Nga phải trả giá nào cho tình hữu nghị với Trung Quốc?
Một bản hợp đồng khí đốt 30 năm vẽ ra một tiến trình phát triển quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra sẽ là, trong thương vụ này, ai sẽ có lợi hơn ai? Tờ Lenta của Nga đã phân tích nhận định này.
Ngày 3/6, tờ Lenta – một trong những tờ báo điện tử lớn nhất của Nga đã có một bài bình luận và phân tích về tương lai mối quan hệ Nga – Trung sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông V. Putin. Tác giả bài viết Tachiana Romanova đã đặt tiêu đề là một câu hỏi: Làm bạn với “rồng” hay Cái giá mà Nga phải trả cho tình hữu nghị với Trung Quốc.
Sự phát triển đa cực về chính trị và kinh tế của thế giới buộc các nước phải cẩn thận lựa chọn bạn bè cho mình, ít nhất phải cùng chung quan điểm. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “đường dài mới biết ngựa hay”. Câu này có thể minh hoạ cho hợp đồng khí đốt 30 năm của Nga và Trung Quốc và các thoả thuận trong các lĩnh vực khác nữa giữa hai quốc gia.
Kim ngạch thương mại Nga – Trung hiện ở mức gần 90 tỷ USD, với Bắc Kinh đây không phải là con số lớn. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác trong năm 2013 đạt mức 4,16 nghìn tỷ USD. Riêng chỉ số này, Trung Quốc dẫn đầu toàn thế giới, vượt qua cả Mỹ.
Đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc là Liên minh châu Âu (EU). Trung Quốc xuất sang EU khoảng 330 tỷ USD hàng hoá, nhập từ khối này 229 tỷ USD. Đối tác lớn thứ hai là Mỹ, tổng kim ngạch thương mại đạt 521 tỷ USD. Đứng thứ ba là khối các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), 443,6 tỷ USD. Thứ tư là Nhật Bản, tổng kim ngạch đạt 312,55 tỷ USD.
Nga đứng trong nhóm 10 nước chỉ có quan hệ đối tác thương mại chặt chẽ nhất với Trung Quốc, chủ yếu tập trung vào xuất khẩu nguyên liệu thô (kim loại, khí đốt, gỗ, điện) và vũ khí. Trong khi Nga nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm hoàn thiện (thiết bị điện tử, quần áo, giày dép, …). Theo ước tính của Goldman Sachs, kim ngạch thương mại của hai nước sẽ gấp đôi hiện tại vào năm 2018, và Nga sẽ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước BRICS (Khối các nền kinh tế mới nổi).
Không chỉ vì khí đốt
Có 3 thứ của Nga mà Trung Quốc quan tâm nhất: Tài nguyên, công nghệ và …lãnh thổ. Điều này phụ thuộc vào việc hai nước không chỉ lên kế hoạch làm tăng nguồn thu mà còn phát triển nhiều quan hệ hợp tác hơn nữa.
Để có được kết quả này, cách đây không lâu hai bên đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Nga – Trung – tổ chức có nhiệm vụ dẫn đầu cho các doanh nghiệp nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây, thành viên chính là Tập đoàn Volga Gennady Timchenko. Hãy cùng bắt đầu với hai thứ đầu tiên: Tài nguyên và công nghệ.
Một nhà máy sản xuất ống dẫn dầu ở Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Cách đây 2 tuần, Nga và Trung Quốc đồng ý nâng kim ngạch xuất khẩu từ mức 89 tỷ USD hiện tại lên mức 100 tỷ USD trong năm 2015 và 200 tỷ USD trong năm 2020. Để làm được điều này, chỉ mua bán khí đốt thôi không đủ. Theo chính quyền Moscow, trong kế hoạch năm tới, tiền bán dầu khí chiếm không đến một nửa (40 tỷ USD) so với kim ngạch đã ước tính (100 tỷ USD).
Video đang HOT
Đầu tiên, kể cả khi Nga không ký kết hợp đồng khí đốt lịch sử với Trung Quốc thì quan hệ đối tác năng lượng giữa hai quốc gia vẫn sẽ phát triển. Theo Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Cyril Molodtsova, thoả thuận ngày 12/5 chỉ là một phần trong hợp tác năng lượng giữa hai nước.
