Nga nêu điều kiện tiếp tục cung cấp khí đốt cho EU
Hôm 26/8, Phó Chủ tịch Hội đồng ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho biết Moskva sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu theo khối lượng trong hợp đồng đã ký nếu phương Tây không “trói tay” Nga” bằng các biện pháp hạn chế.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS
“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp khí đốt theo khối lượng trong hợp đồng đã ký, kể cả ngay cả lúc này. Tuy nhiên, điều này chắc chắn còn phụ thuộc vào lập trường của các nước phương Tây và quan điểm của các nước châu Âu. Nếu chúng tôi bị trói tay, việc thanh toán bị cấm, các tuabin đã sửa chữa không được bàn giao hay việc vận hành đường ống Nord Stream 2 bị từ chối, thì nguồn cung cho phương Tây sẽ không đáp ứng khối lượng như họ mong đợi”, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Medvedev cho biết trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình LCI của Pháp.
Từ ngày 27/7, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ giảm lượng khí đốt cung cấp hằng ngày qua đường ống Nord Stream 1 cho châu Âu xuống còn 33 triệu m3, tương đương 20% công suất đường ống vì lý do kỹ thuật. Phương Tây cáo buộc Nga “vũ khí hóa” khí đốt để gây sức ép, đáp trả lệnh trừng phạt của châu Âu trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo động thái cắt giảm khí đốt của Nga có thể đẩy các nền kinh tế châu Âu tơi vào suy thoái, làm gia tăng cuộc khủng hoảng khí đốt khiến giá cả tiêu dùng tăng vọt. Châu lục này đang phải đối mặt với cú sốc mới khi giá khí đốt tăng cao dẫn đến lo ngại lạm phát leo thang.
Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg, nói: “Lạm phát ở châu Âu dự kiến sẽ tăng trong quý IV năm nay nhưng quy mô của sự gia tăng mà chúng ta đang đối mặt là một cú sốc mới do giá khí đốt tăng đột biến. Đó là một cú sốc mới không thể lường được chỉ vài tuần trước”.
Nga dừng cung cấp khí đốt, Bulgaria lập cơ quan ứng phó khủng hoảng năng lượng
Tập đoàn Gazprom của Nga đã đình chỉ hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho công ty Bulgargaz của Bulgaria do không thanh toán bằng đồng ruble đúng hạn.
Hiện nay, Bulgaria đối mặt với sự hỗn loạn và đổ vỡ đang diễn ra trong ngành năng lượng.
Đường ống dẫn khí tại trạm nén khí Bulgartransgaz ở Ihtiman, Bulgaria ngày 5/5/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, Chính phủ lâm thời Bulgaria ngày 3/8 thông báo đã thành lập một cơ quan liên bộ nhằm giải quyết khủng hoảng năng lượng, bao gồm nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung và khả năng dự đoán về giá khí đốt, đề xuất cơ chế kiểm soát đối với giá nhiên liệu và điện.
Thủ tướng lâm thời Bulgaria Gylyb Donev cho biết: "Theo lệnh của tôi hôm nay, một cơ quan liên bộ giải quyết khủng hoảng đã được thành lập do các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực năng lượng. Nhiệm vụ của cơ quan này là tìm ra các giải pháp giúp đối phó với sự hỗn loạn và đổ vỡ đang diễn ra trong ngành năng lượng, đảm bảo nguồn cung và khả năng dự đoán về giá khí đốt, đề xuất cơ chế kiểm soát đối với giá nhiên liệu và điện. Cơ quan này sẽ làm việc liên tục, kể cả vào cuối tuần". Ông Donev cho biết Phó Thủ tướng phụ trách chính sách kinh tế kiêm Bộ trưởng Giao thông vận tải Hristo Aleksiev sẽ lãnh đạo cơ quan liên bộ mới thành lập.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Rosen Ivanov Khristov chỉ rõ tình hình nguồn cung khí đốt đang cực kỳ nghiêm trọng và lượng khí đốt sẵn có không đủ đáp ứng nhu cầu trong mùa sưởi ấm. Ông Khristov nói: "Nguồn cung cấp khí đốt được đảm bảo cho đến tháng 9 nhưng sẽ không đủ cho đến cuối năm". Quan chức này giải thích: "Tình hình trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng tài chính ở công ty Bulgargaz khiến công ty không thể thanh toán khối lượng khí đốt đã thỏa thuận. Chúng tôi đang chuyển sang phương thức làm việc suốt ngày đêm để giải quyết các vấn đề tồn tại. Chúng tôi đang chuẩn bị đấu thầu mua khí đốt hóa lỏng và hạ giá thành bằng cách tái cấp vốn cho công ty Bulgargaz".
Ngày 27/4, Gazprom đã đình chỉ hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho Bulgargaz do không thanh toán bằng đồng ruble đúng hạn. Sau đó, Bulgaria thông báo đã tìm được các lựa chọn cung cấp thay thế, bao gồm khí đốt hóa lỏng từ Mỹ và khí đốt từ Azerbaijan, với mức giá thấp hơn đáng kể so với mức giá mà Gazprom đưa ra. Tuy nhiên, hồi tháng 7 vừa qua, công ty Bulgargaz thông báo giá nhiên liệu tăng khoảng 32% so với tháng 6. Trong tháng 8 này, mức giá được dự báo sẽ tăng tới 60%.
Châu Âu vẫn lo ngại dù Nga nối lại dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 Nga đã nối lại bơm khí đốt qua đường ống lớn nhất tới châu Âu vào ngày 21/7 sau 10 ngày ngừng hoạt động. Dù điều này làm châu Âu bớt lo ngại về nguồn cung khí đốt nhưng không đủ để xua tan nỗi sợ phải hạn chế sử dụng khí đốt nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt trong mùa...