Ngã ngửa cát-sê của các nghệ sĩ đóng hài Tết
Cát-sê luôn được xem là điều tế nhị mà các đạo diễn, nhà sản xuất, nghệ sĩ… né tránh không muốn đề cập đến mỗi khi được hỏi. Tuy nhiên, phần đa đều thừa nhận, mức cát-sê của nghệ sĩ đóng hài Tết thường cao hơn đóng phim thường rất nhiều.
Càng tên tuổi càng dễ nói chuyện cát-sê
Cát-sê của diễn viên đóng hài Tết rất “vô cùng” bởi mỗi nhà sản xuất lại có từng cách trả và mức trả khác nhau. Ảnh: TL.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho biết, cát-sê của diễn viên đóng hài Tết rất “vô cùng” bởi mỗi nhà sản xuất lại có từng cách trả và mức trả khác nhau. Và thực tế là việc trả tiền cát-sê hài đều do thoả thuận giữa nhà sản xuất với diễn viên tham chứ không có quy định “cứng” nào về một mức cát-sê cố định mà nhà sản xuất phải trả cho diễn viên.
“Tôi nói thật, nhiều năm nay tôi có một “thương hiệu” làm phim hài Tết cũng “có số có má” trong làng phim, nên nhiều diễn viên cũng rất muốn làm phim hài với tôi… Nhiều diễn viên tham gia phim hài của tôi không bao giờ nói đến chuyện cát-sê, cứ thấy kịch bản hay là tham gia như: NSND Quốc Anh, NSƯT Minh Hằng… họ không bao giờ đòi hỏi tiền cát-sê diễn hài hay hỏi han gì về vấn đề tiền bạc. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, “có sao, có gạch” tham gia làm phim tết của tôi nói rằng, họ tham gia đóng phim vì đam mê với nghệ thuật chứ không phải chuyện làm phim cho Phạm Đông Hồng sẽ được bao nhiều tiền. Quan trọng là họ được làm nghề, sống với nghề chứ không phải chuyện tiền bạc đâu”, đạo diễn Phạm Đông Hồng nói.
Nghệ sĩ Công Vượng tiết lộ, tiền cát-sê có rất nhiều cách tính. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: quỹ tài chính đầu tư cho phim, quy mô bộ phim, thời lượng vai diễn, dạng vai chính – phụ, mối quan hệ giữa diễn viên với đạo diễn, độ “hot” của diễn viên… Với tư cách là nhà kinh doanh, các nhà sản xuất thường phải cân nhắc tính toán sao cho hợp lý. “Thường một phim hài mà ít nghệ sĩ tham gia, tiền cát-sê trả cho mọi người sẽ cao hơn một phim có tới nhiều người đóng. Chi phí cho diễn viên để sản xuất một đĩa hài chiếm khoảng 50% tổng kinh phí đầu tư cho sản phẩm hoặc có thể hơn một chút. Ngoài cát-sê, nhà sản xuất còn phải lo tiền nhân sự kỹ thuật, bối cảnh, phục trang, máy móc, hậu kỳ, lồng tiếng…”, nghệ sĩ Công Vượng cho biết.
Theo đạo diễn Phạm Đức Dũng, chỉ trừ những trường hợp chưa hề hợp tác với nhau lần nào thì khi đặt vấn đề mời đóng phim, các nghệ sĩ có tên tuổi thường yêu cầu đưa cho họ kịch bản để họ biết trước vai diễn, tuyến diễn viên chính phụ và mức độ đầu tư cho vai diễn… rồi nghệ sĩ mới đưa ra mức cát-sê. Còn khi đã quen biết, các nghệ sĩ thường để cho đạo diễn căn chỉnh mà đưa ra mức cát-sê hợp lý nhất.
Cát-sê hài Tết vẫn được phân chia theo tên tuổi. Ảnh: TL.
“Nhiều khi cát-sê không phải là vấn đề chính đâu mà quan trọng là thái độ làm việc của ê-kíp cũng như chất lượng của bộ phim. Có nhiều diễn viên “ngâm cứu” kịch bản nửa tháng mới trả lời và lúc đấy mới nói đến chuyện cát-sê. Đừng nghĩ là cứ trả nhiều tiền thì sẽ mời được diễn viên tham gia. Nếu trả cát-sê cao nhưng phải đóng một vai “không ra gì”, thương hiệu của họ sẽ đi xuống thì họ cũng không tham gia vì thương hiệu không mua được bằng tiền”, đạo diễn Phạm Đức Dũng nói thêm.
