“Ngả mũ” trước lão nông trồng lúa trăm vụ trăm trúng
Nhờ cần cù học hỏi kinh nghiệm, chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết trong sản xuất, lão nông Thiều Văn Hải (ấp Trường Thắng, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) thu tiền tỷ mỗi năm từ cây lúa.
Lập nghiệp từ… 1.500m2 đất
Nhìn vào cơ ngơi của gia đình ông Hải hôm nay, ít người biết rằng ông từng lập nghiệp từ 1.500m2 đất cha mẹ cho. Ông Hải nhớ lại, gia đình ông nghèo lắm, cha mẹ ông đều là nông dân, nhà lại đông con. Vì cuộc sống mưu sinh, ông phải phụ cha mẹ lao động vất vả để nuôi đàn em nhỏ.
Lúa giống của ông Hải được đông đảo bà con nông dân đón nhận và doanh nghiệp đặt hàng sản xuất. Ảnh: H.C
Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, năm 2011 và 2012 ông liên tục được UBND tỉnh Hậu Giang tặng bằng khen. 2013 ông vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Và năm 2018 này ông được T.Ư Hội NDVN bình chọn là 1 trong 63 điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc.
Gia đình nghèo, đến tuổi dựng vợ gả chồng nhưng ông cũng không dám mơ đến việc cưới vợ. Hơn 30 tuổi thì có một cô giáo, gần nhà vì thấy ông hiền lành, hiếu thảo và chịu thương, chịu khó nên đã đồng ý về làm vợ ông với vài mâm cơm đạm bạc.
Ngày ra riêng, cha mẹ cho ông 1.500m2đất để hai vợ chồng canh tác. Hàng ngày vợ ông Hải đi dạy học, còn ông tận dụng 1.500m2 đất chia ra làm ruộng một phần, phần còn lại cất ngôi nhà tạm. Ngoài làm ruộng, ông còn tranh thủ mượn hoặc thuê những khoảnh đất trống của bà con để trồng rau màu, lúa. Đến năm 1995, ông tích cóp tiền mua được 5 công đất đầu tiên.
Xác định làm nghề nông muốn thành công phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên từ ngày đầu lập nghiệp đến nay ông luôn bám sát Hội ND ấp, xã để được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các hội thảo về cây lúa, các đợt tham quan… Có kỹ thuật ông mướn thêm đất canh tác, rồi lại tích lũy vốn, vay thêm vốn ngân hàng mua thêm đất. Với cách làm đó, đến nay ông Hải đã có 6,6ha đất ruộng và hơn 1,5ha vườn.
Nói về kinh nghiệm trồng lúa trăm vụ trăm trúng, ông Hải chia sẻ: “Tôi luôn học hỏi chuyển giao khoa học kỹ thuật, trên cánh đồng của tôi luôn áp dụng các kỹ thuật như: Mô hình sinh thái (ruộng trồng lúa, bờ trồng hoa), cấy nấm vi sinh, áp dụng “1 phải, 5 giảm” “3 giảm 3 tăng”… Để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí đầu vào, hạt lúa sạch đủ điều kiện thương lái, bán được giá cao. Từ đó tăng lợi nhuận cao, mới có tích lũy mua thêm ruộng đất”.
Ngoài ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, ông còn nghiên cứu đặc điểm từng giống lúa, thời tiết từng mùa vụ, giá cả thị trường… để mỗi mùa vụ ông trồng đều trúng mùa, lúa chất lượng và giá thành cao.
Ông chia sẻ: “Vụ đông xuân xác định là vụ chính thì trồng các giống lúa chất lượng cao Zasmine, Đài Thơm 8, RVT; vụ xuân hè thì giống 50404, lúa 2018, dễ trồng; vụ thu đông thì giống 5451, chống ngã đổ, hạn chế thất thoát…”.
Video đang HOT
Liên kết sản xuất bền vững
Ngoài sản xuất lúa, ông Hải còn tận dụng vườn trồng cây ăn trái, ao nuôi cá để gia tăng thu nhập. Ảnh: H.C
Thành công về sản xuất lúa hàng hóa nhưng theo ông Hải chia sẻ bí quyết làm giàu là nhờ phần lớn từ sản xuất lúa giống theo hợp đồng bao tiêu với các công ty, chứ không phải riêng lúa hàng hóa.
Ông Hải cho biết: “Sản xuất lúa liên kết với công ty, tôi rất yên tâm đầu ra vì biết trước giá cả. Khi có bao tiêu, nông dân sẽ yên tâm chăm sóc, mạnh dạn đầu tư và mình có thể tính toán rõ được lợi nhuận. Đặc biệt sản xuất lúa giống giá sẽ cao hơn lúa hàng hóa từ 1.000 – 1.500 đồng/kg”.
Ông Hải nhớ lại, ban đầu để giảm chi phí đầu vào ông tự làm lúa giống để phục vụ cho việc sản xuất của mình. Vì theo ông, quê ông thuộc vùng sâu nên việc đi lại mua bán rất khó khăn, việc sản xuất lúa từ lúa giống do chính mình làm ra thì đảm bảo chất lượng hơn mua trôi nổi bên ngoài. Thấy ông làm lúa trúng, bà con xung quanh xin chia lại lúa giống để trồng và ai cũng trúng mùa.
