Nga muốn “đình chiến” trên không gian mạng
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đề xuất ký với Mỹ một hiệp ước không can thiệp bầu cử và các vấn đề nội bộ trên không gian mạng, hướng đến một hiệp ước toàn cầu chưa từng có trên lĩnh vực này.
Tổng thống Putin (trái) và Tổng thống Trump trong cuộc gặp tại Nhật Bản năm 2019. Ảnh: AFP
Đề xuất của ông Putin được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov công bố hôm 25-9, đồng thời được đăng tải trên website của Điện Kremlin. Kiến nghị của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn 6 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và chính quyền Nga đang bị một số nước châu Âu cáo buộc đầu độc thủ lĩnh đảng đối lập Alexei Navalny. Báo New York Times của Mỹ mô tả sáng kiến trên thể hiện mong muốn “đình chiến” của ông Putin trên không gian mạng.
Mô hình thỏa thuận năm 1972
Theo Tổng thống Putin, hiệp ước không can thiệp bầu cử và các vấn đề nội bộ trên không gian mạng giữa Nga và Mỹ có thể tương tự như thỏa thuận đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược giữa Liên Xô và Mỹ năm 1972. Thỏa thuận năm 1972 đã từng giúp Liên Xô và Mỹ giảm nguy cơ xảy ra xung đột trên biển và trên không, đồng thời tạo thuận lợi thúc đẩy giảm căng thẳng nhiều mặt giữa 2 cường quốc quân sự hùng mạnh.
Video đang HOT
Ngày nay, ông Putin cho rằng Mát-xcơ-va và Washington cần đảm bảo không can thiệp qua lại các vấn đề nội bộ, bao gồm tiến trình bầu cử, sử dụng các công nghệ thông tin – viễn thông và các phương tiện công nghệ cao. Theo ông Putin, các quan chức then chốt trên lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế Nga và Mỹ cần phải khôi phục đối thoại mang tính chuyên nghiệp và xây dựng nhằm giải tỏa sự nghi ngờ Nga can thiệp bầu cử Mỹ, điều đã trở thành “con tin trong bất hòa chính trị” giữa 2 nước trong những năm qua. “Một trong những thách thức chiến lược chính của thời đại chúng ta là nguy cơ đối đầu quy mô lớn trên mặt trận kỹ thuật số. Chúng tôi muốn một lần nữa đề nghị Mỹ nhất trí về một chương trình toàn diện, bao gồm các biện pháp thiết thực nhằm tái cài đặt mối quan hệ song phương trong ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông” – chủ nhân Điện Kremlin nêu rõ.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Putin đưa ra đề xuất như trên. Nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra sáng kiến tương tự trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phần Lan năm 2018. Khi đó, ông Trump hoan nghênh ý tưởng này và cho biết ông muốn hợp tác với Nga tạo lập “một đơn vị an ninh mạng bất khả xâm nhập”, qua đó giúp nước Mỹ đảm bảo an toàn trước mối đe dọa tin tặc can thiệp bầu cử hay những hành vi tiêu cực khác trên không gian mạng.
Lời phát biểu thiếu thận trọng của ông Trump đối với sáng kiến bất ngờ của ông Putin lúc đó đã vấp phải sự chỉ trích, mỉa mai của đa số dư luận Mỹ, kể cả trong nội bộ Nhà Trắng. Họ cho rằng nước Mỹ không thể nào chấp nhận hợp tác bảo đảm an ninh mạng với một trong những quốc gia đứng đầu do thám không gian mạng. Lần này, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Ullyot tuyên bố đề xuất mới của ông Putin có thể là chiêu thức nhằm gây chia rẽ nước Mỹ trước ngày bầu cử 3-11.
Hiệp ước toàn cầu bất khả thi
Bên cạnh hiệp ước song phương với Mỹ, Tổng thống Putin muốn có thỏa thuận toàn cầu không can thiệp trên không gian mạng. Lâu nay, phương Tây cáo buộc Nga dính líu đến mọi hình thức tấn công mạng.
Năm 2007, Nga được cho làm tê liệt hệ thống Internet của Estonia trong nhiều tuần. Những năm qua, Nga bị cáo buộc đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng ngày càng nguy hiểm và tinh vi hơn, như xâm nhập mạng lưới điện của Ukraine và cơ sở hạ tầng dân sự Mỹ, đánh cắp dữ liệu vaccine virus Corona, nhiễu loạn bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và hiện đang theo đuổi chiến dịch bôi nhọ ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Chính phủ Anh cũng cho rằng Nga can thiệp cuộc tổng tuyển cử ở Anh năm 2019 bằng cách tiết lộ các điều khoản gây tranh cãi trong thỏa thuận thương mại giữa Luân Đôn và Washington. Dĩ nhiên, Nga đã phủ nhận tất cả mọi cáo buộc không có căn cứ đó.