Trong lĩnh vực dầu, Nga đang có ý định thực hiện dự án liên quan đến đường ống dẫn dầu ESPO, đường ống sẽ đến châu Á thông qua Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang muốn phát triển ngành hoá dầu. Trong tương lai, Bắc Kinh dự định sẽ phát triển tổ hợp hoá dầu liên doanh giữa CNPC và Rosneft – hai công ty dầu mỏ nhà nước lớn ở mỗi quốc gia. Hiện dự án này đã hình thành giai đoạn đầu tiên thông qua công ty “Yamal LNG”.
Ngoài khí đốt và dầu mỏ, Nga sẽ tăng cường xuất khẩu điện và than sang Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc mua 26 triệu tấn than và 3,9 tỷ KW điện của Nga. Ngoài ra, Tổng công ty điện Dongfang Trung Quốc có kế hoạch đầu tư khoảng 78 tỷ rub (2,2 tỷ USD) trong lĩnh vực năng lượng ở vùng Viễn Đông. Một số nhận định cho rằng, giá cả phải chăng trong hợp đồng khí đốt 30 năm giữa Nga và Trung Quốc (các chuyên gia tính toán khoảng 350 USD/1.000 m3) nhằm thúc đẩy Bắc Kinh đầu tư nhiều hơn cho vùng Viễn Đông.
Hợp đồng khí đốt này cũng tạo ra yêu cầu xây dựng đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới, giúp Nga phát triển ngành công nghiệp khai thác quặng. Đồng thời với đó, Trung Quốc cũng là quốc gia cần nhiều quặng công nghiệp nhất thế giới, Nga sẽ được lợi trong việc bán tài nguyên nguyên liệu thô. Theo dự báo, sản lượng quặng sắt xuất khẩu sang Trung Quốc của Nga sẽ chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trung Quốc, dĩ nhiên là có lợi. Họ cần tài nguyên để ngày càng tăng trưởng kinh tế. Khí đốt giúp Trung Quốc giảm khai thác và tiêu thụ than, phát triển các nguồn nhiên liệu thay thế thân thiện với môi trường hơn.
Thêm vào đó, trong vài tháng tới, cây cầu đường sắt nối liền Nga và Trung Quốc thông qua sông Amur sẽ được xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Chiếc cầu sẽ giúp rút ngắn quãng đường giao thương Nga – Trung xuống còn 700 km. Điều này có lợi cho cả hai nước. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn thể hiện tham vọng đây sẽ là “con đường tơ lụa mới”, với sự tham gia của Nga, và là huyết mạch chính cho tuyến đường sắt xuyên Á-Âu.
Cái khó nhất trong quan hệ thương mại hai nước là vũ khí. Trung Quốc không hứng thú với việc mua các trang thiết bị, họ chỉ muốn công nghệ vũ khí. Giao dịch mua công nghệ vũ khí thường rất khó khăn. Trung Quốc đã và đang bị nhiều quốc gia trên thế giới cáo buộc tội gián điệp công nghiệp, buộc Nga và các nước đối tác khác phải tỏ ra rất thận trọng.
Trung Quốc có nhã ý muốn mua một khối lượng lớn các loại vũ khí tối tân hiện nay, như hệ thống tên lửa phòng không S-400, tiêm kích Su-35 và các tên lửa hành trình chống tàu… Trị giá hợp đồng chỉ riêng cho S-35 có thể lên tới 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, giao dịch đã được cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sẽ sao chép công nghệ các loại vũ khí hiện này của Nga.
Trước đây, Trung Quốc từng mua các lô máy bay có giá trị nhỏ về để “học lóm” công nghệ và sản xuất các thế hệ tiếp theo gắn mác “made in China”. Nga từng có bài học đau đớn với các mẫu máy bay chiến đấu J-11 và J-15 của Trung Quốc, dù các mẫu này chưa sẵn sàng phục vụ thực nghiệm. Vì thế, Nga tỏ ra rất thận trọng với hợp đồng cung cấp S-400 trong tương lai.
Không nghi ngờ gì việc Trung Quốc đã sao chép chiếc Su-35 và tổ hợp tên lửa C-400. Để tăng cường thêm các máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không, và Trung Quốc có thêm nhiều tài liệu kỹ thuật hơn, họ sẽ sao chép chúng trong một thời gian ngắn.
