Nga mang “sứ thần hạt nhân” khiêu khích Mỹ
Bốn chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu95H của Nga mang vũ khí hạt nhân bay sát đảo Guamtrung tâm của chiến lược “tác chiến không, biển” của Mỹ
Ngoại giao hạt nhân
Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ dường như đã đạt đến đỉnh điểm của căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine. Dường như những gì Nga đạt được ở Ukraine đã khiến Mỹ không giữ được bình tĩnh.
Người Mỹ đã dàn dựng ra một vở kịch cách mạng màu sắc ở Ukraine, hạ bệ Tổng thống Yanukovych thân Nga, lập nên một chính quyền Ukraine thân phương Tây. Với chính phủ này, Washington hi vọng từng bước đưa Ukraine gia nhập EU và trở thành một thành viên của liên minh châu Âu.
Với Mỹ, Ukraine sẽ là một quân bài mang tính chủ lực trong công cuộc gỡ bỏ tàn dư Liên Xô cũng như làm tỉnh mộng giấc mơ phục hưng nước Nga của Tổng thống Putin. Bởi khi Ukraine bước vào NATO, liên minh này sẽ có thể đưa vũ khí chiến lược của mình đến sát cửa ngõ Moscow, tạo ra một sự răn đe quân sự đầy tính chiến lược.
Con đường ra biển của Nga ở phía Nam cũng bị chặn lại khi căn cứ của hạm đội Biển Đen ở Crimea bị tước đoạt. Tuy nhiên, Nga nhanh chóng nẫng tay trên của Mỹ viên ngọc quý Crimea đó và bỏ vào túi mình. Còn bản thân Ukraine cũng gần như chia đôi với lực lượng ly khai hùng mạnh.
F-22 của Mỹ cất cánh áp sát Tu-95H của Nga ở gần đảo Guam
Video đang HOT
Các nỗ lực chiến tranh tổng lực được phát đi từ chính phủ do Mỹ dựng lên không khuất phục được những khu vực ly khai đó, khiến cục diện kéo dài một cách dai dẳng. Điều này khiến Mỹ không hài lòng, cách chơi áp đặt của họ bị qua mặt hết lần này đến lần khác.
Thậm chí, Tổng thống Putin còn mạo muội tuyên bố Ukraine là dấu chấm hết cho thế giới đơn cực của Mỹ. Nước Nga đang quá ngông cuồng, đó là lý do vì sao Mỹ vội vàng đốc thúc các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU – đối tác chính của nền kinh tế Nga.
Những căng thẳng ở Ukraine đã đẩy mối quan hệ Nga – Mỹ xấu chưa từng có. Họ ngoại giao với nhau bằng những ngôn từ tệ hại, trừng phạt kinh tế, ăn miếng trả miếng… Và gần nhất, Tổng thống Nga bị cô lập ở G20 đã cho thấy vị thế của Mỹ trong cộng đồng các nước phát triển vẫn còn đầy uy lực.
Tuy nhiên, Nga cũng chẳng vừa khi họ tiếp tục “trêu ngươi” nước Mỹ. Ngày 14/11/2014, Nga bắt đầu sử dụng một hình thức ngoại giao đầy mạo hiểm. 4 chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-95H của Nga mang theo vũ khí hạt nhân và tên lửa hành trình tầm xa đã bay sát khu vực đảo Guam.
Phải nói rằng cảm giác của Washington khi đó sẽ khó tả. Họ vừa giận dữ vì hành động mạo hiểm ấy, nhưng cũng sẽ lo lắng hơn nữa khi không biết Nga đang chơi trò gì với thứ vũ khí mà họ mang theo. Và đối tượng được nhắm tới lại là đảo Guam – trung tâm của chiến lược tác chiến trên không, trên biển của Mỹ. Cũng là trung tâm trong chiến lược các chuỗi đảo cô lập Trung Quốc, kiếm soát Thái Bình Dương của quốc gia này.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga
Đây cũng không phải đầu tiên Nga cử sứ giả là Tu-95. Loại máy bay này đã xuất hiện vào ngày 12/2/2013, cũng sát đảo Guam, khiến chiến đấu cơ F-15 của Mỹ đã phải cất cánh trực tiếp. Và phi công Mỹ đã để ngón tay lên nút bấm khai hỏa tên lửa. Đầu tháng 8/2014, Nga lập lại điều này lần nữa. Nhưng với vũ khí hạt nhân, tình hình đã thực sự căng thẳng.
