Nga sẽ gần với Trung Quốc hơn là Việt Nam
“Trong thời gian trước mắt, Nga sẽ gần với Trung Quốc hơn là Việt Nam, do đó sẽ không thể hiện vai trò nào ở Biển Đông mà để Trung Quốc đối đầu với Mỹ”, học giả Italia nhận định.
Xung quanh những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lucio Caracciolo, học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu về thời sự-chính trị quốc tế, hiện là Tổng Biên tập của Limes, tạp chí về địa-chính trị uy tín của Italy do chính ông sáng lập vào năm 1993.
Caracciolo là một gương mặt bình luận nổi tiếng trong các chương trình thời sự quốc tế trên truyền hình Italy, tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu về Chiến tranh Lạnh, về sự hình thành và khủng hoảng của Liên minh châu Âu cũng như nhiều bài xã luận quốc tế trên nhật báo cánh tả La Repubblica. Ông cũng từng là giáo viên thỉnh giảng về quan hệ quốc tế ở nhiều trường đại học lớn của Italy.
Trong những tháng qua, căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã tăng lên. Trước hết, đó là những xung đột với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, và trong hai tuần qua là những hành động khiêu khích và va chạm với Việt Nam trên Biển Đông. Theo ông, đâu là nguyên nhân của những hành động này?
Ông Lucio Caracciolo: Trung Quốc đang hành động mạnh mẽ nhằm khẳng định quyền sở hữu của họ đối với những quần đảo và vùng biển gần lãnh thổ của họ. Trên thực tế, theo tôi, đấy không chỉ là những đòi hỏi mang tính kinh tế, mà còn là cách để phô trương thanh thế của họ đối với tất cả các nước châu Á và Mỹ. Ngoài những lý do đơn thuần về kinh tế, thì những yêu sách ngày càng tăng của Trung Quốc giống như việc gia tăng sự thể hiện về hình ảnh, về quyền lợi và thể diện của một quốc gia cho là mình đã lên đến tầm siêu cường.
Do đó, họ tìm kiếm những đụng độ, và chỉ cần một hòn đảo nhỏ trên biển cũng có thể là lý do để làm bùng lên những đối đầu. Hy vọng đó không phải là những đối đầu về quân sự, bởi vì Nhật Bản, Philippines và Việt Nam cũng như các nước khác đang có tranh chấp với Trung Quốc đều không muốn mắc bẫy về quân sự trong cuộc chơi thể diện này của Bắc Kinh.
Chính phủ Trung Quốc đã luôn đòi hỏi chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với yêu sách “đường 9 đoạn,” tạo ra căng thẳng và lo ngại trên Biển Đông. Hai tuần trước, Bắc Kinh đã đưa giàn khoan dầu Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng biển Hoàng Sa, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đều đã ký. Ông nhìn nhận sự việc này như thế nào?
Ông Lucio Caracciolo: Hành động này có thể được coi là một đe dọa nghiêm trọng và phức tạp đối với an ninh khu vực. Việc khiêu khích Việt Nam có thể dẫn đến những động thái nguy hiểm tiếp theo trong cuộc chơi quyền lực của Trung Quốc. Nhưng chúng ta hãy nhớ lại rằng, Việt Nam luôn chiến thắng trong các cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Không ngạc nhiên khi không ít người lo ngại vào một cuộc đụng độ về quân sự có giới hạn.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, Trung Quốc và các quốc gia đang tranh chấp lãnh thổ với họ là Nhật Bản, Việt Nam, Philippines cũng như một số nước khác đều mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này, nhưng rất khó có thể giải quyết dứt điểm được và sẽ để vấn đề này luôn mở ngỏ.
Việc giải quyết bằng con đường trọng tài quốc tế để có được một giải pháp cuối cùng không phải là điều mà Trung Quốc mong muốn, mà họ muốn đàm phán song phương với từng quốc gia tranh chấp để sao cho có lợi cho mình. Khiêu khích và sau đó đàm phán, đó là chiến thuật của Bắc Kinh.
Tháng 7/2012, sau khi Hội nghị ASEAN kết thúc mà không thông qua được một tuyên bố nào, vốn được coi là một thắng lợi về ngoại giao của Trung Quốc, tạp chí Limes do ông làm Tổng Biên tập đã viết rằng, Bắc Kinh đã thắng một trận đánh, nhưng chưa phải là cả trận chiến. Hai năm sau, với những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa, một trận đánh nữa lại bắt đầu. Theo ông, nguy cơ về một cuộc chiến thật sự giữa Trung Quốc và Việt Nam liệu có khả năng xảy ra không?
Video đang HOT
Ông Lucio Caracciolo: Như tôi đã nói ở trên, không thể loại trừ bất cứ khả năng nào cả, dù một cuộc chiến tranh bằng quân sự trên diện rộng theo đúng nghĩa của nó là điều tôi không muốn nhắc tới. Nhưng những cuộc va chạm giữa các tàu của Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông hoàn toàn có thể diễn ra mức độ nghiêm trọng hơn.
Theo một số nhà bình luận, với hành động của mình, Trung Quốc muốn giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á nói chung và thay thế vai trò siêu cường của Washington ở Đông Nam Á, ngay sau khi chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới châu Á vừa kết thúc. Phản ứng của Mỹ cho tới lúc này mới chỉ là đưa ra những tuyên bố “lo ngại.” Theo ông, chính quyền Obama sẽ làm gì để tiếp tục thể hiện vai trò và sức mạnh của mình trong khu vực?
Ông Lucio Caracciolo: Chúng ta không được quên rằng, chính Tổng thống Obama là người đã đưa ra khẩu hiệu “xoay trục châu Á” đầy tham vọng trong chuyến đi vừa rồi. Đó không chỉ là một khẩu hiệu mà là một chiến lược lớn nhằm kiểm soát và khống chế sự lớn mạnh của Trung Quốc, một chính sách giống như những gì mà Mỹ đã từng áp dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh để đối đầu với Trung Quốc và Liên Xô, và những đối đầu đó chỉ kết thúc một phần khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận với nhau vào những năm 1970.
Bây giờ, sau nhiều năm trôi qua, khi ngày càng lớn mạnh lên, Trung Quốc cảm nhận được áp lực của Mỹ và một cuộc xung đột lớn đang hình thành ở châu Á.
Mỹ cho rằng Trung Quốc đang đe dọa vị trí siêu cường số một của họ, trong khi Trung Quốc nhận thấy Mỹ tìm mọi cách để kìm hãm sự vươn lên của họ. Trong quá trình phát triển, Trung Quốc coi việc kiểm soát các biển Hoa Đông và Biển Đông cùng các tuyến giao thương hàng hải trên đó như một hành lang quan trọng để đảm bảo cho họ trở thành một siêu cường có ảnh hưởng lớn trong khu vực về kinh tế và quân sự của họ.
Chừng nào người Mỹ và người Trung Quốc chưa đạt được những hòa hoãn như những năm trước kia, thì chừng đó an ninh của khu vực vẫn còn bất ổn. Tôi không tin rằng họ sẽ tìm được tiếng nói chung trong thời gian tới, bởi quan điểm của hai bên rất khác nhau.
Trung Quốc gây hấn, Mỹ chỉ đưa ra tuyên bố, còn vai trò của Nga thì sao? Moskva đang rất bận rộn với các vấn đề liên quan đến Ukraine, nhưng liệu họ có một vai trò nào đó trong vấn đề Biển Đông, vốn có khả năng sẽ thành một cuộc khủng hoảng quốc tế?
Ông Lucio Caracciolo: Nước Nga đã luôn là một đối tác lớn của Việt Nam, nhưng trong hoàn cảnh này, họ im lặng là bởi những tác động của cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, diễn ra sát sườn họ, hơn là những vấn đề ở tận Biển Đông xa xôi hơn. Chính cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khiến cho Trung Quốc và Nga gạt bất đồng để xích lại gần nhau.
Trong quan hệ ấy, Moskva và cả Bắc Kinh đều được lợi, bởi trước hết, Nga nhìn Trung Quốc như một thị trường khổng lồ để thay thế cho thị trường châu Âu và Ukraine, một khi các trừng phạt của Phương Tây đối với họ có tác dụng. Vì thế, tôi tin rằng, trong thời gian trước mắt, Nga sẽ gần với Trung Quốc hơn là Việt Nam, do đó sẽ không thể hiện vai trò nào ở Biển Đông mà để Trung Quốc đối đầu với Mỹ.
Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra Tòa án Liên hợp quốc. Nhưng quan điểm của ông như thế nào, Việt Nam nên làm gì?
Ông Lucio Caracciolo: Tôi nghĩ rằng, trong cuộc đối đầu hiện tại đang ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, với tình hình hiện nay, ASEAN không thể giúp được gì nhiều cho Việt Nam. Mỹ cũng không thể giúp được nhiều cho Việt Nam, khi không thể có một sự thỏa hiệp tạm thời. Một khi các căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam tăng lên, Mỹ sẽ không đứng về phía Việt Nam. Việt Nam phải biết cách tự cứu mình.
Xin cám ơn ông./.
