Nga nắm “chìa khóa vạn năng” cứu Mỹ khỏi mất mặt tại Syria
Mỹ cần tìm một cái cớ để không “bị mất mặt” khi rút quân khỏi Syria và Nga sẽ là nhân tố quan trọng giúp Mỹ thực hiện kế hoạch này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn rút quân khỏi Syria. Ảnh: Reuters
Lợi ích và cái giá phải trả
Rút quân ra khỏi Syria là một trong những kế hoạch ấp ủ bấy lâu nay của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, để thực hiện được kế hoạch này không phải là điều dễ dàng.
Việc rút quân ra khỏi Syria sẽ mang lại cho Mỹ 3 lợi ích to lớn. Trước hết, Mỹ có thể điều động lực lượng quân đội trở về từ Syria để thực hiện sứ mệnh tại các nơi khác, vừa tiết kiệm nhân lực lại vừa tiết kiệm vật lực. Trang tin Quốc phòng Real Clear cho biết, mặc dù Mỹ duy trì một lực lượng tương đối nhỏ ở Syria, chỉ khoảng 2.000 binh sỹ nhưng hầu hết trong số này đều đến từ các đơn vị tác chiến đặc biệt của Mỹ, có kinh nghiệm và kỹ năng chiến đấu thành thục. Vì thế họ có thể hoạt động tốt tại những địa bàn khác như Afghanistan.
Tiếp đến, nếu kế hoạch nêu trên được thực thi, quan hệ giữa Nga và Mỹ chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể. Moscow từng nhiều lần cho rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria là bất hợp pháp và yêu cầu Mỹ rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này. Trang tin Real Clear dẫn lời chuyên gia phân tích Stratfor cho biết, trong bối cảnh Mỹ đang xem xét lại quan hệ với Moscow, Nhà Trắng cần phải nhận ra rằng cải thiện quan hệ song phương là điều cần thiết để tạo ra sự hợp tác to lớn và thiết thực hơn trong nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên và kiểm soát vũ khí. Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ được coi là bước đi đầu tiên gây dựng lại sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước.
Lợi ích thứ 3 và là quan trọng nhất, đó là Mỹ sẽ giữ chân được Thổ Nhĩ Kỳ – một trong những đồng minh chủ chốt của họ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bấy lâu nay vấp phải nhiều sóng gió với căn nguyên sâu xa là vấn đề người Kurd. Mỹ hỗ trợ và chuyển giao vũ khí cho Các đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) – thành phần chủ chốt trong Lực lượng dân chủ Syria (SDF) đối lập. Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay luôn coi YPG là tổ chức khủng bố, trong khi Mỹ lại coi đó là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.
Video đang HOT
Một khi quân đội Mỹ không còn hiện diện trên đất nước Syria, thì chắc chắc sự hỗ trợ của Mỹ đối với lực lượng người Kurd sẽ bị giảm đáng kể, để ngỏ cho Thổ Nhĩ Kỳ một con đường thực thi những biện pháp quân sự rắn tay hơn nhằm đánh bại lực lượng này. Do tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chiến lược an ninh của Mỹ ở Trung Đông và Châu Âu, việc phá bỏ tảng băng trong quan hệ song phương là điều cần thiết.
Song song với những lợi ích nêu trên, Mỹ cũng sẽ phải gánh chịu những tổn thất không hề nhỏ khi rút quân khỏi chiến trường Syria. Trong đó có việc để mất ảnh hưởng tại Trung Đông vào tay Nga hoặc Iran, gây mất uy tín đối với các đồng minh trong khu vực – những quốc gia đã đầu tư rất nhiều cho sự hiện diện của Mỹ tại Syria và hưởng ứng các chiến dịch quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, xét về lâu về dài, kế hoạch này sẽ có lợi nhiều hơn cho nước Mỹ và giúp nước này tránh bị sa lầy trên chiến trường Syria. Một bài học kinh nghiệm đáng nhớ mà Mỹ rút ra được từ cuộc chiến tại Iraq hay Afghanistan.