Xuân Hinh, Hoài Linh… cát-sê không dưới trăm triệu
Nói là vậy nhưng thực tế trong làng hài đều có những con số khác nhau để miêu tả về cát-sê đóng phim hài Tết của các nghệ sĩ. Theo nghệ sĩ Công Vượng, cát-sê đóng tiểu phẩm sân khấu sẽ cao hơn đóng phim hài Tết bởi để có được một tiểu phẩm hoàn chỉnh trên sân khấu và mang lại tiếng cười cho khán giả, người nghệ sĩ phải tập rất nhiều lần.
“Như đợt tôi thực hiện Gala Tết vạn lộc, anh Đức Hải phải bay từ Sài Gòn ra 4 ngày để hoàn thiện kịch bản và tập, chị Minh Hằng cũng phải tập từ 3 hôm trước khi diễn. Dù trời lạnh thì các nghệ sĩ vẫn rất ý thức trong việc tập luyện để vở diễn nhuần nhuyễn và hoàn chỉnh nhất. Nghệ sĩ người ta ý thức như thế mình không thể nào không trân trọng lại họ được”, Công Vượng nói.
Video đang HOT
Theo tìm hiểu, dù có “biến động” đến đâu thì mức cát-sê hài Tết cũng vẫn được chia theo tên tuổi của nghệ sĩ. Những nghệ sĩ có mức cát-sê cao nhất hiện nay luôn thuộc về những hàng nghệ sĩ “ngôi sao” như: NSƯT Hoài Linh, NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Thanh Thanh Hiền, Hồng Vân, NSND Quốc Anh… Tiếp theo là lứa trẻ hơn nhưng cũng thuộc dạng nghệ sĩ có tên tuổi như: NSND Tự Long, Xuân Bắc, Vân Dung, Quang Thắng, Minh Hằng, Chiến Thắng, Quang Tèo… Thấp hơn nhóm này một chút thuộc nhóm các diễn viên: Kim Oanh, Trung Hiếu, Giang Còi… Tất nhiên, sự phân chia này chỉ mang tính tương đối vì có những phim “tình thế đảo ngược”.
Một số nhà sản xuất cho biết, trong làng hài phía Bắc, NSƯT Xuân Hinh là người có giá cát-sê đóng hài Tết cao nhất bởi đĩa của Xuân Hinh lúc nào cũng “hot”. Mức giá để mời được Xuân Hinh đóng hài Tết vai chính nếu không quen biết cũng phải từ 100 triệu (tương đương 5000 USD) trở lên/vai/đĩa. Cao là vậy nhưng không phải ai cũng mời được diễn viên này bởi anh khá kén chọn trong việc tham gia hài Tết.
NSƯT Xuân Hinh với đạo diễn Phạm Đông Hồng. Ảnh: TL.
Trước nay, ngoài Thăng Long Audio, Tứ Vân Media và Công ty Hoa Dương với serie ca nhạc hài kịch “Xuân phát tài”, ít ai mời được Xuân Hình bởi có nhiều khi anh tự bỏ tiền làm đĩa để kinh doanh. Nhiều người thậm chí còn truyền miệng nhau rằng, dưới 100 triệu đừng mơ mời được Xuân Hinh và đã mời Xuân Hinh thì đừng bao giờ mặc cả giá cát-sê bởi chỉ cần “anh có thể giảm cho em…” là đầu dây bên kia sẽ tắt cái rụp. Mà thường đã mời NSƯT Xuân Hinh thì bao giờ cũng phải mời NSƯT Thanh Thanh Hiền hoặc NSND Hồng Vân bởi đây là những người “tung hứng” ăn ý nhất với Xuân Hinh.
Trong khi đó, để mời được NSƯT Hoài Linh đóng hài Tết quả là không dễ. Từng có tin đồn rằng, một nhà sản xuất đã sẵn sàng bỏ ra 3 tỷ đồng để mời nam danh hài này đóng phim hài Tết. Và giá các đêm diễn bình thường của nam danh hài này cũng phải dao động từ 80 – 120 triệu tuỳ vào mức độ quen biết. Riêng những show lẻ ở các điểm sân khấu nhỏ cũng phải từ 20 triệu – 30 triệu mới “book” được Hoài Linh diễn.
