Nga-Mỹ cùng bất tín, thích sĩ diện?
Nga và Mỹ không chịu nhận mình là bên chủ động đề xuất đối thoại và tiếp tục thể hiện quan điểm trái chiều về Ukraine, Syria.
Ai bất tín?
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Obama tại New York đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Tuy nhiên, có một chi tiết ít được để ý chính là lời qua tiếng lại về việc nước nào là bên chủ động đưa ra lời “mời”.
Ngay từ khi hai nhà lãnh đạo này chưa gặp nhau, các phát ngôn chính thức từ cả hai phía đã cho thấy sự mâu thuẫn. Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh hôm 28/9, điện Kremlin nhấn mạnh rằng cuộc hội đàm được sắp xếp theo “thỏa thuận song phương”. Tuy nhiên, Nhà Trắng lại một mực khẳng định phía Nga đã chủ động đề xuất.
Tổng thống Putin và Tổng thống Obama xuất hiện trước báo giới trước khi hội đàm hôm 28/9 tại New York
Đến khi Tổng thống Putin và Tổng thống Obama hội đàm xong, hai bên một lần nữa tái khẳng định thông tin mà mình đã đưa ra. Trong cuộc họp báo sau hội đàm, thậm chí đích thân Tổng thống Nga Putin tuyên bố cuộc hội đàm được tiến hành theo đề nghị từ phía Mỹ!
Đây không phải lần đầu tiên Nga và Mỹ đưa ra thông tin trái ngược về việc bên nào đưa ra đề xuất trước về các cuộc gặp ở các cấp khác nhau hay các cuộc điện đàm. Việc lặp đi lặp lại những trường hợp như vậy cho thấy cả điện Kremlin và Nhà Trắng đều rất coi trọng “ sĩ diện”, không muốn mình là bên “thất thế” khi phải đưa ra lời đề nghị trước đối phương.
Những sự việc nhỏ này còn là bằng chứng về mức độ đối đầu quyết liệt giữa Nga và Mỹ, sự phức tạp, thậm chí “mập mờ” trong quan hệ song phương.
Các cuộc gặp và điện đàm ở nhiều cấp độ giữa Nga và Mỹ chắc chắn phải do một bên đề xuất trước. Việc cả hai cùng phủ nhận mình là bên chủ động đã chứng tỏ thêm một sự thật khác là phải có một trong hai nước đưa ra thông tin không đáng tin cậy. Nói cách khác, hoặc Nga hoặc Mỹ, hoặc cả hai, vì sĩ diện của mình đã đưa ra những phát ngôn “bất tín”.
Trước cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ cùng xuất hiện chớp nhoáng trước báo giới. Sau cái bắt tay được mô tả là “lạnh nhạt”, hai ông đã quay lưng đi thẳng vào phòng họp mà không trả lời bất kỳ một câu hỏi nào của cánh báo chí.
Trong cuộc hội đàm, ông Putin và ông Obama đã phải ngồi với nhau tới hơn 90 phút, tức là kéo dài gần gấp đôi thời gian dự kiến. Trước đó, phía Nga thông báo cuộc gặp chỉ diễn ra 55 phút và đây là lịch trình đã được lên kế hoạch chặt chẽ.
Không ai biết sau cánh cửa khép kín hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ đã thảo luận những vấn đề gì. Hai ông đã không ra tuyên bố chung sau hội đàm, còn thông tin sau đó chỉ được cung cấp một cách phiến diện.
Video đang HOT
Những cuộc chiến đóng băng?
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở New York hôm 28/9, tình hình tại Ukraine và Syria đang có những diễn biến đáng chú ý. Tuy nhiên, có rất ít cơ hội để tạo ra những bước đột phá tiến tới chấm dứt các cuộc khủng hoảng này khi cả Nga và Mỹ tiếp tục thể hiện quan điểm khác biệt.
Một ngày sau cuộc gặp này, các bên tại Ukraine đạt thỏa thuận rút vũ khí cỡ nòng dưới 100mm ở Donbass. Theo đó, hai bên sẽ “rút vũ khí ra khỏi đường giới tuyến 15km. Đầu tiên là xe tăng và pháo, sau đó tới súng cối cỡ nòng tới 120mm”.
