Nga ra sắc lệnh cho phép thuê binh sĩ nước ngoài
Tổng thống Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh mới cho phép người nước ngoài phục vụ trong quân đội Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia người Nga khẳng định, động thái này không liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra tại miền đông Ukraine.
Trước khi có sắc lệnh mới của Tống thống Putin cho phép tuyển binh sĩ nước ngoài, hàng ngàn binh sĩ Nga đang đóng quân bên ngoài biên giới nước này. (Ảnh: BBC)
Hãng tin BBC ngày 5/1 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua sắc lệnh cho phép người nước ngoài biết nói tiếng Nga phục vụ trong quân đội với thời hạn ít nhất 5 năm. Sắc lệnh này hướng đến các binh sĩ từ các nước Trung Á từng thuộc Liên bang Xô Viết.
Chuyên gia phân tích quốc phòng của hãng tin BBC Jonathan Marcus nhận định, sắc lệnh này của Putin là một bước đi trong kế hoạch chuyên nghiệp hóa lực lượng vũ trang của Nga. Nhưng ông Marcus nhận xét rằng động thái này sẽ có ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ của Nga với các nước thuộc Liên bang Xô Viết trước đây.
Chuyên gia của BBC cũng nhận định các nguy cơ đối với an ninh Nga đang tăng lên kể từ khi NATO tiến vào Afghanistan. Điều này có thể sẽ thúc đẩy Mátxcơva mở rộng sự hiện diện của quân đội tại vùng Trung Á, mở các trụ sở của Nga nhưng với những người lính địa phương. Nhưng điều này không đồng nghĩa Mátxcơva sẽ tuyển mộ binh sĩ nước ngoài một cách ồ ạt.
BBC cũng dẫn lời 2 chuyên gia quân sự người Nga Alexander Golts và Pavel Felgenhauer cho rằng sắc lệnh mới không liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra tại miền đông Ukrainne. Nó sẽ giúp hợp pháp hóa hiện trạng quân đội Mátxcơva đóng quân ở cả nhiều khu vực bên ngoài lãnh thổ Nga đã tồn tại từ một vài năm nay.
Video đang HOT
Theo 2 chuyên gia, quy định mới này sẽ giúp Mátxcơva dễ dàng tuyển mộ các binh lính từ các nước Trung Á, Caucasus hay Transnistria, hoặc vùng ly khai Moldova thân Nga.
“Trước đó, những người thuộc các khu vực nêu trên cần nhập tịch vào Nga hay được cấp các giấy tờ trao quyền công dân. Nhưng giờ đây, họ có thể chiến đấu cho Nga mà không cần phải là công dân nước này”, chuyên gia Felgenhauer nhận xét.
Hiện có khoảng 300 binh sĩ nước ngoài trong quân đội Nga. Chuyên gia Felgenhauer nhận định: “Gửi các binh lính đến Trung Á tốn khoản chi phí rất cao và nhiều người ở lại đó, không về. Bởi vậy tuyển mộ các binh lính địa phương là một giải pháp thiết thực và hữu hiệu cho Mátxcơva”.
Các tình nguyện viên nước ngoài, bao gồm cả người Nga, đang chiến đấu ở Ukraine. Mátxcơva bác bỏ chuyện điều binh sĩ chính quy đến khu vực này.
Chính phủ Ukraine và phương Tây cũng từng cáo buộc Nga đã gửi các vũ khí hạng nặng và quân đội tinh nhuệ đến miền Đông Ukraine để ủng hộ phe ly khai tại đây, nhưng Nga phủ nhận.
Thoa Phạm
Theo Dantri/BBC
Pháp điều tra vụ việc thị trưởng từ chối chôn cất bé gái sơ sinh Digan
Giới chức Pháp đã tuyên bố sẽ điều tra vụ việc Thị trưởng thị trấn Champlan từ chối cho phép chôn cất một em bé sơ sinh người Digan vì phải ưu tiên đất chôn cho những công dân đóng thuế. Quyết định này đã làm dấy lên làn sóng bất bình tại Pháp.
