Nga ra tối hậu thư cho quân đội Ukraine ở Crimea
Nếu quân đội Ukraine ở Crimea không buông súng đầu hàng, họ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh toàn diện.
Tối qua, quân đội Ukraine cho biết Nga vừa ra tối hậu thư cho các binh sĩ Ukraine ở Crimea phải nộp súng đầu hàng vào lúc 3 giờ sáng (tức 8 giờ, giờ Việt Nam), nếu không họ sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công toàn diện trên bán đảo chiến lược này.
Tuyên bố đáng lo ngại này được đưa ra sau khi quân đội Nga đã tiến vào lãnh thổ Crimea và kiểm soát các địa điểm quan trọng trong khu vực này.
Tối hậu thư này được ông Alexander Vitko, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga đưa ra. Ông Vitko tuyên bố: “Nếu họ không đầu hàng trước 3 giờ sáng, một cuộc tấn công thực sự sẽ được phát động nhắm vào các đơn vị và sư đoàn vũ trang Ukraine trên toàn lãnh thổ Crimea.”
Một người lính vũ trang hạng nặng khống chế trước cổng doanh trại lính Ukraine ở Crimea
Trước đó, trong cuộc trao đổi với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã khẳng định: “Việc bảo vệ lợi ích của toàn bộ công dân Ukraine, trong đó có người dân Crimea và người Nga sinh sống ở Ukraine là vô cùng cần thiết.”
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine tại Crimea cho biết tối hậu thư này yêu cầu các binh sĩ Ukraine có mặt tại đây phải công nhận chính quyền mới của Crimea, hạ vũ khí và rời khỏi doanh trại, nếu không sẽ bị tấn công.
Một cựu nghị sĩ ở Nga cho biết chính quyền thân Nga ở Crimea sẽ cắt điện và nước tại các căn cứ quân sự của Ukraine đang bị lực lượng Nga bao vây. Các binh sĩ bên trong doanh trại cũng được thông báo là họ sẽ không được nhận lương nếu không công khai tuyên bố từ bỏ lòng trung thành với chính quyền trung ương ở Kiev.
Ông Sergei Markov, một chuyên gia phân tích tại Nga nhận định: “Nếu các binh sĩ này tiếp tục bám trụ trong doanh trại và thể hiện lòng trung thành với Kiev và chính phủ Ukraine, mọi việc sẽ ngày càng khó khăn đối với họ. Sức ép đang ngày càng một tăng lên.”
Video đang HOT
Lính Ukraine đứng gác bên trong cổng doanh trại bị khóa chặt
Ukraine cáo buộc Nga đang ồ ạt đổ thêm quân vào bán đảo Crimea trong khi thế giới đang nín thở chứng kiến cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh.
Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc cho biết Nga đã triển khai gần 16.000 quân tới Crimea trong tuần qua, và con số này vẫn không ngừng tăng lên.
Lực lượng biên phòng Ukraine cho hay binh lính Nga bắt đầu di chuyển vào lãnh thổ Crimea bằng phà từ hôm thứ Hai sau khi chiếm được chốt biên phòng của họ trên đất Ukraine.
Theo biên phòng Ukraine, quân Nga chiếm được vị trí này sau khi lính biên phòng tìm cách ngăn chặn 2 chiếc xe chở 7 người đàn ông trang bị vũ khí tiến vào lãnh thổ Crimea, và lợi dụng lúc họ truy đuổi 2 chiếc xe xâm nhập, một chiếc phà với ba xe tải chở đầy lính đã nhanh chóng cập vào cảng.
Những chiếc xe tải chở lính mang biển số Nga đổ vào Crimea
Trước đó, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchynov cho biết Hạm đội Biển Đen của Nga đã “nhốt” các tàu chiến Ukraine vào vịnh Sevastopol, quân cảng chiến lược nơi có rất nhiều tàu chiến Nga đang neo đậu. Ông này kêu gọi lãnh đạo Nga “ngừng các hành động khiêu khích, xâm lược và cướp biển”, đồng thời gọi những hành động này là “tội ác”.
Những động thái trên của Nga được thực hiện sau khi vị Tổng thống bị phế truất của Ukraine Viktor Yanukovych gửi một lá thư cầu cứu tới ông Putin và yêu cầu Nga đưa lực lượng quân sự tới Ukraine để vãn hồi trật tự và pháp luật.
