Nga – phương Tây đọ sức bền tại Ukraine
Cuộc xung đột tại Ukraine có vẻ còn kéo dài và đang thử thách ý chí của Mỹ cùng đồng minh trong việc duy trì cam kết quân sự, chính trị và tài chính để đối phó Nga.
Thử sức chịu đựng
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đến nay đã kéo dài hơn 4 tháng và chưa có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt. Mặc dù Nga gần đây liên tục giành được các thắng lợi trên chiến trường nhưng đà tiến quân bị đánh giá là chậm so với ý định thực hiện một chiến dịch chớp nhoáng lúc ban đầu. Để đạt được những thành công đó, Nga được cho là chịu tổn thất không nhỏ về lực lượng trong khi bị cấm vận nhiều mặt.
Lực lượng Ukraine tại Donetsk ngày 8.7. Ảnh REUTERS
Trong khi đó, Mỹ vừa công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine. Đến nay, Mỹ đã phê chuẩn tổng giá trị viện trợ quân sự và các hỗ trợ khác cho Ukraine là 54 tỉ USD. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ hỗ trợ Ukraine cho đến khi nào còn cần thiết nhưng không rõ liệu việc đó sẽ kéo dài bao lâu trong bối cảnh kho vũ khí của Mỹ và châu Âu đang giảm dần xuống mức thấp.
Mỹ bị cho là đang gặp thách thức trong việc tập hợp lực lượng toàn cầu nhằm cô lập Nga vì chiến dịch tại Ukraine và trong khi bị cấm vận, Moscow vẫn tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với các nước.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày thứ 137 có gì nóng?
Theo tờ The New York Times, Nhà Trắng đang tìm một chiến lược lâu dài trước nguy cơ xung đột leo thang, viễn cảnh về một thỏa thuận hòa bình còn xa vời và người dân ngày càng mệt mỏi trước những tác động kinh tế.
Đóng băng ngoại giao
Chiến sự xảy ra hơn 4 tháng nhưng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến nay vẫn chưa đối thoại với quan chức cấp cao nào của Nga. Theo tờ The Washington Post, có những ý kiến cho rằng đó là một sai lầm vì Mỹ có nhiều thứ cần bàn trong cuộc đối thoại này.
Thực tế, ông Blinken đã có cơ hội để phá vỡ sự đóng băng này khi tham dự hội nghị ngoại trưởng G20 tại Indonesia trong tuần qua và có lúc ở gần Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Ông Blinken giải thích rằng không thấy dấu hiệu Nga muốn tham gia đối thoại ngoại giao một cách thực chất và vì nhiều nước trước đó tiếp xúc với Moscow nhưng không mang lại kết quả gì.
Trái lại, Ngoại trưởng Lavrov tại Indonesia hôm 6.7 nói rằng việc thiếu đối thoại không phải do Nga mà là do Mỹ. “Chúng tôi không bỏ chạy khi ai đó gợi ý gặp. Nếu họ không muốn đối thoại, đó là lựa chọn của họ”, nhà ngoại giao nói.
Các nhà phân tích thừa nhận không có gì đảm bảo rằng Nga sẽ tìm kiếm một thỏa thuận để chấm dứt xung đột trong cuộc đối thoại như thế, đặc biệt là khi ưu thế trên chiến trường đang nghiêng về phía nước này. Tuy nhiên, “bước đầu tiên là phải mở kênh liên lạc để nắm bắt ý định của đối phương. Bạn không thể biết được nếu không thử”, nhà ngoại giao kỳ cựu Tom Shannon từng là thứ trưởng ngoại giao thời Tổng thống Barack Obama nhận xét.
Đồng quan điểm, cựu quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ Jeremy Shapiro cho rằng Washington đang quên đi mục đích thực sự của việc đối thoại. “Bạn không gặp ông Lavrov để chốt thỏa thuận ngay, nhưng nếu bạn muốn hiểu Nga muốn gì hoặc gửi thông điệp bí mật cho (Tổng thống Vladimir) Putin, ông Lavrov chính là người bạn cần”, ông Shapiro nói.
Theo một số chuyên gia Mỹ và Nga, các bên vẫn còn không gian để xoay xở và mọi thứ có thể chỉ rõ ràng sau vài tháng nữa, khi một hoặc cả hai bên đều kiệt sức và tìm cách dừng lại. Trong thời gian đó, Nga dự kiến tiếp tục tìm cách kiểm soát vùng Donbass trong khi Ukraine có thể sẽ đáp trả bằng một cuộc phản công thực thụ.
