Nga nghiên cứu xác ngựa 4.500 tuổi từ băng vĩnh cửu
Trung tâm nghiên cứu virus Vektor của Nga ngày 16/2 thông báo họ đang tìm hiểu về virus thời tiền sử bằng cách phân tích mô lấy từ xác một con ngựa được cho là ít nhất 4.500 tuổi.
Phòng thí nghiệm có trụ sở tại Siberia này tuyên bố mục đích của dự án là xác định các virus thời tiền sử và nghiên cứu nâng cao về sự tiến hóa của virus, theo AFP .
Dự án còn có sự tham gia của Đại học Yakutsk. Các nhà khoa học đã bắt đầu bằng việc phân tích mô lấy từ một con ngựa tiền sử được cho là ít nhất 4.500 năm tuổi.
Trung tâm Vektor cho biết xác con ngựa được phát hiện vào năm 2009 ở Yakutia, Siberia sau khi băng vĩnh cửu tan ra. Đây là vùng thường xuyên tìm thấy xác của động vật thời kỳ đồ đá cũ, bao gồm cả voi ma mút.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ cũng sẽ phân tích xác của voi ma mút, nai sừng tấm, chó, gà gô, động vật gặm nhấm, thỏ rừng và các động vật thời tiền sử khác.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Yakutsk tách các mô từ xác một con ngựa thời tiền sử được cho là ít nhất 4.500 năm tuổi. Ảnh: AFP .
Maxim Cheprasov, người đứng đầu phòng thí nghiệm của bảo tàng Voi ma mút tại Đại học Yakutsk, cho biết các nhà khoa học đã dùng xác động vật tiền sử để nghiên cứu về vi khuẩn.
“Chúng tôi đang lần đầu tiên nghiên cứu về virus thời tiền sử”, ông Cheprasov viết trong thông cáo báo chí.
Phòng thí nghiệm Vektor ở Novosibirsk, Siberia từng là trung tâm phát triển vũ khí sinh học thời Liên Xô. Đây là một trong hai cơ sở duy nhất trên thế giới lưu giữ virus đậu mùa.
Trung tâm Vektor đã phát triển vaccine chống Covid-19 EpiVacCorona. Loại vaccine này được Nga cấp phép vào tháng 10/2020 và dự kiến bắt đầu sản xuất hàng loạt vào cuối tháng này.
Các nhà khoa học cho biết Bắc Cực đang ấm lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Điều này gây nguy hiểm cho các loài động vật hoang dã địa phương. Băng vĩnh cửu tan ra cũng giải phóng lượng carbon bị lưu giữ trong đó.
Phát hiện xác tàu nghi chứa phòng hổ phách huyền thoại của Nga
Thợ lặn Ba Lan cho biết đã tìm thấy xác tàu Karlsruhe, có thể giúp giải đáp bí ẩn về phòng hổ phách từng rơi vào tay Đức quốc xã thời Thế chiến 2.
Một thợ lặn Ba Lan kiểm tra xác tàu Karlsruhe REUTERS
Tờ The Guardian ngày 2.10 đưa tin các thợ lặn Ba Lan thông báo đã tìm thấy xác con tàu Karlsruhe của Đức Quốc xã bị chìm ngoài khơi bờ biển Ba Lan hồi năm 1945.
Khi đó, con tàu hơi nước Karlsruhe đang chở theo hàng hóa nặng, khởi hành từ Knigsberg - từng là thành phố cảng ở Đức song hiện là vùng Kaliningrad của Nga, thì bị máy bay chiến đấu Liên Xô đánh chìm.
Các tài liệu thời điểm đó cho thấy con tàu vội vã rời Knigsberg với lượng hàng lớn và 1.083 người.
Nhóm thợ lặn Ba Lan cho biết họ đã tìm kiếm xác tàu từ năm ngoái và con tàu vẫn còn nguyên vẹn. "Trong hầm tàu, chúng tôi phát hiện xe quân sự, đồ sứ và nhiều thùng hàng chưa được mở", theo tờ The Guardian dẫn lời thợ lặn Tomasz Stachura.
Phòng hổ phách là một căn phòng được trang hoàng vô cùng lộng lẫy bằng vàng lá, thủy tinh và những mảng hổ phách với trọng lượng tổng cộng hơn 6 tấn.
Căn phòng mô phỏng phòng hổ phách đã được khai trương tại Nga vào năm 2003 REUTERS
Theo truyền thuyết lâu nay, phòng hổ phách là quà tặng của Vua Phổ cho Sa hoàng Peter Đại đế vào năm 1716. Về sau, nữ hoàng Catherine Đại đế đã mang căn phòng về cung điện Catherine, phía nam thành phố St. Petersburg. Trong Thế chiến 2, phòng hổ phách đã rơi vào tay Đức Quốc xã và bị gỡ ra mang đến Knigsberg. Nó xuất hiện lần cuối ở Knigsberg, trước khi biến mất bí ẩn thời Thế chiến 2.
Nhiều người tin rằng căn phòng đã bị phá hủy. Thợ thủ công Nga đã xây dựng một bản sao của căn phòng hổ phách tại cung điện Catherine.
"Tất cả điều này kết hợp lại sẽ kích thích trí tưởng tượng của con người. Việc tìm thấy tàu hơi nước của Đức và những chiếc thùng chứa đồ đạc chưa được xác định dưới đáy biển Baltic có thể có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ câu chuyện", một thợ lặn Ba Lan khác tên Tomasz Zwara cho hay.
Dòng sông chuyển màu hồng khi chảy qua mỏ đồng cũ Mỏ đồng Levikhinsky ở vùng núi Ural, Nga, đóng cửa từ năm 2004. Nước từ mỏ đồng này đang biến dòng sông gần đó chuyển thành màu hồng trái với tự nhiên.