Nga: Phương Tây bóp méo thỏa thuận về Syria
Nga hôm qua (3/7) đã cáo buộc phương Tây đang tìm cách bóp méo một thỏa thuận về sự chuyển tiếp chính trị ở Syria mà các cường quốc vừa nhất trí thông qua tại một hội nghị ở Geneva hồi cuối tuần qua.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã ca ngợi thỏa thuận Geneva đạt được dựa trên những đề xuất của cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan là “một bước đi quan trọng”. Tuy nhiên, ông này cho rằng, các nước phương Tây đã cố tình “đọc nhiều hơn” những gì được ghi lại và được thỏa thuận trên bản tuyên bố cuối cùng sau hội nghị ở Geneva.
“Họ đã nói những điều không được thỏa thuận. Chúng tôi cần phải theo sát những thỏa thuận mà chúng tôi đã đưa ra”, ông Lavrov đã cho biết như vậy.
Những phát biểu trên của Ngoại trưởng Nga được đưa ra ngay sau khi phát ngôn viên của cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan – ông Ahmad Fawzi nói với phóng viên rằng, “sự thay đổi” của Nga và đồng minh Trung Quốc tại các cuộc đàm phán ở Geneva không nên được đánh giá thấp.
“Đã có thêm nhiều lực lượng chung tay góp sức ở đây. Đừng đánh giá thấp sự thay đổi đã diễn ra, đặc biệt là sự thay đổi của Nga và Trung Quốc. Họ đã chấp nhận nguyên tắc về một sự thay đổi chính sách”, ông Ahmad Fawzi cho biết.
Trước đó, hôm thứ Bảy (30/6), các cường quốc thế giới đã nhất trí thông qua một kế hoạch chuyển tiếp chính trị ở Syria. Theo đó, Syria được kêu gọi thành lập một chính phủ mới có sự tham gia đầy đủ của các đảng phái, phe nhóm. Mặc dù kế hoạch này không công khai kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức nhưng phương Tây đã nhanh chóng khẳng định, không có chỗ cũng như vai trò của ông Assad trong chính phủ đoàn kết mới.
Video đang HOT
Với những diễn biến xảy ra trong hai ngày qua, rõ ràng việc các nước phương Tây tuyên bố về một kết quả thành công của hội nghị ở Geneva hồi cuối tuần có vẻ không thật chính xác. Dường như Mỹ và phương Tây vẫn chưa thể xóa bỏ mâu thuẫn với Nga và Trung Quốc xung quanh việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria.
Giữa các cường quốc phương Tây với Nga và Trung Quốc vẫn tồn tại quan điểm và lập trường đối lập nhau. Phương Tây tin rằng, thỏa thuận mà họ vừa đạt được ở hội nghị Geneva về việc thiết lập một chính phủ chuyển tiếp ở Syria có nghĩa là Tổng thống Assad buộc phải ra đi. Tuy nhiên, Nga lại nói không với điều này.
Việc các cường quốc vẫn mâu thuẫn về sự “đi hay ở” của Tổng thống Assad cùng với việc phe đối lập không nhất trí với một thỏa thuận không loại bỏ được ông Assad, triển vọng thành công của thỏa thuận Geneva là rất mờ mịt.
Assad hối tiếc vì bắn hạ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ
Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Syria, Tổng thống Assad mới đây cho biết, ông cảm thấy hối tiếc vì các lực lượng an ninh của Syria đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Assad khẳng định sẽ không để căng thẳng hiện nay giữa hai nước láng giềng leo thang thành “một cuộc xung đột vũ trang”.
Syria đã bắn hạ một chiếc chiến đấu cơ RF-4E của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22/6. Theo lời Damascus, họ buộc phải bắn rơi chiếc máy bay này vì nó xâm phạm vào không phận Syria và bay thấp một cách nguy hiểm. Trong khi đó, Ankara khăng khăng khẳng định, máy bay của họ bị bắn khi đang bay trong không phận quốc tế sau khi có đi lạc vào không phận Syria trong thời gian ngắn.
Trong lần đầu tiên lên tiếng về vụ việc trên, Tổng thống Assad cho biết, ông cảm thấy hối tiếc về việc các lực lượng Syria bắn rơi máy bay của nước láng giềng. Tuy nhiên, ông Assad không đưa ra lời xin lỗi nào, nhấn mạnh máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn trên bầu trời Syria và đó là hành động phòng vệ của quân đội Syria.
