Nga né trừng phạt của phương Tây thế nào qua ‘thị trường xám’
Thông qua “ thị trường xám” người Nga vẫn được tiếp cận những mặt hàng như iPhone hay váy Zara ngay cả khi các nhà sản xuất phương Tây đã rời khỏi Nga từ lâu. Nhưng những hàng nhập khẩu song song này liệu có hợp pháp?
Nhà bán lẻ Apple tại Nga, re:Store có thể tiếp tục nhập những mẫu iPhone mới nhất nhờ nhập khẩu song song, hay giao dịch “thị trường xám”. Ảnh: DW
Theo trang DW (Đức), Nga đã nhập khẩu hàng hóa mà không có sự đồng ý của các nhà sản xuất phương Tây trong nhiều tháng qua. Đó là một phần của kế hoạch nhằm giúp nước này vượt qua các hạn chế về nguồn cung do các quốc gia và công ty phương Tây đưa ra để đáp trả cuộc xung đột tại Ukraine.
Ông Denis Manturov, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công thương Nga, cho biết nhập khẩu song song, hay giao dịch trên “ chợ xám”, vào Nga có tổng trị giá 6 tỷ USD (5,9 tỷ euro) từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua.
Nga đã khởi động kế hoạch nhập khẩu song song, bao gồm các mặt hàng từ phụ tùng ô tô đến máy chơi game, vào tháng 5 khi nhập khẩu sụt giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây và nhiều công ty nước ngoài rời Nga để tránh bất kỳ thiệt hại tiềm tàng nào về danh tiếng.
“Rõ ràng là Nga có các thủ tục để cố gắng có được nhiều mặt hàng nhập khẩu quan trọng mà họ cần để duy trì nền kinh tế và duy trì cuộc xung đột”, ông Timothy Ash, chiến lược lược gia thị trường từ BlueBay Asset Management, nói với DW. “Câu hỏi và thách thức sẽ là phương Tây sẽ làm gì để tìm cách thắt chặt chế độ trừng phạt nhằm ngăn điều đó xảy ra.”
Nhập khẩu song song là gì?
Nhập khẩu song song để chỉ hàng hóa chính hãng được nhập khẩu vào thị trường mà không được sự đồng ý của nhà sản xuất cho địa bàn đó. Ví dụ: nếu một chiếc quần jean Levi’s được sản xuất, đóng gói và định giá cho thị trường Ấn Độ được một người nhập khẩu để bán ở Đức bên ngoài các kênh phân phối chính thức của nhà sản xuất quần áo đó thì đó là nhập khẩu song song.
Những mặt hàng nhập khẩu như vậy được coi là giao dịch trên “thị trường xám” vì chúng được bán bởi các đại lý trái phép. Do chủ sở hữu thương hiệu không có quyền kiểm soát việc phân phối những hàng hóa này, nên chúng không nằm trong kế hoạch bảo hành của họ.
Nhiều công ty phương Tây, trong đó có Ikea đã rút khỏi Nga. Ảnh: Getty Images
Nga đang làm gì?
Vào tháng 5, Nga đã công bố danh sách các hàng hóa phương Tây đủ điều kiện được nhập khẩu theo cơ chế nhập khẩu song song. Danh sách bao gồm các mặt hàng nhập khẩu quan trọng như tàu chiến, phụ tùng thay thế cần thiết cho ngành đường sắt, linh kiện ô tô cũng như hàng tiêu dùng như đồ điện tử, thiết bị gia dụng, quần áo, giày dép và mỹ phẩm – những mặt hàng mà Moskva cho biết các nhà sản xuất phương Tây “từ chối cung cấp trực tiếp”.
Video đang HOT
Một số thương hiệu trong danh sách này là Mercedes-Benz, Volkswagen, Continental, Ferrari, Apple, Samsung, Microsoft, Siemens, Duracell, Canon và PlayStation….
Kế hoạch của Nga đã cung cấp cho các nhà nhập khẩu sự bảo vệ tránh những vụ kiện tụng dân sự khi bỏ qua các kênh phân phối chính thức. Phần lớn hàng nhập khẩu song song vào Nga đến từ các nước hậu Xô Viết như Kazakhstan, Armenia và Belarus.
Giao dịch trên “thị trường xám” có hợp pháp không?
Nhập khẩu song song thường không bất hợp pháp. Chúng là những sản phẩm nguyên bản, đã được cấp phép, chỉ có được thông qua các kênh phân phối song song, thường đắt hơn.
Tài liệu của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới cho biết: “Nếu các sản phẩm được bán hoặc nhập khẩu bởi các bên thứ ba thuộc phạm vi bằng sáng chế, nhãn hiệu hoặc bản quyền có hiệu lực ở quốc gia cụ thể này, việc bán hoặc nhập khẩu như vậy của các bên thứ ba nhìn chung bị coi là vi phạm”.
