Nga sẽ dùng đòn đáp trả Mỹ tấn công Syria thế nào?
Giới quan sát cho rằng, trong vài tuần tới, Nga có thể sẽ có hành động đáp trả việc Mỹ dội “mưa” tên lửa vào căn cứ không quân của Syria hôm 7/4.
Ảnh minh họa: National Interest.
Có thể đáp trả trong vài tuần tới
Rạng sáng 7/4, hai tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải bất ngờ dội 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs của Syria. Vụ tấn công đã nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận quốc tế.
Trong khi nhiều nước như Anh, Australia, Nhật Bản hoan nghênh động thái này của chính quyền Tổng thống Donald Trump, thì các nước trong đó có Nga chỉ trích vụ tấn công là “hành động khiêu khích nhằm vào một quốc gia có chủ quyền”. Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo, Mỹ sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” sau vụ tấn công.
Trong động thái đáp trả đầu tiên, Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận an toàn trên không với Mỹ vốn được lập ra nhằm tránh nguy cơ va chạm giữa máy bay hai nước tại không phận Syria. Nga cũng cam kết củng cố năng lực phòng không của Syria sau vụ tấn công của Mỹ. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Nga có thể sẽ đáp trả hơn nữa trong vòng vài tuần tới song nhiều khả năng sẽ không nhằm trực tiếp vào Mỹ, tạp chí National Interest cho biết.
Video đang HOT
Các chuyên gia cho rằng, Nga có thể sẽ có các biện pháp đáp trả nhằm vào các lực lượng ở Syria do Mỹ hậu thuẫn. “Theo tôi, phản ứng có thể là: cắt đứt liên lạc và hợp tác với Mỹ ở Syria. Cụ thể, Nga sẽ nhắm mục tiêu và tiêu diệt các nhóm phiến quân được Mỹ hậu thuẫn, đưa thêm lực lượng đến Syria và có thể bắt đầu một số cuộc tập trận quy mô lớn trên phần lãnh thổ châu Âu của Liên bang Nga”, Vasily Kashin, chuyên gia về đối ngoại và quốc phòng của Nga tại Trường kinh tế Moscow, nhận định với National Interest
Chuyên gia Kashin cho rằng: “Điều này sẽ làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Syria và gây thiệt hại lớn cho giới tình báo. Về cơ bản, kịch bản đáp trả của Nga sẽ giống như sau vụ việc căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, không tấn công trực tiếp Thổ Nhĩ Kỳ, mà nhằm vào các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động đặc nhiệm, tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ, và tổn thất rất lớn”.
Mỹ tấn công Syria hôm 7/4. (Ảnh: Reuters)
Đáp trả sẽ mạnh mẽ tùy thuộc vào thông điệp của Mỹ
Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nếu Mỹ cho thấy ý định lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Assad. Thực tế, tại phiên họp Hội đồng bảo an hôm qua, Đại sứ Mỹ Nikki Haley cho biết, Mỹ sẵn sàng triển khai thêm các hành động quân sự khác chống lại Syria. Trong cuộc phỏng vấn hôm qua với CNN, bà Haley cũng khẳng định, thay đổi chính quyền ở Syria là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump.
Nếu Mỹ thực sự theo đuổi một chiến dịch nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad, Nga có thể sẽ đáp trả mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, trong trường hợp Mỹ tấn công trực tiếp các lực lượng Nga ở Syria, Moscow có thể đáp trả bằng biện pháp quân sự.
Trong trường hợp này, sẽ xảy ra chiến tranh và sẽ có những cuộc tấn công tên lửa hành trình chống lại các lực lượng Mỹ ở Trung Đông. Sau đó nó sẽ leo thang thành một cuộc chiến toàn diện”, giáo sư Kashin nói.
Một quan chức Không quân Mỹ cũng cho rằng, nếu Mỹ tấn công vào các hệ thống phòng không của Nga ở Syria như S-300, S-400 thì có thể dẫn đến chiến tranh.
Trong khi đó, các chuyên gia về đối ngoại ở cả Mỹ và Nga đều cho rằng mọi hy vọng về sự liên kết lại giữa chính quyền Trump và Moscow đang phai nhạt dần, sau khi Mỹ tấn công Syria bằng tên lửa hành trình rạng sáng ngày 7/4/2017.
Olga Oliker, giám đốc chương trình Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với National Interest: “Tôi nghĩ rằng người Nga coi vụ Mỹ tấn công tên lửa ở Syria là một đòn thực sự giáng vào hy vọng nối lại quan hệ Nga-Mỹ. Do đó, nếu Mỹ chọn leo thang xung đột tại Syri, đặc biệt là hướng tới mục tiêu thay đổi chế độ, điều này có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng”.
Theo Danviet
Kẽ hở không ngờ của Trump khi ra lệnh oanh tạc tên lửa vào Syria
Việc Mỹ tấn công tên lửa vào một căn cứ không quân của quân đội chính phủ Syria là bước ngoặt mới trong chính sách của chính quyền mới ở Mỹ với tân tổng thống Donald Trump đối với Syria.
Vừa trước đấy thôi, chính quyền này đã công bố sự điều chỉnh mục tiêu chính sách là không còn bám giữ vào điều kiện tiên quyết là tổng thống Syria Bashar al-Assad phải rời bỏ quyền lực. Về biểu hiện ra bên ngoài, hành động quân sự vừa rồi của Mỹ có thể được coi như bước chuyển giai đoạn vì bao lâu nay rồi Mỹ đã không hành động như thế. Nhưng trong thực chất, bước ngoặt hay bước chuyển giai đoạn trên danh nghĩa này lại chưa có gì là cơ bản trong thực chất.
