Nga phủ quyết lập tòa án quốc tế xét xử vụ MH17
Sáng 30.7 (theo giờ Việt Nam), Nga đã dùng quyền phủ quyết ở Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc để bác đề nghị thành lập tòa án đặc biệt xét xử vụ bắn rơi máy bay MH17 của Malaysia, AFP cho hay.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc – Ảnh: AFP
Vụ bắn rơi máy bay MH17 xảy ra hồi tháng 7.2014 khi máy bay đang bay trên bầu trời Ukraine. Lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine đang kiểm soát vùng này được cho là thủ phạm sử dụng tên lửa do Nga cung cấp bắn rơi máy bay của Malaysia Airlines.
Trong cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, 11 trong số 15 thành viên của hội đồng này đồng ý đề nghị của ít nhất 5 nước gồm Úc, Malaysia, Bỉ, Hà Lan và Ukraine thành lập tòa án đặc biệt.
AFP cho biết Nga đã phủ quyết trong khi Angola, Trung Quốc và Venezuela không có ý kiến. Trước khi lấy ý kiến, Hội đồng bảo an đã tiến hành phút mặc niệm để tưởng nhớ 298 hành khách xấu số trên chuyến bay MH17 bị bắn rơi hồi tháng 7.2014. Họ chủ yếu là người Hà Lan đang trên chuyến bay từ Amsterdam, Hà Lan đến Kuala Lumpur, Malaysia.
“Đâu là căn cứ để đảm bảo sự công minh trong việc điều tra?”, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vitaly Churkin đặt câu hỏi trong bài phát biểu sau khi đã phủ quyết. Ông cũng đặt vấn đề liệu có thể ngăn cản được “việc tuyên truyền khiêu khích trong giới truyền thông”, ý nói đến tuyên truyền không mấy thuận lợi cho Nga trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Video đang HOT
Nga không muốn lập tòa án đặc biệt để xem xét vụ MH17 nhưng lại cho rằng lập tổ điều tra quốc tế là cần thiết, mà theo Moscow để đảm bảo tính công bằng, không thiên vị đối với Nga.
Trong khi đó, Bộ trưởng giao thông Malaysia, Liow Tiong Lai thúc giục thành lập tòa án trọng tài đặc biệt, vì theo ông đó là cách tốt nhất để mang lại công lý cho gia đình các nạn nhân. “Tất cả hành khách đi máy bay sẽ còn nguy hiểm nếu như thủ phạm vẫn còn nhởn nhơ bên ngoài”, ông Liow Tiong Lai nói.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Nga trình LHQ dự thảo nghị quyết thay thế về vụ MH17
Chính phủ Nga ngày 20.7 đã trình một dự thảo nghị quyết thay thế lên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm bác bỏ dự thảo nghị quyết của Malaysia đề nghị lập tòa án quốc tế xét xử thủ phạm bắn hạ máy bay MH17 của Malaysia Airlines ở miền đông Ukraine.
Hiện trường vụ rơi máy bay MH17 ở miền đông Ukraine - Ảnh: Reuters
Vào ngày 17.7.2014, chiếc máy bay Boeing 777-400 của Malaysia Airlines (chuyến bay số hiệu MH17) chở 298 người bị rơi tại khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine, khiến tất cả người trên máy bay thiệt mạng, theo AFP.
Chính quyền Malaysia đã đệ trình dự thảo nghị quyết lập tòa án quốc tế theo chương 7 trong Hiến chương LHQ nhằm tìm công lý cho nạn nhân thiệt mạng và gia đình của họ.
Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin tái khẳng định quan điểm của Moscow là phản đối việc lập tòa án quốc tế và tuyên bố Nga đã nộp một bản dự thảo thay thế. Ông Churkin đồng thời bày tỏ sự không hài lòng với kiểu điều tra khép kín như hiện nay, khi các bên không cho chuyên gia Nga tham gia.
"Tôi tin rằng vụ việc này không cần đến hiến chương LHQ. Hội đồng bảo an LHQ không giải quyết những vụ việc như thế này", ông Churkin cho biết thêm.
AFP dẫn lại bản dự thảo của Nga cho thấy nó không đề cập đến bất kỳ toà án quốc tế nào, chỉ kêu gọi tiến hành "cuộc điều tra quốc tế độc lập, đầy đủ, toàn diện và minh bạch".
Bản dự thảo nghị quyết của Nga còn đề nghị Cơ quan Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) phải đóng vai trò "phù hợp và năng động hơn" trong công tác điều tra, và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nên bổ nhiệm một đặc phái viên phụ trách về vụ MH17.
Trong bản dự thảo nghị quyết, Nga đề nghị nhóm điều tra quốc tế (Hà Lan, Úc, Bỉ, Malaysia và Ukraine) thông báo chi tiết tiến độ điều tra cho Hội đồng bảo an LHQ, đồng thời bảy tỏ quan ngại cuộc điều tra đến thời điểm này vẫn chưa đảm bảo "tính minh bạch".
Chính phủ 5 quốc gia tham gia công tác điều tra kể trên tái khẳng định quan điểm ủng hộ thiết lập tòa án quốc tế, cho biết cuộc điều tra được tiến hành tuân thủ quy định của ICAO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16.7 khẳng định, việc thiết lập tòa án quốc tế để xét xử những ai đứng sau vụ bắn hạ máy bay MH17 ở miền đông Ukraine là "phản tác dụng".
Một nhà ngoại giao ở Hội đồng bảo an LHQ tiết lộ với AFP rằng các nước ủng hộ lập tòa án quốc tế sẽ đưa dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu trước Hội đồng bảo an LHQ vào giữa tuần sau, và Nga dự kiến sẽ bỏ phiếu chống.
Nhóm điều tra viên quốc tế do Hà Lan đứng đầu sẽ công bố báo cáo điều tra cuối cùng vào đầu tháng 10.2015.
Chính quyền Ukraine và nhiều nước phương Tây tố cáo phe ly khai được cho là thân Nga đã bắn hạ MH17 bằng tên lửa đất đối không BUK do Nga cung cấp. Tuy nhiên, Ủy ban điều tra Liên bang Nga (RIC) cho rằng khả năng cao nhất là MH17 đã bị hạ bởi tên lửa không đối không và đó không phải loại tên lửa do Nga sản xuất. Người đứng đầu RIC Vladimir Markin cho biết cơ quan này đã mở cuộc điều tra độc lập sau khi thảm kịch xảy ra. Kết luận điều tra sơ bộ cho thấy dường như MH17 bị trúng tên lửa của một máy bay khác và "các chuyên gia cho rằng loại tên lửa này không được sản xuất ở Nga".
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Tổng thống Putin phản đối thành lập tòa án về MH17 Tổng thống Putin nhấn mạnh lập trường phản đối việc thành lập một tòa án quốc tế xử phạt những kẻ bắn hạ máy bay MH17 của Malaysia Airlines, Reuters dẫn tin từ Điện Kremlin ngày 29.7. Tổng thống Putin phản đối việc thành lập tòa án quốc tế vụ MH17 vì sợ sẽ bị chính trị hóa - Ảnh: Reuters "Tổng thống...