Nga nên bán ngân hàng để chống đỡ giá dầu thấp
Nga nên xem xét việc bán các tài sản ngân hàng nhà nước khi giá dầu vẫn tiếp tục lao dốc, ảnh hưởng đáng kể lên ngân sách chính phủ. Đây là ý kiến của Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev.
Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev – Ảnh: Reuters
Phát biểu tại diễn đàn kinh tế Gaidar ở Moscow (Nga), Bộ trưởng Alexei Ulyukayev cho hay giới chức Nga nên xem xét ý tưởng cắt giảm số cổ phần mà nhà nước đang nắm giữ trong hai ngân hàng lớn nhất quốc gia là Sberbank và VTB. Ông Ulyukayev cho rằng có nguy cơ giá dầu sẽ ở mức thấp trong thời gian dài, có thể là “nhiều thập kỷ”.
Chính phủ Nga đang nắm giữ cổ phần đa số 60,9% trong ngân hàng lớn thứ nhì VTB và sở hữu 50% cổ phần cùng cổ phần có quyền biểu quyết trong ngân hàng lớn nhất nước Sberbank. Việc Nga cần xem xét bán cổ phần cho thấy khó khăn mà nước này phải đối mặt giữa tình hình giá dầu rẻ.
Nga bước vào suy thoái từ năm 2015, sau khi giá dầu sụt giảm sâu và các biện pháp trừng phạt quốc tế có hiệu lực. Sberbank từ chối bình luận về thông tin trên nhưng nhấn mạnh ý kiến mà giám đốc điều hành ngân hàng này đưa ra trong một buổi phỏng vấn với tờ Handelsblatt hồi tháng 11. Khi đó, sếp Sberbank đưa ra tín hiệu về sự chấp thuận ngầm cho kế hoạch tư nhân hóa, cho hay đây sẽ là động thái “cải thiện đáng kể tình hình của chúng tôi”. Ngân hàng VTB hiện chuẩn bị cho một thông báo trong thời gian tới.
Chuyên gia Chris Weafer thuộc hãng Macro-Advisory nhận định ý kiến của Bộ trưởng Kinh tế Nga gia tăng suy đoán cho rằng việc tư nhân hóa các tài sản nhà nước sẽ diễn ra. “Tổng thống Nga Vladimir Putin nhìn chung có thể muốn làm vậy… song nhiều quan chức cao cấp tại các công ty nhà nước lớn có thể cản trở được kế hoạch bán”, ông Weafer nói.
Cũng tại diễn đàn Gaidar diễn ra hôm 13.1, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov dự báo dầu sẽ có giá rẻ trong thời gian dài hơn. Ông Siluanov cho biết thâm hụt ngân sách nhà nước vào khoảng 2,6% GDP trong năm 2015 và ông sẽ xem xét lại ngân sách vì giá dầu thấp.
Video đang HOT
Ngân sách Nga cân bằng khi giá dầu là 82 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức cận 30 USD/thùng mà dầu Brent và WTI chạm đến trong những ngày vừa qua. Để chống đỡ tình hình này, ông Siluanov cho hay sẽ đề xuất cắt giảm 10% chi tiêu ngân sách.
Nga không phải là nước duy nhất hiện tìm cách giảm thiểu tác động của giá “vàng đen” lên ngân sách. Sáu quốc gia sản xuất dầu mỏ vùng Vịnh (Ả Rập Xê Út, Kuwait, Bahrain, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) đang có kế hoạch lần đầu tiên áp dụng thuế giá trị gia tăng.
Khi giá dầu sắp rơi xuống mốc tâm lý quan trọng 30 USD/thùng hôm 12.1, có thông tin cho hay Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ tổ chức họp khẩn vì một số thành viên yêu cầu thay đổi chiến lược. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – thành viên OPEC – bác bỏ thông tin trên và cho biết sẽ không có sự thay đổi nào về sản lượng dầu kỷ lục của OPEC.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Giá dầu thấp 'đánh cắp' lễ Giáng sinh Nga như thế nào?
Giá dầu chạm đáy 12 năm giữa dịp năm mới và lễ Giáng sinh Chính Thống giáo Đông phương của Nga. Nhiều người dân nước này trở lại từ kỳ nghỉ của họ chỉ để nhận ra rằng cuộc sống sắp bắt đầu khó khăn hơn.
Ảnh: AFP
Bất ổn trong thị trường chứng khoán và giá trị nhân dân tệ của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường thế giới trong 10 ngày nghỉ lễ hội ở Nga, đẩy giá dầu thô Brent xuống còn khoảng 32 USD/thùng từ mức 45 USD/thùng vào đầu tháng 12.2015. Mức giá mới không còn cách xa nhiều với dự báo 20 USD/thùng của ngân hàng Goldman Sachs.
Giá dầu lao dốc từ mức 100 USD/thùng kể từ giữa năm 2014 đã đẩy Nga, quốc gia có 1/2 nguồn thu ngân sách và 40% xuất khẩu phụ thuộc vào năng lượng, gặp nhiều khó khăn. Đợt lao dốc mới nhất của giá dầu gia tăng các vấn đề mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối mặt trước cuộc bầu cử năm 2018.
