Nga liên tiếp tung đòn choáng váng
Nga có kế hoạch xây tới 8 nhà máy hạt nhân cho Iran, Nga cân nhắc hủy bỏ một hợp đồng trị giá 3,4 tỉ USD với Canada, Nga nhăm nhe đáp trả vụ danh sách Magnitsky của Mỹ… Đây được xem là những “đòn trả đũa” liên tiếp mà Moscow sắp sửa tung ra nhằm vào phương Tây. Điều này có thể sẽ khiến các cường quốc đang đối đầu với Nga choáng váng.
Nga đang trả đũa phương Tây bằng việc tăng cường hợp tác hạt nhân với Iran
Nga có kế hoạch xây dựng 8 nhà máy hạt nhân cho Iran
Nga có kế hoạch ký một hợp đồng xây thêm hai lò phản ứng hạt nhân cho Iran trong năm nay tại nhà máy Bushehr. Đây là một phần của thỏa thuận lớn hơn trong đó Nga sẽ xây cho Iran tới 8 lò phản ứng hạt nhân, một nguồn tin nắm rõ các cuộc đàm phán giữa Moscow và Tehran hôm qua (22/5) đã tiết lộ như vậy.
“Nga và Iran có thể sẽ ký một thỏa thuận liên chính phủ trong năm nay về việc xây dựng từ 4 đến 8 lò phản ứng hạt nhân. Theo hợp đồng đó, Nga sẽ xây dựng hai lò phản ứng đầu tiên thêm cho Bushehr”, nguồn tin giấu tên trên tiết lộ. 6 lò phản ứng còn lại sẽ được xây dựng ở các địa điểm khác. Hiện tại, quá trình đàm phán đã bước sang giai đoạn cuối cùng.
Trước đó, tập đoàn hạt nhân quốc gia Nga Rosatom cũng từng cho biết, họ đang đàm phán với Iran về khả năng xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Không rõ hợp đồng trên có thể tác động như thế nào tới các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc hàng đầu thế giới (P5 1) nhằm giải quyết những mâu thuẫn trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo. Iran bác bỏ mọi lời yêu cầu của các cường quốc về việc giảm năng lực làm giàu uranium đồng thời tuyên bố họ có kế hoạch xây dựng một mạng lưới nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.
Các cường quốc phương Tây muốn ký được một thỏa thuận lâu dài với Iran nhằm xóa bỏ mọi nghi ngờ rằng Tehran có thể đang theo đuổi tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân thông qua hoạt động làm giàu uranium. Tuy nhiên, Iran đã bác bỏ lo ngại trên.
Cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5 1 vừa kết thúc hồi tuần trước với kết quả không mấy khả quan. Có ít tiến bộ đạt được trong vòng đàm phán lần này và các nước dự kiến khởi động vòng đàm phán mới vào tháng 6 ở Vienna.
Video đang HOT
Nga – một trong 6 cường quốc hạt nhân, đã giúp Iran xây dựng lò phản ứng hạt nhân duy nhất đang hoạt động ở Bushehr.
Phương Tây từ lâu đã lo ngại rằng, dự án nhà máy hạt nhân Bushehr có thể giúp Iran tiến nhanh hơn trong quá trình tìm kiếm việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tuần tuyên bố, hợp tác Nga-Iran sẽ tiếp tục bất chấp những bất ổn, biến động và sức ép quốc tế xung quanh Tehran. Theo lời ông Putin, Nga và Iran không chỉ là nước láng giềng mà còn là đối tác tin cậy lâu dài của nhau.
Việc Nga tăng cường hợp tác hạt nhân với Iran được xem là một đòn choáng váng với phương Tây bởi các cường quốc này đang nỗ lực tìm mọi cách để phá bỏ chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. Không rõ việc Moscow định ký hợp đồng xây dựng 8 lò phản ứng hạt nhân cho Iran có phải là đòn trả đũa cho những gì Mỹ và phương Tây đang làm với Nga trong vấn đề Ukraine hay không. Nếu đúng, đây quả là đòn trả đũa gây choáng váng.
Nga thề trả đũa Mỹ về danh sách Magnitsky
Nga hôm 21/5 đã lên án việc Mỹ mở rộng cái gọi là danh sách Magnitsky đồng thời tuyên bố sẽ trả đũa Mỹ về việc này.
“Chúng tôi sẽ không để Mỹ trừng phạt mình mà không có hành động đáp trả”, đặc phái viên về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Nga – ông Konstantin Dolgov đã nói như vậy trong một tuyên bố.
Theo ông Dolgov, Moscow sẽ áp dụng những giới hạn nhất định đối với các công dân Mỹ theo nguyên tắc đáp trả tương thích và công bằng. Vị quan chức Nga cho biết thêm, Nga sẽ trừng phạt những quan chức Mỹ vi phạm nhân quyền, trong đó có cả những hành động phạm tội đối với công dân Nga, nhưng chưa bị giới chức năng ở Mỹ trừng phạt.
Ông Dolgov đã chỉ ra nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền ở Mỹ, trong đó có nhà tù Guantanamo.
Trước đó, hôm 20/5, Washington đã thêm vào danh sách Magnitsky 12 quan chức Nga. Theo đó, những quan chức này sẽ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt về visa và tài chính theo Dự luật Magnitsky.
Dự luật Magnitsky được Tổng thống Barack Obama ký hồi cuối năm 2012. Dự luật Magnisky được đặt theo tên của luật sư Sergei Magnitsky – người đã chết trong nhà tù ở Moscow cách đây 4 năm. Dự luật Magnitsky nhằm vào các quan chức Nga bị cho là có dính líu đến cái chết của luật sư Magnitsky. Các quan chức này bị cấm không được xin visa vào Mỹ và bị phong tỏa tài sản ở Mỹ nếu có.
