Nga sắp bàn giao tên lửa S-400 Triumf thứ hai cho Trung Quốc?
Hệ thống phòng không S-400 Triumf thứ hai dự kiến sẽ được Nga bàn giao cho Lực lượng Tên lửa của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLARF) vào tháng 7 năm nay.
Hệ thống phòng không S-400 Triumf
Thông tin trên được tờ The Diplomat đưa ra ngày 3-4, nhưng hiện chưa được Bộ Quốc phòng Nga xác nhận. Nếu thông tin trên là đúng, việc bàn giao này sẽ sớm 5 tháng trước kế hoạch.
Hệ thống phòng không S-400 đầu tiên được Nga vận chuyển cho Trung Quốc vào tháng 5 năm ngoái, nhưng tàu vận chuyển đã buộc phải bỏ dở hành trình để quay trở lại Nga do cơn bão ở Eo biển Manche phá hỏng một số thiết bị phụ trợ của S-400, Sputnik cho hay.
Sau khi được bàn giao, PLARF đã tiến hành vụ thử đầu tiên hệ thống phòng không này vào tháng 12 vừa qua.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đặt mua hệ thống S-400 của Nga với hợp đồng được ký kết vào năm 2015 trị giá 3 tỷ USD.
S-400 là hệ thống được nhiều nước mong muốn sở hữu do giá thành rẻ và hiệu quả cao. Nó được so sánh với hệ thống phòng không MIM-104 Patriot của Mỹ.
Với tầm bắn tối đa 400 km và đánh chặn hiệu quả ở độ cao tới 27 km, S-400 có thể tiêu diệt đa dạng các loại mục tiêu từ tên lửa hành trình bay thấp, máy bay tàng hình cho tới cả tên lửa đạn đạo.
Theo ANTD
Video đang HOT
Thổ Nhĩ Kỳ đã có giải pháp hóa giải "khủng hoảng" S-400, nhưng liệu Mỹ có đồng ý?
Tranh cãi việc mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng trở nên trầm trọng. Tổng thống Erdogan đang đứng trước 3 lựa chọn để giải quyết vấn đề này.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga trên Quảng trưởng Đỏ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất, gần đây đã được thảo luận trên các tờ báophương Tây như một chủ đề mới trong chương trình nghị sự bí mật của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đây chỉ là một câu chuyện cũ đã được biết đến trong nhiều năm, theo Middle East Eye.
Thổ Nhĩ Kỳ đã liên lạc với Nga nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu phòng thủ tên lửa của mình chỉ mới 2 năm qua, trong khi Ankara đã muốn tìm kiếm một hệ thống như vậy kể từ cuối năm 2011.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực thiết lập liên hệ với các quốc gia thành viên NATO để có được hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình kể từ khi NATO triển khai hệ thống radar tại tỉnh Malatya của Thổ Nhĩ Kỳ.
Yêu cầu không được đáp ứng
Những quốc gia hiện tại chỉ trích việc mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ từ Nga - nổi bật nhất là Mỹ và một số thành viên NATO - cũng là những người từ chối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt giai đoạn 2011 đến 2017.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh ba ưu tiên trong các cuộc thảo luận về nhu cầu phòng thủ tên lửa của mình, liên quan đến kích thước công nghệ, chi phí và cơ hội sản xuất chung.
Trong một cuộc đấu thầu được bắt đầu sau năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu xem xét hồ sơ từ Trung Quốc, nhưng trong những năm tiếp theo, các hồ sơ dự thầu khác đã được đệ trình bởi nhà sản xuất Italia-Pháp Eurosam và công ty Raytheon của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã kích động phản ứng từ Washington, quốc gia bày tỏ quan ngại nghiêm trọng khi Ankara tìm kiếm các nhà thầu bên ngoài liên minh. Nhưng khi quá trình đấu thầu kết thúc vào năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rút khỏi đề nghị của Trung Quốc vì giá quá cao.
