Nga-Mỹ đồng thuận hiếm hoi?
Nga tuyên bố giúp Palestine trong sự nghiệp giành độc lập, trong khi Mỹ tái khẳng định chủ trương theo đuổi mục tiêu thành lập hai nhà nước, Do Thái và Palestine.
Ngày 28/2, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay, Nga sẽ tiếp tục đóng góp vào công cuộc giành quyền độc lập của Palestine.
“Nga sẽ tiếp tục góp sức vào công cuộc giành độc lập cho Palestine, làm việc thông qua các kênh liên lạc song phương và đa phương, trong đó có cả các điều phối viên quốc tế”, ông Putin cho hay.
Bộ tứ điều phối viên Quartet được thành lập vào năm 2002, gồm Nga, Mỹ, Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu với mục đích đạt đến một thỏa thuận hòa bình dài lâu giữa Israel và Palestine.
Người dân Palestine mong mỏi cuộc sống hòa bình trong một nhà nước độc lập
Tại hội nghị, Tổng thống Nga nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn giữa Quartet và Liên đoàn Ả Rập, đồng thời ông Putin còn đề cao tinh thần sẵn sàng hợp tác và đấu tranh hơn nữa của Moscow.
Người dân Palestine đang cố tranh đấu vì một nhà nước độc lập cho những khu vực lãnh thổ của Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, một phần lãnh thổ bị Israel chiếm giữ cũng như Dải Gaza.
Palestine đã coi Jerusalem chính là mảnh đất “đóng đô” và kêu gọi Israel rút lui khỏi vùng lãnh thổ của Palestine mà nó chiếm giữ sau cuộc chiến năm 1967.
Có vẻ như sau rất nhiều mâu thuẫn, căng thẳng, Nga và Mỹ đang đồng thuận quan điểm trong vấn đề Palestine.
Còn nhớ, trong bài phát biểu hôm 23/3 tại cuộc gặp với nhóm người Mỹ gốc Do Thái ở thủ đô Washington, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Dennis McDonough đã tái khẳng định chủ trương của chính quyền Tổng thống Barack Obama theo đuổi mục tiêu thành lập hai nhà nước, Do Thái và Palestine, sống hòa bình bên cạnh nhau.
Đại diện Nhà Trắng cho biết, trong nhiều năm qua, chính quyền Obama đã dốc lực cho mục tiêu này vì đây là cách tốt nhất mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông đầy bất ổn.
Video đang HOT
Với mục tiêu này, Chánh Văn phòng Nhà Trắng cho rằng, tuyên bố gần đây của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ bỏ các cuộc đàm phán về việc thành lập nhà nước Palestine độc lập là “rất khó chịu”, đi ngược lại chủ trương của Mỹ.
Ông McDonough, một trong những cố vấn thân cận hàng đầu của Tổng thống Barack Obama, cũng nhắc lại lập trường lâu nay của Mỹ phản đối các kế hoạch xây dựng khu định cư cho người Do Thái trên các vùng đất tạm chiếm của Palestine.
Trước đó, các nguồn tin Nhà Trắng cho biết chính quyền Obama có thể sớm thúc đẩy một nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Nhà Trắng thậm chí còn dọa sẽ rút bỏ “quyền bảo hộ ngoại giao” mà Mỹ lâu nay vẫn sử dụng để che chắn cho Israel tại diễn đàn Liên hợp quốc.
Bản thân Tổng thống Barack Obama khẳng định rằng, bất đồng của ông với Thủ tướng Israel Netanyahu về cuộc xung đột Israel-Palestine không phải là vấn đề cá nhân mà dựa trên những khác biệt chính sách nền tảng về hòa bình Trung Đông.
Ông đồng thời cảnh báo những khác biệt trong chính sách giữa Washington và Tel Aviv có thể dẫn tới sự đổ vỡ của giải pháp hai nhà nước, từ đó gây leo thang căng thẳng trong quan hệ Israel-Palestine và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các bên liên quan cũng như toàn khu vực Trung Đông.
Những tuyên bố trên có lẽ là lời cảnh báo phũ phàng, cứng rắn của Mỹ dành cho người đồng minh thân thiết, gắn bó lâu năm Israel. Nó cho thấy mối quan hệ rạn nứt sâu sắc giữa hai quốc gia.
Vào thời điểm này, phía Israel chưa có phản ứng chính thức sau những tuyên bố phũ phàng của Mỹ, nhưng nhìn vào những hành động thực tế của Tel Aviv, xem ra họ đang muốn xoa dịu Washington.
Bằng chứng là, Thủ tướng Israel Netanyahu đã tìm cách rút lại những tuyên bố của ông trong chiến dịch vận động tranh cử, vốn làm mất lòng Mỹ.
Theo đó, trả lời phỏng vấn Đài truyền hình MSNBC, ông Netanyahu khẳng định: “Tôi không muốn một giải pháp 1 nhà nước. Tôi muốn một giải pháp 2 nhà nước hòa bình, bền vững. Nhưng để đạt được điều đó, tình hình phải thay đổi”.
Ông Netanyahu cũng tuyên bố chính quyền Palestine nên cắt đứt các mối quan hệ với phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas đang kiểm soát Dải Gaza và tham gia vào các cuộc hòa đàm “thực chất” với Israel.
Ngoài ra, chính phủ Israel cũng đã tạm ngừng kế hoạch xây dựng 1.500 căn hộ tại khu vực Har Homa, giáp với Đông Jerusalem. Chưa rõ lý do của quyết định ngừng xây dựng song một nguồn thạo tin cho rằng nguyên nhân liên quan tới mối quan hệ ngoại giao đang xấu đi giữa Mỹ và Israel.
Động thái này đã đi ngược với những tuyên bố tranh cử của Thủ tướng Netanyahu. Phát biểu tại Har Homa 1 ngày trước cuộc tổng tuyển cử, ông Netanyahu khẳng định: “Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng ở Jerusalem. Chúng ta sẽ tăng thêm hàng nghìn đơn vị nhà ở và đứng vững trước mọi sức ép khi tiếp tục phát triển thủ đô vĩnh viễn của chúng ta”.
Có vẻ như Israel đang áp dụng chiêu bài “mềm nắn, rắn buông” để đối phó với những căng thẳng đang lên cao trong quan hệ với Mỹ, đồng minh thân cận nhất của nước này.
Minh Thái (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Bầu cử Israel: Chiến thắng nhọc nhằn của Thủ tướng Netanyahu
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa tuyên bố Đảng Likud của ông đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 17/3.
Tuy nhiên, đối thủ chính của ông là các lãnh đạo Liên minh Do Thái phục quốc (ZU) đã ngay lập tức bác bỏ chiến thắng này.
Thủ tướng Israel Netanyahu giành ưu thế sít sao trong cuộc bầu cử Quốc hội (Ảnh AP)
Kể từ cuộc bầu cử đầu tiên năm 1949 đến nay, chưa một đảng phái đơn lẻ nào ở Israel giành đủ đa số phiếu để thành lập chính phủ, do đó, tiến trình đàm phán liên minh sắp tới có thể trở thành giai đoạn mang tính quyết định.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này ở Israel là 72%. Kết quả thăm dò dư luận ngay tại các điểm bầu cử cho thấy, về tổng thể, khối cánh hữu và tôn giáo giành được 54 ghế và khối khuynh tả giành được 43 ghế.
Theo kênh 10 và kênh 1 của Israel, Liên minh Do Thái theo đường lối trung tả và đảng cánh hữu Likud cùng giành được 27 ghế trong Quốc hội 120 ghế. Trong khi đó, kênh 2 của Israel cho rằng, Đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu chiến thắng sít sao với 28 ghế. Các đảng sẽ có tối đa 42 ngày để đàm phán thành lập liên minh.
Với kết quả bằng nhau hay chênh lệch không nhiều, có thể nói Thủ tướng Netanyahu và lãnh đạo Liên minh Do Thái Isaac Herzog đều có cơ hội lên nắm quyền.
Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu được cho là có nhiều thuận lợi hơn trên con đường thành lập liên minh khi có sẵn các đồng minh truyền thống là các đảng tôn giáo và các đảng cánh hữu.
Ngoài ra còn có đảng ôn hòa mới lên có tên Kulanu của cựu thành viên đảng Likud Moshe Kahlo nhưng đảng này đã không loại trừ khả năng hợp tác với đối thủ của ông Netanyahu là Liên minh Do Thái.
Đồng lãnh đạo Liên minh Do Thái, ông Herzog và cựu Ngoại trưởng Tzipi Livni cho rằng, cục diện chính trường Israel vẫn chưa ngã ngũ. Ông Herzog đã tiếp xúc với một số lãnh đạo các đảng khác để thúc đẩy mở rộng liên minh của mình và rất có thể sẽ bắt tay với khối Arab vốn tuyên bố sẽ ủng hộ Liên minh Do Thái từ trước cuộc tổng tuyển cử lần này.
Theo thăm dò dư luận ngay tại các điểm bỏ phiếu, khối Liên minh Arab gồm 4 đảng có thể giữ vững vị trí thứ ba sau Đảng Likud và Liên minh Do Thái.
Lãnh đạo Liên minh Arab Aymen Odeh tuyên bố: "Lá phiếu ủng hộ dành cho chúng tôi đã tăng nhiều hơn bất cứ lần bầu cử nào trong vòng 15 năm trở lại đây. Chúng tôi là một sự bất ngờ của cuộc bầu cử lần này khi chiếm số ghế nhiều thứ ba tại Quốc hội. Chúng tôi sẽ ngăn chặn các đảng cánh hữu thành lập chính phủ".
Sự trỗi dậy của khối Arab có thể là tín hiệu khả quan cho tiến trình hòa bình Trung Đông đang trì trệ. Liên minh Do Thái của ông Herzog và bà Livni cũng đã tuyên bố sẽ ủng hộ việc nối lại đàm phán hòa bình Trung Đông do Mỹ làm trung gian.
Trong lịch sử, chính các nghị sỹ Arab đã thúc đẩy cố Thủ tướng Yitzhak Rabin ký Hiệp định hòa bình với Palextin năm 1993 ở Oslo, Nauy. Mặc dù vậy, Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Palestine Saeb Erekat tỏ ra không mấy lạc quan và dự đoán rằng Thủ tướng Netanyahu sẽ tiếp tục nắm quyền.
"Theo tôi ông Netanyahu sẽ giành được quyền thành lập chính phủ mới. Ông ấy đã nói nếu tiếp tục là Thủ tướng, ông ấy sẽ không chấp nhận Nhà nước Palestine và tiếp tục các hoạt động định cư người Do Thái. Tôi cho rằng ông ấy không nói ra điều đó chỉ vì chiến dịch tranh cử mà thật sự muốn như vậy. Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Netanyahu không làm điều bất cứ điều gì khác ngoài việc phá hủy giải pháp 2 nhà nước", ông Erekat nói.
Thủ tướng Netanyahu cáo buộc các đảng cánh tả muốn lật đổ ông bằng cách lợi dụng các cử tri Arập thường có cảm giác họ bị coi là "công dân hạng hai" ở Israel. Ông Netanyahu đã dốc toàn lực cho lần bầu cử này khi đảo ngược chính sách ngay trước ngày bầu cử với tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận giải Nhà nước Palestine, đồng thời cam kết sẽ xây dựng thêm những ngôi nhà định cư cho người Do Thái.
Những lời hứa này, nếu trở thành hiện thực khi ông Netanyahu tiếp tục nắm quyền, sẽ đẩy Israel ngày càng xa các đồng minh Mỹ và Liên minh châu Âu vốn tin rằng chỉ có thể đạt được hòa bình Trung Đông thông qua giải pháp 2 nhà nước.
Lãnh đạo Liên minh Do Thái đối lập cáo buộc Thủ tướng Netanyahu thổi phồng nỗi sợ đối với người Palestine và chương trình hạt nhân của Iran để đánh lạc hướng cử tri khỏi những mối quan tâm trong nước như giá cả sinh hoạt cao và những vấn đề xã hội khác. Thủ tướng Netanyahu cũng tập trung vào mối đe dọa mà ông cho là từ chương trình hạt nhân của Iran và phiến quân Hồi giáo nhưng nhiều cử tri Israel cũng đã tỏ ra mệt mỏi với thông điệp này nên quay sang ủng hộ chiến dịch tranh cử của các đảng cánh tả xoay quanh những vấn đề sát sườn với họ hơn như kinh tế, xã hội.
Cuộc tổng tuyển cử lần này dường như đã biến thành một cuộc trưng cầu ý dân về Thủ tướng Netanyahu, người đã lãnh đạo Israel suốt 9 năm qua. Nếu ông Netanyahu thật sự chiến thắng thì đó cũng là một chiến thắng nhọc nhằn, báo hiệu sự cần thiết phải thay đổi chương trình nghị sự cho Israel, từ vấn đề kinh tế xã hội trong nước cho đến hòa bình với Palestine và đàm phán hạt nhân Iran./.
Diệu Hương Tổng hợp
Theo_VOV
Tình hình địa chính trị đang vào thế nguy hiểm nhất từ Thế chiến II Chủ tịch danh dự Viện Nghiên cứu chính sách Do Thái - nhà tài phiệt Jacob Rothschild mới đây đã cảnh báo về đám mây u ám đang kéo đến bao phủ nền kinh tế toàn cầu, đồng thời mô tả tình hình địa chính trị hiện nay trên thế giới ở vào tình thế nguy hiểm nhất kể từ cuối Thế chiến...