Nga, Mỹ lại đối đầu nảy lửa vì Syria
Ngay sau khi Liên Hợp Quốc công bố bản báo cáo về tình trạng sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, giữa Nga và Mỹ lại nổ ra một cuộc tranh cãi nảy lửa về việc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad có thực sự sử dụng vũ khí hóa học hay không và có nên can thiệp quân sự vào Syria hay không.
Cuộc nội chiến ở Syria chứng kiến mâu thuẫn sâu sắc giữa Nga và Mỹ khi mỗi bên ủng hộ một phe và ủng hộ cho một cách giải quyết khác nhau.
Sáng ngày 16/9, tại một buổi họp kín, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã có cuộc báo cáo ngắn về kết quả điều tra của nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria hôm 21/8. Bản báo cáo xác nhận vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Ghouta, Syria, nhưng không chỉ đích danh ai là thủ phạm gây ra vụ tấn công này.
Mặc dù vậy, Mỹ và các đồng minh đã nhanh chóng khẳng định, báo cáo của nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc củng cố thêm cho bằng chứng về việc chính quyền của Tổng thống Assad dùng vũ khí hóa học tấn công phe nổi dậy và dân thường ở ngoại ô thủ đô Damascus hồi cuối tháng 8.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ – bà Susan E. Rice đã gửi tuyên bố đến các nước để nói về quan điểm của họ đối với bản báo cáo của Liên Hợp Quốc về việc sử dụng vũ khí hóa học ở đất nước Syria.
Tuyên bố viết: “Chúng tôi hoan nghênh báo cáo được công bố ngày hôm nay của phái bộ Liên Hợp Quốc do Tổng thư ký Ban Ki-moon thành lập để điều tra các cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Báo cáo của Liên Hợp Quốc đã bổ sung thêm bằng chứng cho những điều chúng ta đã kết luận – đó là sarin đã được chính quyền Syria sử dụng với quy mô lớn vào ngày 21 tháng 8 ở ngoại ô thủ đô Damascus. Tổ công tác Liên Hợp Quốc thu thập được vô số bằng chứng – bao gồm cả rocket đất-đối-đất, hàng chục mẫu đất và môi trường cũng như các mẫu y sinh học – chúng đã được thử và có kết quả dương tính với những đặc điểm của sarin. Mặc dù tổ công tác không có nhiệm vụ xác định ai chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công tàn ác, song bằng chứng kỹ thuật nêu trong báo cáo và trong cuộc họp báo ngày hôm nay của Liên Hợp Quốc – bao gồm cả lời khẳng định rằng sarin có chất lượng cao và một loại rocket cụ thể đã được sử dụng trong cuộc tấn công – củng cố thêm đánh giá của chúng tôi rằng các cuộc tấn công do chính quyền Syria thực hiện, vì chỉ có họ mới có khả năng thực hiện một cuộc tấn công theo cách thức như thế này. Chúng tôi rất đánh giá cao bản báo cáo kỹ lưỡng của Tiến sĩ Ake Sellstrom và tổ công tác của ông, những người đã thực hiện nhiệm vụ khó khăn này với nguy cơ đáng kể đối với cá nhân họ.
“Các cuộc đàm thoại vào cuối tuần vừa rồi tại Geneva đã xây dựng nên một khuôn khổ có thể dẫn đến việc loại trừ vũ khí hóa học của Syria một cách minh bạch, nhanh chóng, và có thể kiểm chứng, việc này sẽ chấm dứt mối đe dọa của những vũ khí này đối với người dân Syria, khu vực và thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc khẩn trương với Nga, Anh, Pháp, Liên Hợp Quốc, Tổ chức Cấm Vũ khí Hoá học (OPCW), và các bên liên quan khác để đảm bảo rằng quá trình này có thể kiểm chứng, và sẽ có những hậu quả nếu chính quyền Assad không tuân theo khuôn khổ đã đạt được. Và, nếu ngoại giao thất bại, Mỹ vẫn sẵn sàng hành động”, tuyên bố của bà Rice nhấn mạnh.
Với quan điểm trên, Mỹ cùng với phương Tây đang tìm cách đạt được một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó cho phép các nước sử dụng vũ lực chống lại Syria nếu Damascus không tuân thủ theo kế hoạch của Nga-Mỹ về việc giao nộp kho vũ khí hóa học.
