Nga rút quân khỏi Syria: Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Cuối cùng, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria cũng kết thúc một cách đột ngột như lúc bắt đầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ tuyên bố rút toàn bộ lực lượng chính khỏi Damascus từ ngày 15/3.
Tuyên bố trên được đưa ra đúng dịp đánh dấu 5 năm cuộc nội chiến Syria nổ ra và cùng ngày với vòng đàm phán hòa bình thứ hai tại Geneva. Với hơn 300.000 người thiệt mạng và 11 triệu người dân Syria buộc phải rời khỏi quê hương, việc đàm phán hòa bình giữa chế độ ông Assad và các nhóm nổi dậy thành công là điều cộng đồng quốc tế mong mỏi hơn bao giờ hết.
Vậy việc rút quân đột ngột của Nga có ý nghĩa như thế nào đối với đàm phán Geneva và quan trọng hơn là tương lai của Syria? Câu trả lời phần nào được đưa ra trong bài phân tích của CNN dưới đây.
Tại sao Nga bất ngờ tuyên bố rút quân?
Theo ông James Gelvin, Giáo sư Lịch sử Đại học California, lợi ích của Nga khi ở lại Syria đã không còn tương ứng với chi phí mà nước này bỏ ra. Ông Putin không cam kết sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ do IS và các nhóm nổi dậy khác chiếm đoạt cho chính phủ Syria nhưng theo ông Gelvin, thay mặt cho các lực lượng chính phủ Syria, Nga đã khiến cuộc chơi đạt được tiến triển.
“Quân đội Nga tới Syria tại thời điểm mà chính phủ nước này đang trên đà thất thủ. Moscow đã khiến “gió đổi chiều” và chính phủ Assad giờ đây đang dần lấy lại phong độ. Đó chính là điều mà ông Putin mong muốn”, ông Gelvin nói.
Nga bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria sau 6 tháng không kích IS. Nguồn: VOX
Tuy nhiên, điều gì cũng có cái giá của nó, ông Gelvin cho rằng động thái tưởng chừng như đột ngột của ông Putin thực chất lại là một sự tính toán tinh khôn khi các vòng đàm phán Geneva bắt đầu. “Ông Putin quyết định rút quân để cho chính quyền Assad thấy được rằng Syria phải tự đi trên chính đôi chân của mình và buộc phải đàm phán”, ông Gelvin nhận định.
Thường trú viên CNN tại Moscow, Matthew Chance cho rằng ông Putin đang tuyên bố chiến thắng và rút quân trước khi mọi việc trở nên hỗn loạn hơn. “Người Nga có thể nói rằng họ đã hoàn thành các mục tiêu quân sự, giúp đưa các đối tác trở lại bàn đàm phán, hỗ trợ đồng minh Bashar Assad ở Trung Đông với mức chi phí tối thiểu”, Chance nói.
Bên nào hưởng lợi sau khi Nga rút quân?
Nhà phân tích quân sự của CNN, Rick Francona cho rằng việc Nga can thiệp quân sự tại Syria đã giúp chính quyền Assad có được vị thế đàm phán có lợi hơn so với các nhóm đối lập. Trước vòng đàm phán Geneva, đội quân của Tổng thống Assad đã có một nguồn lực mạnh mẽ hơn, cùng sự hỗ trợ của các lực lượng Nga.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đối với ông Putin, người nào thực sự nắm quyền lực ở Syria không quan trọng bằng đảm bảo sự hiện diện của binh lính Nga ở khu vực này và ông Putin có thể kêu gọi đồng minh Assad chấp nhận hòa giải, ví dụ như trường hợp của Iran.
“Phương Tây có thể buộc ông Assad phải từ chức trong khi đàm phán. Ông Putin biết rằng cuối cùng Assad sẽ phải ra đi. Và Tổng thống Nga sẽ không để cho mình rơi vào tình thế bất lợi vì Assad”, Francona nói.
