Nga sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ sau khi Donald Trump đắc cử
Chính phủ Nga sẵn sàng cải thiện quan hệ song phương với Mỹ sau khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Vestnik Kavkaza
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết vẫn còn quá sớm để kỳ vọng những bước đi cụ thể trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ vì ông Trump vẫn chưa thành lập chính quyền riêng của mình.
Trong khi đó, Interfax dẫn lời thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov thừa nhận chính phủ nước này đã liên lạc với các thành viên thuộc nhóm tranh cử của ông Trump trong chiến dịch tranh cử.
“Đã có những liên lạc”, ông Ryabkov nói nhưng không hé lộ chi tiết.
Khi được hỏi liệu những liên lạc này có được tăng cường sau chiến thắng của ông Trump hay không, ông Ryabkov cho biết điều đó còn phụ thuộc vào tình hình và những vấn đề mà hai nước đối mặt. “Nhưng chúng tôi tất nhiên sẽ tiếp tục công việc này sau cuộc bầu cử”, ông nói.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton cáo buộc ông Trump “quá thân” Nga và là một “con rối” của Tổng thống Putin. Ông Trump cũng từng cho hay sẽ nỗ lực làm tan băng trong quan hệ với Nga nếu đắc cử.
Ông cho biết có thể gặp ông Putin trước lễ nhậm chức nhưng phát ngôn viên của tổng thống Nga nói rằng hiện chưa có kế hoạch cho cuộc gặp này.
Quốc hội Nga đã vỗ tay khi nghe tin ông Trump đắc cử vào hôm qua. Tổng thống Putin cũng nói với các đại sứ nước ngoài rằng ông sẵn sàng tái thiết hoàn toàn quan hệ với Washington.
Tuy nhiên, ông Ryabkov tỏ ra thận trọng hơn khi được hỏi về vấn đề này. “Chúng tôi không kỳ vọng điều gì đặc biệt từ chính quyền mới của Mỹ”, ông nói.
Video đang HOT
Anh Ngọc
Theo VNE
Người gốc Việt kỳ vọng nước Mỹ đột phá dưới thời Donald Trump
Người gốc Việt ở Mỹ cho rằng việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống gây bất ngờ vì trái với phần lớn dự đoán nhưng sẽ mang lại cho cường quốc này một luồng gió mới.
Các bìa báo đưa tin ông Donald Trump đắc cử tại một sạp báo ở Tegucigalpa, Honduras. Ảnh: Reuters
Là hai cử tri ủng hộ ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton, ông Vince Trung Trinh ở bang Massachusetts và ông Tạ Ngọc Lữ, ở bang California, đều bày tỏ thất vọng trước kết quả bầu cử ngày 9/11.
"Tôi cảm thấy lo lắng nhưng tôi đành phải chấp nhận điều đó. Kết quả bầu cử này thật bất ngờ nhưng ngẫm lại, tôi thấy điều gì xảy ra cũng có lý do của nó", ông Lữ nói.
Cả hai người đàn ông gốc Việt đều cho rằng đa số người dân Mỹ bầu cho ông Trump là vì đảng Dân chủ đã đứng đầu Nhà Trắng 8 năm liền và đã đến lúc họ cần có một sự thay đổi, dù chưa thể dám chắc là theo hướng tích cực hay tiêu cực.
"Ông ấy không phải là một chính trị gia mà là một doanh nhân khôn ngoan và hiểu biết", ông Trinh nhận xét. "Người dân đã quá nhàm chán đảng Dân chủ và đưa một đại diện của đảng Cộng hòa vào thay đổi Nhà Trắng. Mọi thứ từ nay sẽ khác".
Tuy nhiên, từng trải qua nhiều nghề, trong đó có đầu tư chứng khoán, ông Trinh bày tỏ lo lắng khi thấy tác động trực tiếp và nhanh chóng của việc ông Trump đắc cử đối với nền kinh tế thế giới.
"Hàng tỷ đôla đã mất đi khắp thế giới khi ông ấy chiến thắng, giống như khi Brexit xảy ra", ông Trinh nói. "Ông Trump đã tuyên bố sẽ tái đàm phán về Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ NAFTA, rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Ông ấy có thể làm được điều đó với phần đa phe Cộng hòa trong Thượng viện".
Việc bà Clinton thua cuộc khiến nhiều người bất ngờ. Ảnh: Reuters
Trước ngày bầu cử hai tuần, ông Lữ đi bỏ phiếu và bầu cho Clinton dù bà không phải ứng viên hoàn hảo nhưng chứng tỏ mình có đủ khả năng làm lãnh đạo và tâm tính tốt hơn so với một ông Trump bốc đồng, không đáng tin cậy.
Tuy nhiên, trước sự lựa chọn bất ngờ của phần đa người Mỹ, ông Lữ cho rằng ngoài việc thất vọng về những bê bối liên quan tới tài chính và công việc của bà Clinton trong thời gian đương chức ngoại trưởng, một trong những lý do chính khiến các cử tri, nhất là người da trắng, không ủng hộ ứng viên này là sự lo ngại trước làn sóng nhập cư và xâm lấn văn hóa.
