Nga nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong khuôn khổ đàm phán 6 bên
Theo hãng tin Yonhap, Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Andrey Kulik ngày 11/10 cho rằng bế tắc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng như tất cả các vấn đề khác về hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á cần được giải quyết trong khuôn khổ đàm phán 6 bên.
Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Andrey Kulik phát biểu trong một bài giảng đặc biệt tại Đại học Konkuk của Seoul vào ngày 11/10/2018. Ảnh: Yonhap
Phát biểu tại trưởng Đại học Konkuk ở Seoul, ông Kulik nhấn mạnh điều quan trọng là giải quyết vấn đề hạt nhân một cách hòa bình trong khuôn khổ đàm phán 6 bên và tiến trình phi hạt nhân hóa được thúc đẩy trên cơ sở thỏa thuận của tất cả các bên liên quan. Đại sứ Nga cho rằng không nên cố giải quyết vấn đề phức tạp này một cách vội vàng và các nước liên quan cần có đủ thời gian để tìm ra một giải pháp vì mỗi nước có lập trường riêng của mình.
Đại sứ Kulik phản đối việc gây sức ép quá lớn đối với Triều Tiên, khẳng định điều quan trọng là phải hợp tác chặt chẽ với Bình Nhưỡng để thuyết phục nước này phi hạt nhân hóa thay vì tìm cách gây sức ép hoặc cô lập. Ông cũng cho rằng việc thực thi những thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và đảm bảo mang lại hòa bình lâu dài cho khu vực này.
Nga tham gia đàm phán hạt nhân 6 bên cùng với Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Cơ chế đàm phán này được triển khai từ năm 2003 và đã đạt được một số thỏa thuận hướng tới phi hạt nhân hóa, song tiến trình đàm phán bị ngừng trệ kể từ sau cuộc đàm phán cuối cùng vào cuối năm 2008.
Văn Khoa
Theo TTXVN
Video đang HOT
Tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên: Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm?
Trong vài tháng qua, Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đã liên tục tiến hành hàng loạt cuộc đàm phán để bàn về cách Bình Nhưỡng giải giáp kho vũ khí hạt nhân. Sau những trắc trở khiến tình hình tưởng chừng như rơi vào ngõ cụt, những diễn biến gần đây cho thấy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên dường như đang có triển vọng tốt.
Những lý do để lạc quan
Vào thời điểm hiện nay, có một số lý do để có thể nói rằng tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Lý do thứ nhất là ngày 6-9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nói với Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc là ông Chung Eui-yong rằng ông Kim Jong-un muốn phi hạt nhân hóa vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đây là lịch trình cụ thể đầu tiên mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra liên quan đến việc giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, không rõ ông Kim Jong-un nói như vậy có phải là ngụ ý rằng ông nghiêm túc muốn từ bỏ tất cả bom nguyên tử mà Triều Tiên có vào thời điểm đó hay không, và cũng không ai biết chính xác đổi lại nhà lãnh đạo này muốn được "bồi thường" những gì.
Đến nay, chỉ có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un và người đồng cấp Hàn Quốc - Tổng thống Moon Jae-in , sẽ thảo luận về điều này trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều kéo dài 3 ngày tại Bình Nhưỡng, theo dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 18-9.
Đây là cuộc gặp lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo trong tiến trình đàm phán đang diễn ra, vốn chủ yếu tập trung vào việc chấm dứt mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Lý do thứ hai, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Trump đã dành cho nhau những lời "có cánh." Ônh Kim Jong-un đã nói với Đặc phái viên Chung Eui-yong rằng ông chưa bao giờ nói xấu Tổng thống Trump và vẫn tin ông chủ Nhà Trắng mong muốn đạt được một thỏa thuận. Trên trang cá nhân Twitter ngày 6-9, Tổng thống Trump đã tỏ ra hài lòng về nhận xét đó của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tất nhiên, vẫn có khả năng là có lý do nào trong 2 lý do trên sẽ thực sự dẫn tới một sự tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bởi Washington và Bình Nhưỡng vẫn rất bất đồng về cách thức đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt là liên quan tới vấn đề bên nào sẽ có những nhượng bộ lớn tiếp theo.