Luật sư Magnitsky bị bắt vì những cáo buộc gian lận thuế sau khi tố cáo một nhóm quan chức Nga biển thủ 230 triệu USD tiền công quỹ. Ông này chết sau 11 tháng giam giữ trước khi xét xử. Cái chết của luật sư Magnitsky là do các vấn đề sức khỏe nhưng hội đồng nhân quyền của điện Kremlin năm 2011 cho biết, ông này đã bị tra tấn vài giờ trước khi chết. Những người ủng hộ luật sư Magnitsky cho rằng, vụ án chống lại ông này đã bị dựng lên để trả thù việc ông phanh phui về số tiền 230 triệu USD bị biển thủ.
Việc Mỹ thông qua Dự luật Magnitsky đã từng gây ra một cơn sóng gió khá lớn trong quan hệ Nga-Mỹ hồi cuối năm 2012. Khi tình hình vừa dịu đi thì Washington hồi tháng 4 năm ngoái lại bất ngờ công bố danh sách 18 quan chức Nga bị cấm xin visa vào Mỹ và có thể bị phong tỏa tài sản ở Mỹ nếu có.
Nga đe dọa hủy hợp đồng 3,4 tỉ USD với Canada
Trong một diễn biến khác, Moscow hôm qua cho biết, nước này đang cân nhắc khả năng hủy bỏ hợp đồng trị giá 3,4 tỉ USD với tập đoàn Bombardier của Canada về việc chế tạo những chiếc máy bay Q400 và xây dựng một nhà máy lắp ráp ở Nga.
Trước đó, hồi tháng 3, người đứng đầu chi nhánh hàng không của tập đoàn Bombardier – ông Guy Hachey đã ám chỉ rằng, hợp đồng mà họ ký được với công ty Rostec của Nga hồi tháng 8 năm ngoái đang bị đe dọa do việc Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Ngày hôm qua, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở Saint Petersburg, Bộ trưởng Công nghiệp Denis Matourov của Nga cho biết: “Liên quan đến hợp đồng Bombardier Q400, không liên quan đến vấn đề chính trị, đang có câu hỏi về việc liệu có nên tiếp tục hay chấm dứt dự án. Chúng tôi đang xem xét lại vấn đề giá cả với Rostec bởi giá cả mà phía Canada đưa ra dường như cao”, ông Matourov nói.
Phương Tây đang áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và đang đe dọa tung ra thêm các biện pháp trừng phạt nữa vì vấn đề Ukraine. Moscow đã nhiều lần tuyên bố họ sẽ đáp trả.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Lo ngại Trung Quốc, Nhật Bản định thiết lập vành đai phòng thủ trên biển Hoa Đông
Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch mở một chuỗi căn cứ lục quân tại các đảo nằm trên vùng biển Hoa Đông, đồng thời thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh trong trường hợp có đảo xa bị tấn công, nhật báo Yomiuri vừa tiết lộ.
Cụ thể, lục quân của Cục phòng vệ Nhật Bản (GSDF) sẽ mở căn cứ trên các đảo Amami Oshima, Miyakojima và Ishigakijima, đều thuộc quần đảo Ryukyu (còn gọi là Nansei).
Các đảo Ishigakijima và Miyakojima chỉ cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc lần lượt là 170km và 210km, được Bộ Quốc phòng Nhật Bản xem là "nhóm đảo cốt lõi" của Ryukyu.
Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản sẽ cho ra mắt một lực lượng đặc biệt vào năm 2018, chuyên trách phản ứng nhanh trong trường hợp đảo xa bị tấn công hoặc xảy ra thiên tai.
Trong trường hợp xảy ra tấn công, lực lượng này sẽ đổ bộ lên đảo trước kẻ địch, thu thập các thông tin liên quan và chuẩn bị cho việc triển khai binh lực.
Nhật Bản chỉ có mỗi căn cứ lục quân trên đảo Okinawa và một lực lượng không quân hạn chế trên vùng biển suốt từ đảo Amami Oshima đến đảo Yonagunijima, điểm cực tây của tỉnh Okinawa. Chính phủ Tokyo xem đây là "khoảng trắng" đáng lo ngại trong tuyến phòng thủ của nước này, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường mạnh mẽ sức mạnh quân sự.
Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch 5 năm nhằm vá "lỗ hổng" nói trên. Theo đó, Nhật Bản sẽ tổ chức thường xuyên các cuộc diễn tập đổ bộ nhanh, đồng thời tăng cường năng lực tác chiến trên các đảo xa.
Tokyo cũng dự định tăng gấp đôi con số 20 máy bay chiến đấu F-15 đang được triển khai tại căn cứ Naha từ đây đến cuối năm 2015 và triển khai thêm lực lượng giám sát biển 150 người trên đảo Yonagunijima.
Việc tăng cường phòng thủ cho quần đảo Ryukyu còn nhằm đối phó với các hành động "khiêu khích" ngày càng tăng của Trung Quốc trên vùng đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Yomiuri dẫn lời một quan chức quốc phòng Nhật Bản.
Các tàu Trung Quốc đã liên tục xâm nhập và đối đầu với lực lượng tuần duyên Nhật Bản tại vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư, kể từ khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hoá quần đảo này hồi năm 2012.
Theo Một thế giới
Iran tự chế tạo tàu ngầm hiện đại mới Iran dự kiến sẽ hoàn tất việc chế tạo một chiếc tàu ngầm mới cho hạm đội Caspian vào trước quý 2 năm sau, hãng tin News AZ của Iran hôm qua (19/5) đưa tin. Theo hãng thông tấn trên, chiếc tàu ngầm dài 50 mét này được chế tạo cùng sự hợp tác với một công ty của Trung Quốc tại xưởng...