Thực tế thì cũng có khá nhiều nhà sản xuất đĩa hài Tết từng “chùn bước” khi nghĩ tới việc mời NSƯT Hoài Linh đóng phim vì họ sợ không đủ tiền chi cát-sê. Tuy nhiên, NSƯT Hoài Linh chia sẻ rằng, anh là nghệ sĩ được tổ cho “ăn lộc” nhưng không phải vì thế mà nặng nề chuyện cát-sê. Có những nơi anh đến diễn, thấy khán giả ít, địa điểm biểu diễn chật hẹp… anh cũng tự chủ động bớt cho bầu show. Hoặc có những bầu show mời anh, anh thậm chí còn không bàn gì đến chuyện cát-sê mà “người ta đưa thế nào anh cầm thế đó”.
“Có nhiều đồn đại linh tinh khiến ai cũng nghĩ mời Hoài Linh thì cát-sê phải “trên trời” nhưng thực tế ai đã làm với tôi đều biết rất rõ. Còn chuyện tôi không đóng được nhiều phim hài Tết ở miền Bắc là vì cuối năm bận bịu, việc đi lại rất trở ngại… chứ không phải tôi sang chảnh, hò hét cát-sê này nọ gì cả”, NSƯT Hoài Linh nói.
Thực tế, nhiều đạo diễn cũng thừa nhận, giá cát-sê của các diễn viên hài hiện nay tương đối linh hoạt và không ai có mức giá cụ thể. Bên cạnh các mức giá khá “chát” thì cũng có nhiều người không nhận cát-sê chỉ để được tham gia đĩa hài nhằm có cơ hội đánh bóng tên tuổi. Việc các “ngôi sao hài” có giá cao hơn cũng đồng nghĩa với chất lượng vai diễn và sự đầu tư của họ đối với vai diễn cũng ở mức “ngôi sao”.
Theo Hà Tùng Long (Dân Trí)
'Đồng bóng' như Vượng râu
Đã không ít lần, Vượng râu tự nhận là dân "đồng bóng". Không hẳn vì có tí duyên "ông đồng, bà cốt" mà theo anh, nghệ sĩ thực thụ ai cũng có điều đó, không nhiều thì ít.
Họ ít đi theo một quy củ nào, cứ thấy vui, thấy thích và đam mê là... tới bến, bất kể lỗ lãi thế nào. "Nếu không thế, nghệ sĩ sẽ thành những "con buôn nghệ thuật" hết rồi" - Vượng râu nói.
"Đừng gọi anh là cụ"
Vượng râu thuộc số nhiều nghệ sĩ hài nhưng lại là số ít bị... mất tên thật, dù cụm râu trứ danh làm nên nghệ danh đã bị cạo từ lâu rồi. Giờ cứ để tên thật là Nguyễn Công Vượng, người ta rất dễ gọi chệch thành cầu thủ bóng đá xứ Nghệ. Như thế còn thiệt hơn, nên Vượng đành chấp nhận để cái râu hoài niệm "tầm gửi" đến khi không còn làm nghệ thuật nữa.
Vượng râu vốn xuất thân từ dân chèo, yêu đắm đuối nghệ thuật truyền thống và "chung tình" theo đuổi những gì thuộc về văn hóa dân tộc. Thế nên, các sản phẩm của Vượng râu đều đậm đặc các làn điệu dân ca hoặc mang hơi hướng của chèo. Ngay cả khi làm các sản phẩm đương đại nhưThầy đồ ra phố và mới đây nhất là Tết Vạn lộc, Vượng râu luôn truyền tải ý thức gìn giữ giá trị truyền thống. Anh bảo, nó ngấm vào máu rồi, cứ viết là bật ra thôi.
Không chỉ cách nói nghe đã thấy "hơi hướng" đặc trưng của chèo, cách ăn vận của Vượng cũng "xoẹt tông" với tính cách, đó là áo dài cách tân. Người khác mặc thấy "dị" nhưng với Vượng râu thì cứ như "đo ni đóng giày".
Nghệ sĩ hài Vượng râu và chiếc áo dài đặc trưng. Ảnh: TL
Thành ra, bây giờ mà anh mặc comple đóng bộ lại thấy hơi khó coi. Áo dài nam giúp che được khuyết điểm cho người gầy, nhỏ, lại có lợi thế là "độc, lạ" khi xuất hiện trong các sự kiện.