Với đề xuất hiệp ước không can thiệp trên không gian mạng, Tổng thống Putin có thể muốn chứng minh rằng Nga không chủ trương “khuấy đảo” an ninh mạng thế giới. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định việc xác định kẻ chủ mưu tấn công an ninh mạng là điều rất khó, bởi một chính phủ có thể ngầm thuê mướn các tổ chức tội phạm mạng thực hiện. Do đó, một hiệp ước toàn cầu không can thiệp trên không gian mạng là điều bất khả thi.
Mục đích của Tổng thống Putin là kêu gọi các nước phương Tây không sử dụng các hệ thống truyền thông và mạng xã hội để vu cáo Nga đầu độc thủ lĩnh đảng đối lập Alexei Navalny và xa hơn là không can thiệp vào tiến trình chính trị sắp tới của nước Nga.
Putin được đề cử giải Nobel Hòa bình
Nhà văn Nga Sergey Komkov gửi đề xuất tới Ủy ban Nobel, đề cử Tổng thống Putin cho giải Nobel Hòa bình năm 2021.
"Thư được gửi đi ngày 9/9 và Ủy ban Nobel ở Oslo, Na Uy đã nhận được vào ngày hôm sau", nhà văn Komkov cho biết tại buổi họp báo hôm nay.
Trong cuộc họp báo, Komkov cũng chỉ trích ý tưởng đề cử giải Nobel Hòa bình cho lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny, cho rằng ông này không có bất cứ đóng góp nào để xứng đáng với giải thưởng ở tầm cỡ như vậy.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó nói rằng nếu giải Nobel Hòa bình 2021 được trao cho Tổng thống Putin thì sẽ thật tuyệt vời, "nếu không cũng không vấn đề gì".
"Nhiều người khác đang được đề cử cho giải thưởng này. Đây là sáng kiến của những người đưa ra đề xuất có liên quan, trong trường hợp này là của nhà văn Komkov. Có một quy trình nhất định để xem xét những người được đề cử", Peskov nói với các phóng viên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua video tại Moskva hôm 22/9. Ảnh: AFP.
Komkov năm 2013 từng đề cử Putin cho giải Nobel Hòa bình năm 2014 vì "tham gia giải quyết xung đột Syria" và ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào Syria, nhưng ông chủ Điện Kremlin không được trao giải vào năm đó.
Giải Nobel Hòa bình do Ủy ban Nobel Oslo trao hàng năm, bắt đầu từ năm 1901, cho các cá nhân và tổ chức có những đóng góp xuất sắc cho hòa bình. 318 cá nhân và tổ chức đã được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2020. Danh sách người được đề cử và người đề cử không được tiết lộ cho đến 50 năm sau đó. Giải Nobel Hòa bình năm 2021 sẽ được công bố vào cuối năm sau.
Những người được quyền đề cử ứng viên giải Nobel Hòa bình phải là thành viên quốc hội hoặc nội các của các quốc gia, thành viên của một số tòa quốc tế, giáo sư các ngành lịch sử, khoa học xã hội, luật, triết học, thần học và tôn giáo, cá nhân hoặc tổ chức từng giành giải, hoặc thành viên, cựu thành viên và cựu cố vấn của Ủy ban Nobel Na Uy.
Trước Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng hai lần được đề cử giải Nobel Hòa bình 2021, do hai nghị sĩ từ Thụy Điển và Na Uy. Trump mới đây đã gọi điện để cảm ơn hai nghị sĩ này.
Trump gọi điện cảm ơn người đề cử giải Nobel Hòa bình Loạt quan chức Mỹ ca ngợi Trump được đề cử Nobel Hòa bình Người đoạt giải Nobel hòa bình bị dọa giết Nỗ lực giúp Trump được nhận đề cử Nobel Hòa bình
TT Lukashenko được tặng bản đồ Belarus thuộc Đế quốc Nga trước giờ gặp ông Putin: Moskva ẩn ý gì? Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko ngày 14/9 sẽ có cuộc thảo luận về vấn đề tăng cường hội nhập song phương - điện Kremlin cho biết. Sự kiện ngày 14 sẽ là chuyến thăm Nga đầu tiên của nhà lãnh đạo Belarus kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra ở nước này, với nhiều tranh...