EU xây boongke tuyệt mật
Liên minh châu Âu (EU) đang đầu tư 8 triệu euro để xây một boongke làm phòng họp cho các lãnh đạo tại Bỉ nhằm đề phòng gián điệp các nước nghe lén, theo một văn bản của EU về dự án mà trang EUobserver có được.
Căn phòng có sức chứa 100 người, được trang bị đầy đủ công nghệ phục vụ họp hành và được thiết kế để ngăn nguy cơ bị nghe lén. Những người vào trong phải đáp ứng tiêu chuẩn an ninh nghiêm ngặt và không được mang các thiết bị điện tử như điện thoại, đồng hồ thông minh, máy tính xách tay… Cơ sở này sẽ được xây trước năm 2024 tại khu vực trụ sở của Hội đồng châu Âu ở Bỉ, nơi tổ chức các hội nghị thượng đỉnh.
Xung đột Nga-Ukraine: Lý do ông Zelensky luôn xuất hiện với chiếc áo phông xanh
Việc Tổng thống Zelensky mặc chiếc áo phông màu xanh khi phát biểu tại các sự kiện quan trọng đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu đây có phải một phần trong chiến lược truyền thông của ông hay không?
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 4 với nhiều diễn biến căng thẳng trên thực địa. Xuyên suốt cuộc chiến này, thế giới không chỉ chú ý đến chiến thuật và chiến lược của mỗi bên trên chiến trường mà còn dành nhiều sự quan tâm đến động thái của lãnh đạo các bên có liên quan.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước quốc hội Mỹ ngày 16/3. Ảnh: AP.
Kể từ khi giao tranh nổ ra, Tổng thống Ukraine Zelensky đã đưa ra nhiều tuyên bố tại các diễn đàn, hội nghị, các cuộc gặp gỡ với nhiều nguyên thủ quốc gia khác. Điều đáng chú ý là trong những sự kiện quan trọng đó, ông Zelensky thường xuyên mặc một chiếc áo phông màu xanh lá cây. Nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao mỗi lần xuất hiện ông Zelensky thường mặc chiếc áo này và đây có phải là một phần trong chiến lược truyền thông của ông hay không.
Chiến lược truyền thông
Trong các bài phát biểu trước quốc hội Mỹ, quốc hội Anh và Canada, cũng như trong video gửi thông điệp tới người dân của mình, nhà lãnh đạo 44 tuổi đã chọn mặc áo phông màu xanh, ngồi trên một chiếc ghế đơn giản trong một căn phòng được chiếu sáng bằng đèn điện. Đó có thể là một trung tâm chỉ huy, hoặc một boongke. Không có manh mối nào tiết lộ về nơi ông đang ở.
Tổng thống Zelensky cam kết rằng ưu tiên hàng đầu của ông là thắt chặt tình đoàn kết và sự gần gũi giữa giới lãnh đạo Ukraine và người dân của nước này. Trong tất cả các cuộc tiếp xúc, ông Zelensky luôn mặc áo màu xanh để thể hiện cam kết đó. Bằng hành động này, nhà lãnh đạo Ukraine dường như muốn truyền tải thông điệp rằng ông luôn sẵn sàng bảo vệ đất nước dù chiến sự leo thang ác liệt tại nhiều khu vực.
Ông Zelensky được cho là người có nhiều kinh nghiệm về kỹ năng giao tiếp và đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine năm 2019, trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Theo nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc gia Kiev, ông Zelensky đã giành được hơn 70% số phiếu bầu.
Khi xuất hiện trước công chúng, ông Zelensky có lẽ muốn để lại dấu ấn của mình bằng những trang phục đặc biệt. Tổng thống Zelensky dường như cho rằng, việc mặc những trang phục như vậy, sẽ giúp ông trở nên gần gũi hơn. Kể từ khi giao tranh bắt đầu, nhà lãnh đạo Ukraine cũng thường xuyên đăng tải các tuyên bố và thông tin trên mạng xã hội, chủ yếu là Twitter và Telegram, nói đến người dân Ukraine, thậm chí là cả người dân Nga và Belarus.