Theo hãng tin Interfax, kế hoạch của Nga liên quan đến nguyên tắc quốc tế về hết bản quyền, cho phép một công ty Nga nhập khẩu sản phẩm mà không cần sự đồng ý của nhà sản xuất ngay khi bắt đầu bán ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Điều này có nghĩa là khi Apple, công ty nằm trong danh sách nhập khẩu song song của Nga, bắt đầu bán iPhone 14 vào cuối năm nay, các đại lý bán lại của Nga như re: Store sẽ có thể nhập chúng để bán bất chấp người khổng lồ công nghệ Mỹ đã rút khỏi thị trường Nga từ vài tháng trước.
Nhập khẩu song song hỗ trợ nền kinh tế Nga như thế nào?
Kế hoạch của Nga nhằm đảm bảo sự sẵn có ở trong nước của các mặt hàng nhập khẩu quan trọng, vốn đã giảm mạnh sau khi các công ty phương Tây rời đi.
Nhiều thương hiệu xa xỉ, như Bvlgary đã rút khỏi Nga.
Moskva dự kiến nhập khẩu song song sẽ đạt 16 tỷ USD trong năm nay, con số chỉ tương đương 4% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2021. Trong khi đó, tổng nhập khẩu vào Nga dự kiến sẽ giảm tới 1/3 trong năm nay.
“Vấn đề lớn nhất đối với Tổng thống Putin là sẽ xây dựng lại quân đội Nga, quân đội đã bị phá hủy hàng loạt về trang thiết bị ở Ukraine. Nếu việc sản xuất ô tô ở Nga bị đình trệ vì họ không thể có được các linh kiện điện tử, thì hãy tưởng tượng nỗ lực phục hồi một xe tăng, hay sản xuất xe tăng hoặc một chiếc máy bay”, chuyên gia Ash nói.
Các chuyên gia nói rằng các mặt hàng tiêu dùng và xa xỉ khác nhau trong danh sách nhập khẩu song song nhằm đảm bảo người Nga tiếp tục cuộc sống hàng ngày của họ mà không bị gián đoạn nhiều khi đối mặt các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Phương Tây có thể làm gì để hạn chế nhập khẩu song song vào Nga?
Vì Nga đang áp dụng quy tắc hết bản quyền quốc tế, các công ty phương Tây có thể không làm được gì nhiều để ngăn chặn việc nhập khẩu song song hàng hóa của họ.
Chuyên gia Ash nói rằng các chính phủ phương Tây có thể khuyến khích các quốc gia và công ty không giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt hoặc thậm chí đe dọa họ bằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Ông Ash nói: “Nga càng nói với chúng ta về điều này, họ càng công khai về nó, thì phương Tây càng có xu hướng thắt chặt các biện pháp trừng phạt để ngăn điều đó xảy ra”.
Nỗ lực cô lập Nga tại Liên hợp quốc giảm dần sau 6 tháng xung đột ở Ukraine
Các nhà ngoại giao phương Tây phải đối mặt khó khăn khi tìm cách duy trì quyết tâm quốc tế nhằm cô lập Nga về mặt ngoại giao.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp về vấn đề duy trì hòa bình và an ninh ở Ukraine tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 29/7. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters ngày 17/8, vào một tối tháng 6, tại địa điểm của phái bộ Nga tại Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), hàng chục đại sứ Liên hợp quốc từ châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Á đã tham dự tiệc chiêu đãi để kỷ niệm ngày quốc khánh Nga, chưa đầy 4 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Đại sứ Liên hợp quốc Nga Vassily Nebenzia nói với đại diện các nước tham dự tiệc chiêu đãi: "Chúng tôi cảm ơn tất cả các bạn vì đã ủng hộ và có quan điểm phản đối cuộc chiến chống Nga". Trước đó, ông đã cáo buộc các quốc gia mà ông không nêu tên là đang cố gắng tẩy chay Nga và nền văn hóa của nước này.
Đám đông các đại sứ tham dự tiệc chiêu đãi đã cho thấy những khó khăn mà các nhà ngoại giao phương Tây phải đối mặt khi tìm cách duy trì quyết tâm quốc tế nhằm cô lập Nga về mặt ngoại giao.
Các nhà ngoại giao phương Tây thừa nhận rằng ngoài các cuộc họp ra thì họ bị hạn chế và không biết làm cách nào khác để nhằm vào Nga. Ông Richard Gowan, Giám đốc Tổ chức Ngăn ngừa Khủng hoảng Quốc tế cho biết: "Khi xung đột ở Ukraine kéo dài, tìm ra những cách hiệu quả để trừng phạt Nga càng trở nên khó khăn hơn".