Nhận định về vấn đề này, bà Jenny Town, một chuyên gia về Triều Tiên của Trung tâm Stimson, nhấn mạnh: "Hiện giờ, chúng ta cần nhìn vào những chi tiết cụ thể chứ không phải những cử chỉ sáo rỗng." Mặc dù vậy, rất nhiều người vẫn tỏ ra lạc quan cho rằng những diễn biến mới nhất trong vài ngày qua chứng tỏ rằng sắp có một sự tiến triển thực sự trong vấn đề Triều Tiên. Một quan chức cấp cao của Hàn Quốc, yêu cầu giấu tên, nói: "Nhìn chung, những dấu hiệu này rất tích cực".
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Trump trong cuộc gặp hôm 12-6 tại Singapore. (Ảnh tư liệu)
Những trở ngại cần phải vượt qua
Một trong những vấn đề lớn còn tồn đọng trong các cuộc đàm phán là làm thế nào để buộc Triều Tiên giải giáp kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, trước khi điều đó diễn ra, Washington và Seoul muốn Bình Nhưỡng công khai toàn bộ chương trình hạt nhân của mình. Điều đó có nghĩa là Triều Tiên sẽ phải cho Mỹ biết Bình Nhưỡng có bao nhiêu tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân và bom nguyên tử, đồng thời công khai tất cả các cơ sở hạt nhân.
Việc có trong tay một danh sách chính xác sẽ giúp Mỹ giám sát tốt hơn, xem liệu Triều Tiên có thực sự giải giáp chương trình hạt nhân của nước này hay không. Vấn đề là Triều Tiên lo ngại khi phải trao cho Mỹ một danh sách như vậy. Nếu Bình Nhưỡng nói cho Mỹ biết tất cả các nguyên liệu hạt nhân họ có là gì, khi đó, Triều Tiên sẽ dễ bị tấn công hơn.
Chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vốn dựa vào chương trình hạt nhân để tự vệ trước các cuộc tấn công từ bên ngoài, sẽ bị suy yếu đáng kể nếu bắt đầu phá hủy và giải giáp kho vũ khí hạt nhân.
Thay vào đó, Triều Tiên muốn Mỹ ra tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng từ bỏ bom nguyên tử. Tuyên bố này sẽ được coi là một lời hứa ngầm rằng Mỹ sẽ không xâm lược Triều Tiên và sẽ tạo cho ông Kim Jong-un vỏ bọc chính trị để chấm dứt chương trình hạt nhân.
Thế nhưng, Bình Nhưỡng vô cùng tức giận khi chính quyền Trump vẫn chưa ký tuyên bố hòa bình. Trong một bản tin, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên ngày 6-9 nhấn mạnh: "Phía Mỹ không nên khăng khăng yêu cầu "phi hạt nhân hóa trước, sau đấy mới ký hiệp ước hòa bình", cũng không nên trì hoãn việc thông qua một tuyên bố chấm dứt chiến tranh mà Tổng thống Trump từng hứa hẹn trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore".
Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới được cho là sẽ giúp phần nào phá vỡ thế bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, 2 nước này vẫn có các chương trình nghị sự riêng. Giới chuyên gia cho rằng, lãnh đạo 2 miền Triều Tiên sẽ tập trung vào 2 vấn đề chính.
Theo chuyên gia Jenny Town, "cuộc thảo luận giữa lãnh đạo 2 miền Triều Tiên sẽ tiếp tục tập trung vào việc làm thế nào để môi giới một tuyên bố hòa bình và Hàn Quốc sẵn lòng đến đâu trong việc hợp tác kinh tế với Triều Tiên dù có sự ủng hộ của Mỹ hay không".
Thế nhưng, có một thực tế cần thừa nhận là Tổng thống Trump có ảnh hưởng lớn đến các cuộc đàm phán liên Triều. Trong một phạm vi nào đó, Tổng thống Moon Jae-in cần sự tham gia của ông Trump trong bối cảnh nhà lãnh đạo Hàn Quốc đặt mục tiêu cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng, bởi nếu không có sự can dự của ông chủ Nhà Trắng, rất có thể Mỹ sẽ gây rắc rối cho mối quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên.
Hồng Phúc
Theo phapluatxahoi
Sự "lệch pha" giữa các bên trước thềm đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên Phi hạt nhân hóa Triều Tiên là mục tiêu mà các bên hướng tới trong các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mục tiêu này có thể mang tới rủi ro đàm phán không thành công vì định nghĩa phi hạt nhân của mỗi bên dường như đang "lệch pha" nhau. Tổng thống Hàn Quốc Moon...