Nga lo Trung Đông “đại loạn” sau quyết định bỏ rơi người Kurd của Mỹ
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo nguy cơ hỗn loạn bùng phát khắp Trung Đông sau khi Mỹ phát đi những tín hiệu lẫn lộn về việc rút quân khỏi miền Bắc Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 9-10 cho biết dân quân người Kurd đang tỏ ra “cực kỳ hoảng sợ” trước những tuyên bố của Mỹ về khả năng rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria, đồng thời cảnh báo tình trạng hỗn loạn có thể bùng phát ở khu vực.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: TASS
Theo Ngoại trưởng Nga, các hoạt động của Mỹ ở Syria thiếu nhất quán và cho thấy rõ ràng Washington không đạt được bất cứ thỏa thuận cụ thể nào với các lực lượng liên quan khi rút quân. “Đó là một trò chơi nguy hiểm”, ông Lavrov cảnh báo.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 6-10 bất ngờ thông báo rút toàn bộ lực lượng khỏi miền Bắc Syria, động thái được cho là đã”bật đèn xanh” để Thổ Nhĩ Kỳ khởi động chiến dịch tấn công dân quân người Kurd, lực lượng sát cánh bên Mỹ trong cuộc chiến chống IS nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Nhóm dân quân người Kurd ở Syria sau đó đã chỉ trích bước đi của ông Trump là hành động “đâm sau lưng”. Ngày 9-10, sau tin Thổ Nhĩ Kỳ đã điều lực lượng qua biên giới Syria, chính quyền người Kurd ở Bắc Syria kêu gọi toàn bộ người dân cùng sát cánh bên nhau chống lại Ankara.
Video đang HOT
“Chúng tôi tuyên bố ba ngày tổng động viên ở miền Bắc và Đông Syria”,chính quyền người Kurd ở Đông Bắc Syria ra thông cáo, đồng thời thúc giục toàn bộ người dân phải “hướng đến khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện nghĩa vụ của họ”.
Trước đó, dân quân người Kurd đánh tiếng muốn đối thoại với Chính phủ Syria và Nga nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị, đồng thời hi vọng Moscow và Damascus có thể giúp họ chống đỡ đòn tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad đã hoan nghênh người Kurd trở lại bàn đàm phán chính trị. Báo al-Watan dẫn phát biểu của ông Mekdad nêu rõ: “Chúng tôi sẽ bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của Syria và chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ sự xâm chiếm nào”.
Về phía Nga, trước khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tấn công người Kurd ở Bắc Syria, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov kêu gọi Ankara tôn trọng “sự toàn vẹn lãnh thổ và toàn vẹn chính trị của Syria” cũng như các thỏa thuận mà hai bên đã thông qua.
Tuy nhiên, ông Peskov nhấn mạnh Moscow hiểu rằng các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm đảm bảo an ninh của nước này, trong đó có chiến đấu chống các phần tử khủng bố đang ẩn náu tại Syria, đồng thời kêu gọi các lực lượng ở Syria tránh những hành động có thể cản trở giải pháp chính trị cho tương lai.
Thiện Nhân
Theo cand.com.vn
Thế giới phản ứng với chiến dịch tấn công Syria của Thổ Nhĩ Kỳ
Truyền hình quốc gia Syria cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công nhằm vào khu vực Tal Tawil nằm dưới quyền kiểm soát của SDF ở Đông Bắc Syria.
Ngày 8/10, truyền hình Quốc gia Syria đưa tin, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo đã bắt đầu vào đêm qua tại khu vực Đông Bắc nước này. Nhiều tổ chức và các quốc gia trên thế giới đã có phản ứng đối với chiến dịch quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ.
Truyền hình Syria đưa tin, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào SDF do người Kurd lãnh đạo đã bắt đầu vào 7/10. Ảnh minh họa: Foreign Policy
Kênh truyền hình quốc gia Syria cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công nhằm vào khu vực Tal Tawil nằm dưới quyền kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria ở Đông Bắc Syria, đồng thời gọi chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ là một "hành động xâm lược".