Do lượng giao dịch mỏng trong kỳ nghỉ, đồng rúp Nga (RUB) chỉ giảm 2% trong tuần trước, nhưng mức 75 RUB ngang giá 1 USD giờ đây cũng không quá xa so với mức thấp kỷ lục 80,1 RUB ngang giá 1 USD được lập ra cách đây 13 tháng. Khi đó, Nga đã bảo vệ nội tệ bằng cách tăng lãi suất thêm 500 điểm cơ bản trong đêm.
Nếu RUB tiếp tục lao dốc trong những tuần tới, động thái như trên có thể sẽ lặp lại. Nếu điều này xảy ra, lạm phát sẽ gia tăng và đất nước sẽ lún sâu thêm vào tình hình suy thoái mà chính phủ vừa dự báo kết thúc trong năm nay.
Chuyên gia Christopher Granville tại hãng tư vấn đầu tư Trusted Sources cho hay đối với Tổng thống Nga Putin, hơn 100 tỉ USD mà Nga có trong hai quỹ dành cho những trường hợp khẩn cấp là "các chính sách bảo hiểm cuối cùng để điều hướng cuộc bầu cử".
Ông Granville ghi nhận thâm hụt ngân sách dự kiến trong năm nay vào khoảng 3% so với sản lượng kinh tế hằng năm, nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng. Nếu giá dầu ở mức 30 USD/thùng, thâm hụt ngân sách có thể leo đến con số 5% hoặc hơn.
Khi trường hợp này xảy ra, ông Putin có thể sẽ phải mạo hiểm với lá phiếu bầu của cử tri bằng cách tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, khiến nền kinh tế trượt sâu vào suy thoái. Nếu không làm như trên, ông có thể phải lấy nhiều hơn từ các quỹ đang nhanh chóng sụt giảm.
Vay tiền trên thị trường trái phiếu quốc tế hoặc tư nhân cũng là một cách, song không hẳn là phương án hấp dẫn trong bối cảnh giá cổ phiếu thấp và chi phí cho vay cao. Nhà đầu tư ít bị hấp dẫn bởi nước Nga vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Hai quỹ đầu tư quốc gia Nga đang cạn dần. Hồi đầu tháng 12.2015, hai quỹ này còn 130 tỉ USD, giảm từ mức khoảng 180 tỉ USD vào giữa năm 2014. Chính phủ cũng cần hàng nghìn tỉ RUB, con số chiếm khoảng 1,2% GDP đất nước, để giải cứu ngân hàng nhà nước Vnesheconombank (VEB).
"Các quỹ trên hiện có giá trị khoảng 6,5% GDP và có cơ sở để nói rằng họ sẽ cạn tiền mặt vào giữa năm tới, trừ khi giá dầu đi lên. Nhưng để bù vào các quỹ này cho đến khi cuộc bầu cử diễn ra cũng đồng nghĩa với việc thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu ngay bây giờ. Thời gian ngắn cần có những biện pháp liều lĩnh", ông Granville nói.
Nhiều người Nga trở lại từ kỳ nghỉ của họ chỉ để nhận ra rằng cuộc sống sắp bắt đầu khó khăn hơn, theo Reuters. Lương bổng cho công chức sẽ tiếp tục ảm đạm trong năm thứ ba, lương hưu sẽ tăng ít hơn lạm phát, hàng hóa và kỳ nghỉ ở nước ngoài sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Khó khăn trong mức sống người dân Nga gặp phải hiện tại tương tự như thời khủng hoảng tài chính trước đây vào năm 1998, khi chính phủ nước này vỡ nợ và RUB mất ba phần tư giá trị.
"Đây như là cuộc khủng hoảng năm 1998 trở lại. Tiền lương bằng đồng đô la Mỹ của tôi đã giảm một nửa. Bây giờ tôi kiếm được ít tiền hơn so với hồi năm 1997", Yelena, một nhà báo ở Moscow cho hay.
Lãi suất kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm và chính phủ dự báo tăng trưởng kinh tế 0,7% trong năm nay và 1,9% trong năm sau. Chuyên gia David Hauner ở ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America, người đã và đang lạc quan về trái phiếu Nga cho hay các kịch bản trên khó thành hiện thực nếu giá dầu không phục hồi.
Song thị trường dầu mỏ đang đối mặt với khả năng giảm giá lớn thêm, một phần do lo ngại nền kinh tế Trung Quốc đang trong trạng thái tệ hơn được dự báo. Chuyên gia Manik Narain thuộc ngân hàng UBS là một trong nhiều nhà phân tích xem xét lại dự báo về kinh tế Nga. Ông cho rằng đồng rúp trung bình ở mức 75 RUB ngang giá 1 USD trong năm nay. Narain cho hay giá dầu càng xuống thấp, càng khó dự báo kết quả cho RUB và nền kinh tế Nga.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Ả Rập Xê Út đang 'giết chết' kinh tế Nga bằng cuộc chiến giá dầu Một năm trước, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali Naimi tuyên bố ông không quan tâm những gì xảy ra với Nga, nếu các nước sản xuất dầu thô không hợp tác với OPEC để giữ giá cả. Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters "Chúng tôi muốn nói với thế giới rằng những nước sản xuất dầu thô...