Trong một số trường hợp, các nước phương Tây đang né tránh thực hiện một số động thái cụ thể, lo sợ không thu hút được các nước ủng hộ. Tỷ lệ phiếu trắng gia tăng trong một số cuộc bỏ phiếu cho thấy ngày càng có nhiều người không muốn công khai chống Nga.
Theo các nhà ngoại giao, Liên minh châu Âu (EU) đã cân nhắc một kế hoạch vào tháng 6 để bổ nhiệm một chuyên gia của Liên hợp quốc nhằm điều tra các vi phạm nhân quyền ở Nga, nhưng EU đã gác lại ý tưởng này vì lo ngại gần một nửa Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên của Liên hợp quốc ở Geneva có thể phản đối.
Ông Olaf Wientzek, Giám đốc văn phòng tại Geneva của Tổ chức Konrad Adenauer (Đức), cho biết: "Các quốc gia đang đặt câu hỏi: Liệu có thực sự khôn ngoan khi nằm trong số những quốc gia phản đối Nga?".
Phái đoàn của Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva cho biết các nước phương Tây biết quá rõ rằng không thể cô lập Nga vì Nga là một cường quốc toàn cầu.
Tại cuộc bỏ phiếu kín ở Geneva để chọn quốc phục đẹp nhất tại một buổi chiêu đãi vào tháng 6, một nhà ngoại giao Nga đã chiến thắng và bà đã được tặng một hộp sôcôla. Phái đoàn Ukraine đã bỏ ra ngoài.
Với tư cách là nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên, Nga có thể tự bảo vệ mình khỏi các động thái quan trọng như các biện pháp trừng phạt, nhưng họ cũng đã vận động để giảm bớt tỷ lệ ủng hộ đối với các động thái ngoại giao của phương Tây ở những nơi khác.
Trước cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên vào tháng 4 nhằm đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền, Nga đã cảnh báo các nước rằng bỏ phiếu đồng ý hoặc bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là không thân thiện và sẽ có hậu quả đối với quan hệ song phương với Nga.
Cuộc bỏ phiếu nói trên do Mỹ dẫn đầu đã thu được 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hồi tháng 7, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết 17 quốc gia châu Phi đã bỏ phiếu trắng và cho rằng Mỹ phải chú ý đến điều này.
Trong vòng một tuần sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine ngày 24/2, gần 3/4 Đại hội đồng đã bỏ phiếu khiển trách Nga và yêu cầu nước này rút quân. Ba tuần sau, Đại hội đồng lại tiếp tục chỉ trích Nga đã tạo ra tình huống nhân đạo nghiêm trọng.
Một quan chức ngoại giao cấp cao châu Á nói rằng tinh thần ủng hộ hành động cô lập Nga sẽ suy yếu, vì các nghị quyết hồi tháng 3 đã ở mức cao và không ai muốn hành động thêm trừ khi Nga vượt qua lằn ranh đỏ.
Một số nhà ngoại giao cho rằng những lằn ranh đỏ như vậy có thể là tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc hóa học, dân thường thiệt mạng hàng loạt hoặc sáp nhập lãnh thổ Ukraine.
Các nước phương Tây đã thành công khi tập trung vào các cuộc bầu cử tại các cơ quan Liên hợp quốc. Lần đầu tiên kể từ khi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF được thành lập vào năm 1946, Nga đã không được bầu lại vào hội đồng quản trị vào tháng 4 và không giữ được ghế tại các cơ quan khác.
Nhưng tại Tổ chức Y tế Thế giới vào tháng 5, khoảng 30 nước mà có một nửa nằm ở châu Phi đã không tham gia bỏ phiếu về nghị quyết liên quan Ukraine.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của châu Phi nói: "Điều khó hiểu nhất đối với chúng tôi là người ta đang kéo dài vô thời hạn một cuộc xung đột như thế này".
Ukraine đã kêu gọi trục xuất Nga khỏi Liên hợp quốc. Nhưng việc thực hiện động thái chưa từng có này cần phải có khuyến nghị của Hội đồng Bảo an và điều này có thể bị Nga ngăn chặn, sau đó cần có một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng.
Ba Lan tiết lộ kế hoạch của EU về cấm cấp thị thực cho người Nga Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Piotr Wawrzyk nói với hãng thông tấn PAP hôm 14/8 rằng Ba Lan đang phát triển dự thảo đề xuất cho phép Liên minh châu Âu (EU) ngừng cấp thị thực cho du khách Nga. Ảnh minh họa: Getty Images Theo đài RT (Nga), ông Wawrzyk cho biết quyết định về vấn đề này sẽ được đưa...