Theo phía Mỹ, Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa Tomahock, mỗi quả có giá 800.000 Euro, đem theo gần nửa tấn thuốc nổ TNT, trúng đích chính xác đến từng mét. Nhưng theo xác nhận của Nga, chỉ có 23 trong số ấy trúng đích. Do được Mỹ thông báo trước về vụ không kích nên Nga và chắc chắn cả phía chính phủ Syria nữa đều đã sơ tán con người và khí tài. Hôm sau đã lại thấy chiến đấu cơ của quân đội chính phủ Syria cất cánh và hạ cánh ở căn cứ không quân ấy.
Qua đó đủ để thấy kết quả của vụ không kích này chỉ rất hạn chế và hoàn toàn không được như phía Mỹ mong đợi. Nó chỉ có lợi về chính trị nội bộ cho ông Trump là chủ yếu. Ông Trump dùng hành động quân sự này để chứng tỏ khác người tiền nhiệm, quyết đoán và mạnh mẽ chứ không chần chừ, để phô trương sức mạnh của Mỹ và thị uy cả những đối thủ khác như Triều Tiên hay Iran, thậm chí cả Nga lẫn Trung Quốc. Cách diễu võ dương oai như thế vốn được các tổng thống ở Mỹ, từ xưa đến nay đã vậy chứ không chỉ riêng gì ông Trump, thường sử dụng để đối phó với áp lực nội bộ, mỗi khi bị sa sút uy tín hay thất bại trong đối nội, hoặc để dư luận không để tâm đến những yếu kém hay tai tiếng của chính mình.
Bước ngoặt hay bước chuyển giai đoạn này của ông Trump trong thực chất chưa được như trên danh nghĩa bởi ông Trump hiện cần tác động của danh nghĩa chứ đâu đã có được gì mới để thay đổi thực chất chính sách. Hiện tại, ông Trump chỉ cần hành động như thế ở Syria và cũng không thể làm gì hơn được thế. Với hành động quân sự này, ông Trump đã tự bác bỏ chính mình và khiến cho những người ủng hộ quan điểm "Nước Mỹ trước hết" của mình thất vọng. Ông Trump được cái này thì phải chấp nhận mất cái khác. Nhưng xem ra, ông Trump hiện coi trọng gỡ gạc uy danh và thể diện sau những thất bại trong cầm quyền thời gian qua nhiều hơn là làm hài lòng bộ phận cử tri đã bỏ phiếu cho mình. Cuộc bầu cử tới còn lâu mới đến.
Mọi dấu hiệu đều cho thấy cuộc tấn công này của Mỹ chỉ là một hành động quân sự riêng lẻ chứ không phải là bộ phận của một chiến lược nào đấy của Mỹ. Ông Trump cho thấy chưa có chiến lược ấy, chưa có chiến lược cho giải quyết toàn bộ vấn đề Syria, kết thúc chiến tranh như thế nào, giải pháp chính trị hoà bình ra sao, hợp tác hay đối phó Nga để đạt được mục tiêu hay như sau cuộc chiến thì tương lai của Syria ra sao. Vì thế, vụ tấn công vừa rồi như một màn kịch dành cho nước Mỹ và ông Trump là chính, chứ gần như chưa làm thay đổi gì đáng kể cục diện chiến sự và tương quan lực lượng ở Syria.
Ngoài hai cái khó nói trên, ông Trump còn phải trực diện hai cái khó khác nữa liên quan đến Syria là phản ứng và đối phó của Nga. Sau vụ này, chắc chắn Nga và phía chính phủ Syria sẽ có những chuẩn bị và phòng bị cần thiết để những vụ không kích tiếp theo của Mỹ không gây thiệt hại lớn hoặc bị vô hiệu hoá. Càng can dự quân sự sâu hơn vào Syria, ông Trump càng cần hợp tác với Nga và hậu thuẫn của Nga chứ không phải ngược lại.
Cái khó nữa đối với ông Trump là hành động quân sự vừa rồi của Mỹ ở Syria là bất chấp luật pháp quốc tế. Nó gợi liên tưởng đến những lần trước đó chính quyền Mỹ bịa lý do, dựng chứng cứ giả và bất chấp luật pháp quốc tế phát động chiến tranh. Iraq năm 2003 là ví dụ điển hình. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ có một vài đồng minh và đối tác của Mỹ ủng hộ ông Trump. Sai lầm khi xưa vì tin Mỹ và theo Mỹ tiến hành chiến tranh vẫn chưa nguôi ngoai ở nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ.
Tình hình ở Syria diễn biến còn rất phức tạp. Nhưng điều chắc chắn là Syria hiện tại không phải như Iraq, Afghanistan hay Libya thời nào đối với Mỹ nên không phải ông Trump muốn làm gì thì cũng đều có thể làm được trong thời gian tới.
Theo Danviet
Nga chỉ trích ngoại trưởng Anh hoãn thăm vì Syria Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố không chấp nhận việc Ngoại trưởng Anh Boris Johnson lấy Syria làm cớ để hoãn thăm. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters Quyết định hoãn đến Moscow của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson thể hiện sự thiếu hiểu biết về tình hình Syria, một lần nữa cho thấy việc trao đổi với Anh không mang lại...