Nga sẽ không để xảy ra ‘tắm máu ở Ukraine’
Nga quyết không nhượng bộ áp lực của phương Tây về Ukraine nhưng cũng tỏ vẻ sẵn sàng giải quyết khủng hoảng bằng con đường ngoại giao.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Mỹ John Kerry nỗ lực giải quyết bất đồng về vấn đề Ukraine – Ảnh: Dunya
Ngày 5.3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố: “Chúng tôi không cho phép một cuộc tắm máu diễn ra ở Ukraine. Chúng tôi không cho phép bất kỳ vụ tấn công nào nhằm vào người Nga và mọi người dân khác sống tại Ukraine”. Ngay trong chiều cùng ngày, ông Lavrov đã có cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng như những người đồng cấp Anh, Đức và Pháp tại Paris về cuộc khủng hoảng Ukraine, theo Reuters. Giới quan sát nhận định tuyên bố trên của Ngoại trưởng Lavrov cùng phát biểu trước đó của Tổng thống Vladimir Putin về “vũ lực là phương án cuối cùng” cho thấy Nga cũng chưa muốn động binh, nhưng vẫn sẵn sàng phản ứng nếu lợi ích của nước này bị đe dọa.
Cùng ngày, Ủy ban châu Âu thông báo sẽ hỗ trợ “ít nhất 11 tỉ euro” trong vòng 2 năm tới cho Ukraine, nếu nước này ký thỏa thuận với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), theo tờ Le Figaro. Đây là một quyết định mang tính đột phá dù trước đó, EU đã thông báo sẽ giúp Kiev trả món nợ 2 tỉ USD tiền khí đốt cho Nga. Giới quan sát nhận định việc EU, vốn vẫn còn đang trầy trật giải quyết khủng hoảng nợ công, tỏ ra hào phóng là để ứng phó những đe dọa trừng phạt kinh tế của Nga nhằm vào Ukraine. Ngày 4.3, Tập đoàn dầu khí Gazprom (Nga) thông báo từ tháng 4 sẽ chấm dứt việc bán khí đốt với giá giảm 30% cho Ukraine. Việc bán khí đốt với giá ưu đãi và gói hỗ trợ kinh tế trị giá 15 tỉ USD là thỏa thuận 2 nước này đạt được hồi tháng 12.2013, sau khi Kiev từ chối ký một hiệp định về tự do thương mại với EU. Sau khi chuyển 3 tỉ USD, Nga đã treo gói hỗ trợ nói trên vô thời hạn do không công nhận chính phủ lâm thời Ukraine.
Những diễn biến mới nhất cho thấy khủng hoảng ở Ukraine đang được các nước ưu tiên giải quyết bằng ngoại giao và kinh tế. Hôm qua, Ukraine tuyên bố nước này mong muốn “giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình” và “giữ quan hệ tốt với nhân dân Nga”. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn đánh nhau với Nga”.
Ngoại trưởng Lavrov cũng tiếp tục bác bỏ thông tin cho rằng những tay súng đang kiểm soát bán đảo Crimea là binh sĩ Nga và nói đây là lực lượng tự vệ địa phương. Theo ông, các binh sĩ của Hạm đội biển Đen vẫn không rời khỏi căn cứ ở Crimea. Các hình ảnh được phát trên CNN cho thấy tình hình ở Crimea đang tương đối bình lặng và đã không còn xuất hiện các nhóm vũ trang trên đường phố như mấy ngày qua.
Tuy nhiên, không khí vẫn khá căng thẳng khi các tay súng “lạ” tiếp tục giằng co với lính Ukraine trong khu vực. AFP dẫn lời giới chức Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 5.3 cho biết các tay súng đã chiếm phần lớn trụ sở của 2 đơn vị tên lửa ở các thành phố Evpatoria và Fiolent. Cùng ngày, theo tờ L’Express, quân đội Nga bị cáo buộc ngăn cản không cho tàu chiến của Ukraine rời khỏi Sevastopol.
Video đang HOT
Trong khi đó, người dân Crimea đang rất chờ đợi tới ngày 30.3 để tiến hành cuộc trưng cầu về khả năng tăng quyền tự trị hoặc thậm chí là ly khai khỏi chính quyền trung ương ở Kiev. Trong một động thái tỏ rõ sự nhượng bộ, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk khẳng định rằng Crimea vẫn phải là một phần thuộc Ukraine, song có thể được hưởng thêm nhiều quyền tự trị, theo AP.
