Nga – Mỹ lời qua tiếng lại vì Triều Tiên
Trong khi Mỹ cáo buộc Nga vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc khi cấp giấy phép mới cho hàng nghìn lao động Triều Tiên, Moscow đã lên tiếng phủ nhận thông tin này.
Người lao động Triều Tiên làm việc tại công trường xây dựng ở Mông Cổ (Ảnh: AFP)
Chính quyền Mỹ ngày 3/8 đã áp lệnh trừng phạt đối với một ngân hàng của Nga bị cho là có các hoạt động giao dịch với Triều Tiên. Lệnh trừng phạt của Mỹ được đưa ra cùng thời điểm Thời báo Phố Wall tiết lộ thông tin rằng, Nga đã cho phép hàng nghìn lao động Triều Tiên nhập cảnh vào nước này và cấp giấy phép lao động cho họ.
Thời báo Phố Wall dẫn nguồn tin từ Bộ Nội vụ Nga cho biết hơn 10.000 lao động Triều Tiên đã được đăng ký làm việc tại Nga kể từ tháng 9 năm ngoái. Báo này dẫn lời các quan chức Mỹ khẳng định động thái của Nga đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, trong đó yêu cầu các nước trục xuất lao động Triều Tiên nhằm gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân.
“Những thông tin đáng tin cậy về việc Nga vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan tới các lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài gây quan ngại sâu sắc. Nga không thể ủng hộ các biện pháp trừng phạt (Triều Tiên) tại Hội đồng Bảo an bằng lời nói rồi sau đó vi phạm các biện pháp trừng phạt này bằng chính hành động của họ”, Reuters dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hôm qua cho biết.
“Ước tính các lao động Triều Tiên tại Nga đã gửi từ 150-300 triệu USD hàng năm về Bình Nhưỡng. Moscow phải ngay lập tức chấp hành đầy đủ mọi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora đã lên tiếng bác bỏ thông tin nói rằng Nga cho phép bất kỳ công nhân mới nào của Triều Tiên nhập cảnh vào Nga. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Matsegora cho biết bất kỳ giấy phép lao động mới nào được cấp cho lao động Triều Tiên tại Nga đều là cho những lao động đã sinh sống tại Nga và làm việc theo những hợp đồng cũ.
Theo Đại sứ Matsegora, những lao động trên được phép làm việc tại Nga tới ngày 29/10/2019 vì hợp đồng làm việc của họ đã được ký trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực. Ông Matsegora cho biết 3.500 giấy phép lao động mới đã được cấp cho các lao động Triều Tiên – những người từng ký hợp đồng tại Nga trước ngày 29/11/2017.
Video đang HOT
Một báo cáo do tổ chức nghiên cứu phi chính phủ C4ADS công bố ngày 2/8 cho thấy Nga và Trung Quốc, nơi được cho là có 80% lao động Triều Tiên làm việc, dường như đã nới lỏng các rào cản trừng phạt Bình Nhưỡng. Trong khi đó, báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan tại Seoul tuần này cũng cho biết từ năm 2015-2017, Công ty Xăng dầu Độc lập (IPC) có trụ sở tại Moscow trên thực tế đã bán nhiều dầu cho Triều Tiên hơn so với số liệu công bố chính thức của công ty này.
Niềm tin của Ngoại trưởng Mỹ
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNA hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thể hiện sự lạc quan khi được hỏi về tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
“Chúng tôi tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn cam kết với tiến trình phi hạt nhân hóa. Thế giới đang trông chờ vào điều đó. Chúng tôi hy vọng rằng trong những tuần và những tháng sắp tới, chúng ta có thể đạt được tiến triển đáng kể trong vấn đề này và đặt Triều Tiên vào một quỹ đạo để nhanh chóng có được tương lai tươi sáng hơn”, ông Pompeo nói.
“Thế giới hiện nay đã bớt lo lắng hơn so với thời điểm trước hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo (Mỹ – Triều) – thời điểm mà chúng ta ở trong một tình thế khó khăn khi chứng kiến những vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân thường xuyên. Chuyện đó đã không còn xảy ra kể từ ngày 12/6. Chúng tôi hạnh phúc vì điều đó”, Ngoại trưởng Mỹ nói, đề cập tới cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Thế giới ngầm lao động Triều Tiên tại Nga
Mặc dù vẫn lên tiếng ủng hộ và ký vào các lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc, song Nga vẫn luôn để ngỏ cho Bình Nhưỡng một lối thoát, bao gồm việc tiếp nhận hàng nghìn lao động Triều Tiên làm việc tại Nga.
Người lao động Triều Tiên làm việc tại công trường xây dựng (Ảnh: Independent)
CNN đưa tin, bên trong những ngôi nhà nằm xuôi theo con đường lầy lội ở ngoại ô thành phố St. Petersburg là thế giới ngầm của những người lao động Triều Tiên tại Nga. Tại một công trường gần những khu nhà ở tồi tàn, một nhóm công nhân đang xây dựng các tòa chung cư cho biết họ từ Triều Tiên đến. Đây là những người lao động nằm trong số 50.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc tại Nga.
