Nga sẽ trả giá đắt cho hành động quân sự tại Ukraine?
Các nhà phân tích nhận định rằng Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề về mặt kinh tế lẫn chính trị, hơn là đạt được lợi ích gì, khi can thiệp quân sự vào Ukraine, theo AFP.
Các binh sĩ trong quân phục không có phù hiệu, được cho là quân Nga, hiện diện tại khu tự trị Crimea – Ảnh: Reuters
Một số nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng việc Moscow can thiệp quân sự vào Ukraine có thể sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước Nga, đồng thời đẩy Nga vào tình trạng bị cô lập nghiêm trọng hơn cả thời chiến tranh lạnh, theo AFP ngày 3.3.
Ông Alexei Makarkin, nhà phân tích chính trị, Giám đốc trung tâm Công nghệ – chính trị Nga, nhận định rằng không giống như thời Liên Xô cũ với nền kinh tế khép kín, nền kinh tế Nga đang hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Ông Alexei cho rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ là một “thảm họa” với nền kinh tế Nga.
Truyền thông thân với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin lại cho rằng sự can thiệp quân sự vào Ukraine thể hiện sự đoàn kết với người dân Nga với cộng đồng người nói tiếng Nga ở Crimea và khu vực miền đông Ukraine.
Theo đó, chính phủ lâm thời Ukraine quy tụ những thành phần được phương Tây hậu thuẫn và chống Nga. Điều này phụ họa cho luận điểm bảo vệ người Nga trước các khuynh hướng bài Nga ở Ukraine mà ông Putin dùng làm lý do chính thức để điều quân đến Crimea.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào ngày 2.3, Tổng thống Putin cũng đã khẳng định công dân Nga và cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine đối mặt với những mối đe dọa từ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoạn, buộc Nga phải can thiệp vào Ukraine.
Ông Leonid Slutsky, một nhà làm luật thuộc Đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất, đã tổ chức cuộc diễu hành vào ngày 2.3, ủng hộ hành động can thiệp quân sự vào Crimea, theo AFP.
Ông Slutsky cho rằng cuộc chiến ở Crimea thực chất là cuộc chiến với phương Tây mà Nga không có quyền được bại trận.
Ukraine trở thành một vùng đệm chiến lược giữa Nga và phương Tây. Vì vậy, ông Putin xem Ukraine là một ván cờ “được ăn cả, ngã về không”, theo nhận định của ông Jan Koehler, một chuyên gia nghiên cứu về Đông Âu ở đại học Tự do (Berlin, Đức).
Video đang HOT
“Ông Putin sẵn sàng mạo hiểm, vì ông nghĩ rằng đáng để mạo hiểm”, ông Koehler cho hay.
“Nga muốn bành trướng sự ảnh hưởng của họ trên thế giới thông qua các lãnh thổ Liên Xô cũ, đây chính là một chiến lược địa chính trị mà Moscow sẽ phải trả giá đắt”, ông Valery Garbuzov, nhà phân tích chính trị thuộc Học viện Mỹ – Canada ở thủ đô Moscow (Nga), cho biết.
Xung đột nếu xảy ra ở Crimea sẽ bế tắc và Nga sẽ gánh chịu thiệt hại và tổn thất tương tự như trong chiến tranh lạnh, ông Garbuzov nhận định.
Các nước G8 đã ngừng việc chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến tổ chức tại thành phố Sochi, Nga, đe dọa cô lập và đe dọa khai trừ Nga khỏi G8 vì những hành động quân sự của Nga ở Ukraine, theo AFP.
“Đây sẽ là một cuộc khủng khoảng tồi tệ nhất trong quan hệ Nga – phương Tây”, AFP dẫn lời ông Alexei Malashenko, thuộc trung tâm Carnegie Moscow (Nga).
“Nga có nguy cơ bị cô lập về mặt kinh tế và chính trị, thậm chí còn tồi tệ hơn trong thời kỳ can thiệp quân sự ở Afghanistan”, ông Malashenko nhận định.
Nhật báo Nga Vedomosti cho rằng việc Nga gửi quân đến Ukraine gửi cho thế giới một thông điệp rằng Nga muốn dùng vũ lực để tái dựng một Liên Xô hùng mạnh như xưa.
Nhưng Vedomosti cảnh báo rằng: “Chiến tranh là sai lầm”.
Theo TNO
Mỹ dọa "cô lập" Nga, củng cố niềm tin cho Kiev
Ngày mai (4/3), Ngoại trưởng Mỹ - John Kerry dự kiến sẽ tới thăm Kiev trong một nỗ lực nhằm thể hiện rõ hơn sự ủng hộ của Washington với chính phủ mới của Ukraine. Thông tin trên vừa được một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đưa ra hôm qua (2/3).
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Kerry lên tiếng cảnh báo rằng, Nga sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị "xóa tên" khỏi Nhóm các Quốc gia Phát triển G8 và sẽ phải đối mặt với một "cú sốc" về kinh tế nếu tiếp tục hành động quân sự ở Ukraine.
Ảnh minh họa
Theo lịch trình trước đó, lẽ ra ngày mai (4/3), ông Kerry sẽ tới Li-băng để dự một hội nghị quốc tế tại đây, nhưng thay vào đó, ông đã quyết định đến Ukraine. Đây là chuyến công du tới Ukraine đầu tiên của ông dưới cương vị Ngoại trưởng Mỹ.
Tại Ukraine, Ngoại trưởng Kerry sẽ có cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao trong chính quyền mới của nước này, và đàm phán với các lãnh đạo dân sự cũng như Quốc hội Ukriane, một quan chức cấp cao giấu tên cho hay.