Thế nhưng, không phải ai cũng "chơi" được với nó, bây giờ trong Nam có Hoài Linh, ngoài Bắc có Vượng râu. Một dạo còn có Hùng Cửu Long rất chăm mặc áo dài với kiểu dáng, họa tiết và thêu thùa cầu kỳ, nhưng cái tướng trông hiện đại quá nên mặc vào thấy có phần khập khiễng.
Không biết có phải vì hợp quá không mà mỗi lần mặc áo dài, Vượng râu lại bị già đi, hết "bẩm cụ" lại "thưa lý trưởng". Vượng râu trào phúng: "Đừng gọi anh là cụ/Mình chả thích thế đâu/Tuổi chúng mình lệch nhau/Chỉ một vài ba giáp/Để hôm nào giời mát/Thử một tí xem sao/Rồi xem nó thế nào/Hẵng gọi anh là cụ".
Nhưng còn nét "đồng bóng" nữa thuộc về tính cách cha sinh mẹ đẻ của Vượng râu, đó là nghĩ gì nói nấy, không sợ "vạ miệng" hay phán xét, thích làm việc theo cảm hứng hơn là tính toán thiệt hơn. L
ắm khi đang trà dư tửu hậu, chợt nghĩ ra một ý tưởng gì đó mới mẻ, "sung lên" là anh gọi điện khắp nơi để chia sẻ và tìm sự cộng hưởng về tinh thần. Sau cơn "thăng" bất chợt, độ "đồng bóng" ấy của Vượng râu sẽ bị thủ thỉ vào tai câu muôn thuở: Đầu tiên phải là tiền đâu? Vậy là bao nhiêu cảm hứng, bao nhiêu suy tư của anh đành phải "xếp kho" chờ thời.
Là diễn viên, rồi làm đạo diễn nhiều năm lăn lộn với thị trường lo "nồi cơm" cho nhân viên nên Vượng râu cũng "khôn" ra nhiều so với trước. Tính khí lắm phen bốc đồng của anh cũng như được "cầm cương" hơn.
Anh biết tính toán để cân bằng giữa làm nghệ thuật với chiều theo thị hiếu số đông. Chả thế mà so với nhiều người làm hài Tết, dù kinh tế, nhu cầu có trồi sụt thì các sản phẩm của Vượng râu vẫn sống khỏe, trở thành sản phẩm, thương hiệu được chờ đón mỗi dịp cuối năm.
Năm nay, DVD Tết Vạn lộc của anh vừa ra lò đã nhận được đơn tái bản. Vượng râu rầu rĩ vì sụt mất mấy ký lô, nhưng đổi lại được vui trăm nỗi khi trên trang cá nhân của anh liên tục nhận được những phản hồi ngợi khen. Có khán giả còn tri ân bằng hiện vật.
Với người làm nghề, có khi chỉ cần bấy nhiêu đó thôi. Nên với Vượng, lỗ lãi trong việc thực hiện dự án nghệ thuật đôi khi không được anh đo đếm quá kỹ. Bởi anh quá hiểu làm nghệ thuật chỉ có lỗ về tiền, nhưng cái lãi lại rất nhiều. Thế nên, vừa làm xong sản phẩm này, Vượng râu đã bắt đầu "ủ mưu" cho sản phẩm tiếp theo. Dự định còn nhiều lắm, nếu thiên thời và được "tổ đãi", Vượng râu sẽ vẫn làm với tinh thần "đồng bóng" như vậy. Hết mình và hết sức, sẵn sàng bỏ ra đến đồng tiền cuối cùng để theo đuổi và thực hiện.
Được quý ở cái tâm và tình
Tuy nhiên, công bằng mà nói, Vượng râu được yêu quý trong nghề không phải vì tài mà vì cái tâm. Nó cũng còn do "đặc tính" của showbiz có mấy người phục tài của nhau. Vượng râu còn trẻ mà được công nhận thế thì cũng hơi khó và nó cần có thời gian nhiều hơn nữa. Rất nhiều nghệ sĩ từng bày tỏ không muốn làm hài Tết nữa, nhưng vì Vượng mời nên lại "bước qua lời nguyền".
Nghệ sĩ hài Minh Vượng là một ví dụ. Mang trong mình nhiều căn bệnh nên đã từ lâu, chị xác định hạn chế với lời mời bên ngoài nhà hát. Chương trình Táo quân của VTV "hot" là thế mà chị còn ngần ngại nữa là các chương trình của tư nhân vốn bấp bênh về kịch bản. Vậy mà Vượng râu nói thế nào, chị lại dốc lòng tham gia. Buổi ra mắt sản phẩm, chị dành nhiều tình cảm bày tỏ với Vượng râu, rằng Vượng râu là người biết trân trọng nghệ sĩ, sống có tâm và nhiệt huyết nên khiến chị mủi lòng. "Nghệ sĩ mà!" - chị nói.
