhiên, cả 2 nước đều đang trong những tranh chấp lãnh thổ. Cụ thể, Kiev không công nhận chủ quyền của Crimea, trong khi Tbilisi vẫn coi Cộng hoà Abkhazia và Nam Ossestia là một phần lãnh thổ của mình.
Theo_An ninh thủ đô
Nga tuyên bố có quyền triển khai vũ khí hạt nhân tại Crimea Ngày 11-3, giám đốc Cơ quan Không phổ biến và Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Ulyanov tuyên bố, nước này có quyền triển khai vũ khí hạt nhân tại bán đảo Crimea, nhưng hiện chưa có kế hoạch thực hiện việc này. Ông cho biết tại một cuộc họp báo ở Moscow rằng: "Rõ ràng, nước Nga có...