Một số nhà phân tích nhận định, việc quản lý một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như vậy, đòi hỏi nhiều kỹ năng và kinh nghiệm hơn những hành động mang tính biểu tượng, chẳng hạn như mặc đồ màu xanh lá cây, nhưng những ý kiến khác đánh giá chính chi tiết nhỏ này lại giúp ông Zelensky gửi thông điệp thể hiện tình đoàn kết đến người dân dễ dàng hơn. Nó cũng tạo ra sự kết nối giữa ông với những binh sỹ Ukraine đang chiến đấu trên chiến trường. Ngoài hành động mang tính biểu tượng này, ông Zelensky đã có các cuộc hội đàm với nhiều nhà lãnh đạo của phương Tây, nhằm vận động họ cung cấp thêm nhiều vũ khí cho Ukraine.
Gây nhiều tranh cãi
Tuy nhiên, trang phục của ông Zelensky cũng gây nhiều tranh cãi. Trong một bình luận trên Twitter, nhà kinh tế kiêm nhà môi giới chứng khoán, Peter Schiff cho biết: "Tôi hiểu tổng thống không có nhiều thời gian, nhưng không lẽ gì mà ông ấy không lựa chọn một bộ âu phục?". Tuy nhiên, bình luận này đã vấp phải sự chỉ trích của những người ủng hộ ông Zelensky. Họ cho rằng ông Zelensky đang truyền cảm hứng cho đất nước bằng cách mặc chiếc áo phông cộc tay đơn giản, thể hiện sự khỏe khoắn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mặc áo phông xanh khi tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Italy Mario Draghi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Romania Klaus Iohannis. Ảnh: Reuters.
Nhiều người dùng mạng xã hội Facebook cũng đăng tải những hình ảnh ông Zelensky mặc chiếc áo phông xanh, có in hình biểu tượng giống chữ thập ở ngực trái và so sánh với biểu tượng mà Đức Quốc xã đã dùng. Một số bình luận cho rằng ông Zelensky "đang tuyên truyền cho chủ nghĩa phát xít". Nhưng người phát ngôn của Liên đoàn chống Phỉ báng (ADL) Jake Hyman khẳng định, đồn đoán trên là sai sự thật. Theo ADL, biểu tượng trên áo của Zelensky là biểu tượng của Lực lượng vũ trang Ukraine, không phải biểu tượng của Đức Quốc xã.
Rebecca Arnold, giảng viên cao cấp về lịch sử trang phục tại Học viện Nghệ thuật Courtauld ở London nhận định: "Ông Zelensky mặc bộ đồ này để thể hiện sự kết nối giữa ông với các lực lượng vũ trang Ukraine, và gửi đi thông điệp rằng ông muốn tập trung vào các vấn đề thực tế".
"Màu sắc chiến áo rất đáng chú ý, cho thấy ông là một nhân tố quan trọng trong cuộc xung đột với Nga, thể hiện vai trò lãnh đạo và cho thấy ông đã sẵn sàng hành động".
Hildy Kuryk, cựu giám đốc truyền thông của tạp chí Vogue và đối tác sáng lập của Artemis Strategies cho rằng: "Quần áo phản ánh cảm xúc, niềm đam mê và mục đích của chúng ta. Nói rộng hơn, trang phục có thể thể hiện nền văn hóa của chúng ta". Theo chuyên gia này, sự xuất hiện của ông Zelensky chắc chắc sẽ gây ấn tượng với những người đã tiếp xúc với ông.
Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng nhận được nhiều sự chú ý của giới thời trang trên thế giới. Hồi đầu tháng 3, ông Demna Gvasalia - Giám đốc sáng tạo đầu tiên của Balenciaga đã dành riêng buổi trình diễn thời trang mùa Đông 2022-2023 để ủng hộ hàng triệu người tị nạn Ukraine đang phải đi sơ tán để tránh xung đột.
Mỹ lên tiếng về khả năng kết thúc xung đột Nga - Ukraine Quan chức Mỹ cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine chỉ có thể kết thúc bằng giải pháp ngoại giao, trong khi Ukraine tuyên bố chiến đấu đến cùng. Lính Ukraine lái xe tăng ở Donetsk, Đông Ukraine (Ảnh: Reuters). Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 16/6 tuyên bố Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine "ở mức tối...