Nga, Mỹ quyết không đội trời chung?
Mỹ mới đây có hành động được xem là “sự tuyên chiến” với với Nga. Bước đi này của siêu cường số 1 thế giới đã đẩy mối quan hệ Nga-Mỹ vốn đã căng thẳng lại càng thêm căng thẳng.
Moscow tin rằng, Washington đang quyết đối đầu với họ và vì thế mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh thực sự đáng lo ngại. Phải chăng Nga và Mỹ đã “ghét” nhau đến mức “không thể đội trời chung”?
Nga không ngại đối đầu với Mỹ
Hôm 1/7, Mỹ đã công bố một bản chiến lược quân sự mới, trong đó công khai miêu tả Nga và Trung Quốc là các lực lượng hiếu chiến có khả năng đe dọa đến những lợi ích an ninh của Mỹ. Tướng Martin Dempsey – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ còn tin rằng, có khả năng Mỹ sẽ rơi vào chiến tranh với một cường quốc lớn, ám chỉ đến Nga hoặc Trung Quốc.
Bản chiến lược của Mỹ đã nhanh chóng vấp phải phản ứng của Nga. Moscow lên án chiến lược quân sự mới của Mỹ là “mang tính đối đầu”, nói rằng điều đó sẽ chỉ đẩy lùi mọi nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ.
Khi được đề nghị bình luận về chiến lược quân sự mới của Mỹ, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã bày tỏ sự lấy làm tiếc. “Việc sử dụng những lời lẽ, ngôn ngữ như vậy trong bản chiến lược đó theo chúng tôi là sự thể hiện của một thái độ đối đầu rõ ràng và hoàn toàn không có bất kỳ sự khách quan nào đối với đất nước chúng tôi”.
“Tất nhiên, điều này sẽ chẳng đóng góp gì được cho các nỗ lực nhằm lái mối quan hệ song phương giữa hai nước đi theo hướng bình thường hóa”, ông Peskov nói thêm đồng thời kêu gọi mối quan hệ hợp tác hơn nữa giữa Nga và Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.
Video đang HOT
Mối quan hệ giữa Moscow với phương Tây đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, chủ yếu là bởi vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Khi được hỏi về việc sẽ nói gì về Mỹ khi Nga đưa ra một bản chiến lược an ninh mới của riêng mình, ông Peskov thẳng thắn cho biết: “Tất nhiên, tất cả các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga sẽ được liệt kê ra đồng thời chúng tôi cũng sẽ vạch ra và phê chuẩn những biện pháp đáp trả”.
Thư ký của Tổng thống Putin – ông Peskov tin rằng, những cách thức được sử dụng trong học thuyết quân sự mới của Mỹ là bằng chứng cho thấy ý định duy trì sự đối đầu lâu dài của nước này với Nga và vì thế Moscow sẽ đưa ra những biện pháp đối phó, đáp trả trong bản chiến lược của riêng mình.
Phát ngôn viên Peskov từ chối không cho biết cụ thể những biện pháp đáp trả mà Nga sẽ đưa ra trong học thuyết quốc phòng mới là gì. Tuy nhiên, theo lời ông Peskov, tất cả mọi mối đe dọa có thể đối với nước Nga đều được đưa ra xem xét và những biện pháp đối phó, đáp trả đối với mỗi mối đe dọa đó đều được vạch ra cụ thể trong bản tài liệu mà giới chức Nga đang tích cực xây dựng này.
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận ở Nga được tiến hành hồi giữa tháng 5, có đến 59% người dân Nga tin rằng, Mỹ là mối đe dọa lớn đối với nước họ. Con số này tăng từ mức 47% của năm 2007. Số người Nga không xem mối đe dọa đối với nước họ đến từ Mỹ là ở mức khoảng 32%, thấp hơn nhiều so với con số 42% của năm 2007. Có 31% người Nga cho biết, họ lo ngại viễn cảnh về một cuộc xâm lược của Mỹ vào lãnh thổ Nga nhưng chỉ có 5% nghĩ Mỹ có thể đánh bại được Nga trong một cuộc chiến tranh toàn diện.
Hồi tháng 9 năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho giới chức quân sự và nhà nước cấp cao của mình phát triển một học thuyết quân sự sửa đổi theo hướng thích ứng với nền chính trị toàn cầu đang thay đổi cũng như những thách thức quân sự hiện đại mới như cái gọi là cuộc Cách mạng Mùa Xuân Ả-rập, cuộc nội chiến ở Syria và cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine.
Tiếp đó, vào cuối năm ngoái, các nguồn tin gần gũi với những cơ quan tham gia vào học thuyết quân sự mới của Nga đã tiết lộ với cánh phóng viên rằng, học thuyết mới sẽ không đề cập đến khả năng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhưng một cuộc tấn công như vậy có thể xảy ra nếu chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga bị đe dọa.
Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Mỹ cùng với các đồng minh của mình ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, gây ra cuộc nội chiến đẫm máu ở miền đông nước này. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, Mỹ vẫn dẫn dắt các đồng minh tham gia vào một chiến dịch chống Nga mạnh mẽ trên mọi “mặt trận”, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế đến quân sự.
