Nga rút bớt quân đội khỏi lãnh thổ đồng minh Armenia
Nga đồng ý rút bớt một số binh sĩ khỏi lãnh thổ Armenia theo đề nghị của giới chức Yerevan, động thái diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước ghi nhận một số khúc mắc.
Thông tấn Nga Interfax ngày 9/5 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov xác nhận Nga đã nhất trí rút một số binh sĩ và lính biên phòng khỏi các khu vực của Armenia. Quyết định được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ở Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan gặp gỡ ở Moscow. Ảnh: Reuters
Theo ông Peskov, Nga đưa các binh sĩ và lính biên phòng đến một số khu vực của Armenia từ mùa Thu năm 2020 theo yêu cầu của Yerevan. Đó cũng là thời điểm bùng phát cuộc xung đột nghiêm trọng giữa Armenia và Azerbaijan, khiến hơn 5.000 người thiệt mạng.
“Thủ tướng Armenia Pashinyan nói rằng hiện nay, do các điều kiện đã thay đổi nên không còn yêu cầu như vậy nữa. Tổng thống Putin đã đồng ý và việc rút quân đội và lực lượng biên phòng của chúng tôi đã được nhất trí”, phát ngôn viên Peskov nêu.
Theo một số hãng tin, binh sĩ Nga sẽ được rút khỏi 5 khu vực của Armenia, nhưng chưa rõ vị trí chính xác. Các binh sĩ Nga sẽ vẫn xuất hiện ở biên giới giữa Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Binh sĩ Nga xuất hiện tại một trạm kiểm soát gần Nagorno-Karabakh. Ảnh: GettyImages
Diễn biến mới nhất này được công bố 3 tuần sau khi Điện Kremlin thông báo Nga đã rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi khu vực Nagorno-Karabakh sau khi Armenia sẵn sàng công nhận khu vực này thuộc Azerbaijan.
Nagorno-Karabakh thuộc Azerbaijan, nhưng là nơi sinh sống của người gốc Armenia và do lực lượng thân Armenia kiểm soát từ những năm 1990, đã chứng kiến cuộc xung đột đẫm máu làm gần 5.000 người chết từ tháng 9 đến tháng 11/2020 giữa Azerbaijan và Armenia.
Tháng 11/2020, Nga môi giới thành công thoả thuận ngừng bắn, rồi triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình đến khu vực. Theo thoả thuận, Armenia trao trả các phần lãnh thổ mà Azerbaijan giành được trên thực địa, song vẫn được bảo lưu quyền kiểm soát phần lớn vùng Nagorno-Karabakh.
Tuy nhiên, ngày 19/9/2023, Azerbaijan một lần nữa tiến hành chiến dịch tấn công phe ly khai thân Armenia tại Nagorno-Karabakh, bất chấp sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.
Đến ngày 20/9/2023, chiến sự nhanh chóng chấm dứt nhờ một thỏa thuận khác cũng do Nga làm trung gian, trong đó, lực lượng ly khai ở Nagorno-Karabakh chấp nhận giải tán và giải giáp vũ khí. Azerbaijan sau đó đưa lực lượng vào kiểm soát khu vực.
Cuộc xung đột tháng 9/2023 đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa các đồng minh truyền thống Nga và Armenia. Hơn 100.000 người gốc Armenia ở Nagorno-Karabakh sau đó đã di tản sang lãnh thổ Armenia.
Thủ tướng Armenia Pashinyan gần đây cho biết, Yerevan đã đình chỉ việc tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quốc phòng do Nga lãnh đạo. Ông Pashinyan nhiều lần chỉ trích Nga vì không can thiệp giúp Armenia trước hành động mà ông cho là sự gây hấn của Azerbaijan. Tuần trước, Interfax nói rằng Armenia đã dừng đóng góp tài chính cho CSTO.
Thủ tướng Armenia nói Azerbaijan có thể tấn công nếu không có thỏa hiệp
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói rằng Armenia có thể phải đối mặt chiến tranh nếu không thỏa hiệp với Azerbaijan trong việc trả lại một số vùng lãnh thổ thuộc Azerbaijan mà Yerevan đã kiểm soát từ đầu thập niên 1990.
Thủ tướng Pashinyan đưa ra cảnh báo như trên trong cuộc họp hôm 18.3 với người dân của các khu vực biên giới trong vùng Tavush thuộc phía bắc Armenia, gần những ngôi làng bỏ hoang thuộc Azerbaijan mà Yerevan đã kiểm soát kể từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột kéo dài 3 thập niên giữa hai nước trong đầu thập niên 1990.
"Bây giờ chúng ta có thể rời khỏi đây, chúng ta hãy đi và nói với [Azerbaijan] rằng không, chúng tôi sẽ không làm gì cả", Hãng tin TASS dẫn lời ông Pashinyan nói trong một đoạn video về cuộc họp do chính phủ của ông công bố.
Thủ tướng Armenia nói Azerbaijan có thể tấn công nếu không có thỏa hiệp
TASS còn dẫn lời ông Pashinyan cho rằng nếu Armenia từ chối thỏa hiệp với Azerbaijan về vấn đề các làng biên giới, Azerbaijan sẽ bắt đầu chiến tranh vào cuối tuần, theo Reuters.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Azerbaijan đối với phát ngôn trên của Thủ tướng Pashinyan.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh Reuters
Trước đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 17.3 cho hay Azerbaijan "đang trong giai đoạn tích cực của cuộc đàm phán hòa bình với Armenia".
"Lúc này chúng tôi đang tiến gần đến hòa bình hơn bao giờ hết", ông Aliyev cho hay sau khi gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Baku, theo Reuters. Ông Stoltenberg cho hay ông hoan nghênh động thái hướng tới hòa bình của Azerbaijan và Armenia.
Trong những tuần gần đây, ông Pashinyan đã nhiều lần phát tín hiệu cho thấy ông sẵn sàng trả lại những ngôi làng nói trên cho Azerbaijan.
Azerbaijan nhấn mạnh rằng việc trả lại đất đai của mình là điều kiện tiên quyết cần thiết cho một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt 3 thập niên xung đột về vùng Nagorno-Karabakh mà Azerbaijan đã chiếm lại vào tháng 9.2023.
Hai bên cho hay họ muốn ký một hiệp ước hòa bình chính thức, nhưng các cuộc đàm phán đã bị sa lầy vào các vấn đề bao gồm phân định biên giới dài 1.000 km giữa hai nước, vốn đã bị đóng cửa và quân sự hóa nặng nề, theo Reuters.
Armenia dọa rút khỏi liên minh do Nga dẫn dắt Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói rằng nước ông sẽ rời khỏi Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) nếu những thắc mắc của Yerevan không được giải đáp. "Chúng tôi đã đình chỉ việc tham gia CSTO và chúng tôi không còn tham dự các cuộc họp của tổ chức. Hiện nay, chúng tôi đang chờ câu trả lời cho...