Điều này là dễ hiểu và được đàm phán với Trung Quốc. Tuy nhiên, cụ thể thoả thuận không được công bố. Mọi thứ phụ thuộc vào cách hiểu Trung Quốc sẽ cư xử như là đồng minh của Nga đến mức nào, và ai sẽ định hướng cho Nga, châu Á hay châu Âu.
Hợp tác công nghệ quân sự có thể còn lấp lửng, nhưng dân sự thì đã rõ ràng. Trung Quốc và Nga đã đồng ý cùng sản xuất các thiết bị công nghệ cao phục vụ cho vận tải hàng không. Trung Quốc cũng có ý định xây dựng các nhà máy ô tô ở các vùng lãnh thổ Nga, cụ thể là Tula, với dây chuyền lên đến 150.000 chiếc.
Đất đai và nông dân
Nông dân Trung Quốc thu hoạch cải bắp ở khu vực Sverdlovsk, Nga.
Cuối cùng, điều thứ ba – đầu tư nông nghiệp. Trung Quốc đang đi thuê đất của Nga, đưa người của họ đến đó làm nông dân. Nga có 40 triệu ha đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích. Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều từng nói: “Nga có đất đai rộng lớn, Trung Quốc có những nhân công chăm chỉ nhất thế giới. Nếu chúng ta kết hợp được những điều đó, chúng ta sẽ phát triển đáng kể. Ở Nga, đất rộng và ít người. Ở Trung Quốc thì ngược lại”.
Theo một thoả thuận đạt được cách đây hai tuần, nguồn đầu tư và lao động từ Trung Quốc đã lên kế hoạch để tới các vùng đất nông nghiệp bỏ hoang ở Nga, sau đó sẽ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm ở đây về Trung Quốc. Một lần nữa, khu vực được Trung Quốc quan tâm chính là vùng Viễn Đông Nga.
Thoả thuận này đã được bàn luận trong thời gian dài. Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Viễn Đông Nga Andrei Ostrovsky nhận định rằng thoả thuận này chưa rõ ràng tại sao lại chỉ chú trọng người Trung Quốc mà không phải là dân địa phương. Các sản phẩm cũng đều là nông sản chính của Trung Quốc: Gạo và đậu. Trong khi vùng khí hậu của Nga ở đây không thích hợp với các cây trồng này. Việc hợp tác với Trung Quốc là điều nên làm, tuy nhiên ở Nga, nơi mà sản phẩm nông nghiệp chính là lúa mỳ, lúa mạch và mạch đen thì gạo và đâu không phải là cây trồng chính.
“Anh em vĩnh viễn”
Trong lịch sử, quan hệ Nga – Trung được miêu tả như là “tình huynh đệ”. Giai đoạn hiện nay được định nghĩa là “đối tác chiến lược” và được xem là đang trong thời kỳ đỉnh cao nhất. Nhưng đó chỉ là tuyên bố chính thức. Liệu các chương trình hợp tác nói trên sẽ chứng minh được những tuyên bố sách vở này?
Không dám chắc rằng đằng sau một trong số các thoả thuận kinh tế trên còn có cả những toan tính chính trị. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mà Nga muốn chứng minh với phương Tây rằng các biện pháp cô lập của họ không có ý nghĩa gì đối với Moscow (cả về kinh tế lẫn chính trị). Tuy nhiên, điều đó lại phụ thuộc vào quyết định của Trung Quốc liệu có công khai kế hoạch tuyên bố “tình hữu nghị” này hay không.
Một số chuyên gia cho rằng, các thoả thuận nói trên khó lòng đem lại cho Nga những lợi thế tuyệt đối. Stephen Blank, tác giả cuốn “Bố già Thung lũng Silicon”, cho rằng vùng Viễn Đông có thể phát triển thành một cường quốc ở châu Á, đóng vai trò lớn trong khu vực, và từ bỏ tiềm năng đó sẽ là một sai lầm lớn.
Hội đồng Châu Âu và Quan hệ đối ngoại từng đưa ra một nhận định cách đây vài năm, khi Nga chưa định hình lại chính sách hướng đông của mình. Theo các chuyên gia của tổ chức này, nếu Nga cứ phát triển quan hệ với Trung Quốc như hiện tại, về lâu dài, Trung Quốc sẽ trở thành “cường quốc năng lượng và xem Nga chỉ là một đối tác cấp thấp”. Khó có thể giành được quyền lực ở Trung Quốc, Nga chỉ có thể giải quyết bài toán hợp tác trong vai trò là một đối tác bình đẳng. Câu hỏi duy nhất là cái giá nào mà Nga sẽ phải trả cho quan hệ này?
