Nga, Pháp điều tra vụ tai nạn máy bay khiến Chủ tịch Tập đoàn Total tử vong
Chính quyền Hong Kong và sinh viên kết thúc đối thoại trong bế tắc; Nga có thể “chiến đấu” với lệnh trừng phạt của châu Âu trong 4 năm; Nga, Pháp điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay…
Nga có thể “chiến đấu” với lệnh trừng phạt của châu Âu trong 4 năm
Truyền thông Đức ngày 20-10 dẫn nguồn từ Cơ quan tình báo đối ngoại Đức (BND) trong một báo cáo đánh giá rằng Nga đủ tiềm lực để chiến đấu trừng phạt tay đôi với châu Âu thêm vài năm nữa.
Theo đánh giá của BND, dự trữ tiền mặt của Nga hiện nay vào khoảng 619 tỉ USD, tương đương 162% tổng chi tiêu quốc gia của năm 2014. Với số tiền này đủ nuôi sống cả nước Nga trong hơn 20 tháng nữa mà không cần phải làm gì cả.
Khách hàng chọn mua sữa tại một cửa hàng thực phẩm ở Saint Petersburg ngày 7-8
BND cho rằng, nợ quốc gia của Nga ở mức thấp, khoảng 13%, cộng với các nguồn dự trữ tiền rất lớn sẽ giúp Moskva đủ khả năng khống chế các hậu quả tiêu cực của các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây đối với nền kinh tế Nga ít nhất trong 4 năm tới.
Trong khi đó, theo thông tin từ Ngân hàng Trung ương Nga, tính đến đầu tháng 10/2014 các khoản dự trữ quốc tế của Nga ước đạt hơn 454 tỷ USD.
Video đang HOT
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU áp đặt chống Nga sau khi Moskva thông qua quyết định sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga. Các nước phương Tây cũng cáo buộc Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine.
Moskva bác bỏ những cáo buộc trên của phương Tây, trong khi nhấn mạnh việc sáp nhập Crimea là theo ý nguyện của người dân địa phương.
Nga, Pháp điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay
Ủy ban điều tra của Nga (IC) ngày 21-10 đã mở một cuộc điều tra hình sự về vụ tai nạn máy bay bay ở sân bay Vnukovo tại thủ đô Moskva (Nga) khiến Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Total của Pháp Christophe de Margerie và 3 nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Các nhà điều tra của Nga cho biết đã bắt tạm giam một người và đang xem xét bắt giữ nhiều người khác liên quan tới vụ tai nạn. Phát ngôn viên Vladimir Markin của IC nhấn mạnh sự cẩu thả và vô trách nhiệm của một số người không chỉ gây ra vụ tai nạn trên mà còn làm xấu đi hình ảnh của nước Nga.
Quang cảnh tại trung tâm dịch vụ hàng không sân bay Vnukovo ngày 21-10
Theo điều tra trước đó, chiếc máy bay cỡ nhỏ Falcon-50 chở ông Margerie cùng 3 thành viên phi hành đoàn đã gặp nạn khi đâm vào xe dọn tuyết ở sân bay Vnukovo. Các nhà điều tra của IC đã bắt giữ người lái xe dọn tuyết và coi ông này là nghi phạm đầu tiên.
Tuy nhiên, IC nhấn mạnh người điều khiển xe tuyết không phải là thủ phạm chính trong vụ việc, vì rõ ràng sự bất cẩn của nhân viên này là do lãnh đạo cấp trên đã lơ là trong công tác quản lý. IC cho biết những người này dù trực tiếp hay gián tiếp đều phải nhận những hình phạt thích đáng. Ngoài ra, một số nhà quản lý ở các bộ phận điều khiển không lưu và phi hành đoàn có thể sẽ bị đình chỉ công việc.
Cùng ngày, các công tố viên Pháp cũng đã mở cuộc điều tra về cái chết của ông Margerie. Sau vụ tai nạn, Pháp đã cử một nhóm gồm 6 chuyên gia tới Moskva để hỗ trợ các nhà điều tra Nga tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay. Nhóm chuyên gia Pháp sẽ giúp các nhà điều tra Nga đọc hiểu chính xác nội dung các ghi âm tiếng Pháp mà phi công đã trao đổi. Họ cũng sẽ cùng các chuyên gia Nga phân tích các dữ liệu kỹ thuật và hộp đen của máy bay.