Video đang HOT
Cuộc chiến chống IS sẽ ra sao?
Sergei Markov, cựu thành viên Quốc hội Nga, cho rằng tổ chức khủng bố IS, lực lượng từ chối tham gia đàm phán, giờ đang ở thế phòng thủ. “Các cơ sở kinh tế và lực lượng quân sự nòng cốt của IS đã bị phá hủy sau các cuộc không kích của máy bay Nga. Vì vậy, trong vài tuần tới quân đội chính phủ Syria sẽ giành quyền kiểm soát Palmyria và kể cả không có sự hỗ trợ của không quân Nga thì lực lượng của ông Assad vẫn có thể đánh bại được IS vào khoảng giữa năm nay”, ông Markov nhận định.
Các cuộc không kích của Nga thường xuyên bị chỉ trích bởi những nhóm nổi dậy ôn hòa và các đồng minh phương Tây vì cho rằng Nga chủ yếu không kích các khu vực dân thường nhằm giúp đồng minh Assad “xóa sổ” các nhóm đối lập.
Công cuộc tái thiết Syria sẽ còn mất nhiều thời gian. Nguồn: CNN
Tuy nhiên, các nhà phân tích hy vọng rằng, một khi tiến trình hòa bình được thiết lập thì Nga sẽ tập trung hơn vào các mục tiêu phiến quân. Rick Francona nhận định: “Nga cho biết nước này sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống IS nhưng Moscow cần phải nhắm vào IS chứ không phải các ném bom lực lượng nổi dậy. Nếu Nga muốn trở thành một đối tác thì họ phải thực sự hành động như một đối tác”.
Con đường phía trước của Syria?
Ông Francona cho rằng, khi Assad buộc phải từ chức, Syria và Nga có thể dựa vào Iran, một đồng minh thân cận khác để cung cấp những biện pháp an ninh cần thiết nhằm tránh bị ảnh hưởng sức mạnh từ lực lượng Mỹ ở Iraq. Tuy nhiên, mọi cuộc chuyển giao quyền lực đều phải mất thời gian.
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy được một xã hội Syria bình thường trong thời gian ngắn”, Francona nói.
Rất nhiều người Syria, như nhà văn, nhà hoạt động Ayman Abdel-Nour, Tổng biên tập của All4Syria Bulletin, hy vọng sẽ có một bản hiến pháp mới và tổ chức bầu cử tự do trong năm tới. Tuy nhiên, theo ông, việc “nhổ rễ” chế độ Assad mới chỉ bắt đầu.
“Người dân Syria không có giải pháp nào khác ngoại trừ biện pháp chính trị, hòa giải và chuyển giao luật pháp, sau đó mới có thể xây dựng lại cơ sở hạ tầng, các thành phố bị tàn phá, các bệnh viện, trường học chỉ còn là đống tro tàn”, ông Abdel-Nour nói.
Ông Assad thực sự sẽ đi?
Phe đối lập Syria muốn ông Assad phải ra đi nhưng nếu phương Tây kêu gọi lật đổ Tổng thống Syria thì ngay lập tức đàm phán hòa bình sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, cả hai chuyên gia Gelvin và Francona đều nhận định rằng đồng minh Nga có thể đã sẵn sàng buộc Assad rời nhiệm sở bởi sự hiện diện của ông đã không còn là trung tâm trong kế hoạch khu vực Trung Đông của Moscow.
Đối với nhiều người dân Syria, việc thay đổi người lãnh đạo còn hơn là một sự kiện chính trị, mà đó là biện pháp để hàn gắn đất nước. “Gia đình Assad nên từ bỏ quyền lực và trao lại cho người dân Syria quyết định thể chế của riêng mình thông qua bầu cử tự do”, ông Abdel-Nour cho biết.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.