Theo Vietbao
Vai trò Lực lượng Không quân hải quân tương lai của Trung Quốc
Trung Quốc đang tích cực phát triển lực lượng vũ trang, bao gồm các lực lượng hải quân, không quân hải quân. Trong tương lai các lực lượng hải quân, không quân hải quân Trung Quốc có thể bắt đầu một cuộc hành trình dài tới các đại dương xa xôi và như vậy trong tương lai gần ở Thái Bình Dương có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tại Đối thoại Shangri-La 2012 ở Singapore, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Paneta tuyên bố, đến năm 2020 Hải quân Mỹ sẽ điều động 2/3 lực lượng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, máy bay, tàu chiến cùng các vũ khí trang bị của Hải quân Mỹ sẽ được tăng cường hiện diện tại khu vực.
Thủy phi cơ tuần biển Harbin SH-5 (Cáp Nhĩ Tân SH-5)
Tuyên bố trên cùng các động thái quân sự của Mỹ thời gian qua cho thấy, dường như chính sách tăng cường hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ phớt lờ sự có mặt của Trung Quốc - một trong số ít quốc gia có tiềm lực sức mạnh quân sự hàng đầu khu vực. Đương nhiên cả Mỹ và Trung Quốc đều biết, giới lãnh đạo chính trị, quân sự của Trung Quốc sẽ không để yên cho sự hiện diện công khai của tàu chiến Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, thậm chí Trung Quốc còn đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra.
Trong đó, đang nỗ lực tạo ra một chiến lược phát triển mới cho lực lượng hải quân, đồng thời tính đến sự cần thiết để chống Hải quân Mỹ, đặc biệt là tiêu diệt các nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) của Mỹ.Trong những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc rất chú trọng đến việc phát triển lực lượng hải quân, trong đó có lực lượng không quân của hải quân.
Trực thăng tấn công Ka-31
Trực thăng Changhe Z-8
Hiện nay, các máy bay của hải quân và máy bay trực thăng Trung Quốc hầu hết được thiết kế để giải quyết một số lỗ hổng trong tác chiến của tàu hải quân và thực thi các nhiệm vụ hộ tống. Như vậy, không quân của hải quân trong những năm tới có thể là một thành phần quan trọng của lực lượng vũ trang của Trung Quốc nhằm nâng cao khả năng chống lại các đối thủ, đặc biệt là khi đối mặt với lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có cơ sở để khẳng định rằng những thay đổi đó diễn ra chỉ trong tương lai xa.
Máy bay tiêm kích đa nhiệm J-11
Máy bay tiêm kích-ném bom JH-7
Máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2
Không quân hải quân Trung Quốc không khác biệt nhiều so với lực lượng không quân. Sự khác biệt duy nhất là sự hiện diện của máy bay đổ bộ đa năng Harbin SH-5 máy bay trực thăng trinh sát điện tử Ka-31 và Changhe Z-8. Trên thực tế, máy bay của Hải quân Trung Quốc có thể không phát huy hiệu quả chống lại các tàu ngầm của đối phương, nhưng với biến chế máy bay trực thăng săn ngầm và một số loại máy bay khác trong không quân hải quân, thì khả năng phát hiện mục tiêu của tàu ngầm đối phương sẽ được nâng lên đáng kể. Mặc dù vậy, khả năng chiến đấu của trực thăng săn ngầm vẫn rất hạn chế và đặc biệt không thể kiểm soát khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương hoặc các vùng biển xung quanh lãnh thổ của Trung Quốc.
Máy bay ném bom phản lực hai động cơ H-6D.
Do đó, Không quân hải quân Trung Quốc trong tương lai có thể sử dụng máy bay chiến đấu trên tàu sân bay, nhưng hiện tại Trung Quốc mới có một tàu sân bay (Liêu Ninh CV-16) và chưa biết có hoạt động đầy đủ như một tàu sân bay thông thường hay không. Có thể thấy rằng, Không quân hải quân Trung Quốc vẫn chưa thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ liên quan đến đối phó với tàu hải quân của đối thủ. Và lực lượng này mới chỉ có thể hoạt động ở phạm vi hẹp, chưa thể vươn xa tới các vùng biển rộng lớn.
Su Nhi (theo Topwar)
Theo Vietbao.vn
Khủng hoảng Ukraina có thể thay đổi thế giới Trong bối cảnh Moscow và các nước phương Tây đang lún sâu vào tình trạng đối đầu kéo dài do việc sáp nhập Crưm, và có nguy cơ lan rộng sang các nước Cộng hoà thuộc Liên Xô cũ và xa hơn nữa. Theo Reuters, cuộc khủng hoảng ở Ukraina có thể làm thay đổi quan điểm và chính sách trên thế giới...