Trước đó, Ủy ban Hàng không Liên bang Nga – cơ quan chuyên điều tra về tai nạn máy bay ở Nga và các nước thuộc Liên xô trước đây, cho biết sẽ không mở hộp đen máy bay Falcon-50 cho tới khi các chuyên gia Pháp có mặt.
Ông Margerie đến Nga với tư cách là khách mời của Thủ tướng Dimitri Medvedev tham dự một hội nghị về đầu tư vào Nga. Trong suốt 40 năm làm việc cho Total, ông đã thăng tiến dần lên chức vụ cao nhất. Ông từng nhiều lần tháp tùng Tổng thống Pháp trong các chuyến công du nước ngoài, nhân danh ngoại giao kinh tế để bảo vệ thị phần của nước Pháp.
Total là một trong những tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới và là tập đoàn đứng đầu nước Pháp về doanh số và lợi nhuận. Tổng doanh thu của Total năm 2013 là 189,5 tỷ euro, thu dụng gần 100.000 nhân viên và hiện diện tại hơn 130 quốc gia.
Cuộc đối thoại đầu tiến giữ Chính quyền Hong Kong và sinh viên kết thúc trong bế tắc
Tối 21-10, cuộc đối thoại đầu tiên giữa chính quyền Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và Hiệp hội Sinh viên Hong Kong (HKFS) đã kết thúc trong sự bất đồng về các nguyên tắc quan trọng.
Cuộc đối thoại diễn ra tại Đại học Y khoa Wong Chuk Hang dưới sự chủ trì của Hiệu trưởng Đại học Lĩnh Nam, ông Trịnh Quốc Hán được truyền hình trực tiếp và kết thúc vào lúc 20 giờ cùng ngày.
Đại diện của Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (phải) và đại diện Hiệp hội Sinh viên Hong Kong (trái) tại cuộc đối thoại.
Phát biểu với báo giới sau cuộc đối thoại, Cục trưởng Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết, những vấn đề được nêu tại cuộc đối thoại gồm việc loại bỏ chế độ bầu cử theo khu vực chức năng và công dân đề cử… không phù hợp với Luật Cơ bản, đồng thời thừa nhận hai bên vẫn tồn tại bất đồng trên các nguyên tắc quan trọng.
Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tái khẳng định Hong Kong là Khu Hành chính Đặc biệt thuộc Trung Quốc chứ không phải là quốc gia độc lập, đồng thời nhấn mạnh rằng sự phát triển của chính quyền Hong Kong phải tuân thủ pháp luật, phù hợp với Luật Cơ bản và không thể tự quyết định.
Bà Lâm cho biết Luật Cơ bản đã đề ra 4 nguyên tắc lớn về sự phát triển chính trị của Hong Kong, gồm phải phù hợp với tình hình thực tế của Hong Kong; phù hợp phương châm “một nước, hai chế độ”; bảo đảm sự tham dự cân bằng dựa vào lợi ích các thành phần trong xã hội, không nghiêng về một giai tầng nào.
Trong khi đó, Tổng Thư ký HKFS Chu Vĩnh Khang dẫn lại một phát biểu của Trưởng Đặc khu Hong Kong Lương Chấn Anh nói rằng nếu Ủy ban Đề cử không tồn tại, chính quyền sẽ nghiêng về tầng lớp dưới.
Chu Vĩnh Khang cho rằng, ứng cử viên các khóa trước đây chỉ cần nhận được sự ủng hộ của 1/8 trong tổng số thành viên Ủy ban Đề cử là đủ tiêu chuẩn tranh cử chức Trưởng Đặc khu, nhưng hiện nay tỉ lệ đó đã được nâng lên thành “từ 50% trở lên”.
Việc loại bỏ chế độ bầu cử theo khu vực ở Hong Kong cũng đã được bàn thảo hơn 10 năm qua. Từ thực tế đó, Chu Vĩnh Khang mong muốn chính quyền Đặc khu phải chỉ rõ phương hướng và con đường phát triển chính trị tương lai của Hong Kong.
Theo An Ninh Thủ Đô