Moscow sẵn sàng đáp trả phương Tây Theo tờ Le Figaro, các nghị sĩ Nga đang xem xét một dự luật về cho phép tịch thu tài sản, đóng băng tài khoản của các công ty Âu – Mỹ trong trường hợp các nước phương Tây áp dụng biện pháp trừng phạt đối với Moscow về khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, theo tờ Le Monde, phương Tây cũng khó lòng trừng phạt cứng rắn vì rất nhiều tập đoàn lớn về dầu khí của những nước này có liên hệ chặt chẽ với Nga. Reuters thì dẫn các nguồn tin cấp cao tiết lộ nhiều thành viên EU không mặn mà cô lập hay cấm vận Nga, vì sợ tổn hại tới quan hệ thương mại, đặc biệt là về năng lượng. Từ nhiều năm nay, Nga và EU phụ thuộc qua lại về mặt năng lượng. Một phần đáng kể trong sản lượng 200 tỉ m3 khí đốt/năm và 10 triệu thùng dầu/ngày của Nga được xuất khẩu sang EU. Ngược lại, nguồn thu từ dầu khí đóng vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế nước này. Vì thế mà ngày 5.3, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko cảnh báo việc phương Tây cô lập nước này có thể phản tác dụng đối với cả hai phía.
Trao đổi với Thanh Niên về ảnh hưởng của lệnh tổng động viên ở Ukraine đối với cộng đồng người Việt, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí cho biết khi có lệnh tổng động viên, mọi công dân Ukraine đều phải tuân thủ luật pháp nước sở tại và thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, đến nay Đại sứ quán VN chưa nhận phản hồi nào về việc người Ukraine gốc Việt phải tòng quân trong đợt này. Theo TTXVN, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của VN trước những diễn biến vừa qua tại Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 5.3 cho biết: “VN quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và mong muốn Ukraine sớm ổn định, mọi vấn đề được giải quyết trong khuôn khổ pháp luật, vì lợi ích của nhân dân Ukraine, vì hòa bình, phát triển tại khu vực và trên thế giới. VN hết sức quan tâm và đề nghị Ukraine có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng và tài sản cho cộng đồng người VN đang sinh sống, học tập và làm ăn tại Ukraine”.
Các kịch bản cho Ukraine Theo Đài ABC News, Viện Nghiên cứu Carnegie Endowment for Peace (Mỹ) đưa ra một số kịch bản cho cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine. 1/ Crimea ly khai với sự hậu thuẫn của Nga Trong kịch bản này, trong cuộc trưng cầu ngày 30.3, người dân Crimea bỏ phiếu ủng hộ tuyên bố trở thành quốc gia độc lập hoặc tăng quyền tự trị. Nga sẽ hậu thuẫn quyết định này và tạo áp lực buộc Ukraine phải công nhận. Tuy nhiên, chuyên gia Eugene Rumer cảnh báo kết quả này có thể tạo nguy cơ nhiều vùng khác ở Ukraine có thể cũng sẽ nổi dậy đòi ly khai. 2/ Ukraine dùng vũ lực ở Crimea Nếu quân đội Ukraine sử dụng vũ lực nhằm đánh bật “lực lượng tự vệ” khỏi Crimea, Nga lập tức sẽ động binh, dẫn đến chiến tranh với hậu quả khó lường cho cả khu vực. 3/ Nga dùng vũ lực ở Crimea Theo nhiều nguồn tin, lực lượng Nga đang sẵn sàng hành động ở khu vực biên giới nhưng khả năng quân đội chính quy tràn vào Crimea rất khó xảy ra vì nước này sẽ bị cô lập trên trường quốc tế và tạo cơ hội cho các bên khác nhảy vào. Vả lại, tình hình hiện nay có vẻ đang nghiêng về phía Nga nên Moscow cũng không “dại gì” gây chiến. 4/ Mỹ buộc phải can dự trực tiếp Căng thẳng giữa Mỹ và Nga về vấn đề Ukraine đang tăng cao. Do các nước giáp giới Ukraine là đồng minh của Mỹ (gồm Romania, Hungary, Ba Lan và Slovenia), Mỹ có thể buộc phải ra tay nếu xung đột bùng phát ở Ukraine. Tuy nhiên, dường như dư luận trong và ngoài nước Mỹ đều không mong chờ kịch bản này. Trùng Quang
Theo TNO
Crimea - Điểm nóng lịch sử
Sau khi khủng hoảng tạm lắng tại thủ đô Kiev, đến lượt Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine "tăng nhiệt".
Biểu tình ủng hộ Nga ở thủ phủ Simferopol của Crimea - Ảnh: Reuters
Sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị phế truất hôm 22.2, mọi sự chú ý dồn về Crimea. Tuy dân số chỉ 2 triệu dân nhưng bán đảo phía nam Ukraine này có vai trò rất đáng kể trong quan hệ giữa Kiev và Moscow. Từ ngày 25.2, nhiều vụ biểu tình quy mô lớn đã được tổ chức tại Crimea để phản đối chính phủ lâm thời Ukraine và ủng hộ Nga.
