Nga- Nhật thúc đẩy dự án giao thương khổng lồ
Nhật Bản đã thử nghiệm sử dụng đường sắt xuyên Siberia tới Moscow thay vì đi bằng đường hàng không hoặc đường biển xa xôi.
Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Sergey Gorkov mới đây cho biết, Nhật Bản đã thử nghiệm vận chuyển hàng hóa từ Nhật Bản sang Nga bằng đường biển và bằng tuyến đường sắt dài nhất thế giới – tuyến đường sắt xuyên Siberia.
Nga – Nhật Bản thử nghiệm sử dụng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và đường sắt.
“Đây là một sự kiện quan trọng đối với Nga và Nhật Bản. Dự án hợp tác liên kết giữa hai nước” – Thứ trưởng Sergey Gorkov nói với TASS.
Ông bày tỏ sự tự tin rằng cuộc thử nghiệm “sẽ trở thành một biểu tượng của tình hữu nghị Nga- Nhật và tiến tới việc xây dựng cây cầu nối giữa hai quốc gia”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, Toshihiro Matsumoto lưu ý rằng, tuyến Đường sắt xuyên Siberia (TSR) có tiềm năng phát triển lớn cho cả Nga và Nhật Bản.
“Chúng tôi tin rằng các công ty Nhật Bản quan tâm đến việc sử dụng tuyến đường này, và tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ hiểu sâu hơn giữa các hãng vận tải của hai nước trong quá trình thực hiện dự án thí điểm này” – ông Matsumoto nhấn mạnh.
Cuộc thử nghiệm đầu tiên được tiến hành vào ngày 29/8 tại Yokohama, Nhật Bản. Hàng hóa được chứa trong các thùng chứa được trang bị cảm biến nhiệt độ, độ ẩm và độ rung.
Theo cơ quan quản lý Đường sắt Nga (RZD), container 40 feet đầu tiên đã được gửi đi trong tháng này từ cảng Kobe của Nhật Bản đến cảng Vostochny ở vùng Primorsky Krai của Nga.
Container này sau đó sẽ được vận chuyển xa hơn bằng đường sắt đến khu vực Kaluga của Nga và sau thủ tục thông quan, nó sẽ được chuyển giao bằng đường bộ đến khu vực Moscow.
Ngày giao hàng ước tính là ngày 1/9 năm 2018, tức là tổng thời gian đi lại chỉ trong 14 ngày.
Chuyến hàng thử nghiệm tiếp theo từ Nhật Bản đến Nga dọc theo tuyến đường sắt xuyên Siberia được lên lịch vào ngày 31/8/2018.
Vận chuyển hàng hóa hiện tại giữa Nhật Bản và Nga chủ yếu sử dụng các tuyến đường biển và hàng không. Mất từ 53 đến 62 ngày để vận chuyển hàng hóa từ Nhật Bản đến Moscow bằng đường biển đi qua Ấn Độ Dương.
Video đang HOT
Tuyến vận chuyển hàng hóa mới qua đường sắt sẽ giảm đáng kể thời gian vận chuyển giữa hai nước và chi phí có thể giảm tới 40%.
Tuyến đường sắt xuyên Siberia trải dài gần như trên khắp nước Nga. Đây là tuyến đường sắt đơn dài nhất thế giới với tổng chiều dài là 9.289 km, bắt đầu từ Nga và sang châu Á.
Dự án thí điểm vận chuyển hàng hóa Nhật Bản sang Nga bằng đường biển và đường sắt được cho là sự chuẩn bị cho việc giao thương giữa hai quốc gia, cải thiện quan hệ mạnh mẽ trong bối cảnh cùng hợp tác phát triển trên các hòn đảo tranh chấp tại Kuril.
Từ đây, một dự án xây dựng cây cầu nối Đảo Sakhalin với phần đất liền Nga ở Siberia và dự án cây cầu nối Sakhalin với phần đảo Hokkaido của Nhật Bản đang được Chính phủ Nga tiến hành.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa chỉ thị Chính phủ xây dựng một cây cầu nối đảo Sakhalin ở vùng Viễn Đông với phần đất liền Nga.
Tuyến đường sắt Siberia.
“Vấn đề xây dựng cầu nối giữa Đảo Sakhalin và đất liền đã được thảo luận trong nhiều thập kỷ. Nó từ lâu đã là giấc mơ của những người sống trên đảo Sakhalin. Các bạn có thể đến và rời đi vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, trong mọi điều kiện thời tiết” – Tổng thống Putin nói trong cuộc họp với Thống đốc Sakhalin hôm 24/7.