Thị trưởng Christian Leclerc đã ra quyết định không cho phép chôn cất bé gái 2 tháng tuổi Francesca, người Digan, tại thị trấn Champlan. (Ảnh minh họa: BBC)
Trang BBC dẫn lời Thị trưởng Christian Leclerc phát biểu trước báo chí ngày 4/1 rằng thị trấn Champlan sắp hết đất để chôn cất người chết nên những khu đất ít ỏi còn lại trước hết "phải ưu tiên cho những người đóng thuế". Vì lý do này, ông đã tuyên bố không cho phép chôn cất thi thể của bé gái Digan 2 tháng tuổi Maria Francesca tại thị trấn này.
Được biết, bé Francesca ra đời vào cuối tháng 10, qua đời ngay sau lễ Giáng sinh vì mắc hội chứng tử vong bất ngờ ở trẻ sơ sinh. Gia đình của bé Francesca sống trong một khu trại của người Digan (hay còn gọi là Gypsy hoặc Roma) ở Champlan, nơi không có nước máy, điện, và các tiện nghi vệ sinh.
Việc em bé sơ sinh Digan không được chôn cất tại Champlan khiến làn sóng bất bình nổi lên mạnh mẽ. Người phát ngôn của Hội đoàn kết với người Digan ở địa phương đã miêu tả quyết định này chứa đầy sự "phân biệt chủng tộc, bài ngoại và kỳ thị".
Trong bối cảnh ấy, ông Jacques Toubon, quan chức phụ trách bảo vệ nhân quyền của Pháp, đã tuyên bố sẽ điều tra vụ việc Thị trưởng Champan không cho phép chôn cất bé gái người Digan. Trang BBC hôm nay 5/1 dẫn lời Thủ tướng Pháp Manuel Valls gọi đây là "sự sỉ nhục đối với nước Pháp".
Trước những áp lực dư luận, vị thị trưởng Champlan sau đó đã phủ nhận tuyên bố của mình và cho rằng: "Những lời nói của tôi đã bị đặt sai hoàn cảnh".
May mắn thay, ông Richard Trinquier, thị trưởng thị trấn Wissous gần Champlan đã tỏ ý sẵn sàng dành cho cô bé Francesca một ngôi mộ tại thị trấn của ông. Ông Trinquier cũng nhận định quyết định của Thị trưởng Champlan là "không thể hiểu nổi". Dự kiến, bé gái người Digan sẽ được chôn cất tại thị trấn Wissous vào thứ Hai 5/1.
Sự di cư của những người Digan từ vùng Đông Âu từ lâu đã là một vấn đề chính trị nóng ở Pháp. Theo thống kê của BBC, Pháp có khoảng 20.000 người Digan sống trong các khu trại tạm bợ.
Pháp cũng là một trong những nước châu Âu có chính sách khắc nghiệt nhất với người Digan. Chính quyền nước này thường xuyên dỡ bỏ các khu trại của những người Digan và trục xuất hàng nghìn người mỗi năm.
Hồi tháng 8/2014, một nghị sĩ Quốc hội Pháp đã bị phạt 3.600 USD khi tuyên bố rằng "Đức Quốc xã đã không sát hại đủ người Roma (Digan)".
Thoa Phạm
Theo Dantri/BBC
Tổng thống Ukraine quyết đánh bại "kẻ thù xâm phạm lãnh thổ" Trong thông điệp gửi đến người dân nhân dịp đầu năm, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cam kết rằng Kiev sẽ đánh bại "kẻ thù tàn độc đang xâm lấn lãnh thổ, tự do và độc lập" của nước này. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đọc bài diễn văn gửi đến nhân dân vào đêm giao thừa. Hãng tin AFP cho hay vào...