Đến năm 2012 được sự tín nhiệm của bà con, ông thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hải Thành với 20 thành viên. Thành lập HTX, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, ông Hải là người tiên phong liên kết với Công ty TNHH ADC nhằm cung ứng vật tư nông nghiệp cho gia đình và các xã viên. Nhờ vậy nông dân sẽ tiết kiệm được khoảng 400.000 đồng/vụ/công khi mua phân trực tiếp từ công ty thông qua HTX.
Không những làm giàu cho bản thân, ông Hải còn quan tâm tới việc vận động các xã viên, nông dân cùng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo ông Hải, ban đầu khi tuyên truyền bà con giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lượng hạt giống gieo sạ, nhiều người còn rất e ngại, nhưng ông không bỏ cuộc, cứ tiếp tục vận động, dần dần bà con cũng nghe theo.
Về việc sản xuất lúa giảm giá thành, tăng lợi nhuận, ông Hải phấn khởi nói: “Điều đáng mừng nhất là hiện tôi và các xã viên đã giảm lượng hạt giống gieo sạ xuống đáng kể. Nếu trước đây sử dụng khoảng 220kg giống/ha thì nay chỉ sử dụng khoảng 120kg/ha, trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm nữa, đồng thời áp dụng sạ hàng toàn bộ”.
Ngoài sản xuất lúa thương phẩm, ông Hải còn quy hoạch 4ha của HTX, trong đó ông có 3ha để sản xuất lúa giống, nhằm phục vụ nguồn giống chất lượng, giảm được chi phí cho các xã viên và cung ứng lúa giống theo đơn hợp đồng của công ty.
Với 6,6ha đất sản xuất lúa, nhiều năm liền gia đình ông Hải thu về mỗi năm gần 500 triệu đồng (sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng). Ngoài ra, ông Hải còn tăng gia sản xuất bằng cách tận dụng các bờ bao ruộng, diện tích vườn tạp để trồng màu, nuôi gà, vịt, mỗi năm thu thêm khoảng vài chục triệu đồng.
Riêng 3 năm trở lại đây, nhờ ký hợp đồng sản xuất thêm lúa giống cho các công ty và cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cho xã viên mà mỗi năm ông thu nhập gần 2 tỷ đồng (trừ chi phí còn lợi nhuận trên 1 tỷ đồng).
Ông Trần Quốc Trung – Chủ tịch Hội ND huyện Châu Thành A, nhận xét: “Anh Thiều Văn Hải là một tấm gương ND tiêu biểu cho tính cần cù, hăng say lao động. Dù là một ND thuần túy nhưng anh Hải rất chịu khó học hỏi khoa học kỹ thuật, biết liên kết sản xuất tạo sự an toàn, hiệu quả trong làm ăn”.
Theo Danviet
Bi kịch của người trồng lúa: Có nên "xoá sổ" cây lúa ở vùng đất khó?
Hiện nay, ở một số vùng sản xuất lúa không hiệu quả tại ĐBSCL và Đông Nam Bộ, người dân đã mạnh dạn và chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa.
Thu tiền tỷ từ bưởi, dâu tằm
Ông Tăng Tấn Hưng (xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) cho biết, do chi phí đầu tư trồng lúa cao nhưng thu nhập lại bèo bọt nên ông quyết định cải tạo 3.000m trong tổng số trên 4ha đất trồng lúa của gia đình để trồng 400 gốc bưởi da xanh. Đến nay, diện tích vườn bưởi của ông đã tăng lên 1ha. Với 1.400 gốc bưởi xa danh, giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, ông Hưng thu về 1 tỷ đồng/vụ.
Ông Hưng cũng cho biết: "Trồng bưởi tuy vất vả hơn trồng lúa nhưng bù lại giá cả ổn định và có thu nhập cao hơn. Ngoài việc thu lời từ bán trái, gia đình tôi còn có khoản thu nhập không nhỏ nhờ chiết cành bưởi giống bán cho bà con trong vùng".
Người dân huyện Châu Thành (Long An) thu nhập cao từ việc chuyển từ lúa sang cây thanh long. Ảnh: H.X
Nhìn ra cánh đồng vừa thu hoạch xong, bà Lê Thị Tùng (ngụ xã Tân Bình huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) kể, hiện toàn bộ vùng này người dân chỉ làm 2 vụ đông xuân và hè thu rồi nghỉ chứ không làm tiếp vụ 3 (vụ mùa). Nhà bà Tùng trồng 5 sào lúa chỉ cho thu nhập chưa đến 20 triệu đồng, trong khi 1 sào đất còn lại trồng bưởi cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm. "Không những giá trị kinh tế cao, trồng bưởi còn nhàn hơn so với làm lúa nhiều" - bà Tùng nói.