Lá thư cầu cứu của ông Yanukovych có đoạn viết: “Dưới ảnh hưởng của các nước phương Tây, những hành động khủng bố và bạo lực đang diễn ra công khai ở Ukraine. Người dân đang bị kỳ thị vì ngôn ngữ và lý do chính trị. Thế nên tôi kêu gọi Tổng thống Nga Putin sử dụng lực lượng vũ trang để thiết lập luật pháp, hòa bình, trật tự, ổn định và bảo vệ người dân Ukraine.”
Theo Khampha
Ukraine: Khủng hoảng lớn nhất thế kỷ ở châu Âu
Ngoại trưởng Anh cho rằng châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất thế kỷ 21 sau những gì diễn ra ở Ukraine.
Ngày 3/3, Ngoại trưởng Anh William Hague đã phải thốt lên rằng biến động chính trị hiện nay ở Ukraine là "cuộc khủng hoảng lớn nhất" mà châu Âu phải đối mặt trong thế kỷ 21.
Ngoại trưởng Hague cáo buộc rằng Nga hiện đã dùng lực lượng kiểm soát khu vực Crimea, xâm phạm chủ quyền của Ukraine và cảnh báo rằng nếu Nga không chịu rút quân, họ sẽ phải "trả giá đắt". Ông cũng kêu gọi Nga và Ukraine tổ chức đàm phán, đồng thời khẳng định rằng tư cách thành viên của Nga trong nhóm G8 có thể bị hủy bỏ trong cuộc khủng hoảng này.
Cờ Nga xuất hiện trước một nhóm vũ trang bí ẩn ở Crimea
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn khẳng định rằng Nga bảo lưu quyền được đưa quân can thiệp vào Ukraine để bảo vệ các lợi ích của mình.
Để đáp trả, Ukraine đã ra lệnh tổng động viên nhằm huy động khoảng 1 triệu quân dự bị để chống lại sự hiện diện quân sự ngày càng nhiều của Nga trên bán đảo Crimea.
Trong chuyến công du tới Kiev hôm Chủ nhật và gặp gỡ các quan chức chính phủ lâm thời Ukraine, ông Hague đã phát biểu rằng Nga có nhiều lợi ích "hợp pháp" trong khu vực này, tuy nhiên hành động quân sự của Nga là "không thể chấp nhận được", và cộng đồng quốc tế cần phải có phản ứng "mạnh mẽ".
Các tay súng không mang phù hiệu tuần tra trên đường phố Crimea
Phát biểu trên BBC, ông Hague cho rằng việc Nga can thiệp vào Ukraine đang gây ra tình hình rất nguy hiểm và căng thẳng, và trên bán đảo Crimea hiện nay đang tồn tại một "ngòi nổ" sẵn sàng làm bùng phát chiến tranh bất cứ lúc nào.
Ông Hague tuyên bố: "Thế giới không thể cho phép điều này xảy ra. Thế giới không thể gật đầu trước hành động vi phạm chủ quyền một nước khác theo cách như vậy."
Người Ukraine ở Kiev biểu tình đòi Nga rút quân về nước
Ông Hague cũng bác bỏ nhận định rằng Mỹ và EU bất lực trước tình hình hiện nay, và khẳng định phương Tây có rất nhiều lựa chọn nếu Nga không chịu rút quân về các căn cứ quân sự tại Crimea và tôn trọng các điều khoản trong hiệp định đã ký với Ukraine.
Anh và các quốc gia G7 khác cũng đã tuyên bố rằng họ đã hủy công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G8 sắp diễn ra ở Nga vào mùa hè tới đây, trong khi Mỹ đã ám chỉ đến những biện pháp quyết liệt hơn, chẳng hạn như cấm vận và phong tỏa tài sản của các doanh nghiệp Nga ở nước ngoài.
Trí Dũng (Theo BBC) (Khampha.vn)
Nhật ký một người Việt từ "chảo lửa" Ukraine "Chúng tôi đã sống và đếm từng phút giây mong vượt qua những thời khắc nóng bỏng ở Ukraine. Mọi thứ diễn ra trong chớp mắt, bao số phận thay đổi và không ai biết được ngày mai sẽ ra sao...". Nhật ký của anh Hồ Sĩ Trúc, một người Việt đã sinh sống lâu năm ở Kiev, chia sẻ về những diễn...