Video đang HOT
“Chúng tôi muốn những nghĩa vụ và cơ chế thực thi mạnh nhất có thể”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki hôm qua (17/9) cho biết tại cuộc họp báo. Bà này cũng nói thêm rằng, Mỹ đang “nỗ lực tiến tới” tìm kiếm một nghị quyết dựa trên Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chương này cho phép các nước sử dụng vũ lực để bảo vệ hòa bình.
Phản ứng của Nga
Trong khi Mỹ và phương Tây nhanh chóng khẳng định bản báo cáo của Liên Hợp Quốc củng cố thêm bằng chứng chứng minh quân của ông Assad sử dụng vũ khí hóa học thì Nga phản đối nhận định này. Moscow đã lên tiếng chỉ trích các nước phương Tây về việc vội vã kết luận theo hướng thiên vị, bênh vực cho phe nổi dậy được họ ủng hộ. Theo Nga, tất cả những dữ liệu và các câu hỏi “cần phải được giải quyết một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp” trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫn nhắc lại quan điểm được Moscow duy trì suốt thời gian qua, đó là chưa có đủ bằng chứng thuyết phục để chứng minh chính quyền Assad trực tiếp chỉ đạo cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào khu vực ngoại ô thủ đô Damascus, khiến 1.400 người thiệt mạng. Moscow nghi ngờ, cuộc tấn công là “âm mưu” do phe nổi dậy Syria dàn xếp để lôi kéo sự can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây vào cuộc nội chiến đẫm máu ở nước này.
Trước việc Mỹ và phương Tây đang tìm kiếm một nghị quyết “mạnh mẽ” dựa trên Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc nhằm sẵn sàng can thiệp quân sự vào Syria, ông Lavrov đã tuyên bố, Nga sẽ không ủng hộ cho một nghị quyết như vậy. Nga là một trong 5 nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nếu không nhận được sự ủng hộ của Nga, Mỹ và phương Tây sẽ chẳng thể tìm kiếm được một nghị quyết mà họ mong muốn.
Ngoài Nga, Trung Quốc cũng bày tỏ sự ủng hộ cho một giải pháp chính trị chứ không phải quân sự cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc – ông Liu Jieyi hôm 16/9 đã lên án việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria nhưng khẳng định, cách duy nhất để tháo gỡ tình hình ở Syria là giải pháp chính trị.
Theo VNN
Biển Đông: Trung Quốc dọa "phản công", Philippines bình thản
Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm nay (29/6) đã đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh rằng, "một cuộc phản công" chống lại Phillippines là không thể tránh khỏi nếu quốc gia Đông Nam Á tiếp tục khiêu khích Bắc Kinh ở Biển Đông - điểm nóng quân sự lớn nhất khu vực Châu Á. Đáp lại, Manila đã thể hiện một thái độ đầy thách thức khi tuyên bố, "trong quan hệ giữa các nước văn minh không có chỗ cho những ngôn từ khiêu khích như vậy".
(Ảnh minh họa)
Báo chí Trung Quốc lớn tiếng dọa nạt Philippines
Lời cảnh báo về một cuộc phản công Philippines được báo chí chính thức của Trung Quốc đưa ra đúng thời điểm Ngoại trưởng hai nước đang tham gia hội nghị ASEAN ở Brunei được khai màn ngày hôm nay. Hội nghị ASEAN lần này đang hy vọng đạt được một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc ở Biển Đông nhằm hướng dẫn và quản lý cách cư xử của các nước có liên quan ở những vùng tranh chấp.
Trung Quốc và Philippines đã có các cuộc đối đầu căng thẳng và quyết liệt vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông suốt nhiều tháng nay. Đầu tiên, hai nước chạm trán nảy lửa ở bãi cạn Scarborough. Sau cuộc chạm trán xảy ra từ hồi đầu năm ngoái, hiện tại, tàu thuyền Trung Quốc đang chiếm đóng ở khu vực này và ngăn cản mọi hoạt động từ phía Philippines.
Gần đây, Philippines và Trung Quốc lại đối đầu gay gắt với nhau ở bãi cạn Second Thomas - một khu vực vốn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm đóng và Trung Quốc đang tìm cách giành giật. Căng thẳng ở đây leo thang nhanh chóng sau khi Manila quyết định triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ mới đến bãi cạn Second Thomas đồng thời cung cấp hậu cần cho quân đóng tại đây. Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội trước bước đi này của Manila, cáo buộc đó là "sự chiếm đóng phi pháp".