Theo Tổng thống Putin, ông đã chỉ thị Chính phủ Nga tính toán về tính khả thi của dự án và phương thức xây dựng là đường sắt hay đường hầm.
Trong chương trình trả lời trực tuyến với người dân Nga hồi giữa tháng 6, Tổng thống Putin đã nhận được câu hỏi về khả năng xây dựng cây cầu nối ra đảo Sakhalin. Khi đó, nhà lãnh đạo Nga nói, đã có kế hoạch xây dựng kết nối này từ thời nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Bây giờ chính quyền Nga đang cố gắng hồi sinh ý tưởng này, đưa nó vào thực tế.
Huy Vũ
Theo baodatviet
Đường nối Bình Dương - TPHCM: Chậm tiến độ, tăng áp lực kẹt xe và tai nạn
Ba tuyến đường trọng điểm của Bình Dương vướng giải tỏa khiến việc thi công bị đình trệ. Trong đó, đường ĐT 743 kết nối Bình Dương với TPHCM khởi công từ tháng 10.2015 nhưng đến nay vẫn "bất động". Việc chậm thi công khiến gia tăng áp lực giao thông ở tỉnh đô thị công nghiệp này. Tình trạng ùn ứ, kẹt xe thường xuyên xảy ra, người lao động thì nơm nớp nỗi lo tai nạn.
Tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trên con đường chậm thi công nâng cấp mở rộng - Ảnh: ĐINH TRỌNG
Đường khởi công 3 năm vẫn "bất động"
Bình Dương hiện nay có 28 KCN và khoảng 20 cụm công nghiệp, vận chuyển hàng hóa phục vụ cho các KCN này chủ yếu bằng đường bộ. Việc tận dụng hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn gần như bằng không bởi các tàu lớn chở container không thể "chui" qua cầu cũ có tĩnh không quá thấp.
Mặc dù tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị diễn ra nhanh nhưng một số công trình giao thông kết nối lại chậm chạp. Các tuyến đường nối với TPHCM và các trung tâm logistics tỉnh Đông Nam bộ trở nên nhỏ hẹp so với lượng xe "khủng" qua đây mỗi ngày.
Trong khi đó ba công trình trọng điểm lại thi công trì trệ. Cụ thể các tuyến đường thi công kéo dài nhiều năm mà chưa hoàn thành như: ĐT 746 đoạn từ cầy Tân Khánh đến dốc Cây Quéo, đường ĐT 747b đoạn từ miếu ông Cù đến giáp ĐT 747a và đường ĐT 743 từ miếu ông Cù (Bình Dương) đến cầu vượt Sóng Thần (TPHCM).
Việc chậm thi công các tuyến đường trên khiến người dân bức xúc. Tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX mới đây, nhiều đại biểu đã chất vấn Sở GTVT tỉnh về vấn đề này.
Theo văn bản trả lời chất vấn, ông Trần Bá Luận - GĐ Sở GTVT tỉnh Bình Dương phân trần, việc chậm thi công các tuyến đường trên là do vướng giải tỏa. Công tác giải tỏa chưa được thực hiện xong nên chưa bàn giao mặt bằng được cho đơn vị thi công khiến tiến độ trì trệ.
Đáng chú ý nhất là công trình nâng cấp mở rộng đường ĐT 743 dài 12km từ miếu ông Cù (Bình Dương) đến cầu vượt Sóng Thần (TPHCM). Con đường này được khởi công từ tháng 10.2015 nhưng tới nay, sau gần 3 năm vẫn chưa được thi công.
Theo tìm hiểu, đường ĐT 743 sẽ nâng cấp lên 6 làn xe, dự án này được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo phương thức nhà nước đền bù giải tỏa, Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư phần xây lắp. Con đường này đi qua các trung tâm logistics và KCN lớn như: KCN Sóng Thần 1, KCN Đồng An, KCN Việt Nam-Singapore...
Trong hội nghị giao ban báo chí 6 tháng đầu năm, đại diện Sở GTVT tỉnh cho biết, công tác giải tỏa trên đường ĐT 743 đã được giao cho từng địa phương, thị xã Dĩ An và Thuận An đang lập quy hoạch giải tỏa trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc giải tỏa gặp vấn đề khi một đoạn giải tỏa ở thị xã Dĩ An, tim đường lấn vào đất quân sự nên còn chờ họp với đơn vị quân sự, đại diện Sở GTVT cho hay.
Sở GTVT tỉnh này cho biết "khi nào giải tỏa xong thì đơn vị thi công sẽ khẳng định thời gian hoàn thành". Như vậy, thời gian thi công và hoàn thành nâng cấp mở rộng con đường này còn bỏ ngỏ.