Theo ông Assad, chiếc RF-4E đã bay vào một hành lang bên trong không phận Syria. Đây cũng chính là khu vực từng được các máy bay Israel sử dụng năm 2007 để đánh bom một tòa nhà đang xây dựng ở phía bắc Syria. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA hồi đó đã nói rằng, tòa nhà bị đánh bom là một lò phản ứng hạt nhân sắp được hoàn thiện nhằm sản xuất plutonium – một thứ nhiên liệu có thể được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân
“Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã bay trong khu vực hành lang từng được máy bay Israel sử dụng 3 lần trong quá khứ. Các binh lính của chúng tôi đã bắn hạ chiếc máy bay đó bởi chúng tôi không nhìn thấy nó trên hệ thống radar và chúng tôi cũng không được thông báo gì về nó”, ông Assad cho biết.
“Tôi nói chắc chắn rằng, tôi ước, chúng tôi đã không bắn hạ chiếc máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ”, Tổng thống Assad nói thêm.
Bình luận về thỏa thuận mà các cường quốc đạt được ở Geneva về việc xây dựng một chính phủ chuyển tiếp ở Syria, Tổng thống Assad cho biết, ông “rất hài lòng” bởi quyết định về tương lai của Syria được để cho chính người dân Syria định đoạt. Thỏa thuận của các cường quốc để ngỏ khả năng tham gia chính quyền mới của ông Assad cũng như các thành viên nội các của ông.
“Người dân Syria sẽ quyết định tất cả”, ông Assad khẳng định.
Theo VNMedia
Thêm 85 tướng lĩnh phản bội, Tổng thống Assad lao đao
Thêm hàng chục tướng lĩnh và sỹ quan Syria hôm qua (2/7), đã rời bỏ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và chạy trốn sang nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, hãng tin Anatolia đưa tin.
Dẫn lời các quan chức địa phương, hãng tin Anatolia cho biết, có tất cả 85 tướng lĩnh đã đào ngũ khỏi quân đội Syria trong ngày hôm qua. Trong số này có một vị tướng và nhiều quan chức quân sự cấp cao khác.
Những tướng lĩnh trên đã chạy sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở Reyhanli, phía nam nước này. Họ là một phần trong số 293 người tháo chạy khỏi đất nước đợt này, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Đây là vụ mới nhất trong một loạt vụ đào ngũ xảy ra trong quân đội Syria gần đây. Mới đây nhất, hôm 24/6, một vị tướng, hai đại tá, hai thiếu tá, một trung úy và 33 binh sĩ Syria đã rời bỏ chính quyền của Tổng thống Assad để chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó 2 ngày, 4 anh em đến từ tỉnh phía bắc Idlib gồm 2 thiếu tướng và 2 đại tá cũng đã tuyên bố rút khỏi quân đội Syria. Trước đó nữa, hôm 21/6, một đại tá không quân của Syria đã lái chiếc chiến đấu cơ MiG đào tẩu sang Jordan và xin được tị nạn chính trị ở nước này. Đại tá Hassan Hamada là viên phi công đầu tiên mang theo cả máy bay chiến đấu đào tẩu ra khỏi đất nước Syria kể từ khi cuộc nổi dậy ở nước này nổ ra hồi đầu năm ngoái.
Hàng loạt vụ đào ngũ liên tiếp của các tướng lĩnh Syria gần đây là một cú giáng mạnh vào chính quyền của Tổng thống Assad trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở nước này đang diễn biến ngày một nghiêm trọng.
Tính đến thời điểm này, đã có 14 tướng chạy khỏi Syria và đến xin tị nạn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, hàng ngàn binh lính Syria cũng đã đào ngũ khỏi quân đội trong hơn 16 tháng diễn ra cuộc nổi dậy chống chính quyền của ông Assad. Những người này hiện trở thành đội quân xương sống của quân đội nổi dậy. Trong khi đó, các tướng đào ngũ đang cung cấp sự giúp đỡ về hậu cần, tư vấn cho phe nổi dậy Syria. Tuy nhiên, không giống với cuộc nổi dậy ở Libya và Yemen hồi năm ngoái, hiện chưa có thành viên nào trong nội các của Tổng thống Assad phản bội lại ông này.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước đang cung cấp nơi ở cho hơn 35.000 người tị nạn Syria, trong đó có nhiều tướng lĩnh đào ngũ. Trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục kêu gọi chính quyền của Tổng thống Assad từ chức. Điều đó đã khiến Damascus thực sự bất mãn với Ankara. Căng thẳng giữa hai nước bắt đầu leo thang nghiêm trọng hơn kể từ khi Syria bắn hạ một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước. Hiện tại, khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ đang nóng bỏng bởi các hoạt động quân sự dọa dẫm, răn đe lẫn nhau.
Theo VNMedia
Số phận ông Assad có thê thảm như Gaddafi? Trong tuần qua, người ta chứng kiến Tổng thống Bashar al-Assad bị dồn ép quyết liệt cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Ngoài ra, còn có tin ông Assad cùng các thành viên gia đình đang bị giam cầm trong chính dinh thự của họ. Những diễn biến đáng lo ngại này khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu số phận Tổng...