Nga phản ứng sau khi ba nước Baltic tẩy chay cuộc họp OSCE
Trong một tuyên bố bên lề diễn đàn Tham luận Primakov lần thứ 9 ngày 28/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết việc 3 nước Estonia, Latvia và Litva từ chối tham gia cuộc họp các ngoại trưởng OSCE sẽ không ảnh hưởng đến tương lai của tổ chức này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết ông có kế hoạch tới Bắc Macedonia dự hội nghị các ngoại trưởng OSCE. Ảnh: AP
Thứ trưởng Grushko nhấn mạnh phái đoàn Nga sẽ tới cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao OSCE với tinh thần quyết tâm đưa tổ chức này trở lại tuân thủ các nguyên tắc an ninh và hợp tác ban đầu. “Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã vạch ra quan điểm của chúng tôi. Chúng tôi sẽ kiên quyết yêu cầu OSCE quay trở lại các nguyên tắc ban đầu, mục đích ban đầu. Nếu OSCE muốn đóng vai trò nào thì cần phải quay trở lại với mục đích mà tổ chức này được tạo ra”, vị quan chức cấp cao nêu rõ.
Trước đó cùng ngày, cơ quan báo chí Bộ Ngoại giao Litva cho biết ngoại trưởng các nước Latvia, Litva và Estonia sẽ tẩy chay cuộc họp cấp bộ trưởng OSCE tại Skopje vì có sự tham gia của ông Sergey Lavrov. Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cũng tuyên bố từ chối tham gia cuộc họp.
Đến dự cuộc họp của các ngoại trưởng OSCE cùng là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Nga Lavrov tới một quốc gia thành viên NATO kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra. Vào tháng 9, nhà ngoại giao cấp cao này đã tới New York để tham dự cuộc họp mặt thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên hợp quốc.
Video đang HOT
OSCE gồm 57 thành viên từ các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á được thành lập trong Chiến tranh Lạnh nhằm giúp xoa dịu căng thẳng giữa Đông và Tây. Bắc Macedonia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của tổ chức và ngoại trưởng nước này đã mời ông Lavrov tham dự cuộc họp kéo dài hai ngày bắt đầu từ 30/11.
Phát biểu với các phóng viên tại trụ sở NATO ở Brussels ngày 28/11, Ngoại trưởng Bắc Macedonia Bujar Osmani cho biết ông tin rằng ông sẽ gặp người đồng cấp Lavrov ở Skopje.
“Ông Lavrov sẽ đến OSCE giống như ông đã đến Liên hợp quốc ở New York vài tháng trước. Tôi sẽ không gặp ông ấy với tư cách là Ngoại trưởng Bắc Macedonia mà với tư cách là chủ tịch OSCE đương nhiệm”.
Nga cảnh báo về thoả thuận cho phép NATO triển khai lực lượng ở Phần Lan
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết phía Nga đã nắm được thông tin rằng Phần Lan đã chấp thuận cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai lực lượng trên lãnh thổ nước này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko. Ảnh: TASS
"Rõ ràng, toàn bộ NATO đã mở rộng phạm vi đối đầu với đối thủ chính của họ, đó là Nga - theo quan điểm của liên minh này, lên 1.300 km. Họ sẽ yêu cầu Phần Lan thực hiện những hành động tương tự mà các đồng minh khác đang làm, tức là thực hiện mọi biện pháp cần thiết và triển khai lực lượng nước ngoài trên lãnh thổ nước này. Chúng tôi biết rằng Phần Lan đã ký các hiệp định song phương có liên quan", hãng thông tấn TASS dẫn phát biểu của ông Grushko tại diễn đàn Primakov Readings cho biết.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh Moskva sẽ thực hiện mọi biện pháp phòng vệ có thể để đáp trả hoạt động của NATO gần biên giới nước này.
"Chúng tôi sẽ làm điều này, như Tổng thống Vladimir Putin đã nói, dựa trên những thay đổi thực sự trong tình hình quân sự", ông nói thêm.
Quan chức ngoại giao Nga cũng cảnh báo hoạt động quân sự của NATO gần biên giới Nga sẽ tạo ra một thực tế quân sự - chính trị mang nặng tính bất ổn.
Ngày 4/4, Phần Lan đã chính thức gia nhập NATO, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này. Tổng thống Phần Lan tuyên bố kỷ nguyên không liên kết quân sự trong lịch sử của nước này đã kết thúc.
Tối 28/11 (theo giờ địa phương), Phần Lan tuyên bố sẽ tạm thời đóng cửa toàn bộ biên giới với Nga sau nhiều tuần căng thẳng giữa hai nước liên quan đến dòng người di cư dồn về biên giới giữa hai nước.
Trong thông báo có hiệu lực trong 24 giờ, chính phủ Phần Lan cho biết họ sẽ đóng cửa cửa khẩu Raja-Jooseppi ở Lapland, điểm qua lại biên giới cuối cùng còn mở giữa nước này với Nga. Động thái trên diễn ra sau khi Phần Lan đóng cửa 8 trạm kiểm soát biên giới khác, có nghĩa là toàn bộ biên giới đất liền dài trên 1.300km giữa Phần Lan và Nga sẽ bị đóng cửa cho đến ngày 13/12.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng Nga đang sử dụng vấn đề di cư như một công cụ khác để gây áp lực lên các nước láng giềng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grushko đã nhấn mạnh trong trường hợp Phần Lan đóng cửa toàn bộ biên giới với Nga, Helsinki sẽ làm tổn hại đến lợi ích của chính mình.
Điện Kremlin cũng bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định đóng cửa các trạm kiểm soát của Phần Lan và bác bỏ cáo buộc của chính quyền Phần Lan rằng Nga đã khuyến khích dòng người di cư ở biên giới để trừng phạt Phần Lan vì gia nhập NATO.
NATO cân nhắc mở rộng trụ sở chính tạo không gian cho các thành viên tương lai Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang cân nhắc mở rông trụ sở chính tại Brussels (Bỉ) để tìm không gian cho Phần Lan và các thành viên tiềm năng khác trong tương lai. Trụ sở của Liên minh NATO ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Theo đài Sputnik (Nga), thông tin trên do trang tin Euractiv dẫn nguồn các nhà ngoại...