Lời thách đấu của nước Nga?
Lầu Năm Góc đánh giá về những chiếc Tu-95 này của Nga bằng những câu trả lời chung chung của tướng Martin Dempsey: “Có lẽ họ muốn thăm dò năng lực phản ứng phòng không của chúng ta. Và họ đã có những câu trả lời đích đáng.”
Khó có thể hiểu quan điểm của Mỹ như thế nào qua câu trả lời như vậy. Nhưng có một điều cần nhìn nhận, nếu muốn thử thái độ của Mỹ, Nga không thiếu những chiến đấu cơ có thể bay tới đảo Guam, đặc biệt là các tiêm kích hiện đại của nước này.
Tuy nhiên, sứ thần là Tu-95, dòng máy bay được liệt vào danh sách vũ khí răn đe hạt nhân. Nếu Mỹ có “bộ ba nguyên tử” gồm tàu ngầm hạt nhân, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, máy bay B-52; B2 thì Nga cũng trình làng “bộ ba răn đe” gồm máy bay ném bom chiến lược Tu-95, tên lửa liên lục địa di động, tên lửa hành trình.
Tu-95 là lời thách đấu đáng chú ý nhất. Moscow cho thấy họ tự tin đối đầu với Mỹ, về tất cả mọi lĩnh vực. Và không riêng Mỹ, lời thách đấu ấy cũng được gửi tới những đồng minh phương Tây, cụ thể là NATO, trên mọi mặt trận.
Tháng 10/2014, Nga điều động 4 tốp máy bay gồm Tu-95H, máy bay chiến đấu, máy bay tiếp dầu tuần tra suốt 24h ở biển Đen, biển Baltic, và nhiều khu vực khác ở Đại Tây Dương. NATO đã phải điều chiến đấu cơ theo sát tốp máy bay này.
Bộ Quốc phòng Litva báo cáo có hơn 180 vụ máy bay Nga bay sát không phận Litva. Estonia báo cáo Nga vi phạm không phận nước này 6 lần, còn Lithuania thừa nhận máy bay Nga áp sát không phận nước này tăng đáng kể. Phần Lan bị 3 lần xâm phạm, Thụy Điển 10 lần trong năm 2014.
Tàu khu trục đối ngầm Severomorsk của Nga xuất hiện ở gần các căn cứ của NATO hôm 20-11
NATO tổng hợp họ đã phải phái máy bay cất cánh khẩn cấp trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu những 400 lần vì máy bay Nga áp sát không phận các nước thành viên.
Còn trên biển, gần đây nhất, hôm 20/11, 4 tàu chiến của Nga gồm tàu khu trục Severomorsk, tàu vận tải Dubna, tàu cứu hộ SB-406, tàu đổ bộ cỡ lớn Alexander Otrakovski đã xuất hiện ở vùng biển quốc tế Đông Bắc Đại Tây Dương, sát với một số căn cứ hải quân của NATO.
Nga đang muốn chứng tỏ rằng họ tự tin đối đầu với không chỉ Mỹ mà cả liên minh NATO hùng mạnh nhất thế giới. Việc các hoạt động điều động không quân, hải quân liên tục, nhiều vị trí, phạm vi cho thấy quân đội Nga có khả năng tác chiến linh hoạt.
Tất nhiên Moscow đều có lý giải hợp lý, hợp pháp cho các trường hợp này. Nhưng điều mà họ không cần nói, đối phương cũng có thể hiểu rằng Moscow đang muốn thị uy.
Mỹ và đồng minh đang tạo thành một liên minh quân sự thực sự hùng mạnh. Nhưng cơ hội để xảy ra chiến tranh giữa nước lớn và nước lớn là rất hiếm hoi. Nhưng những gì Nga đang làm cho thấy Moscow đang quá phiêu lưu.
Vũ khí nguyên tử của Mỹ hay Nga mạnh hơn?
Đỗ Minh Tú
Theo_Báo Đất Việt