Nga quan ngại việc Mỹ phái tàu khu trục đến Vịnh Oman
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Nga, cựu Đại sứ Nga ở Mỹ Sergei Kislyak, quyết định của Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa đến Vịnh Oman ẩn chứa nhiều hậu quả tiêu cực nghiêm trọng.
Một vụ nổ dường như là do mìn nhằm vào tàu chở dầu M/V Kokuka Courageous ở ngoài khơi vùng Vịnh Oman ngày 13/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo hãng tin Sputnik ngày 14/6, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, cựu Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak cho rằng quyết định của Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa đến Vịnh Oman ẩn chứa nhiều hậu quả tiêu cực nghiêm trọng.
Ông Kislyak nhận định bước đi này giống như bất kỳ động thái gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực và khiến Nga lo ngại.
Ông nhấn mạnh quyết định như vậy tiềm ẩn nhiều hậu quả tiêu cực to lớn và lâu dài, đồng thời cho rằng tình hình ở Vịnh Oman có thể được các bên liên quan đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Theo ông, trong tình huống này, cộng đồng quốc tế cần bình tĩnh và phân xử một cách khách quan về những gì đã xảy ra, thay vì phản ứng vội vàng trước những hình ảnh không rõ nguồn gốc.
Trước đó, ngày 13/6, tàu chở dầu Front Altair của công ty vận tải Na Uy đã bị bốc cháy khi đang trên đường từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc).
Video đang HOT
Chiếc tàu thứ hai là Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) vận hành cũng bị bốc cháy khi đang trên đường từ một cảng của Saudi Arabia đến Singapore.
Mỹ đã công bố đoạn băng cho thấy tàu tuần tra của Iran đang gỡ mìn buộc chưa phát nổ từ một trong hai tàu chở dầu.
Dựa trên nội dung đoạn băng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Iran chính là thủ phạm.
Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho rằng Washington đã vội vàng đưa ra những cáo buộc đối với Tehran mà không có bằng chứng rõ ràng nào.
Ông cáo buộc Washington tìm cách phá hoại nỗ lực ngoại giao trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Iran để làm trung gian hòa giải cho căng thẳng tại khu vực Trung Đông./.
Theo Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam )
Iran: Đối thoại với Đức về thỏa thuận hạt nhân diễn ra nghiêm túc
Iran và Đức đã có cuộc đối thoại "thẳng thắn và nghiêm túc" về thỏa thuận hạt nhân nhân lịch sử được Tehran ký kết với Nhóm P5 1 năm 2015.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (phải) và người đồng cấp Đức Heiko Maas. (Nguồn: Reuters)
Iran và Đức đã có cuộc đối thoại "thẳng thắn và nghiêm túc" về thỏa thuận hạt nhân nhân lịch sử, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được Tehran ký kết với Nhóm P5 1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đưa ra truyên bố trên ngày 10/6 trong cuộc hội đàm chung với người đồng cấp Đức Heiko Maas đang ở thăm nước này.
Ngoại trưởng Zarif khẳng định Tehran sẽ hợp tác với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.
Liên quan đến căng thẳng hiện nay với Mỹ, ông Zarif cảnh báo Washington có thể "sẽ không an toàn" sau khi phát động "cuộc chiến kinh tế" đối với Tehran. Biện pháp duy nhất giảm căng thẳng trong khu vực hiện nay là ngừng cuộc chiến kinh tế này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Maas khẳng định Đức và các nước EU khác đều muốn tìm biện pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.
Ngoại trưởng Đức Maas đang ở thăm Iran - chặng dừng chân cuối trong chuyến công du Trung Đông gồm Iraq, Jordan và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), như một phần trong nỗ lực của các nước châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân cũng như tháo ngòi "căng thẳng" giữa Tehran và Washington.
Iran đã ký JCPOA với Nhóm P5 1 năm 2015. Theo JCPOA, Iran sẽ phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran.
Tháng Năm vừa qua, Tehran tuyên bố sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Đây cũng chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy thương mại. Tuy nhiên, cho đến nay, châu Âu vẫn chưa đưa ra được biện pháp nào để giúp Iran tránh khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trước khi diễn ra cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng Iran và Đức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Abbas Mousavi đã chỉ trích các nước EU tham gia ký kết JCPOA, cho rằng các nước này đã không cứu vãn thỏa thuận sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi hồi năm 2018 cũng như tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo.
Theo ông Mousavi, Tehran vẫn chưa nhận thấy các bước đi cụ thể và thiết thực từ phía các nước EU nhằm đảm bảo các lợi ích của Iran. Do đó, Iran sẽ không thảo luận bất kỳ vấn đề nào khác ngoài thỏa thuận hạt nhân và EU không thể bình luận các vấn đề của Iran ngoài thỏa thuận hạt nhân.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Zarif cũng tuyên bố châu Âu không có quyền chỉ trích Tehran vì những vấn đề nằm ngoài JCPOA, đồng thời kêu gọi lãnh đạo các nước châu Âu bình thường hóa quan hệ kinh tế với nước Cộng hòa Hồi giáo, hoặc phải đối mặt với hậu quả.
Tuyên bố trên của Iran được cho là nhằm phản ứng phát biểu của ông Maas trong chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) rằng chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là vấn đề gây tranh cãi.
Tuy nhiên, phát biểu với báo giới ngay sau khi đến Iran, Ngoại trưởng Đức khẳng định JCPOA có vai trò "cực kỳ quan trọng" đối với an ninh châu Âu, song EU không muốn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo ông, EU hiểu rõ những lợi ích kinh tế mà Tehran từng hy vọng từ JCPOA hiện khó "gặt hái" hơn sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Dù vậy, Iran vẫn cần tôn trọng đầy đủ thỏa thuận./.
Theo Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam )
Giữa căng thẳng với Mỹ, Iran công khai thách thức cả Châu Âu Iran mới đây tuyên bố Châu Âu không có quyền chỉ trích Tehran vì năng lực quân sự của nước này, đồng thời kêu gọi Châu Âu bình thường hóa quan hệ thương mại với Iran, nếu không họ sẽ phải đối mặt với hậu quả. Theo hãng thông tấn Reuters, mối quan hệ Mỹ-Iran căng thẳng trở lại từ tháng 5/2018 sau...