Tuệ Minh (lược dịch)
Theo Zing News
Điểm dừng khôn khéo của nước Nga
Việc Nga rút phần lớn lực lượng quân sự tại Syria đang làm dấy lên những bàn luận cả ủng hộ lẫn hoài nghi, nhưng trên hết vẫn là mối quan tâm xem động thái này của Mátxcơva sẽ tác động ra sao tới cuộc khủng hoảng đã bước sang năm thứ 6 ở Syria...
Quân đội Nga rút dần các lực lượng chiến đấu ra khỏi Syria (Nguồn:Sputnik)
Không phải ngẫu nhiên Nga có bước đi mang tính quyết định này vào thời điểm hiện nay mà đây là một "nước cờ" đã được tính toán kỹ càng cả về mặt chiến thuật và chiến lược. Ngay từ đầu, khi quyết định can thiệp vào Syria, Nga đã chủ trương hạn chế việc sử dụng sức mạnh tối thiểu ở mức cần thiết, đủ để đạt các mục tiêu.
Tổng thống Nga V.Putin chỉ giải thích một cách ngắn gọn về lý do cho quyết định của mình là Nga đã hoàn thành các mục tiêu ở Syria. 5 tháng trước đây, khi tiến hành chiến dịch không kích Syria, Nga tuyên bố mục đích nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Không thể phủ nhận các cuộc không kích của Nga ở Syria đã mang lại hiệu quả, góp phần làm suy yếu IS và ngăn chặn tham vọng thành lập một nhà nước của tổ chức này.
Nhưng thực tế Nga đã đạt được nhiều hơn thế ở Syria. 5 tháng can thiệp vào cuộc chiến Syria, Nga đã củng cố quan hệ đồng minh với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và duy trì thế đứng vững chắc của mình ở Syria, góp phần gia tăng vị thế chiến lược và ảnh hưởng ở khu vực.
Với chiến dịch quân sự ở Syria, Nga không chỉ có căn cứ hải quân Tartus mà còn có căn cứ không quân ở Latakia. Can thiệp vào cuộc chiến Syria, Nga đã chứng tỏ sức mạnh quân sự và những khí tài hiệu quả của mình, khiến đối thủ NATO phải kiêng nể.
Cùng với đó là vai trò hàng đầu trong nỗ lực toàn cầu giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, Nga đã có thêm "vũ khí" buộc Mỹ và phương Tây phải tính tới lợi ích của Nga trong xử lý quan hệ đôi bên vốn đầy phức tạp cũng như trong các vấn đề toàn cầu.
Hơn lúc nào hết, dừng tham chiến ở Syria lúc này là một bước đi "tỉnh đòn" của Mátxcơva vì một khi đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đặt ra, việc tiếp tục ở lại có thể gây ra những hậu quả và rủi ro khó lường. Bài học của Mỹ "sa lầy" ở Iraq hay Afghanistan vẫn còn đó. Và chính Nga cũng từng có bài học lịch sử ở Afghanistan vào những năm 80 của thế kỷ 20.
Điểm dừng của Mátxcơva được cho là đúng lúc và khôn ngoan vì đã giúp giải quyết cả vấn đề đối nội lẫn đối ngoại. Về mặt đối nội, quyết định rút quân của Tổng thống Putin đã xoa dịu dư luận trong nước đang lo ngại nước này sẽ bị "sa lầy" ở Syria giống như ở Afghanistan trước đây.
Nó cũng giúp ông Putin chứng tỏ khả năng của một nhà lãnh đạo "nói được, làm được". Bởi ngay từ đầu, khi quyết định không kích Syria, Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ không để lặp lại kịch bản như ở Afghanistan.
Quyết định rút chân khỏi chiến tranh cũng giúp nước Nga giảm được gánh nặng khổng lồ cho ngân sách trong bối cảnh giá dầu sụt giảm. Hơn nữa, trong khi phải đối phó với những vấn đề kinh tế, chính trị đau đầu trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây cấm vận, Nga không thể để mắc sai lầm khi lún sâu vào cuộc chiến tốn kém ở Syria.