Phản ứng trước chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, Liên hợp quốc thông báo, tổ chức này đang "chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất" tại miền Đông Bắc Syria. Phát biểu tại Geneva (Thụy Sỹ), điều phối viên nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Syria, ông Panos Moumtzis nhấn mạnh, "rất nhiều câu hỏi chưa có lời đáp" về các hệ lụy của chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria.
"Một cuộc xung đột đã diễn ra quá lâu tại Syria và do đó, bất kỳ hoạt động quân sự nào diễn ra vào lúc này đều phải tính đến việc phải đảm bảo rằng sẽ không gây ra bất kỳ cuộc di tản quy mô lớn nào. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra, chúng tôi đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất bởi vì từ kinh nghiệm trong quá khứ, các cuộc tấn công có thể dẫn đến các cuộc di tản mới. Chúng ta cần phải sẵn sàng cho tình huống này", ông Moumtzis nói.
Liên minh châu Âu cũng cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ hoạt động nào của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền bắc Syria, sau khi Mỹ là rút quân ra khỏi khu vực.
Bà Kocijancic, người phát ngôn của Liên minh châu Âu nói: "Liên minh châu Âu ngay từ đầu đã nói rằng, giải quyết xung đột tại Syria sẽ không thể đạt được thông qua các biện pháp quân sự mà đòi hỏi phải có sự chuyển đổi chính trị thực sự, phù hợp với nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Hiệp định Geneva 2012. Các cuộc tấn công quân sự tại Đông Bắc Syria sẽ không chỉ làm trầm trọng thêm sự đau khổ cho người dân và gây ra sự di tản quy mô lớn mà còn có nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng những nỗ lực chính trị hiện tại"
Phản ứng về chiến dịch này của Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết, Nga biết cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và chính trị của Syria là nhằm tìm kiếm giải pháp cho Syria và các vấn đề khác. Tuy nhiên, Nga hy vọng, chiến dịch chống khủng bố mà Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch tiến hành ở miền Bắc Syria sẽ không gây phương hại tới sự toàn vẹn lãnh thổ và chính trị ở quốc gia Trung Đông này.
Cũng như Nga, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, bà Ulrike Demmer cho biết, Đức nhận thức được "tình hình chính sách an ninh đặc biệt" mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt ở khu vực biên giới nước này. Tuy nhiên, bà bày tỏ quan ngại trước kế hoạch triển khai chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ khi cho rằng, sự can thiệp như vậy có thể gây thêm bất ổn cho Syria.
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Donald Trump không công nhận chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Các lực lượng vũ trang của Mỹ sẽ không hỗ trợ hoặc không dính líu tới bất cứ chiến dịch nào như vậy.
Cũng liên quan đến cuộc tấn công này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày đe dọa: "Như tôi đã tuyên bố mạnh mẽ trước đây và chỉ nhắc lại rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm bất cứ điều gì mà tôi cho là vượt ra ngoài các giới hạn, tôi sẽ phá hủy và triệt tiêu hoàn toàn nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ".
Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ không ủng hộ cuộc tấn công đã được lên kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực Đông Bắc Syria bởi động thái này sẽ không làm cho khu vực trở nên an toàn hơn trước những mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự trên không và trên bộ ở phía Đông sông Euphrates tại Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ chưa thành lập được "vùng an toàn" như kế hoạch./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV1
tổng hợp
Người Kurd ở Syria bị Mỹ bỏ rơi sau cuộc chiến với IS Từng sát cánh cùng Mỹ trong nỗ lực đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS), người Kurd cảm thấy bị phản bội khi Tổng thống Trump tuyên bố rút quân, khiến họ rơi vào tình trạng khó khăn. Trong 5 năm qua, người Kurd ở Syria đã sát cánh cùng Mỹ trong nỗ lực đánh bại Nhà nước Hồi giáo, trong quá trình...