Nga trở thành quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm khi nhậm chức. Nhưng cũng trong cùng một năm, tờ báo nhà nước lớn nhất Trung Quốc “Nhân dân Nhật báo” đã đăng tải bài “Báo cáo Phát triển châu Á- Thái Bình Dương” của Viện Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương và chiến lược toàn cầu của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Bài báo lưu ý rằng để đối đầu với áp lực từ phía Mỹ, Trung Quốc và Nga phải có niềm tin chiến lược chung, tuy nhiên, khả năng phục hồi quan hệ đồng minh là rất nhỏ.
Trung Quốc còn có một câu ngạn ngữ khác: Vỗ tay bằng một bàn tay. Giờ đây cả hai phía – Nga và Trung Quốc – đều đang tiến dần về phía nhau. Tuy nhiên, đó là cái bắt tay thân thiện hay là một động thái thăm dò sức mạnh của đối phương thì cần phải có thời gian để trả lời.
Bài viết được lược dịch từ bài gốc có tựa đề “Làm bạn với Rồng” của tác giả Tatiana Romanova, đăng tải trên trang Lenta.ru. Tờ Lenta là một trong những tờ báo điện tử lớn ở Nga, với lượng người đọc lên đến 600.000 mỗi ngày.
Theo NTD
Thách thức Trung Quốc khi Nga hướng Đông
Nếu như Mỹ đang tiến hành một loạt các hoạt động rầm rộ khẳng định quyết tâm xoay trục chiến lược sang Châu ÁThái Bình Dương thì Nga cũng đang thể hiện ý định sắp vươn ra hoặc sắp quay trở lại với khu vực này ở vị trí một cường quốc đối tác. Tuy nhiên, những nỗ lực này cũng đang phải đối mặt với một thách thức rất lớn mang tên Bắc Kinh.
Không phải đợi đến khi hục hặc với phương Tây về chuyện Ukraine, Nga mới tính đến chuyện phải xoay sang Châu Á. Hồi tháng 6/2013, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới St. Peterburg, Tổng thống Nga Putin đã công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nga bằng cách hướng về khu vực Châu ÁThái Bình Dương, chứ không phải thị trường truyền thống ở châu Âu. Ông công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nga bằng cách hướng về khu vực Châu ÁThái Bình Dương chứ không phải là thị trường truyền thống ở châu Âu.
Trước đó, Moskva cũng mạnh tay chi 20 tỉ USD để "lột xác" Vladivostock, biến thành phố thủ phủ của vùng Viễn Đông thành nơi tiếp đón long trọng Hội nghị thượng đỉnh APECmột sự kiện quảng cáo cho kế hoạch hướng Đông của mình. Còn nhớ, trong cuộc họp báo bế mạc APEC đó, Tổng thống Nga Putin tỏ rõ quyết tâm này: "Nhất định chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và cải thiện điều kiện sống ở khu vực Đông Siberia. Chúng tôi sẽ sử dụng và tận dụng những vận hội mới mà sự hội nhập và hợp tác với các láng giềng Châu ÁThái Bình Dương đang mở ra". Có hai vế trong phát biểu này: Nay là lúc mà Nga sẽ đầu tư thích đáng vào khu vực Viễn Đông và cũng là lúc mà tương lai nước Nga sẽ gắn chặt với Châu ÁThái Bình Dương, thay vì chỉ với châu Âu như trong suốt bề dày lịch sử.
Nga - Trung gắn kết với nhau bằng những thỏa thuận năng lượng "khủng"
Có một thực tế là Nga cũng sớm nhận ra và chấp nhận thích nghi với một khái niệm thời thượng là sự thay đổi sức mạnh toàn cầu đang hướng về phía đông. Tuy nhiên, không giống như Mỹ hay bất kỳ nước phương Tây nào, việc chuyển hướng chiến lược của Nga sang Châu ÁThái Bình Dương được thúc đẩy nhiều bởi sự bất mãn với phương Tây trong làm ăn kinh tế, đặc biệt là buôn bán khí đốt và sự lo lắng của Nga về lỗ hổng ở sườn phía đông, nơi dân cư thưa thớt nhưng tài nguyên thì giàu có tưởng như vô biên.