Theo các nhà ngoại giao Mỹ, 80% thu nhập của người lao động Triều Tiên ở nước ngoài, ước tính khoảng 500 triệu USD/năm, được chuyển về nước để giúp đỡ chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Liên Hợp Quốc từng lo ngại rằng số tiền này có thể được sử dụng để "nuôi" chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm kiểm soát tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, các quốc gia được phép sử dụng lao động Triều Tiên "theo hạn ngạch", song không được cấp giấy phép lao động mới cho họ.
Nghị quyết trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc quy định tất cả lao động Triều Tiên ở nước ngoài phải trở về nước trước tháng 12/2019 nhằm giảm nguồn thu tài chính đáng kể cho chính phủ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, vì không rõ Nga từng thuê bao nhiêu công nhân Triều Tiên làm việc, nên các nhà phân tích cũng không thể nắm được chính xác liệu số công nhân này đã về nước hay chưa.
Mặc dù Nga ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, song nghị sĩ cấp cao của Nga không cho rằng các lệnh trừng phạt này thực sự là cách thức hiệu quả để hạn chế chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
"Giống Triều Tiên, Nga cũng đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế. Nhưng tôi chắc chắn rằng các lệnh trừng phạt, bao gồm các lệnh trừng phạt của Mỹ, không bao giờ có bất kỳ tác động nào đối với chính sách đối nội và đối ngoại của chúng tôi. Các lệnh trừng phạt là công cụ sai lầm. Đây không phải là giải pháp cho vấn đề Triều Tiên", ông Konstantin Kosachev, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nga, cho biết.
Thế cân bằng khó khăn
Một nhà hàng có tên gọi Bình Nhưỡng ở Vladivostok, Nga (Ảnh: New York Times)
Nga từng bị chỉ trích công khai vì tuyển dụng các lao động Triều Tiên và làm suy yếu các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng "phản pháo" các thông tin cáo buộc nước này đã vận chuyển dầu cho Triều Tiên. Theo lập luận của Moscow, các nước vẫn được phép cấp dầu cho Triều Tiên trong "định mức" nhất định theo lệnh trừng phạt.
Theo Alexander Gabuev, Chủ tịch Chương trình Nga ở châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm Moscow Carnegie, Nga đang miễn cưỡng tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên và điều này xuất phát từ việc Moscow muốn ngăn chặn sự thay đổi chính quyền theo hướng ngả về phương Tây tại Bình Nhưỡng.
"Tôi không nghĩ Nga thực sự tin vào các lệnh trừng phạt (Triều Tiên). Khi ký các lệnh trừng phạt quốc tế, Nga thường đấu tranh để biến chúng thành các lệnh trừng phạt không mang tính cưỡng ép", ông Gabuev cho biết.
"Giữ cho Bình Nhưỡng tiếp tục"sống" là một nhiệm vụ quan trọng. Nước này không thể hoạt động nếu không có nhiên liệu nhập khẩu. Đó là lý do khiến Nga phải tập trung các nỗ lực ngoại giao để đảm bảo Triều Tiên không bị bóp nghẹt quá mạnh", chuyên gia Gabuev nhận định.Trước khi các lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Triều Tiên được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái, người phát ngôn Tổng thống Hàn Quốc từng dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga phản đối việc cắt toàn bộ nguồn cung dầu cho Triều Tiên.
Theo ông Gabuev, được chọn ra nước ngoài làm việc là niềm khao khát của người Triều Tiên vì họ có thể mang nhiều tiền hơn về cho gia đình. Mặc dù Nga vẫn khẳng định rằng số tiền mà các lao động Triều Tiên kiếm được sẽ giúp chính người dân Triều Tiên duy trì cuộc sống, song giới phân tích không cho rằng như vậy. Theo các nhà phân tích, Nga thuê lao động Triều Tiên vì muốn tránh kịch bản thay đổi chế độ ở nước này theo chiều hướng của các nước phương Tây.
"Sự sụp đổ của Triều Tiên không chỉ dẫn đến làn sóng tị nạn hay chiến tranh, mà cuối cùng sẽ đưa đến một đất nước Hàn Quốc thống nhất (với Triều Tiên) và là đồng minh của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc các binh sĩ Mỹ sẽ xuất hiện ở gần biên giới Nga và đây chắc chắn không phải là điều mà Nga muốn thấy", ông Gabuev cho biết thêm.
Do vậy, Nga đang ở trong tình thế buộc phải cân bằng, một mặt chính thức ủng hộ các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của cộng đồng quốc tế, song mặt khác vẫn phải mở cho Bình Nhưỡng một lối thoát.
Thành Đạt
Theo Dantri
Lựa chọn sống còn của Triều Tiên giữa vòng vây trừng phạt Nền kinh tế Triều Tiên đang ở mức yếu kém nhất trong vòng 20 năm qua và cải cách kinh tế được cho là giải pháp duy nhất để Bình Nhưỡng có thể tồn tại. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một nhà máy tại Triều Tiên (Ảnh: KCNA) Theo ông William Brown, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Ngoại giao George...