Vượng râu - Xuân Nghĩa trong tiểu phẩm hài Tết Vạn lộc. Ảnh: Nguyễn Dũng
Chuyện mấy năm trước đã thế, bây giờ "đủ lông, đủ cánh" nhưng Vượng râu vẫn đối nhân xử thế với anh em nghệ sĩ bằng tinh thần ấy. Chả thế mà nghệ sĩ hài Đức Hải tíu tít với các sô phía Nam, cát-xê "khủng" vẫn tạm gạt sang để giúp Vượng râu trong Tết Vạn lộc. Nghệ sĩ Đức Hải còn tuyên bố trước báo giới là sẽ không lấy cát-xê ngoài tiền vé máy bay đi lại.
Nghệ sĩ hài Giang còi cũng tâm sự rằng, nhiều năm nay anh không nhận lời diễn hài trên sân khấu lớn vì phong cách của anh là không hợp với "thánh đường" ở nhà hát, chỉ nhận diễn trên sân khấu tỉnh lẻ là chính. Nhưng rồi năm nay, anh bất ngờ "phá lệ", không phải vì độ hoành tráng của chương trình mà vì bị thuyết phục với ý tưởng của Vượng: Làm thành một series hài theo các năm.
Trên sân khấu không chỉ có hát, diễn mà còn có không khí trang trọng tri ân cho các nghệ sĩ đi trước, trao chút tấm lòng thơm thảo của nghệ sĩ đến các mảnh đời khó khăn được trích từ tiền bán vé. Món quà đầu tiên được trao cho gia đình GS Hà Văn Cầu để mừng thọ giáo sư đã 90 tuổi và nghệ sĩ Hán Văn Tình.
Trông Vượng râu xởi lởi ngoài xã hội là vậy, nhưng trong công việc, anh có một nguyên tắc "chỉ được phép cho người khác lấy của mình, không được phép lấy của người khác".
Anh cũng tự răn, ngày hôm nay được khen thì đồng nghĩa với việc phải thức đêm nhiều hơn, lang thang nhiều hơn, sống chân tình để gạt sân si và ngộ đạo để không bon chen, "thắng không kiêu, bại không nản"... Trong cuộc sống, Vượng râu cũng không có tham vọng làm giàu bởi anh quan niệm "có tham cũng đâu đến phần người như Vượng".
Vốn có duyên "đồng cô, bóng cậu", Vượng râu đặt mong ước vào việc học tu trọn đạo. Mỗi năm nhắc nhở mình cố gắng chăm chỉ hơn và tu dưỡng hơn để sớm đạt được mục tiêu ở ẩn.
Vượng râu có phủ thờ khá to ở Thạch Thất (Hà Nội) và được anh dành nhiều tâm sức để thực hiện. Kiếm được đồng nào lại dồn hết vào đó với mong mỏi "kiến tha lâu cũng đầy tổ".
Tuy là phủ thờ riêng nhưng Vượng muốn nơi đây thành điểm đến tâm linh của bạn bè xa gần vào những ngày lễ lạt. Hay đời thường hơn, đó là nơi "trà dư, tửu hậu" của các anh em nghệ sĩ - điều vẫn được anh thực hiện thường xuyên.
Lắm khi, Vượng râu chăm cho phủ thờ còn hơn cả bản thân và gia đình. Cũng biết đó là nhược điểm, nhưng người thân của anh có vẻ cũng thông suốt rồi nên chỉ còn biết ủng hộ hơn là chỉnh đốn.
Theo Thanh Hà/Báo Gia Đình & Xã Hội
Hương Tươi: 'Nếu chỉ nhăn nhó, vẹo vọ thì không phải hài' Trước thắc mắc về sự bão hòa của thị trường hài Tết, nữ nghệ sĩ hài nổi tiếng chia sẻ rằng, hài đang nhạt dần và tiếng cười cũng không còn được sâu sắc như trước. Hương Tươi, tên thật Trần Thu Hương là một trong những nữ nghệ sĩ hài nổi tiếng của miền Bắc. Chị gây ấn tượng khi tham gia...