Mặc dù đối đầu quyết liệt và không nhượng bộ trong vấn đề Ukraine nhưng điều đó không có nghĩa là Nga và Mỹ không muốn “đội trời chung” với nhau bởi trên thực tế hai nước này vẫn cần nhau. Hai cường quốc hàng đầu thế giới hiện đang có sự hợp tác tốt đẹp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Đây là điều được chính giới chức Mỹ thừa nhận. Giới phân tích tin rằng, dù còn quá nhiều bất đồng sâu sắc, Mỹ vẫn rất cần Nga trong việc xử lý một loạt cuộc khủng hoảng cũng như thách thức toàn cầu.
Kiệt Linh
Theo_VnMedia
Thế giới đối mặt với nguy cơ xung đột vũ trang quy mô lớn
Giới quan sát cho rằng, trong tương lai, các cuộc xung đột vũ trang sẽ xảy ra nhanh hơn với năng lực quân sự ngày càng hiện đại và quy mô.
Cuộc khủng hoảng Ukraine, tranh chấp lãnh thổ trên các vùng biển châu Á đang đẩy thế giới đến trước nguy cơ xung đột vũ trang quy mô lớn gần hơn bao giờ hết kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Thực tế này được phản ánh qua quan điểm chiến lược quân sự quốc gia vừa được công bố của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong Chiến lược quân sự quốc gia 2015 được Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey công bố hôm 1/7, Mỹ công khai cảnh báo về một cuộc chiến với một cường quốc khác, mặc dù khả năng thấp nhưng ngày càng rõ và hậu quả của nó sẽ cực kỳ nghiêm trọng.
Lực lượng vũ trang Ukraine đang chuẩn bị vũ khí ở phái bắc Donetsk, Ukraine (ảnh: Reuters)
Theo tướng Dempsey, môi trường an ninh toàn cầu hiện nay là khó dự đoán nhất trong bối cảnh vị thế toàn cầu của Mỹ đang bị đe dọa. Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ tuyên bố các hành động quân sự của Nga đang trực tiếp làm suy yếu an ninh khu vực. Đây cũng là điểm mới khi trước đó, trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2011 chỉ nhắc rất ít về Nga.
Chiến lược quân sự quốc gia mới của Mỹ được công bố chỉ vài ngày sau thông báo nước này sẽ triển khai nhiều xe tăng, xe thiết giáp và khí tài quân sự tại các nước Đông Âu giáp với Nga nhằm tăng cường sức mạnh cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Liên quan đến động thái này, Bộ trưởng Quốc phòng Sven Mikser cho rằng: "Chúng tôi có lý do để tin rằng Nga đang sử dụng khu vực Baltic như là một trong những khu vực nhạy cảm nhất của NATO, khu vực mà các biện pháp và cam kết của NATO với các đồng minh có thể được thử nghiệm".
Trong khi đó, Mỹ cũng cho rằng tại châu Á, các hành động bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng khu vực. Không chỉ Mỹ, ngay trong báo cáo thường niên công bố hôm nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại về các hành động trên biển của Trung Quốc thời gian qua.
Theo Nhật Bản, các hành động này của Trung Quốc là nhằm thực hiện các tuyên bố đơn phương không nhượng bộ và làm dấy lên quan ngại về các hành động tương lai. Trước đó, Bắc Kinh thẳng thừng tuyên bố nguyên nhân các vấn đề giữa hai nước xuất phát từ việc nhiều người Nhật Bản không thừa nhận sự phát triển của Trung Quốc như một cường quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng: "Sự phát triển của Trung Quốc đã mang lại cho Nhật Bản nhiều lợi ích to lớn. Nhưng về mặt tinh thần, tôi không nghĩ rằng phía Nhật Bản chuẩn bị đầy đủ cho việc này. Tôi nghĩ rằng đây chính là nguyên nhân sâu xa của nhiều bất đồng hiện nay giữa hai nước".
Trong động thái mới nhất, Trung Quốc hôm qua thông qua Luật an ninh quốc gia mới. Theo giới phân tích, với bộ luật mới này, quân đội Trung Quốc sẽ được phép mở rộng sự hiện diện của mình ngoài biển khơi. Bên cạnh điều khoản nhấn mạnh Trung Quốc sẽ bảo vệ nguồn tài nguyên chiến lược, nguồn dự trữ năng lượng cũng như các tuyến đường vận chuyển trên biển và trên đất liền để bảo vệ sự phát triển kinh tế, xã hội, bộ luật trên cũng được cho là cần thiết để nước này tuyên bố chiến tranh với quốc gia khác.
Giới quan sát cho rằng, trong tương lai, các cuộc xung đột sẽ xảy ra nhanh hơn với năng lực quân sự ngày càng hiện đại và quy mô. Thực tế hiện nay cho thấy những thách thức đang ngày càng gia tăng và biến động khó lường, chính vì thế nguy cơ đối mặt với xung đột vũ trang quy mô lớn của thế giới đang ngày càng hiện hữu và trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết./.
Vũ Hợp Tổng hợp
Theo_VOV
Quyết đối đầu với Nga, Mỹ đã xác định sai đối thủ? Một học giả Mỹ đã phê phán chính sách ngoại giao thiếu đường lối chiến lược của Mỹ dẫn đến sa lầy trong các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Mỹ sai lầm khi buông lỏng tham vọng Trung Quốc? Chuyên viên nghiên cứu về các vấn đề hòa bình và an ninh, Giáo sư Michael Klare của Đại học Tổng hợp New...