Khi các cuộc đàm phán S-400 của Nga lần đầu tiên thu hút sự chú ý của truyền thông vào cuối năm 2016, bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuyên bố rằng họ sẵn sàng mua hệ thống tên lửa từ các quốc gia NATO. Tuy nhiên, cuối cùng, thỏa thuận Nga đã phát triển thành hợp đồng mua hàng, với các hệ thống được thiết lập để giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7.
Sự muộn màng của Mỹ
Chỉ cho đến lúc này, sau nhiều năm không mặn mà với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ mới dường như bất ngờ nhớ ra tầm quan trọng của liên minh, về Nga và thậm chí cả Chiến tranh Lạnh. Washington không ngờ rằng Ankara sẽ tìm mua hệ thống phòng thủ của Nga, dẫn đến một loạt những vấn đề có thể tổn hại đến lợi ích của liên minh.
Nhưng khi mọi chuyện đã quá muộn, khi yêu cầu của mình không còn trọng lượng, Washington bắt buộc phải dùng sức ép bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa.
S-400 đang làm chia rẽ thêm quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với NATO.
Trên thực tế, Washington đã bắt đầu rời bỏ Thổ Nhĩ Kỳ sau các cuộc nổi dậy ở Ả Rập và nỗ lực đảo chính năm 2016 thất bại. Tại Syria, sự hỗ trợ của Mỹ cho Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một phần mở rộng của đảng Công nhân người Kurd (PKK), đã làm trầm trọng thêm sự rạn nứt.
Áp lực của Washington vào vấn đề S-400 đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng song phương, khiến Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước ba lựa chọn.
Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa ra quyết định từ bỏ việc mua hàng của mình với Nga. Xem xét tốc độ gia tăng của mối quan hệ chính trị, thương mại và quân sự giữa hai nước, một quyết định như vậy có thể được quản lý hợp lý bởi cả hai.
Con đường phía trước
Khả năng thứ hai là Washington có thể thực hiện các bước triệt để để ngăn chặn mọi hợp tác an ninh với Ankara. Phản ứng của Mỹ đối với việc mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ mang tính chất gây tổn thương cao, bao gồm tuyên bố ngăn chặn việc chuyển giao các máy bay F-35 đã mua.
Tuy nhiên, một sự phát triển như vậy sẽ không chỉ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng với Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn tạo ra bầu không khí hoài nghi cho tất cả các quốc gia tham gia buôn bán vũ khí với Washington.
Khả năng thứ ba, được coi là hợp lý hơn hai khả năng nói trên, sẽ là việc mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được đồng ý, với điều kiện là họ phải tìm ra giải pháp kỹ thuật giữa các hệ thống NATO và hệ thống S-400 của Nga để bảo vệ quan hệ địa chính trị và bí mật quân sự.
Dẫu vậy, vấn đề là ở chỗ giới chính trị Mỹ có chấp nhận cách làm trên của Thổ Nhĩ Kỳ hay không, khi họ có nhiều yêu cầu khác nhau. Vấn đề mua S-400 của Ankara không đơn thuần chỉ là lo ngại lộ bí mật công nghệ, nó còn là minh chứng cho sự chia rẽ của NATO, xa rời Mỹ.
Cách đây không lâu, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Joseph Dunford từng thừa nhận: "Tôi nghĩ cả Chính phủ và Quốc hội sẽ gặp khó khăn trong việc hòa giải sự hiện diện của S-400 và máy bay chiến đấu tiên tiến nhất mà chúng ta có, F-35".
"Lập trường của chúng tôi đã được thể hiện rất rõ ràng với Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi hy vọng có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề này. Nhưng đó là một vấn đề khó khăn", ông nhấn mạnh.
Xem xét các lời đe dọa nặng nề cũng như khả năng giải quyết khủng hoảng của chính quyền Trump, có vẻ như con đường giảm leo thang căng thẳng hiện tại đang khá hẹp với Ankara và Washington.
Theo Nguoiduatin
Tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và NATO Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang bất đồng do thương vụ hệ thống phòng không S-400 và tiêm kích F-35. Washington thậm chí cảnh báo Ankara có thể mất tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí quan trọng chiến lược đối với NATO. Căn...