Trong các cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ sẽ bàn thảo về các biện pháp hỗ trợ về mặt chính trị cho Ukraine. Chuyến công du này nhằm mục đích tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Trước đó, hôm 26/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định nước này đang cân nhắc khả năng tài trợ 1 tỷ USD cho Ukraine dưới dạng bảo lãnh cho các khoản vay. Cùng với Mỹ, Liên minh châu Âu cũng đang cân nhắc việc cung cấp khoản bảo lãnh vay nợ trị giá 1,5 tỷ USD cho Ukraine, ông Kerry cho biết thêm.
Mỹ dọa "cô lập" Nga
Trong một diễn biến liên quan khác, một mặt thể hiện sự ủng hộ hết mình của Mỹ đối với Ukraine, một mặt Mỹ cũng đang sử dụng mọi biện pháp nhằm phản đối và ngăn chặn hành động gần gây của Nga tại Ukraine.
Trong bài phát biểu trên chương trình "Face the Nation" trên CBS sáng 2/3, Ngoại trưởng Kerry đã lên án hành động mà Mỹ gọi là "hành vi xâm lược bất thường" của Nga tại Ukraina.
Ngoại trưởng Kerry đã ra lời cảnh báo rằng, nếu Nga tiếp tục các chiến dịch quân sự ở Ukraine, thì "Nga sẽ không có một G8 tại Sochi".
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố; "Nếu Nga còn muốn là một thành viên G8, thì nước này cần phải cư xử như một thành viên G8. Nga có thể sẽ không còn tồn tại trong G8 nếu việc này vẫn tiếp tục. Nước này có thể đối mặt với phong tỏa tài sản, hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp Mỹ có thể rút về và đồng rúp có thể sụt giảm hơn nữa".
Ngoại trưởng Mỹ nói: "Đây là một hành động hiếu chiến. Đây thực chất là một hành vi của thế kỷ 19 trong thế kỷ 21 này".
Trong khi đó, phát biểu trên chương trình "Gặp gỡ báo chí" của kênh NBC, quan chức đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tiếp tục chỉ trích gay gắt hành động của Nga, khẳng định rằng: "Nga sẽ phải trả một giá rất đắt. Nước Mỹ có liên minh, nước Nga bị cô lập. Đó không phải là lập trường về sức mạnh."
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định không tham dự cuộc họp trù bị cho G8 tổ chức tại Sochi trong tuần tới để phản đối việc Nga triển khai quân đội đến Ukraina.
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cũng tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị trù bị trên để phản đối sự can thiệp của Nga tại Crimea.
Phát biểu với các phóng viên ngay trước chuyến bay đến Kiev, ông Hague tuyên bố: "Anh sẽ cùng với các quốc gia G-8 khác ngừng hợp tác trong khuôn khổ G-8, nơi Nga làm chủ tịch năm nay, trong đó gồm cả các cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-8 diễn ra trong tuần này."
Pháp cũng đã đưa ra quyết định tương tự. Nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, nước này đã ngừng tham gia cuộc họp trù bị trước thềm hội nghị G-8 ở thành phố Sochi của Nga.
Trong một diễn biến liên quan khác, nhiều quốc gia cũng đã bày tỏ sự phản đối của mình trước quyết định triển khai quân sự vào Crimea của Nga bằng việc triệu hồi Đại sứ của mình tại Moscow về nước, trong đó có Lithuania và Canada. Cộng hòa Czech sáng 2/3 cũng đã triệu tập Đại sứ Nga ở Prague. Anh không triệu hồi Đại sứ của mình, nhưng đã triệu tập Đại sứ Nga ở London để gửi công hàm phản đối.
Trước đó, hôm 28/2, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu có thể không dự hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ diễn ra vào tháng Sáu tới ở Sochi của Nga nếu Moscow can thiệp quân sự vào Ukraine.
Quan chức trên cho hay chuyến thăm Nga của ông Obama có thể bị hủy như một phần của "cái giá" mà Tổng thống Mỹ tuyên bố trước đó nếu Nga bị đánh giá là xâm phạm chủ quyền của Ukraine trong bối cảnh cuộc khủng hoảng địa chính trị ở nước này có nguy cơ còn leo thang hơn nữa.
Ngày 1/3, Thượng viện Nga đã thông qua đề xuất của Tổng thống Nga Putin cho phép đưa quân vào Ukraine cho tới khi tình hình chính trị và xã hội trở lại bình thường. Một số quan chức Nga cùng ngày cho biết, tuy đã đủ "mọi cơ chế" để hành động nhưng Tổng thống Putin chưa đưa ra bất cứ quyết định nào về việc triển khai chiến dịch quân sự vào Ukraine.
Tuy nhiên, theo thông tin từ các phóng viên của tờ AP đưa ra hôm qua (2/3), họ đã chứng kiến một đoàn xe gồm 12 xe tải quân sự chở theo binh lính Nga, một chiếc xe bọc thép Tiger mang theo súng máy và hai xe cứu thương đi trên con đường từ Sevastopol - căn cứ của Hạm đội Biển Đen của Nga đến thủ phủ của Crimea - Simferopol. Quân lính Nga không vấp phải bất kỳ sự kháng cự nào khi đặt chân xuống Crimea cũng như khi di chuyển, đi lại trên bán đảo này. Tuy nhiên, nguồn tin này chưa được chứng thực.
Đan Khanh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
NATO khẳng định sẽ đứng về phía Ukraine Ông Anders Fogh Rasmussen, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngày 2.3 tuyên bố NATO sẽ đứng về phía Ukraine sau khi quốc gia Đông Âu này tuyên bố tổng động viên để đối phó với quân đội Nga. Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen - Ảnh: AFP Phát biểu trước khi chủ trì một...