"Một số phần tử cực đoan trong cộng đồng Hồi giáo đã làm dấy lên nỗi lo ngại và là lý do chính đáng để nhiều người Mỹ phản đối chính sách của bà Clinton. Bà Clinton không trấn an được họ về điều này", ông Lữ nói.
Ông William Le, ở bang California, cũng bày tỏ sự ngỡ ngàng trước kết quả bầu cử hoàn toàn trái ngược với các cuộc thăm dò và dự đoán trên truyền thông. Tuy nhiên, ông thừa nhận cử tri Mỹ đã có lựa chọn chính xác, dù ông và bạn bè đều bầu cho bà Clinton.
"Chúng ta chỉ đánh giá ứng viên qua cách ăn nói bên ngoài của họ nên đã sai. Tôi đồng tình với sự lựa chọn của người Mỹ", ông nói.
'Sinh khí mới'
Những người gốc Việt bỏ phiếu cho Trump đều có chung lý giải rằng họ ủng hộ ông bởi các chính sách có ảnh hưởng tích cực đến đời sống của họ và gia đình, đó là giảm thuế, siết chặt người nhập cư bất hợp pháp, bãi bỏ chính sách bảo hiểm y tế hỗ trợ quá mức cần thiết cho người nghèo và việc ngừng hỗ trợ quốc phòng cho các đồng minh.
Ông Trump giữa vòng vây người ủng hộ sau khi đắc cử. Ảnh: Reuters
Lựa chọn Trump, ông Trần Nhật Phong, ở Little Saigon, cho rằng tỷ phú 70 tuổi sẽ mang tới cho nước Mỹ "một sinh khí mới mạnh mẽ, dứt khoát và cương quyết".
"Chắc chắn nước Mỹ sẽ có những đột phá mới về cả đối nội lẫn đối ngoại. Đối nội sẽ công bằng hơn cho mọi người, đối ngoại sẽ cứng rắn hơn vì quyền lợi lẫn vị thế của Mỹ trên thế giới", ông Phong nói. "Ông Trump sẽ có thái độ cứng rắn trong vấn đề Biển Đông và với bất kỳ quốc gia nào có ý định cản trở quyền lợi của Mỹ tại khu vực này".
Ông William Le cũng kỳ vọng tổng thống mới đắc cử sẽ có những đường lối kinh tế tốt, đường lối ngoại giao mạnh mẽ, duy trì tự do hàng hải và hàng không ở châu Á - Thái Bình Dương.
Chị Ha Nguyen ở bang Texas đã quyết định không đi bầu cử vì không thực sự ủng hộ ứng viên nào. Khi ông Trump đắc cử, chị vừa có chút bất ngờ vừa có một chút bất an trước sự chao đảo của thị trường chứng khoán nhưng vẫn lạc quan.
"Việc ông Trump có làm nước Mỹ vĩ đại trở lại như tuyên bố hay không là rất khó đoán. Nhưng người Mỹ vốn lạc quan và mạnh mẽ. Họ luôn tin là mọi thứ sẽ ổn", chị nói.
Ông Michael Hung, làm việc trong ngành bất động sản tại California, cho hay với kinh nghiệm sống nhiều năm ở Mỹ và từng trải qua nhiều cuộc bầu cử tổng thống, ông đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận những điều khác biệt với suy nghĩ của mình. Ông cho rằng điều mà nhiều người cần lúc này chỉ là thời gian để làm quen với tổng thống mới.
"Ông Trump là mẫu người cá tính, bất thường nhưng cũng là người có bản lĩnh và độc lập, khó ai gây sức ép. Vì thế, tôi hy vọng ý chí mạnh mẽ của ông ấy sẽ tác động một sự thay đổi tích cực nào đó cho nước Mỹ", ông Hung nói.
Jenn Chung, ở bang California, cũng cho rằng bất kể kết quả thế nào, đồng tình hay phản đối, là một dân tộc, người Mỹ vẫn cần phải đoàn kết để tiến về phía trước.
"Chúng ta là những người làm cho đất nước này vĩ đại, chứ không riêng gì tổng thống", cô sinh viên gốc Việt chia sẻ. "Giống như những người Mỹ khác, tôi thực sự hy vọng tổng thống đắc cử Trump sẽ nỗ lực để thay đổi những sai sót và hoàn thiện những điều tốt đẹp vì một tương lai hứa hẹn cho nước Mỹ.
Anh Ngọc
Theo VNE
Biểu tình phản đối ông Trump đắc cử nổ ra tại nhiều thành phố lớn Các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người nhằm phản đối ông Donald Trump đắc cử tổng thống đã nổ ra từ sau khi chiến thắng của ứng viên đảng Cộng hòa được công bố hôm qua 9/11, song vẫn tiếp tục kéo dài nhiều giờ sau đó trên khắp các thành phố lớn của Mỹ. Các cuộc biểu...