Người lao động nơm nớp lo tai nạn
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Bình Dương xảy ra 782 vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 131 người tử vong, làm bị thương 836 người. Trong đó một vụ tai nạn đường thủy làm chết 3 người còn lại là do tai nạn đường bộ. Con số này khiến người dân rùng mình.
Trước đó, năm 2017 tại tỉnh này cũng xảy ra 1.803 vụ tai nạn làm chết 317 người, bị thương 1.911 người. Tình trạng TNGT khiến người dân rùng mình lo lắng mỗi khi ra đường. Tính ra, mỗi ngày có 4 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra làm thương vong 6 người.
Công trình trọng điểm thi công chậm, tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra liên tiếp là những vấn đề tồn đọng gây bức xúc mà cử tri Bình Dương đã kiến nghị qua nhiều kỳ họp.
Tại văn bản trả lời chất vấn của cử tri, ông Trần Bá Luận thừa nhận những những vấn đề tồn tại của ngành mình quản lý "...đến nay còn khá nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông chưa được giải quyết rối ráo, chưa hoàn toàn đáp ứng được mong mỏi của cử tri...".
Trong khi đó, người lao động tỉnh Bình Dương hàng ngày vẫn phải đi về trên các tuyến đường chưa hoàn thiện và nơm nớp lo sợ tai nạn rình rập.
Đường ĐT743 đi qua địa bàn thị xã Dĩ An và Thuận An, Bình Dương chính là một trong những điểm nóng về tai nạn. Những năm gần đây trở trành nỗi ám ảnh với người dân, do có quá nhiều tai nạn chết người xảy ra, người dân gọi đây là đường "tử thần".
Đầu tháng 6.2018, người dùng mạng xã hội không khỏi xót xa khi nhìn thấy hình ảnh vụ tai nạn khiến nữ công nhân cùng con gái nhỏ 3 tuổi và thai nhi 7 tháng bị tai nạn trên con đường này.
Đi vào "điểm mù" tai nạn trong chớp mắt
Làm nghề sửa xe đạp và bán nước mưu sinh ngay mặt đường ĐT 743 (đoạn P. An Phú, TX. Thuận An) hơn chục năm nay anh Lê Anh Hựu (37 tuổi) không nhớ mình đã chứng kiến bao nhiêu vụ tai nạn chết người và chính anh đã bao nhiêu lần phải "lên gân" với bản thân để đưa những người bị tai nạn đi cấp cứu.
Anh Hựu cho biết, đi trên con đường này nhìn từ xa thấy đông người phía trước, đến gần là thấy xảy ra tai nạn. Vụ tai nạn ngày 1-6 vừa qua cướp đi sinh mạng của người phụ nữ và hai đứa con, theo anh là một trong những vụ tai nạn thương tâm nhất từ trước tới nay.
Ngay phía trước căn kiot của anh cũng đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn gần đây. Anh Hựu cho biết, rất dễ xảy ra tai nạn, vì giao thông trên đường này có chục cái bẫy. Do mật độ xe container quá lớn khiến đường thường xuyên xảy ra ùn ứ, những lúc như vậy cả dòng xe cơ giới nối đuôi nhau nhích từng chút một. Trong khi đó người dân đi xe máy, xe đạp thường phải qua mặt xe tải, container để sang đường. Do cắt mặt ở cự li đầu mũi xe cơ giới rơi vào điểm mù (khu vực tài xế không quan sát thấy) nên có thể xảy ra trong chớp mắt.
Theo anh Hựu: "Đoạn giao nhau với đường An Phú 25, vào những giờ cao điểm từ 6g-8g, từ 10g30 đến 12g và từ 16g đến 18g, các phương tiện phải chen nhau đi sát lề đường, thậm chí leo lên vỉa hè để di chuyển. Do xe máy đông, lại di chuyển sát nhau rất dễ va chạm ngã ra đường bị xe cơ giới phía sau lao đến cán qua ngay". Anh Hựu và những người dân tại đây mong muốn con đường sớm thi công hoàn thiện để giao thông thuận tiện và an toàn hơn.
ĐINH TRỌNG
Theo LĐO
Tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trên con đường chậm thi công nâng cấp mở rộng - Ảnh: ĐINH TRỌNG
Thị trường BĐS nửa đầu năm: Sôi động dòng vốn ngoại Các nhà đầu tư từ Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hong Kong và Trung Quốc đang chiếm ưu thế khi dẫn đầu dòng vốn nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản Việt Nam. Trong nửa đầu 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng ổn định. GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,08%, mức cao nhất trong 7...