Ngày hôm nay, phiên bản nước ngoài của tờ Nhân dân Nhật báo (People's Daily) - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có bài bình luận đăng ngay ở trang nhất trong đó chỉ trích gay gắt Philippines. Tờ báo này "vạch ra 7 tội" mà Philippines phạm phải ở Biển Đông. Trong đó đó có việc "chiếm đóng bất hợp pháp" quần đảo Trường Sa (đây là quần đảo vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng đang bị cả Trung Quốc và Philippines tranh chấp); mời tư bản nước ngoài vào tham gia phát triển dầu khí ở những khu vực tranh chấp; đồng thời tăng cường "quốc tế hóa" khu vực Biển Đông, bài bình luận trên tờ Nhân dân Nhật báo đã viết như vậy.
Theo tờ báo trên, Manila đã mời gọi Mỹ hành động như "một người bảo trợ" trong khi ASEAN trở thành "kẻ đồng lõa". "Philippines biết mình yếu nên tin rằng &'một đứa trẻ khóc sẽ có sữa để uống'", tờ Nhân dân Nhật báo bình luận thêm đồng thời cáo buộc Manila dùng nhiều mánh khóe "vô liêm sỉ" ở vùng biển tranh chấp.
Philippines phản ứng
Sau những lời chỉ trích cực kỳ gay gắt của báo chí Trung Quốc nói trên, Philippines đã nhanh chóng có phản ứng. Bộ Ngoại giao Philippines đã ngay lập tức lên án mạnh mẽ những lời đe dọa, cảnh báo mang tính "khiêu khích" của báo chí Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh dừng những hành động kiểu này lại mà thay vào đó hãy theo đuổi con đường giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Philippines đã nhắc nhở Trung Quốc rằng, nước này có nghĩa vụ giải quyết các cuộc tranh chấp theo luật quốc tế chứ không sử dụng vũ lực hoặc những lời đe dọa.
"Trung Quốc có nghĩa vụ theo luật quốc tế, đặc biệt là theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, để theo đuổi việc giải quyết các cuộc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Điều đó có nghĩa là họ không được sử dụng vũ lực hay những lời đe dọa sử dụng vũ lực như trong tuyên bố đầy khiêu khích của họ về cuộc phản công mới đây", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines - ông Raul Hernandez cho biết.
Ông Hernander nhấn mạnh: "Trong quan hệ giữa các nước văn minh hiện nay, không có chỗ cho những ngôn từ khiêu khích kiểu đó".
Trong khi báo chí Trung Quốc sử dụng những ngôn từ gay gắt thì Bộ Ngoại giao Philippines kêu gọi sự điềm tĩnh và hòa bình, tránh làm leo thang thêm căng thẳng trong khu vực.
"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hãy trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng các quốc gia. Con đường hướng tới việc giải quyết các cuộc tranh chấp một cách hòa bình chính là thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiến chương Liên Hợp Quốc. Đó là cách giải quyết dựa trên luật pháp, sự minh bạch, tính ràng buộc và không khiêu khích", ông Hernandez phát biểu. Ông này cũng nói thêm rằng: "một giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp cho các cuộc tranh chấp ở Biển Đông sẽ có tính bền vững và có lợi cho tất cả các bên cũng như đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực".
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với một loạt các nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia. Các nước ASEAN đang có cuộc họp ở Brunei nhằm tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Tuy nhiên, ngay trước thềm cuộc họp này, Trung Quốc đã liên tiếp "tung" ra những lời đe dọa từ trực tiếp đến gián tiếp. Trước vụ báo chí Trung Quốc dọa "phản công" Philippines, Ngoại trưởng nước này - ông Vương Nghị từng cảnh báo các nước có tranh chấp ở Biển Đông không được trông chờ vào sự giúp đỡ của các bên thứ ba vì theo họ, điều đó sẽ vô ích, và rằng việc lựa chọn con đường đối đầu với Bắc Kinh sẽ "thất bại".
Trước những hành động trên của Trung Quốc, người ta cho rằng, hội nghị ASEAN lần này khó đạt được kết quả như mong muốn trong việc tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN.
Theo vietbao
LHQ sẽ chứng minh vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria Một báo cáo của các chuyên gia vũ khí hóa học Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ xác nhận rằng khí độc đã được sử dụng trong vụ tấn công tại ngoại ô Damascus, khiến hàng ngàn người thiệt mạng, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 13/9 cho hay. Các chuyên gia vũ khí hóa học của LHQ thu thập các mẫu vật...