Mỹ cần “chìa khóa vạn năng” của Nga
Đánh giá về kết quả chính sách Trung Đông của Mỹ trong 4 thập kỷ qua, hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên gia phân tích quân sự của Syria, ông Ghassan Kadi đã chỉ ra thất bại trong chính sách của Mỹ. Theo ông Kadi, sự hiện diện của Mỹ tại Syria đang làm phức tạp thêm tình hình, không chỉ bởi Mỹ không biết làm gì tiếp theo mà còn bởi Mỹ chưa biết sẽ đàm phán với bên nào để tìm ra một lối thoát tại Syria có thể giúp Mỹ giữ thể diện. Ông nhấn mạnh, điều Mỹ cần hiện nay là một cái cớ chính đáng để rút quân khỏi Syria trong “danh dự”.
“Nếu Mỹ không tự nguyện rút khỏi Syria thì sớm muộn gì nước này cũng phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt từ các lực lượng chính phủ Syria hoặc một cuộc chiến tranh du kích”. Theo ông, trong trường hợp Mỹ muốn rút quân khỏi Syria, Nga sẽ là nhân tố cần thiết giúp Mỹ thực hiện kế hoạch đề ra.
Ông nhận xét: “Nga không chỉ có sự hiện diện quân sự hợp pháp tại Syria mà còn giành chiến thắng trong cuộc chiến chống IS. Nga cũng là quốc gia duy nhất có thể đưa ra các điều khoản đàm phán với Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Mỹ. Trừ khi tất cả các bên đều muốn chiến tranh hoặc sự hủy diệt, còn không họ sẽ vẫn phải nghe tiếng nói của Nga”.
Nhà phân tích này nhấn mạnh: “Mỹ đã tự đưa mình vào tình huống trớ trêu, từ đưa quân vào Syria một cách vô cớ đến việc muốn rút quân khỏi Syria. Và chỉ có các nỗ lực ngoại giao của Nga mới có thể cứu được Mỹ thoát khỏi “bàn thua” này./.
Theo Hồng Anh
VOV.vn
Hơn 1.000 phiến quân IS quỳ gối xin hàng
Hơn 1.000 tay súng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nộp mình xin hàng hồi tuần trước sau khi bị lực lượng của Iraq đánh bật khỏi thành trì Hawija, New York Times cho biết.
Phiến quân IS bị giam giữ sau khi đầu hàng. (Ảnh: NYTimes)
Lực lượng quân đội của Iraq hôm 5/10 đã giành "thắng lợi chớp nhoáng và mang tính quyết định" nhằm đánh bật IS khỏi thành trì Hawijah. New York Times dẫn thông cáo Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ cho biết: "Cuộc chiến này vô cùng quyết liệt, chiến dịch giải phóng thành phố Hawijah chỉ mất 14 ngày, nhiều nguồn tin xác nhận hơn 1.000 phiến quân đã đầu hàng".
Lực lượng người Kurd cho rằng, sẽ có thêm hàng trăm tay súng nữa của IS ra đầu hàng.
Đây không phải lần đầu tiên các tay súng IS đầu hàng, song sự kiện này đáng chú ý bởi con số đầu hàng lớn.
Phiến quân IS đầu hàng lực lượng quân đội Iraq. (Ảnh: Reuters)
Nguồn tin tình báo của người Kurd nói rằng, cuộc chiến ở Hawijah thực tế chỉ kéo dài 3 ngày. Lực lượng IS ở đây gần như không thể kháng cự, chúng và gia đình phải tháo chạy khỏi chiến trường này, trong đó nhiều tên đã ra đầu hàng.
Nhiều tay súng ra đầu hàng tự xưng là đầu bếp hoặc là nhân viên hành chính phục vụ cho bộ máy của IS. Một số nói rằng quyết định rời đi vì được yêu cầu ra đầu hàng, trong khi số khác nói rằng không được trả lương hay sống một cuộc sống đủ đầy như được hứa hẹn khi gia nhập IS.
Hawija là căn cứ cuối cùng của IS ở miền bắc Iraq. IS đã chiếm khu vực này từ năm 2014.
Căn cứ tại Hawija được coi là trung tâm chỉ huy đầu não của IS ở miền bắc Iraq, từ đây, các thủ lĩnh IS quan sát và chỉ đạo các đợt tiến công của chúng ở phía đông và phía tây sông Tigris.
Minh Phương
Theo NYTimes
Thủ đô Syria hoang tàn sau 7 năm chìm trong bom đạn Những tay súng phiến quân cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) rời đi cũng là lúc thủ đô Damascus của Syria đối mặt với bài toán tái thiết khi cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề sau 7 năm chiến tranh. Quân đội Syria đã giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus lần đầu tiên...