Về mặt đối ngoại, rút quân khỏi Syria sẽ giúp nước Nga tạo dựng được hình ảnh tích cực của một quốc gia giữ lời hứa, có trách nhiệm trước vấn đề mang tính toàn cầu, đó là luôn ủng hộ giải pháp hòa bình trong giải quyết cuộc xung đột đẫm máu ở Syria.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình về Syria ở Geneve bắt đầu khởi động, quyết định rút quân là một động thái cần thiết để bảo đảm sáng kiến hòa bình do chính Nga thúc đẩy có thêm sức nặng. Nó cũng buộc hai phe đối đầu ở Syria phải có thái độ tích cực và thiện chí hơn trên bàn đàm phán.
Trước đó, phe đối lập luôn yêu cầu Nga rút quân về nước và ngừng chiến dịch không kích Syria, coi đó như yêu sách để họ ngồi vào đàm phán. Còn về phía chính quyền Syria của Tổng thống Al-Assad, họ cũng phải tính xem mình cần làm gì ở Geneve một khi không còn sự hậu thuẫn về quân sự của Nga như trước đây. Các diễn biến trên chiến trường luôn đóng vai trò quyết định trên bàn đàm phán là một thực tế không thể phủ nhận.
Vì vậy, có thể khẳng định việc rút phần lớn lực lượng ở Syria là bước chuyển hướng chiến lược của Mátxcơva. Không phải ngẫu nhiên Nga tuyên bố rút quân vào đúng thời điểm các cuộc đàm phán vừa khởi động ở Geneve.
Trước khi tuyên bố việc rút quân, Nga đã đề xuất ý tưởng liên bang hóa Syria, thuyết phục thành công chính quyền ông Al-Assad chấp nhận tới Geneve đàm phán. Mọi động thái của Nga đều đã được tính toán từng bước đi và thời điểm, nhằm theo đuổi giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria.
Rõ ràng, trong bối cảnh "chia năm xẻ bảy" ở Syria như hiện nay, giải pháp quân sự sẽ không thể giúp ngừng đổ máu ở Syria, ngược lại còn khiến bạo lực diễn biến phức tạp hơn. Và giải pháp tốt nhất vẫn là để người dân Syria tự giải quyết vấn đề của đất nước mình.
Chính Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhận định rằng, với việc Ngarút quân theo kế hoạch khỏi Syria cùng với việc nối lại các cuộc hòa đàm tại Geneve, thế giới có thể đã có cơ hội tốt nhất để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này.
Cuộc nội chiến tại Syria kéo dài nhiều năm qua đã làm hơn 250.000 người thiệt mạng và hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Cuộc khủng hoảng ở Syria đã trở thành vấn đề toàn cầu hóc búa, kéo theo những hệ lụy xấu, đó là sự ra đời và hoành hành của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu...
Hơn lúc nào hết, tiến trình hòa bình cho Syria không thể chậm trễ và hiện nay đang bước vào giai đoạn quan trọng. Quyết định rút quân của Nga đang được hy vọng sẽ góp phần tìm lối thoát cho tiến trình hòa bình đang bế tắc. Đây là cơ hội mà các bên đối đầu ở Syria cần phải nắm lấy.
Đặc phái phiên Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura từng cảnh báo "sẽ không có kế hoạch B cho Syria, nếu hòa đàm thất bại, quốc gia Trung Đông này sẽ trở lại với cuộc chiến thậm chí còn đẫm máu hơn".
Theo Mỹ Hạnh
Quân đội nhân dân
Nga - Mỹ điện đàm sau tuyên bố rút quân: Chia bánh? Sau tuyên bố rút quân khỏi Syria, Nga và Mỹ đã tiến hành điện đàm về tình hình Syria, trong khi đó cục diện chiến trường được dự báo sẽ có nhiều thay đổi Nga và Mỹ điện đàm về Syria Ngày 15/3, Nhà Trắng trong một thông báo phát đi cho biết, Tổng thống Mỹ Obama và người đồng cấp Nga Vladimir...