Trước những diễn biến phức tạp tại Ukraine và Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đệ trình lên thượng viện về việc can thiệp quân sự để đảm bảo quyền lợi của Nga ở Ukraine và được phê chuẩn, theo RIA Novosti.
Crimea thật sự là mối quan tâm lớn của Moscow vì nhiều lý do.
Cộng hòa tự trị
Theo báo Le Monde, kể từ khi Ukraine tuyên bố độc lập vào năm 1991, Crimea được công nhận là cộng hòa tự trị (thuộc Ukraine). Tuy cơ quan lập pháp của vùng này không được ban hành luật nhưng Crimea được tự chủ về ngân sách và có hiến pháp riêng từ năm 1999.
Thiểu số Tatar Người Tatar, gốc Thổ - Mông Cổ và theo đạo Hồi, chiếm khoảng 12% dân số Crimea, có mặt tại bán đảo này từ thế kỷ 18. Trong thập niên 1940, phần lớn cộng đồng dân tộc này ở Crimea bị đưa sang Siberia và một số vùng ở Trung Á vì bị cáo buộc ủng hộ phát xít Đức. Đến năm 1991, người Tatar mới được trở về Crimea. Chính vì lý do nói trên mà cộng đồng Tatar là thiểu số ở bán đảo này phản đối Ukraine thắt chặt quan hệ với Nga. L.C
Về lịch sử, sau một thời gian thuộc đế quốc Ottoman, Crimea trở thành lãnh thổ của Nga vào năm 1783, dưới thời của Nữ hoàng Catherine II. Với vị trí thuận lợi ở biển Đen, bán đảo này ngay lập tức trở thành điểm nhấn chiến lược trong kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga vào thời đó.
Năm 1853, với sự ủng hộ của Anh và Pháp, đế quốc Ottoman mở cuộc tấn công Crimea. Tuy Ottoman giành nhiều thắng lợi trong cuộc chiến làm khoảng 750.000 người chết này, nhưng Crimea vẫn thuộc về Nga.
Đến giữa thế kỷ 19, khí hậu ấm áp ven biển đã giúp Crimea trở thành điểm nghỉ mát ưa thích của những người Nga giàu có. Năm 1954, bán đảo này được Moscow "chuyển nhượng" cho Ukraine để kỷ niệm 300 năm hiệp ước Pereiaslav. Hiệp ước nói trên khẳng định sự "trung thành" của Ukraine với Nga. Chỉ sau biến động lịch sử vào đầu thập niên 1990, những hệ quả của vụ "chuyển nhượng" nói trên mới lộ diện. Ukraine độc lập nên đương nhiên Crimea thuộc sự quản lý của Kiev mặc dù về lịch sử không có nhiều điểm chung.
Hiện người gốc Nga chiếm khoảng 60% dân số Crimea. Nhiều người trong số đó có quốc tịch Nga. Vì vậy, không khó hiểu khi người dân Crimea liên tục tổ chức biểu tình ủng hộ Nga và phản đối chính phủ mới của Ukraine, vốn chủ trương thân phương Tây.
Căn cứ Sevastopol
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến Moscow không "rời mắt" khỏi Crimea là thành phố cảng Sevastopol, nơi đồn trú Hạm đội Hắc Hải của Nga. Ngay từ cuối thế kỷ 18, thành phố này đã đóng vai trò đáng kể đối với hải quân Nga.
Từ sau những biến cố vào đầu thập niên 1990, Sevastopol trở thành điểm "nhạy cảm" trong quan hệ ngoại giao giữa Moscow - Kiev. Hợp đồng ký kết năm 1997 giúp Nga duy trì căn cứ tại Sevastopol đến năm 2017.
Năm 2010, Tổng thống Yanukovych đã ký một thỏa thuận khác với Moscow để kéo dài thời hạn này đến năm 2041. Đổi lại, Nga đồng ý giảm 30% giá khí đốt cho Ukraine.
Theo báo Le Figaro, hiện căn cứ Sevastopol vẫn giữ vai trò chiến lược đối với Nga vì giúp hải quân nước này đảm bảo tầm ảnh hưởng trong khu vực. Ngoài ra, đây cũng là cung đường duy nhất mở ra Địa Trung Hải (thông qua các eo biển Dardannelles và Bosphore).
Theo TNO
Nga bác bỏ cáo buộc xâm lược Ukraine Nga khẳng định không dính líu đến diễn biến phức tạp ở CH tự trị Crimea, vốn đang khiến chính phủ tạm quyền Ukraine đứng ngồi không yên. Các tay súng lạ mặt canh giữ bên ngoài sân bay ở Crimea - Ảnh: AFP Theo tờ Le Monde, ngày 28.2, Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Ukraine Arsen Avakov cáo buộc các nhóm...