Trong khi đó, ông Trần Văn Cượng ở ấp Hưng Thới 2 (xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, An Giang) đã chuyển đổi 3.000m đất trồng lúa sang trồng dâu tằm. Ông Cượng cho biết: "Loại cây này ít tốn công sức chăm sóc, hiệu quả mang lại cũng khá tốt. Lúc đầu, gia đình tôi cũng nản với cây lúa lắm nhưng không biết chuyển đổi sang cây trồng gì cho hiệu quả. Nhờ Hội Nông dân xã dẫn đi tham quan mô hình trồng dâu tằm ở xã Mỹ Khánh (TP.Long Xuyên), thấy phù hợp nên tôi đã quyết định chọn loại cây này để đổi đời".
Hiện nay, vườn dâu tằm của ông Cượng đã hơn 1 năm tuổi và cho trái. Trung bình mỗi ngày ông Cượng bán trên 45kg trái dâu tằm, với giá 50.000 đồng/kg, bỏ túi 2.250.000 đồng. Ngoài việc bán trái, gia đình ông Cượng còn làm thêm rượu, mứt dâu tằm để bán.
Tại tỉnh Kiên Giang, việc chuyển đổi cây lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác cũng đã được thực hiện từ nhiều năm. Theo đó, UBND tỉnh này đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản trên đất trồng lúa kém hiệu quả.
Mô hình trồng màu thay thế cây lúa kém hiệu quả của HTX trồng màu Thịnh Phát (xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng) là một điển hình. Mô hình này đã giúp 28 hộ thành viên vươn lên khá giả.
Theo anh Trương Văn Sinh - thành viên HTX trồng màu Thịnh Phát: "Tham gia HTX, tôi được hướng dẫn kỹ thuật trồng màu theo hướng an toàn, sản phẩm lại được tiêu thụ ổn định với giá từ bằng đến cao hơn giá thị trường tới 20%. Với 2,5 công màu, tôi lãi 10-15 triệu đồng/vụ. Trên bờ liếp tôi trồng đu đủ, đậu đũa, thả thêm bầy vịt đẻ để có thêm thu nhập".
Nếu giữ lúa phải hạ bằng được giá thành
Mặc dù theo tính toán của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu của vùng ĐBSCL tăng nhưng ở một số nơi, người dân vẫn thực hiện tốt việc hạ giá thành sản xuất. Đơn cử như ở huyện Đức Huệ (Long An) và xã Mỹ Hòa, xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), giá thành sản xuất lúa chỉ từ 2.000-2.200 đồng/kg nhờ trồng theo quy trình VietGAP.
Theo mô hình này, người dân bón phân vừa phải, sạ giống ít, bón lót, xử lý đất ở khâu ban đầu tốt nên ít sâu bệnh, nông dân không cần phun thuốc hay bón phân nhiều lần. Với giá bán hiện nay, người dân thu lời rất cao, hơn nữa còn góp phần giúp giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế phát khí thải nhà kính.
Ông Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, do nhiều nguyên nhân, sản xuất lúa ngày càng khó khăn, đặc biệt đối với những hộ dân có diện tích nhỏ. Vì vậy, với những vùng trồng lúa cho hiệu quả thấp thì cần chuyển sang cây trồng khác.
Những diện tích giữ lại thì phải nâng cao hiệu quả bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc hạ giá thành sản xuất kết hợp với việc áp dụng giống lúa chất lượng cao, kháng sâu bệnh.
GS-TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia về cây lúa ở ĐBSCL nhận định, giá thành sản xuất lúa mà Bộ Tài chính công bố là lấy số liệu từ nhiều nơi, trong đó có số liệu lấy từ những nông dân sản xuất theo cách truyền thống. Căn cứ vào số liệu này, ngành chức năng sau đó sẽ xác định giá thu mua sao cho người dân lời 30%. Nhưng với cách tính này, người dân trồng lúa theo cách truyền thống sẽ không có lời, còn làm theo quy trình VietGAP thì vẫn đảm bảo lợi nhuận.
Trong khi đó, theo Sở NNPTNT tỉnh An Giang, trong 4 năm (2017 - 2020), tỉnh này sẽ có khoảng 46.000ha (chiếm 20%) đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh chuyển sang trồng cây ăn trái và rau màu. Tương tự, tại tỉnh Trà Vinh - vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn mặn, theo kế hoạch năm 2018 địa phương này sẽ chuyển đổi hàng nghìn ha lúa sang trồng cây cây trồng khác, đặc biệt chú trọng vào cây ăn trái. Trước đó, nhiều nông dân trong tỉnh chuyển đổi sang trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 3,8 - 7,6 lần.
Theo Danviet
Bi kịch của người trồng lúa: Càng làm... càng nghèo LTS: Việt Nam đang duy trì diện tích sản xuất lúa khoảng 3,8-3,9 triệu ha với diện tích canh tác hàng năm là 7,2-7,3 triệu ha, đạt sản lượng tới 45 triệu tấn thóc (lúa), mỗi năm xuất khẩu khoảng 6-8 triệu tấn gạo - là một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, có một bức tranh...