Liên minh châu Âu (EU) là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga và bản thân nhu cầu khí đốt của khối này cũng phụ thuộc tới 1/3 nguồn nhập khẩu từ Nga. Những tưởng, EU cũng phải "nể" Nga vài phần, nhưng liên minh này lại luôn "có chuyện" để mà vừa buôn bán vừa gây gổ với Nga, như chuyện điều tra chống độc quyền nhằm vào Gazprom, đòi Nga hạ giá bán khí đốt... Bất đồng giữa đôi bên trong cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như những nỗ lực công khai của EU trong việc giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga gần như đang là "giọt nước tràn ly", thôi thúc Moskva phải tìm kiếm thị trường mới cho nguồn "vàng xanh" của mình. Và đương nhiên, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốcnhững thị trường lớn, sẵn tiền và khát năng lượng là những cái tên không thể bỏ qua.
Do đó, nếu như chiến lược "xoay trục" của Mỹ bị cho là nhằm kiềm chế "sự trỗi dậy" của Trung Quốc, thì Moskva lại bỏ nhiều công sức để nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của họ là hợp tác với Bắc Kinh, chứ không phải cạnh tranh, càng không phải kiềm chế. Thực tế, lãnh đạo Nga đang coi việc phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình ở châu Á. Trung Quốc cũng mạnh tay đổ tiền vào vùng Viễn Đông của Nga khi công bố đầu tư 5 tỉ USD vào các dự án phát triển ở khu vực này và tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các dự án kinh tế dài hạn khác.
Tuy nhiên, mặc dù Moskva đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển vùng Siberia và Viễn Đông, đặc biệt trong việc xây dựng cái gọi là "Vùng lãnh thổ phát triển tiên tiến" (được đề xuất bởi Bộ Phát triển Viễn Đông Nga), nhưng cũng rất khó để đánh giá quá cao tầm quan trọng nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Đặc biệt, thực tế người Trung Quốc di dân đang hình thành một cộng đồng sắc tộc lớn thứ 4 và chiếm lượng lớn nhất trong số những người định cư ở Đông Siberia và Viễn Đông, chỉ sau người Nga, Tatar, Ukraine, đang làm dấy lên lo ngại rằng: Chỉ sau 20 năm nữa, cả khu vực Viễn Đông và Siberia sẽ toàn nói tiếng Hoa.
Bên cạnh đó, hiện nay đang có sự mất cân bằng trong cơ cấu thương mại giữa NgaTrung Quốc, khi mà xuất khẩu của Nga chủ yếu dựa vào năng lượng, nguyên liệu thô, thủy sản và lâm sản, trong khi xuất khẩu Trung Quốc ở một mức độ cao hơn nhiều, bao gồm các trang thiết bị và hàng hóa đã gia công. Việc này đặt ra một câu hỏi là liệu sự hợp tác của mối quan hệ như vậy có thể góp phần vào sự phát triển sáng tạo và hiện đại hóa của Nga? Moskva liệu có đứng trước nguy cơ trở thành một thị trường nguyên liệu phụ thuộc vào Trung Quốc?
Mặt khác, thái độ thận trọng trong việc thể hiện lập trường chính sách đối ngoại của Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine cho thấy, Bắc Kinh không quan tâm đến việc ủng hộ một cách rõ ràng các hành động của Nga trước nguy cơ xảy ra xung đột với phương Tây. Trung Quốc vẫn tỉnh táo và đang cố gắng để tránh đối đầu với cả Nga và Mỹmột đối tác được xem là có mối quan hệ quan trọng của Bắc Kinh.
Ngoài ra, trong khi đang xoay trục chiến lược về châu Á, tiếng nói "khẽ khàng" của Nga trước các hành vi hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng gần đây, trong đó có cả những đối tác chiến lược hay bạn hàng quan trọng của Nga như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, thực sự khiến Moskva khó mà ghi điểm được với châu lục này, ít nhất là về niềm tin.
Theo Năng Lượng Mới
Nga "luôn đề phòng Trung Quốc" Năng lượng có thể là động lực hình thành một mối quan hệ Nga - Trung kiểu mới song "quan hệ này chỉ mang tính thực dụng kinh tế" Sau hơn một thập kỷ bị trì hoãn, ngày 21-5, Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận khí đốt lịch sử với giá trị được cho là lên đến 400 tỉ USD và có...