Đây chính là vấn đề được các bên đàm phán trong nhiều tháng qua nhưng không đạt được thỏa thuận. Chính quyền Kiev thậm chí còn có động thái tăng cường quân sự tới khu vực giới tuyến mà lực lượng đòi độc lập ở miền Đông tố cáo là nhằm chuẩn bị cho các cuộc tấn công.
Tổng thống Mỹ và Ukraine bắt tay nhau tại tiệc trưa ngày 28/9 ở New York
Ngày 29/9, Tổng thống Mỹ Obama khẳng định rằng Washington sẽ hỗ trợ Ukraine và các nỗ lực của Tổng thống Petro Poroshenko để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia Đông Âu này.
Trong cuộc gặp với ông Poroshenko, diễn ra bên lề kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, nhà lãnh đạo Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine trong quá trình thực hiện công cuộc cải cách và tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở miền Đông (Donbass).
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin trước đó cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Nga, “sự toàn vẹn của Ukraine không thể được bảo đảm bằng những lời đe dọa hay sức mạnh quân sự”, nhưng là việc cần phải làm và phải tính đến tất cả lợi ích và quyền lợi của người dân Donbass cũng như tuân thủ Thỏa thuận Minsk.
Nhưng ngay cả việc luận giải Thỏa thuận Minsk, vốn được các bên ký kết hồi tháng 2/2015, hiện cũng rất khác nhau. Do vậy, các bên đều kêu gọi thực thi thỏa thuận này nhưng đồng thời tiếp tục đổ lỗi cho nhau vi phạm những cam kết đã đưa ra!
Tương tự như trên là quan điểm của Nga và Mỹ về cuộc khủng hoảng tại Syria. Cho tới nay, mâu thuân chủ yếu giữa hai “ông lớn” này là về vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ tái khẳng định quan điểm ông Assad phải ra đi. Còn Tổng thống Nga, trong phát biểu sau đó, tuyên bố việc từ chối hợp tác với chính phủ hiện nay ở Syria là một sai lầm to lớn.
Có thông tin về việc Nga điều thêm 6 chiếc Su-34 tới Syria
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 29/9 thông báo nước này và Nga nhất trí “một số nguyên tắc cơ bản” về vấn đề Syria.
Cụ thể, Syria phải là một quốc gia thế tục, thống nhất và đoàn kết; nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) cần bị loại bỏ; và cần có một giai đoạn chuyển tiếp được giám sát (ở Syria)”.
Tuy Nga cũng nhất trí rằng cần có một giai đoạn chuyển tiếp ở Syria, song nhấn mạnh cần có vai trò của Tổng thống Assad. Tổng thống Putin nói rằng chỉ có người dân Syria, chứ không phải Tổng thống Mỹ hay Pháp, mới có quyền quyết định số phận của ông Assad.
Trong khi đó trên thực địa, Nga vừa có thêm động thái đáng chú ý khi điều 6 máy bay ném bom Su-34 tới một căn cứ không quân ở ngoại ô thành phố Latakia của Syria, nơi đang có 28 máy bay chiến đấu khác của Nga.
Theo nguồn tin từ tình báo Mỹ, tại căn cứ không quân này, Nga đã triển khai 4 máy bay ném bom Su-24, 12 máy bay cường kích Su-25, và 12 máy bay tiêm kích-ném bom Su-30.
Long Minh
Theo_Báo Đất Việt
Lý do Tổng thống Mỹ Obama muốn "phá băng" trong cuộc gặp ông Putin
Cuộc hội đàm vào tuần tới là cơ hội để Tổng thống Mỹ Barack Obama gây sức ép lên Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như góp phần hiểu rõ hơn chiến lược của Nga ở Syria.
Sau những cuộc tranh luận nội bộ đầy căng thẳng, cuối cùng ông Obama cũng quyết định chấm dứt mối quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ vốn đóng băng, bằng việc gặp ông Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc tại New York vào tuần tới.
Các chuyên gia dự đoán cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo sẽ khó đạt được bước tiến mang tính đột phá. Tuy nhiên, ông Obama nghĩ rằng chẳng có lý do gì để Mỹ không mở lại kênh đối thoại cấp cao trong thời điểm Mỹ không còn chắc chắn về những toan tính ngoại giao của ông Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
"Bất chấp những sự khác biệt với Moscow, ông Obama tin rằng sẽ là thiếu trách nhiệm nếu như Mỹ không thể đạt được bước tiến thông qua cuộc tiếp xúc cấp cao với người Nga", quan chức Mỹ nói trên Politico.
Dường như ông Putin đặt ra thách thức lớn nhất đối với chính sách của Tổng thống Mỹ Obama. Liệu sẽ là tốt hơn nếu Mỹ cố gắng thay đổi các hành xử của Moscow hay cần tăng cường trừng phạt, cô lập Nga theo quan điểm của giới bảo thủ trong Đảng Cộng hòa.
Phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ, ông Obama có lẽ đã lựa chọn giải pháp an toàn. Quyết định cô lập ông Putin về mặt ngoại giao vì can thiệp vào tình hình Ukraine, ông Obama đã không gặp nhà lãnh đạo Nga kể từ hội nghị cấp cao APEC 2014 ở Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ cũng không liên lạc với ông Putin sau cuộc điện đàm về vấn đề hạt nhân của Iran vào tháng 7. Chính ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố rằng không có hy vọng thuyết phục ông Putin "xuống thang" trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại là một trong những người chủ trương duy trì đối thoại cấp cao với ông Putin. Nhưng việc Nga tăng cường các hoạt động quân sự gần thành phố cảng Latakia đã cho thấy rằng, ông Putin sẵn sàng hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Assad và đặt ra mối nghi ngờ về triển vọng ngoại giao.
Các quan chức Mỹ hy vọng, cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ là cơ hội để hiểu rõ hơn về chiến lược của ông Putin ở Syria. Việc Nga triển khai quân sự đã khiến Washington bất ngờ và giới chức Mỹ không chắc chắn rằng, ông Putin muốn mở chiến dịch đẩy lùi các lực lượng đối lập khủng bố hay chỉ đơn thuần là hỗ trợ chính phủ Syria trước khả năng sụp đổ.
Ông Obama nhiều khả năng sẽ cảnh báo ông Putin về những hành động hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Assad. Mỹ từng nhiều lần tuyên bố ông Assad cần phải ra đi để kết thúc nội chiến ở Syria. Tổng thống Nga phản bác lại rằng, chính phủ Syria đang dẫn đầu cuộc chiến chống lại chủ nghĩa hồi giáo cực đoan.
Trong bối cảnh Washington và Moscow đang bị cuốn vào chiến dịch tuyên truyền gợi nhớ lại giai đoạn Chiến tranh Lạnh, hai bên đều muốn tận dụng cuộc hội đàm để khẳng định vị thế "thắng cuộc". Nhà Trắng cho rằng, ông Putin từng nhiều lần mong muốn gặp mặt và đây là cơ hội để ông Obama chỉ trích đối phương về những hành động của Nga.
Vấn đề khác biệt nằm ở chỗ, ông Putin đang nổi lên như một nhà lãnh đạo toàn cầu mà không ai được phép xem thường. Nga muốn Mỹ cùng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Syria trong khi Hoa Kỳ cho rằng, khủng hoảng Ukraine mới là chủ đề hàng đầu trong cuộc hội đàm.
"Mối quan hệ Nga-Mỹ đang ngày càng tồi tệ và có nguy cơ thực sự còn tiếp tục xấu đi", Phó Chủ tịch Quỹ Carnegie Hành động vì Hòa bình Quốc tế (CEIP) Andrew Weiss nhận định. "Mỹ không còn mục tiêu cụ thể sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran".
Ông Weiss kết luận: "Rất khó để xác định rằng liệu ông Obama sẽ làm gì trong cuộc hội đàm với ông Putin, ngoài việc trao đổi quan điểm, ý kiến cá nhân để công chúng phải bàn luận xem, ai là người sẽ tỏ ra yếu kém và buộc phải xuống thang".
Đăng Nguyễn
Theo_Người Đưa Tin
Australia cân nhắc đề xuất về tham gia không kích IS ở Syria Australia đang cân nhắc sử dụng không quân để tấn công nhóm Nhà nước Hồi giáo IS tại Syria theo đề xuất của Mỹ. Thủ tướng Australia Tony Abbot hôm nay (21/8) cho biết, ông đang cân nhắc một đề xuất chính thức của Mỹ tham gia các chiến dịch không kích chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria....